1. Sự cần thiết phải hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
Hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và hệ thống VBQPPL nói riêng đã trải qua 65 năm hình thành và phát triển, dần trở thành một hệ thống có số lượng văn bản khổng lồ. Chỉ tính từ ngày 01/01/1987 đến 30/11/2008, riêng các cơ quan trung ương đã ban hành 19.126 văn bản, trong đó có 208 luật, bộ luật, 192 pháp lệnh, 2097 nghị định, 267 nghị quyết và 36 thông tư, 1.213 thông tư liên tịch1. Số lượng văn bản nhiều cùng với sự chồng chéo, không rõ ràng làm cho hệ thống các VBQPPL trở nên rắc rối, khó hiểu và khó áp dụng. Hiện trạng này do nhiều nguyên nhân, một phần do các quan hệ xã hội – đối tượng điều chỉnh của pháp luật – thay đổi liên tục mà nếu không nắm được bản chất của chúng thì rất dễ cho ra đời các quy phạm pháp luật (QPPL) không phù hợp. Nguyên nhân khác là kỹ thuật lập pháp của chúng ta còn hạn chế, chưa có hệ thống tập hợp, pháp điển các QPPL, nên văn bản mới được ban hành dễ chồng chéo, thậm chí có trường hợp mâu thuẫn với các văn bản đang có hiệu lực.
Đặc biệt, nhiều văn bản hiện hành đều không có chỉ dẫn về các điều khoản đã hết hiệu lực cũng là nguyên nhân làm cho VBQPPL khó áp dụng. Khi muốn tìm điều khoản nào đó, người sử dụng phải tìm toàn bộ các văn bản liên quan có từ khóa, rồi đọc, nghiên cứu và so sánh toàn bộ những QPPL với niềm tin chủ quan là đã không bỏ sót quy định nào.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO và Hiệp định thương mại Việt – Mỹ đòi hỏi Việt Nam ngày càng phải công khai, minh bạch và đơn giản hóa hệ thống pháp luật của mình. Pháp điển hóa là một trong những hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ đó. Quá trình pháp điển hóa thường trải qua bốn giai đoạn: chuẩn bị kế hoạch, các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình pháp điển; tổng rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành; hợp nhất các văn bản đã được rà soát; giai đoạn cuối cùng là công nhận các sản phẩm của quá trình hợp nhất. Nếu như tại các quốc gia, hợp nhất là một giai đoạn được thực hiện trong quá trình pháp điển hóa – sản phẩm của quá trình hợp nhất sau đó sẽ được công nhận và thay thế toàn bộ các văn bản đã được hợp nhất trước đó để hình thành bộ pháp điển thì ở Việt Nam, hợp nhất là một quá trình pháp lý riêng gắn liền với mục tiêu pháp điển hóa. Với các điều kiện về kinh nghiệm, nhân lực và cơ sở vật chất, Việt Nam sẽ tiến hành từng bước trong quá trình pháp điển hóa mà bước đầu tiên là hợp nhất VBQPPL nhằm giảm áp lực về khối lượng VBQPPL cần phải rà soát khi tiến hành pháp điển.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
2. Khái niệm, mục đích của quá trình hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
Theo Từ điển Tiếng Việt, hợp nhất có nghĩa là gộp nhiều cái làm một2. Trong lĩnh vực pháp luật, khái niệm hợp nhất VBQPPL có nhiều quan điểm khác nhau, kể cả trên diễn đàn quốc tế. Mặc dù nhiều quốc gia đã tiến hành hợp nhất VBQPPL nhưng đây vẫn là một khái niệm chưa được thống nhất. Sự không thống nhất thể hiện ở các quan điểm khác nhau trong việc giải quyết mối quan hệ giữa việc hợp nhất và tính pháp lý của văn bản hợp nhất.
Theo định nghĩa của Hội đồng châu Âu, Edinburgh ngày 11-12 tháng 12/1992, hợp nhất văn bản có nghĩa là việc hợp nhất các phần văn bản của luật về một vấn đề cụ thể mà không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của những phần văn bản và không hợp nhất các giá trị pháp lý đó3.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác như Đức, Phần Lan, Thụy Điển, các phiên bản hợp nhất VBQPPL được coi như luật. Tại Slovenia, luật sửa đổi một số luật khác được ban hành dưới dạng văn bản hợp nhất. Văn bản hợp nhất là văn bản chính thức. Thông qua việc thừa nhận giá trị hiệu lực của toàn văn bản hợp nhất, các nhà lập pháp công nhận giá trị pháp lý của các điều khoản được sửa đổi, bổ sung4.
Việt Nam cũng tồn tại song song hai quan điểm này. Từ trước đến nay, hệ thống VBQPPL của chúng ta luôn tồn tại VBQPPL ban hành lần đầu (văn bản được sửa đổi, bổ sung) và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của VBQPPL ban hành lần đầu.
Quan điểm thứ nhất cho rằng việc tồn tại văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều là không phù hợp vì nội dung điều chỉnh của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều là quy định về việc sửa đổi, bổ sung nội dung một số điều của văn bản đã ban hành trước đó mà không phải là quy định về việc điều chỉnh của các QPPL. Và do vậy, văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều không phải là VBQPPL. Các QPPL được sửa đổi, bổ sung, thay thế chỉ có hiệu lực pháp lý khi nó được hợp nhất vào văn bản được sửa đổi, bổ sung và khi đó, văn bản sửa đổi, bổ sung đã hoàn thành xong nhiệm vụ của nó và không còn hiệu lực trên thực tế5.
Theo quan điểm này, sự ra đời của văn bản hợp nhất sẽ chấm dứt hiệu lực pháp lý của các văn bản được hợp nhất. Quan điểm trên đã đề cập đến thao tác của quá trình hợp nhất là sự sao chép chính xác về mặt nội dung, có tác dụng làm giảm số lượng văn bản hiện có nhưng xét về bản chất, đó chính là việc ban hành một VBQPPL mới thay thế VBQPPL cũ và do đó, nó mang tính chất của pháp điển hóa hơn là hợp nhất với tính chất là một quá trình cơ học. Quá trình hợp nhất với mục đích cho ra đời một VBQPPL mới thay thế các văn bản được hợp nhất sẽ phải tuân thủ quy trình chặt chẽ theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Hiểu theo cách này thì việc hợp nhất sẽ chấm dứt việc sử dụng loại VBQPPL là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong khi đó, trên thực tế, văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều vẫn được sử dụng như là công cụ đắc lực nhằm thay đổi pháp luật, phù hợp với tính ổn định thấp của pháp luật Việt Nam.
Quan điểm thứ hai đề cập đến quá trình hợp nhất VBQPPL như là một thao tác kỹ thuật trình bày VBQPPL. Theo đó, hợp nhất VBQPPL chỉ đơn thuần là việc chuyển những nội dung đã sửa đổi, bổ sung của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều vào VBQPPL gốc và quá trình này không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của văn bản gốc và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều. Thực chất, theo quan điểm này, hợp nhất VBQPPL là một kỹ thuật sao chép có tính chính xác cao và tính chính xác này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác nhận theo trình tự, thủ tục luật định. Hợp nhất không làm ảnh hưởng đến nội dung và hiệu lực của các văn bản được hợp nhất. Quan điểm này nhấn mạnh giá trị sử dụng (đơn giản, thuận tiện trong tra cứu) hơn giá trị pháp lý của VBQPPL. Theo đó, kết quả của quá trình hợp nhất là có ba loại nguồn tham khảo tồn tại song song, gồm: văn bản được sửa đổi, bổ sung; văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều và văn bản hợp nhất. Hệ thống các VBQPPL sẽ tồn tại song song với hệ thống các văn bản hợp nhất, trong đó hệ thống VBQPPL có giá trị pháp lý và hệ thống văn bản hợp nhất có giá trị sử dụng.
Để hiểu chính xác thuật ngữ hợp nhất VBQPPL, chúng ta phải xem mục đích của quá trình hợp nhất đối với việc đơn giản hóa, hệ thống hóa pháp luật ở Việt Nam. Mục đích của việc hợp nhất VBQPPL sẽ quy định tính chất pháp lý của quá trình hợp nhất. Mục đích của việc hợp nhất văn bản là giúp người sử dụng VBQPPL xác định được các điều khoản đang còn hiệu lực, điều khoản đã hết hiệu lực, thời điểm hết hiệu lực và VBQPPL gốc của các điều khoản. Các điều khoản được trình bày thành hệ thống thống nhất trong một văn bản duy nhất nên dễ đọc, dễ tra cứu và do đó, việc sử dụng các VBQPPL trở nên hiệu quả hơn. Như vậy, hợp nhất phải bảo đảm giá trị sử dụng. Thêm nữa, hợp nhất văn bản phải được đặt trong mục tiêu pháp điển hóa. Kết quả của quá trình hợp nhất phải phục vụ đắc lực cho công tác pháp điển, tránh sự lãng phí nhân lực và vật lực không cần thiết.
Quá trình hợp nhất cần bảo đảm và bảo lưu mục đích nào phụ thuộc vào tình trạng hệ thống pháp luật tại mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, tính ổn định của pháp luật rất thấp do cơ sở kinh tế – xã hội đang trong giai đoạn hình thành. Một thực tế cho thấy, văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều hiện vẫn là công cụ đắc lực để cơ quan lập pháp công bố những nội dung sửa đổi, thay thế của một điều luật nào đó. Nó có tính linh động cao. Hiện nay, nó hầu như vẫn đang được sử dụng tại các quốc gia phát triển như một công cụ hiệu quả trong việc sửa đổi, bổ sung các QPPL. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nó là khi sử dụng, người dùng phải kết hợp văn bản pháp luật gốc và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều. Không chỉ sử dụng mà ngay việc lập pháp cũng không đơn giản vì khi tiến hành soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua, các nhà lập pháp vẫn phải sử dụng hai văn bản trở lên. Như vậy, hợp nhất VBQPPL tại Việt Nam phải thực hiện được mục đích thuận tiện trong nghiên cứu, áp dụng VBQPPL.
Ngoài ra, cũng cần phải thấy rằng, nếu công nhận giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất như là văn bản thay thế cho văn bản được hợp nhất thì sẽ gây lãng phí nhân lực và vật lực vì trong quá trình pháp điển sau này, khi mà đối tượng rà soát rộng hơn rất nhiều, có thể có rất nhiều nội dung của các văn bản hợp nhất cần phải bổ sung, thay đổi. Kết thúc của quá trình hợp nhất là một văn bản mới được ban hành theo quy trình được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Sau đó, trong quá trình pháp điển, các nhà lập pháp thấy rằng có một số quy định ngày trước ở nghị định hoặc thông tư cần phải được nâng lên thành luật và phải được bổ sung vào văn bản hợp nhất. Khi đó, văn bản hợp nhất một lần nữa lại được mang ra sửa đổi, bổ sung và được ban hành để trở thành một VBQPPL duy nhất, thay thế cho tất cả các VBQPPL trước đó. Thiết nghĩ, việc rà soát toàn bộ các QPPL liên quan thay vì chỉ giới hạn trong văn bản gốc và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian hơn rất nhiều. Do vậy, việc công nhận giá trị pháp lý các sản phẩm của hợp nhất nên đặt trong mối quan hệ với các QPPL về pháp điển và nên được tiến hành trong giai đoạn công nhận giá trị pháp lý cho tất cả các sản phẩm của quá trình pháp điển hóa. Khi đó, văn bản hợp nhất sẽ có vai trò là nguồn tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành pháp điển hóa.
Như vậy, từ các điều kiện của Việt Nam, có thể khẳng định văn bản hợp nhất là một loại văn bản tham chiếu. Việc hợp nhất văn bản chỉ đơn thuần là kỹ thuật sao chép văn bản. Về bản chất, hợp nhất văn bản chính là sự sắp xếp liên tục, có trật tự của từng điều khoản trong văn bản và do vậy, văn bản hợp nhất chỉ có tính chất liệt kê các điều khoản đang có hiệu lực mà không nên mang một ý nghĩa nào khác. Quan điểm về kỹ thuật hợp nhất VBQPPL của Việt Nam được thể hiện chính thức tại Điều 43, 44, 45 và Điều 46, Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11. Trong đó giải thích: kỹ thuật hợp nhất văn bản sau khi được sửa đổi, bổ sung một số điều là cách thức tiến hành đưa các nội dung của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều vào văn bản được sửa đổi, bổ sung một số điều. Việc hợp nhất văn bản sau khi sửa đổi, bổ sung một số điều không được làm ảnh hưởng đến nội dung và hiệu lực của các văn bản được hợp nhất. Theo đó, việc hợp nhất văn bản chỉ tiến hành đối với văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều. Cùng với đó, kỹ thuật hợp nhất văn bản sẽ giúp chuyển những nội dung đã được sửa đổi trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều vào văn bản được sửa đổi, bổ sung và xóa toàn bộ những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong văn bản được sửa đổi, bổ sung. Hợp nhất VBQPPL là kỹ thuật sao chép các đoạn văn bản với độ chính xác cao. Việc hợp nhất văn bản không làm thay đổi nội dung và ảnh hưởng đến hiệu lực của các QPPL được hợp nhất. Hợp nhất VBQPPL khác với tập hợp hóa VBQPPL. Nếu như tập hợp hóa là hình thức thu thập và sắp xếp các văn bản pháp quy theo từng vấn đề thành tập luật lệ thì hợp nhất văn bản sẽ cho tạo ra một văn bản có chứa tất cả các điều khoản đang có hiệu lực với một trật tự rõ ràng. Như vậy, hợp nhất VBQPPL ở Việt Nam có đặc trưng sau:
– Là quá trình cơ học sao chép các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung từ văn bản sửa đổi, bổ sung sang văn bản được sửa đổi, bổ sung;
– Hợp nhất không làm thay đổi nội dung và hiệu lực của các văn bản được hợp nhất. Quá trình hợp nhất không hủy bỏ các văn bản được hợp nhất. Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều được coi như là công cụ để thay đổi các quy phạm pháp luật;
– Việc hợp nhất đặt ra với các văn bản cùng loại (luật hợp nhất luật, nghị định hợp nhất nghị định, thông tư hợp nhất thông tư);
– Cách thức trình bày chú thích và trật tự các điều khoản trong văn bản hợp nhất tuân theo các quy định của pháp luật.
3. Đối tượng, phạm vi áp dụng kỹ thuật hợp nhất văn bản
Các văn bản được áp dụng kỹ thuật hợp nhất bao gồm: văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung. Xét về bản chất, nó là sự thay thế những điều khoản đã bị sửa đổi, bổ sung bằng những điều khoản mới trong cấu trúc và bố cục của VBQPPL được sửa đổi, bổ sung.
Kết quả của thao tác hợp nhất văn bản là một văn bản chứa đựng QPPL trong đó chỉ rõ những điều khoản không bị thay thế, những điều khoản đã bị thay thế và hiệu lực của từng điều khoản này. Theo Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11, nội dung của các điều khoản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế được ghi lại ở cuối trang. Việc ghi lại nội dung của các điều khoản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế trong văn bản hợp nhất cần phải được xem xét. Nếu số lần sửa đổi ít thì có thể làm theo cách này, nhưng cùng với sự thay đổi của pháp luật, số lần thay đổi nhiều thì không thể làm theo cách này, chỉ nên đưa ra những ghi chú có tính chất hướng dẫn để người sử dụng có thể tra ngược lại văn bản được sửa đổi, bổ sung, ví dụ như trích dẫn số công báo hoặc một hình thức nào khác.
4. Hiệu lực của các điều khoản trong văn bản hợp nhất
Theo Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11, việc hợp nhất văn bản không được ảnh hưởng đến nội dung và hiệu lực của các văn bản được hợp nhất. Văn bản hợp nhất sẽ chứa cùng một lúc những điều khoản hoặc những phần điều khoản có hiệu lực thi hành khác nhau. Vì văn bản hợp nhất không phải là loại VBQPPL mới, nên hiệu lực pháp lý được xem xét ở đây là hiệu lực pháp lý của từng QPPL. Trong văn bản hợp nhất, người sử dụng chỉ quan tâm có quy phạm nào điều chỉnh và điều chỉnh như thế nào đối với hành vi của họ. Văn bản hợp nhất có tính chất liệt kê tất cả các điều khoản cùng với hiệu lực thi hành của từng điều khoản đó mà không đặt ra vấn đề hiệu lực của toàn văn bản hợp nhất. Dựa vào văn bản hợp nhất, người sử dụng biết được những QPPL nào đang còn hiệu lực và khoảng thời gian có hiệu lực của những QPPL đã bị hủy bỏ. Hiệu lực pháp lý của các điều khoản trong văn bản hợp nhất vẫn phải được giữ nguyên như trong văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung.
Việc để các điều khoản có hiệu lực pháp lý khác nhau như vậy trong văn bản hợp nhất không ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vì suy cho cùng, đơn vị nhỏ nhất có thể chia được của hệ thống pháp luật là các QPPL và văn bản hợp nhất không phải là VBQPPL mới, nên nó không ảnh hưởng đến tính thống nhất của pháp luật, không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của văn bản gốc. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc tra cứu, văn bản hợp nhất cần phải có ghi chú hướng dẫn người sử dụng khi muốn tra cứu hiệu lực pháp lý của những QPPL có sự sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế.
5. Giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất
Văn bản hợp nhất không phải là loại VBQPPL mới, nó chỉ có giá trị sử dụng và tham khảo. Xét về bản chất, văn bản hợp nhất là bản sao có chứng thực của văn bản gốc, do vậy, giá trị sử dụng của chúng là ngang nhau. Văn bản hợp nhất có thể được lấy làm chứng cứ trước Tòa án khi được Tòa án chấp thuận và khi không có sự mâu thuẫn, xung đột với văn bản gốc. Khi có sự mâu thuẫn, xung đột giữa văn bản hợp nhất và văn bản gốc thì văn bản gốc sẽ được lấy làm chứng cứ. Vậy, các văn bản áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thể lấy văn bản hợp nhất làm căn cứ pháp lý không? Ví dụ: bản án, quyết định của Tòa án chỉ căn cứ vào văn bản hợp nhất… mà không cần trích dẫn văn bản gốc có được không?
Chúng tôi cho rằng, văn bản hợp nhất không thể được trích dẫn trong các văn bản áp dụng pháp luật như là một căn cứ pháp lý vì ta phải xác định rõ giá trị pháp lý ưu tiên trong trường hợp này. Để đối chiếu tính chính xác của bản in thường, bản in công báo và bản in gốc (bản in có dấu đỏ, chữ ký của cơ quan ký ban hành), luôn có một trật tự ưu tiên giá trị pháp lý như sau: bản in thường được đối chiếu với in công báo, nếu bản in công báo có sự sai sót, không chính xác thì phải đối chiếu với bản in gốc. Điều này nhằm đảm bảo QPPL nào cũng có một hình thức tồn tại cố định và duy nhất. Nếu văn bản hợp nhất có giá trị như được trích dẫn trong bản án của Tòa án hay các quyết định áp dụng pháp luật thì vô tình đã công nhận giá trị pháp lý của văn bản gốc và văn bản hợp nhất là ngang nhau. Khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn, thì không thể xác định được văn bản nào sẽ được lấy làm căn cứ pháp lý. Vì vậy, nếu khoác cho văn bản hợp nhất một giá trị pháp lý nào đó thì nó phải thấp hơn so với VBQPPL gốc.
6. Thời gian thực hiện quá trình hợp nhất văn bản
Khoảng thời gian để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hợp nhất VBQPPL phải căn cứ vào khối lượng VBQPPL cần hợp nhất. Thời gian tiến hành hợp nhất bao gồm: thời gian rà soát các VBQPPL cần hợp nhất; thời gian chuẩn bị các điều kiện về vật chất và kỹ thuật để hợp nhất; thời gian tiến hành hợp nhất; và thời gian tiến hành công nhận giá trị tham chiếu của văn bản hợp nhất. Trong đó, thời gian kéo dài nhất là thời gian rà soát các VBQPPL cần hợp nhất. Đây là giai đoạn rất quan trọng vì nếu việc rà soát không cẩn thận sẽ dẫn đến việc bỏ sót các QPPL.
Thời gian để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hợp nhất văn bản phải bảo đảm không bỏ sót QPPL nhưng không được kéo dài vì trong thời gian đó có thể nhiều các văn bản mới hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung được ban hành. Việc thay đổi, bổ sung các văn bản mới sẽ gây khó khăn cho quá trình hợp nhất VBQPPL. Quá trình hợp nhất VBQPPL trong giai đoạn hiện nay có thể diễn ra trong khoảng thời gian một năm là phù hợp, căn cứ vào điều kiện sau:
Thứ nhất, do đối tượng của quá trình hợp nhất VBQPPL chỉ bao gồm các văn bản được sửa đổi, bổ sung và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Do vậy, số lượng VBQPPL cần rà soát không quá nhiều nên thời gian rà soát VBQPPL cần hợp nhất không kéo dài quá.
Thứ hai, hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành hợp nhất chưa chính thống một số loại VBQPPL. Đây có thể coi là nguồn dữ liệu cơ sở bảo đảm cho quá trình hợp nhất chính thức mất ít thời gian hơn.
Thứ ba, chúng ta tiến hành hợp nhất khi có sự hỗ trợ hữu hiệu của công nghệ thông tin giúp thời gian cho quá trình hợp nhất được rút ngắn hơn.
7. Thời điểm hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản hợp nhất phải đảm bảo yêu cầu sử dụng. Thời điểm ra đời của văn bản hợp nhất phải gần thời điểm ra đời của văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm mục đích cung cấp ngay cho người sử dụng cái nhìn tổng thể về những điều khoản đã được sửa đổi. Có quan điểm cho rằng: thời điểm hợp nhất VBQPPL cần xem xét khi mà văn bản sửa đổi, bổ sung vẫn đang trong quá trình soạn thảo và chưa có hiệu lực6. Việc soạn thảo VBQPPL sửa đổi, bổ sung được tiến hành đồng thời với việc hợp nhất văn bản và khi công bố sẽ công bố đồng thời văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản hợp nhất.
Chúng tôi cho rằng, việc công bố văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều và văn bản hợp nhất không nên tiến hành đồng thời mà nên tiến hành nối tiếp nhau. Pháp luật quốc gia nào cũng tồn tại bên cạnh hệ thống pháp luật là một hệ thống các công cụ phụ trợ giúp cho pháp luật trở nên có hệ thống và dễ dàng sử dụng hơn. Và hệ thống các văn bản hợp nhất là một trong số các công cụ hỗ trợ đó. Vì vậy, bản thân nó chỉ được phái sinh sau khi các QPPL đã được thừa nhận và có hiệu lực. Do vậy, không được hợp nhất các quy định mà bản thân nó chưa được công nhận là QPPL.
8. Hình thức công khai văn bản hợp nhất
Bất kỳ một loại văn bản nào cũng đều được thừa nhận giá trị của mình dưới một hình thức công bố nào đó. Hình thức công bố phải phù hợp với giá trị mà văn bản đó có, có thể là giá trị sử dụng hoặc giá trị pháp lý. Có quan điểm cho rằng, văn bản hợp nhất phải được đăng công báo7. Việc lựa chọn để đăng công báo văn bản hợp nhất cần phải được xem xét vì văn bản hợp nhất chỉ có giá trị tham chiếu mà không mang giá trị pháp lý. Việc sử dụng công báo để phổ biến văn bản hợp nhất sẽ vô hình trung công nhận giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất ngang với các VBQPPL khác. Vì VBQPPL đăng công báo là cơ sở để đối chiếu với các bản in VBQPPL khác. Nếu văn bản hợp nhất cũng được đăng công báo thì khi có sự khác nhau giữa văn bản được sửa đổi, bổ sung; văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản hợp nhất thì loại văn bản nào sẽ lấy làm căn cứ pháp lý vì khi đó, cả ba loại văn bản này đều được đăng công báo và đều là cơ sở để áp dụng pháp luật. Như vậy, văn bản hợp nhất phải được công nhận giá trị sử dụng của mình bằng một hình thức công bố nào đó mà không phải là đăng công báo. Việc công khai văn bản hợp nhất nên giao cho cho cơ quan công báo của Bộ Thông tin và truyền thông vì đây là cơ quan có đầy đủ điều kiện và cơ sở vật chất làm nhiệm vụ phổ biến văn bản hợp nhất.
9. Cơ chế bảo đảm tính chính xác của văn bản hợp nhất, quy trình hợp nhất
Bản chất của quá trình hợp nhất là sự sao chép chính xác được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người sử dụng chỉ thực sự yên tâm khi văn bản hợp nhất có sự chứng nhận về tính chính xác từ phía Nhà nước trong quá trình sao chép. Để đảm bảo tính chính xác cao nhất, quá trình hợp nhất cần phải có một cơ chế ba bên chủ thể, đó là chủ thể soạn thảo các VBQPPL, chủ thể thẩm tra và chủ thể có thẩm quyền ban hành các VBQPPL được sửa đổi, bổ sung; VBQPPL sửa đổi, bổ sung một số điều. Đây là các chủ thể nắm rõ nhất nội dung, bố cục, kết cấu của các điều khoản trong văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều, do đó, họ là những người có đầy đủ năng lực và các điều kiện thuận lợi để tiến hành hợp nhất.
Dựa vào cơ chế trên, quá trình hợp nhất được tuân thủ theo một quy trình nhất định và tương ứng với từng giai đoạn hợp nhất sẽ có sự tham gia và chịu trách nhiệm của từng loại chủ thể khác nhau.
Rà soát văn bản cần hợp nhất và tiến hành hợp nhất
Do kỹ thuật hợp nhất chỉ đơn thuần là việc chuyển những phần đã sửa đổi, bổ sung vào văn bản được sửa đổi, bổ sung nên một nguyên tắc đặt ra là chủ thể nào chủ trì soạn thảo VBQPPL sẽ chịu trách nhiệm rà soát văn bản và tiến hành hợp nhất VBQPPL.
Thẩm tra văn bản hợp nhất
Giai đoạn thẩm tra văn bản hợp nhất là giai đoạn quan trọng. Do giá trị pháp lý khác nhau nên nội dung thẩm tra văn bản hợp nhất cũng khác so với nội dung thẩm tra VBQPPL mới. Nội dung thẩm tra được giới hạn trong phạm vi xem xét nội dung và hình thức của văn bản hợp nhất phải phù hợp với các quy định của pháp luật, sự chính xác trong quá trình sao chép, các lỗi về chính tả, bố cục mà không bao gồm xem xét nội dung của văn bản hợp nhất có phù hợp với thực tiễn hay không. Cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp cũng là cơ quan có năng lực nhất trong việc kiểm tra tính chính xác của văn bản hợp nhất. Do đó, quá trình thẩm tra nên giao cho Bộ Tư pháp.
Công nhận giá trị của văn bản hợp nhất
Giá trị của văn bản hợp nhất được xác định khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công bố. Về bản chất, công bố văn bản hợp nhất không phải là công bố VBQPPL mới, do đó, nó không tuân theo quy trình quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Quy trình công nhận giá trị của văn bản hợp nhất cần nhanh gọn và đơn giản. Do văn bản hợp nhất là văn bản phái sinh từ các văn bản QPPL gốc, nên chủ thể nào có thẩm quyền ban hành VBQPPL sẽ là chủ thể có thẩm quyền công nhận giá trị của văn bản hợp nhất.
Kết luận
Hợp nhất VBQPPL có thể coi là một bước thử nghiệm tiến tới việc pháp điển hóa hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, quá trình hợp nhất VBQPPL mới chỉ xử lý được một phần rất nhỏ các VBQPPL. Nếu để càng lâu, khối lượng văn bản pháp luật cần xử lý ngày càng lớn. Vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện vật chất, kỹ thuật, con người và trên hết là quyết tâm cao độ để thực hiện quá trình hợp nhất một cách thuận lợi và có hiệu quả, tạo tiền đề, cơ sở ban đầu cho quá trình pháp điển hóa sau này.
(1) Hà Hùng Cường, Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 139-140 tháng 1/2009, tr. 20.
(2) Xem Từ điển Tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr. 466.
(3) Xem: Elizabeth Catta, Hợp nhất VBQPPL và pháp điển hóa: Khái niệm và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Kỷ yếu Hội thảo hợp nhất VBQPPL, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp tổ chức tháng 2/2010, tr. 5.
(4) Xem: Elizabeth Catta, Tlđd.
(5) Xem: Hoàng Minh Hiếu, Thực trạng sửa đổi, bổ sung VBQPPL và yêu cầu hợp nhất VBQPPL sau khi sửa đổi, bổ sung, Kỷ yếu hội thảo khoa học hợp nhất VBQPPL, Vụ pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp tổ chức tháng 2/2010, tr. 7.
(6) Xem: Những vấn đề cơ bản của Dự thảo Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp, Kỷ yếu hội thảo về hợp nhất VBQPPL tổ chức ngày 3- 4/2/2010.
(7) Xem: Những vấn đề cơ bản của Dự thảo Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp, Kỷ yếu hội thảo về hợp nhất VBQPPL tổ chức ngày 3- 4/2/2010.
Nguyễn Thu Dung – Phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật
Nguồn: http://www.nclp.org.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)