Tranh chấp giữa Cty Diversitel Communications Inc. (Canada) và công ty Glacier Bay Inc. (Mỹ). Người bán Mỹ không giao hàng khi hết thời hạn quy định trong hợp đồng. Hai bên tranh cãi về việc liệu người mua Canada có quyền hủy hợp đồng hay không. Tranh chấp được xét xử tại Tòa Công lý tối cao tại Ontario (Ontario Supreme Court of Justice), phán quyết tuyên ngày 6/10/2003.

Diễn biến tranh chấp

Người mua Canada và người bán Mỹ đã ký kết một hợp đồng mua bán hệ thống cách nhiệt chân không. Để đáp ứng những thỏa thuận đã tồn tại từ trước tới nay với Bộ Quốc phòng Canada về chất lượng thiết bị và quá trình lắp đặt hệ thống tại một nhà máy ở Bắc Cực, người mua đã cố định một lịch trình giao hàng cụ thể.

Người mua đã thanh toán theo giá hợp đồng nhưng người bán không giao hàng trong thời gian đã thỏa thuận. Người mua đã kiện người bán ra Tòa án Công lý tối cao bang Ontario yêu cầu hủy hợp đồng. Người bán không đồng ý, cho rằng người bán không có đủ căn cứ để hủy hợp đồng.

.Hủy bỏ hợp đồng do chậm giao hàng

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Phân tích và quyết định của Tòa án

Về luật áp dụng, Tòa tuyên bố rằng Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa (CISG) sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp vì Canada và Mỹ đều là thành viên của công ước này. Để xem xét hợp đồng có thể bị hủy hay không, Tòa đã dẫn chiếu điều 25 CISG: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”.

Tòa cho rằng lịch trình giao hàng đã ấn định trong hợp đồng và đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với người mua. Lý do là vì thiết bị do người bán cung ứng sẽ phải được lắp đặt trong một khoảng thời gian ngn tại Bắc Cực. Mùa hè ở Bắc Cực rất ngắn nên nếu người bán giao hàng chậm, người mua sẽ không lắp đặt được thiết bị theo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Canada và như vậy, người mua sẽ không đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng với người bán. Người bán cũng biết về tầm quan trọng đó vì trên thực tế, người bán đã biết rằng những thiết bị do người bán cung ứng sẽ được lắp đặt tại Bắc Cực tuân theo những thỏa thuận có trước giữa người mua với Bộ Quốc phòng Canada. Do vậy, người bán đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng.

Với lập luận nói trên, Tòa tuyên bố người mua có quyền hủy hợp đồng (theo điều 49, khoản 1- CISG), đòi lại số tiền đã thanh toán cho người bán.

Bình luận và bài học kinh nghiệm

Án lệ này là ví dụ điển hình về việc chậm giao hàng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Về nguyên tắc, trong mua bán hàng hóa quốc tế, việc người bán chậm giao hàng thường không cấu thành vi phạm cơ bản, nếu sau đó, hàng hóa vẫn có thể được người mua sử dụng cho mục đích của mình. Tuy vậy, trong án lệ trên, và trong một số trường hợp khác đã được tổng kết từ thực tiễn xét xử (hàng mùa vụ, thời hạn giao hàng là một ngày cụ thể, người mua đã thông báo về nhu cầu hàng gấp của mình), khi thời hạn giao hàng là một yếu tố quan trọng của hợp đồng thì thì người mua có quyền hủy hợp đồng khi người bán không thể giao hàng trong thời hạn đã thỏa thuận.

Tham khảo thêm Bản án của Toà Phúc thẩm Milan (Italia) ngày 20/3/1998 và Phán quyết trọng tài ICC số 8128 năm 1995 (tại www.unilex.info)

SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP – TS. NGUYỄN MINH HẰNG – Đại học Ngoại thương Hà Nội

Trích dẫn từ: http://dddn.com.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)