1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là “sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.” – Điều 463 BLDS 2015.

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vay tài sản

– Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ: xét về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Tuy nhiên đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù: Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù. Nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.

3. Ý nghĩa của hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản giúp cho bên vay giải quyết những khó khăn kinh tế trước mắt, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thiếu vốn sản xuất và lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp. Hợp đồng vay tài sản trong nhân dân thường mang tính chất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh.

4. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản

Thông thường đối tượng của hợp đồng vay tài sản là một khoản tiền. Tuy nhiên trong thực tế, đối tượng của hợp đồng vay tài sản có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc một số lượng tài sản khác. Đối tượng của hợp đồng vay được chuyển từ bên cho vay sang bên vay. Bên cho vay có quyền định đoạt với tài sản và bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản đã vay hoặc số tiền đã vay.

5. Kì hạn của hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay có thể có kì hạn hoặc không có kì hạn. Nếu như hợp đồng vay không có thỏa thuận về kì hạn thì được xem như không có kì hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện nghĩa vụ bất cứ thời điểm nào nhưng phải báo cho bên vay một khoảng thời gian hợp lí. Ngược lại, bên vay cũng có quyền yêu cầu bên cho vay thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời điểm nào và bên cho vay không được từ chối thực hiện.

Đối với hợp đồng vay có kì hạn, không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý.

Đối với hợp đồng vay có kì hạn, có lãi thì bên vay phải trả lại tài sản và lãi đúng thời hạn. Nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thỏa thuận.

6. Hình thức hợp đồng vay tài sản

Hình thức hợp đồng vay tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng thì bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định. Trong thực tế nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng mà xảy ra tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên cần ký kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.

7. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản

* Bên cho vay:

Nếu hợp đồng vay không kì hạn, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tài sản và lãi (nếu có thỏa thuận) bất cứ thời gian nào nhưng phải báo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lí

Đối với hợp đồng vay có kì hạn, khi hết hạn hợp đồng bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả cho mình một số tiền, tài sản tương ứng với tiền, tài sản đã cho vay. Ngoài ra nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như thỏa thuận. Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền xử lí tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ. Bên cho vay có có nghĩa vụ giao tái sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như thỏa thuận cho bên vay. Nếu bên cho vay cố ý lừa dối bên vay chuyển giao tài sản không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.

* Bên vay:

Nếu tài sản vay là tiền thì bên vay phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp đối tượng vay là vật nhưng khi đến hạn bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay. Việc định giá vật vay ra tiền được xác định theo giá tại địa điểm và thời điểm trả nợ. Chỉ áp dụng việc trả tiền thay cho vật khi bên cho vay đồng ý. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay đối với bên cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không có thỏa thuận thì địa điểm trả nợ được xác định là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay.

8. Lãi suất và lãi trong hợp đồng vay tài sản

8.1. Lãi suất và lãi theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền đã vay tính theo đơn vị thời gian. Lãi suât thường được tính theo tuần, tháng hoặc năm do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Căn cứ vào lãi suất, sô tiền vay và thời gian vay mà bên vay phải trả một số tiền nhất định – đây chính là tiền lãi. Số tiền này tỉ lệ thuận với lãi suất, số tiền đã vay và thời gian vay:

Tiền lãi = Lãi suất x Nợ gốc (số tiền đã vay) x Thời gian vay

Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo khoản 1 Điều 468 thì Nhà nước cho phép các bên được thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên mức lãi suất này không được vượt quá 20%/năm (tương đương 1,67%/tháng) của khoản tiền vay trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất thỏa thuận giữa các bên vượt quá giới hạn được quy định tại Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Theo khoản 2 Điều 468 trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất xảy ra thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn được quy định tại Khoản 1 Điều 468 (tức là mức lãi suất sẽ áp dụng trong trường hợp này là 10%/năm tương đương 0,83%/tháng).

Mục đích của việc quy định mức lãi suất là để nhằm hạn chế việc cho vay nặng lãi bởi bên cho vay là người có lợi thế hơn, họ có thể lợi dụng tình trạng khó khăn của bên vay để đưa ra một mức lãi suất không thỏa đáng.

8.2. Cách tính lãi

* Trường hợp hợp đồng vay tài sản không có lãi:

Khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Với hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy đối với hợp đồng vay không có lãi suất:

Đúng hạn = Nợ gốc

– Quá hạn = Nợ gốc + Lãi quá hạn =Nợ gốc + (Số tiền chậm trả x 10%/ năm x Thời gian chậm trả)

* Trường hợp hợp đồng vay có lãi:

Khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Với hợp đồng vay có lãi thì bên cạnh việc trả tiền gốc đầy đủ, bên vay còn phải trả tiền lãi trong hạn. Lãi trong hạn tiền lãi trên nợ gốc theo đúng lãi suất mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng vay tương ứng với thời hạn cho vay. Trường hợp khi đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên cạnh nợ gốc và lãi trong hạn bên vay phải trả lãi quá hạn. Lãi quá hạn bao gồm: Thứ nhất là lãi trên lãi hay còn gọi là lãi chậm trả. Thực chất của việc trả lãi trên lãi chính là do bên vay trả quá hạn đối với số tiền lãi trong hạn cho nên số tiền mà bên vay phải trả là 10%/năm của lãi trong hạn tương ứng với thời gian chậm trả; thứ hai là lãi trên nợ gốc chậm trả, được tính bằng 150% của lãi suất theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Như vậy đối với hợp đồng vay có lãi:

Đúng hạn = Nợ gốc + Lãi đúng hạn = Nợ gốc + (Nợ gốc x Lãi suất thỏa thuận (không quá 20%/năm) x Thời hạn vay)

– Quá hạn = Nợ gốc + Lãi đúng hạn + Lãi trên lãi đúng hạn chậm trả + Lãi trên nợ gốc chậm trả = Nợ gốc + (Nợ gốc x Lãi suất thỏa thuận x Thời hạn vay) + ((Nợ gốc x Lãi suất thỏa thuận x Thời hạn vay) x 10%/năm x Thời gian chậm trả) + (Nợ gốc trả chậm x (150% x Lãi suất thỏa thuận) x Thời gian chậm trả)