I. Khái niệm hợp đồng dịch vụ
1. Khái niệm
Căn cứ theo quy định tại Điều 513 Bộ Luật Dân Sự 2015, hợp đồng dịch vụ được hiểu là:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
2. Bản chất của hợp đồng dịch vụ
Bản chất của hợp đồng dịch vụ chính là một giao dịch dân sự, các bên tham gia giao kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng theo luật định. Mối quan hệ pháp luật về hợp đồng được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết.
Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên được quyền tự định đoạt tất cả các vấn đề liên quan đến hình thức, nội dung, thậm chí là cả phương thức giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên hàng đầu luôn là thương lượng và hòa giải giữa các bên. Tòa án chỉ có quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng khi các bên có yêu cầu và chỉ được giải quyết trong phạm vi yêu cầu.
3. Chủ thể của hợp đồng dịch vụ
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ gồm: “Bên sử dụng dịch vụ” và “Bên cung ứng dịch vụ”.
Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng cá nhân, pháp nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật dân sự phù hợp.
4. Về hình thức hợp đồng dịch vụ:
Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Từ đó, có thể thấy hợp đồng dịch vụ rất đa dạng, tùy theo đối tượng của hợp đồng dịch vụ là gì mà lựa chọn một hình thức phù hợp. Đây là loại hợp đồng không trọng hình thức.
- Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ: Cả bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ đều có quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
- Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng ưng thuận: Có hiệu lực ngay từ thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản chủ yếu của hợp đồng.
- Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng đền bù: Khi bên thực hiện nghĩa vụ thực hiện không đúng hợp đồng thì bên có quyền có quyền yêu cầu bên thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
5. Về đối tượng của hợp đồng dịch vụ:
- Theo Điều 514 BLDS 2015: Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Theo BLDS hiện hành đối tượng chính của hợp đồng dịch vụ là công việc, không phải là tài sản, cho dù công việc đó có thể xoay quanh một tài sản nào đó. Chẳng hạn như chúng ta thuê Luật sư của LVN Group để Luật sư của LVN Group bảo hộ chúng ta xoay quanh về vấn đề tranh chấp sử dụng đất thì rõ ràng đây là hợp đồng liên quan đến tài sản nhưng đối tượng chính của hợp đồng là công việc của Luật sư của LVN Group. Công việc này có thể có đền bù. BLDS theo hướng bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ.
+ Người thực hiện công việc tương đối độc lập
+ Đối tượng của hợp đồng dịch vụ trong thương mại là dịch vụ có phạm vi hẹp hơn đối tượng là công việc của hợp đồng dịch vụ trong dân sự. Dịch vụ đơn thuần là mọi hành vi của chủ thể này thực hiện công việc mang lại hiệu quả có lợi cho chủ thể khác. Dịch vụ là đối tượng của hợp đồng dịch vụ trong thương mại còn phải được thực hiện vì mục đích sinh lời. Nhưng như vậy thì phạm vi của hợp đồng dịch vụ sẽ bao gồm cả những hợp đồng khác như hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển,… nhưng không được trái pháp luật và đạo đức.
6. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ
Có thể coi hợp đồng dịch vụ là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Thông thường, bên thuê dịch vụ là người hưởng lợi khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người thứ ba là người được hưởng lợi từ việc bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc.
- Hợp đồng dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ đơn giản, có thể là dịch vụ phức tạp.
+ Trong hợp đồng dịch vụ giản đơn thì chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ.
+ Trong hợp đồng dịch vụ phức tạp sẽ có hai quan hệ: quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ (gọi là quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người làm dịch vụ và người thứ ba (gọi là quan hệ bên ngoài)
Trong quan hệ bên trong, các bên phải thỏa thuận cụ thể về nội dung làm dịch vụ theo đó bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của bên thuê dịch vụ.
Trong quan hệ bên ngoài, bên cung ứng dịch vụ phải nhân danh mình để tham gia các giao dịch dân sự, mà không được nhân danh bên thuê dịch vụ để giao dịch với người thứ ba. Bên cung ứng dịch vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người thứ ba, nếu pháp luật không quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác.
7. So sánh hợp đồng dịch vụ với hợp đồng lao động theo BLDS2015
Đặc tính của hợp đồng dịch vụ là người thực hiện công việc tương đối độc lập. Họ thực hiện một công việc và công việc đó tương đối độc lập chính vì vậy, đây là điểm khác biệt so với hợp đồng lao động.
Trong hợp đồng lao động đối tượng của hợp đồng lao động là thực hiện một công việc nào đó nhưng người lao động khi triển khai công việc thì tính độc lập không hề cao, theo sự áp đặt, theo sự chỉ dẫn của người sử dụng lao động. Còn trong hợp đồng dịch vụ, tính độc lập là tương đối cao (không thể nói là hoàn toàn độc lập).
II. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
1. Quyền của bên cung ứng dịch vụ
Căn cứ theo quy định tại Điều 518. Bộ Luật Dân sự 2015, bên cung ứng dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ có các quyền sau
1. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện;
2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ;
3. Yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Vì đây là loại hợp đồng song vụ nên nghĩa vụ của khách hàng chính là quyền của bên cung ứng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện cung ứng dịch vụ; có quyền yêu cầu khách hàng trả tiền dịch vụ.
Ngoài ra bên cung ứng dịch vụ được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của khách hàng mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của khách hàng, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng bên cung ứng dịch vụ phải báo ngay cho khách hàng biết. Đây là trường hợp đặc biệt mà pháp luật cho phép bên cung ứng dịch vụ được thay đổi điều kiện dịch vụ. Trường hợp này phải bảo đảm có đủ hai yếu tố:
+ Việc thay đổi điều kiện dịch vụ phải xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích của khách hàng.
+ Việc thay đổi điều kiện dịch vụ này có tính cấp thiết nếu không thay đổi kịp thời mà phải chờ ý kiến của khách hàng thì sẽ gây thiệt hại cho khách hàng.
2. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ.
Điều 517 BLDS 2015:
1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác; (Đây là nghĩa vụ cơ bản nhất và quan trọng nhất của bên cung ứng dịch vụ, ngoài ra, tùy theo tính chất và yêu cầu cụ thể của từng loại công việc như cung ứng dịch vụ theo kết quả công việc, cung ứng dịch vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất,… nếu các bên còn có các thỏa thuận khác liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thì khách hàng có quyền hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.)
2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ; (Là một quy định có tính đặc thù, trên thực tế có nhiều hợp đồng dịch vụ mà trong đó, khách hàng chỉ muốn thuê chính cá nhân một người nào đó thực hiện công việc cho mình mà không muốn người làm dịch vụ giao lại công việc đó cho người khác làm thay. Ví dụ hợp đồng gia sư, hợp đồng khám chữa bệnh… Do đó bên cung ứng dịch vụ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc, không được giao cho người khác thực hiện thay nếu không có sự đồng ý của khách hàng. Nếu vi phạm nghĩa vụ này, khách hàng có quyền hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.)
3. Bảo quản và phải giao lại cho bên thuê dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc; (Nếu khách hàng đã giao cho bên cung ứng dịch vụ các giấy tờ, tài liệu hoặc các phương tiện, thiết bị cần thiết cho việc thực hiện công việc thì sau khi hoàn thành công việc nếu các bên không có thỏa thuận khác thì bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ các tài liệu và phương tiện đó cho khách hàng. Nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu hoặc phương tiện thì bên cung ứng dịch vụ phải bồi thường thiệt hại.)
4. Báo ngay cho bên thuê dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
(Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ này, không kịp thời thông báo cho khách hàng biết hoặc vẫn tiếp tục thực hiện công việc và do các nguyên nhân đó mà kết quả công việc không đạt được theo đúng yêu cầu của khách hàng thì bên cung ứng dịch vụ phải bồi thường thiệt hại.)
5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định;
(Đây là quy định có tính đặc thù trong hợp đồng dịch vụ. Nghĩa vụ giữ bí mật về những thông tin mà mình biết được trong quá trình cung ứng dịch vụ chỉ đặt ra đối với bên cung ứng dịch vụ khi hai bên có thỏa thuận về việc phải giữ bí mật hoặc khi pháp luật có quy định về nghĩa vụ giữ bí mật. Ví dụ như pháp luật về ngành y quy định thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữu gìn bí mật về những điều liên quan đến bệnh tật của người bệnh. Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin mà gây thiệt hại cho khách hàng thì bên cung ứng dịch vụ phải bồi thường thiệt hại.)
6. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
III. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng
1. Quyền của khách hàng:
Vì đây là hợp đồng song vụ nên nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là quyền của khách hàng. Khách hàng có quyền yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận.
– Có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghĩa vụ. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên khách hàng phải báo trước cho bên làm dịch vụ trong một khoảng thời gian hợp lý và phải trả tiền công theo số lượng, chất lượng mà bên làm dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại (nếu có).
– Trong trường hợp chất lượng, số lượng dịch vụ không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn do lỗi của bên làm dịch vụ, thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền công và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Nghĩa vụ của khách hàng:
Khách hàng có nghĩa vụ cơ bản là phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Việc trả tiền dịch vụ được thực hiện theo giá và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận.
Về nguyên tắc theo thông lệ, khách hàng có nghĩa vụ cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ biết những thông tin, tài liệu, nếu thông, tin tài liệu ấy là cần thiết để bên cung ứng dịch vụ có thể tiến hành thực hiện công việc theo đúng yêu của khách hàng để việc cung ứng không bị trì hoãn hay gián đoạn.
IV. Giá dịch vụ và thời hạn thanh toán:
1. Giá dịch vụ
Trong hợp đồng dịch vụ, các bên thỏa thuận với nhau về giá tiền dịch vụ tùy thuộc vào tính chất công việc, mức độ hoàn thành và tùy thuộc vào sức lao động mà bên cung ứng dịch vụ bỏ ra khi thực hiện công việc. Tuy nhiên, Luật thương mại 2005 quy định rõ nếu các bên không có thỏa thuận trước về giá thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.
2. Thời hạn thanh toán:
Các bên có quyền thỏa thuận về thời hạn thanh toán tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp không có thỏa thuận và giữa các bên không có bất kỳ thói quen nào về việc thanh toán thì khách hàng sẽ thanh toán tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ khi bên cung ứng dịch vụ đã hoàn thành công việc được giao.
3. Thời hạn hoàn thành dịch vụ:
Thời hạn hoàn thành dịch vụ do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ trong một thời hạn hợp lý trên cơ sở tính đến tất cả các điều kiện và hoàn cảnh mà bên cung ứng dịch vụ biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, bao gồm bất kỳ nhu cầu cụ thể nào của khách hàng có liên quan đến thời gian hoàn thành dịch vụ. Đối với trường hợp một dịch vụ chỉ có thể được hoàn thành khi khách hàng hoặc bên cung ứng dịch vụ khác đáp ứng các điều kiện nhất định thì bên cung ứng dịch vụ đó không có nghĩa vụ hoàn thành dịch vụ của mình cho đến khi các điều kiện đó được đáp ứng. Đối với trường hợp sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ mà dịch vụ vẫn chưa hoàn thành, nếu khách hàng không phản đối thì bên cung ứng dịch vụ phải tiếp tục cung ứng theo nội dung đã thoả thuận và phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại phát sinh
V. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ:
Theo Điều 520 BLDS 2015: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ:
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Hậu quả pháp lý:
– Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt
– Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa