1. Được thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp nào ?

Trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, bên đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng muốn thay đổi hoặc rút lại lời đề nghị của mình. Xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng và tự định đoạt của các bên khi tham gia quan hệ dân sự, pháp luật tôn trọng sự thay đổi ý chí của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, đề nghị giao kết hợp đồng là của một bên đưa ra nên pháp luật cũng tôn trọng việc thay đổi ý chí của bên đó. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc công bằng, để đảm bảo lợi ích cho các bên, pháp luật quy định bên đề nghị chỉ được rút lại đề nghị trong hai trường hợp được quy định tại Điều 389 Bộ luật dân sự năm 2015:

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

– Thứ nhất, thông báo việc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng đến trước hoặc cùng thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị:

Trường hợp này do việc rút lại đề nghị được gửi đến cùng hoặc đến trước thời điểm bên đề nghị nhận được lời đề nghị nên lời đề nghị chưa phát sinh hiệu lực và việc rút lại lời đề nghị cũng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên được đề nghị bởi lẽ vào thời điểm đó họ cũng chưa biết được nội dung của đề nghị nên cũng chưa tốn công sức, thời gian hoặc các chi phí khác để xem xét đến nội dung của đề nghị đó.

Ví dụ: A gửi lời đề nghị cho B qua đường bưu điện nhưng sau đó lại gọi điện thông báo rút lại lời đề nghị.

– Thứ hai, điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Nếu trong trường hợp bên đề nghị đã nêu ra điều kiện để thay đổi hoặc rút lại lời đề nghị thì bên đề nghị được phép làm điều đó khi các điều kiện dự liệu nêu ra phát sinh. Vì các điều kiện này đã được ấn định trước cho bên được đề nghị biết nên trong trường hợp này bên được đề nghị cũng đã dự liệu được tình huống phát sinh để loại trừ khả năng giao kết hợp đồng và hạn chế thiệt hại cho mình nên trong trường hợp này pháp luật tôn trọng ý chí ban đầu của bên đề nghị đã nêu ra.

Trong trường hợp bên đề nghị rút lại đề nghị giao kết hợp đồng thì giao kết đó không có hiệu lực.

 

2. Hậu quả pháp lý của hành vi thay đổi nội dung của đề nghị

Theo khoản 2 Điều 389 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.

Trường hợp bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì sự thay đổi sẽ được coi là lời đề nghị mới đối với bên được đề nghị. Lúc này việc chấp nhận đề nghị đối với đề nghị cũ không có giá trị mà chỉ có giá trị đối với đề nghị giao kết hợp đồng đã được thay đổi mà thôi.

Ví dụ: A gửi cho B đề nghị giao kết hợp đồng mua bán xăng dầu với giá ấn định cụ thể. Trong lời đề nghị giá bán mà A đưa ra là 25 nghìn đồng/lít. Sau đó, A đã thay đổi giá bán trong lời đề nghị lên 28 nghìn đồng/lít. Nếu B chấp nhận mua xăng dầu của A tức là chấp nhận mua với giá cao hơn so với lời đề nghị ban đầu, tức là mức giá 28 nghìn đồng/lít.

 

3. Điều kiện để hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Trong một số trường hợp bên đề nghị không còn mong muốn giao kết một hợp đồng với bên được đề nghị và muốn hủy bỏ đề nghị giao kết. Tôn trọng ý chí và để đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng, pháp luật cho phép bên đưa ra lời đề nghị có thể hủy bỏ đề nghị. Theo Điều 390 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Điều 390. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Như vậy, muốn hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng thì cần các điều kiện sau:

– Phải nêu rõ quyền hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng trong đề nghị: Ngoài những nội dung chủ yếu của hợp đồng được đưa ra, bên đề nghị phải nêu rõ về quyền hủy bỏ đề nghị trong những trường hợp hoặc điều kiện nhất định và khi trường hợp hoặc điều kiện đó xảy ra, bên đề nghị sẽ được quyền hủy bỏ đề nghị giao kết.

– Phải thông báo cho bên được đề nghị: Pháp luật không quy định việc thông báo bắt buộc phải bằng văn bản hay phải cùng với hình thức của lời đề nghị được đưa ra. Chính vì vậy, trong trường hợp này bên đưa ra đề nghị có thể lựa chọn bất kỳ hình thức thông báo nào miễn là việc thông báo này đảm bảo cho bên được đề nghị biết về việc hủy bỏ đề nghị.

– Thông báo phải gửi đến trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: rõ ràng nếu bên được đề nghị đã trả lời chấp nhận thì hợp đồng có thể đã được giao kết và việc hủy bỏ đề nghị không còn ý nghĩa. Do đó, trong trường hợp này yêu cầu gửi đề nghị đến trước thời điểm trả lời chấp nhận là cần thiết và phù hợp.

 

4. Sửa đổi đề nghị do bên đề nghị đề xuất

Không chỉ bên đề nghị có quyền sửa đổi, thay đổi nội dung đề nghị mà bên được đề nghị cũng có quyền sửa đổi đề nghị. Theo quy định tại Điều 392 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 392. Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất

Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

Theo đó, khi bên được đề nghị mặc dù trả lời chấp nhận nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì trường hợp này được coi như người này đã đưa ra lời đề nghị mới. Bên được đề nghị chỉ được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên được đề nghị chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Do đó, nếu bên được đề nghị không chấp nhận toàn bộ mà lại có yêu cầu sửa đổi thì rõ ràng họ đã nêu ra một đề xuất mới và mong muốn được bên kia chấp nhận. Vì vậy, đó không thể được coi là chấp nhận đề nghị mà chỉ có thể được coi là đề nghị mới mà thôi.

Quá trình giao kết hợp đồng gồm hai giai đoạn là đề nghị và chấp nhận đề nghị. Tuy nhiên, hai giai đoạn này không được hiểu một cách cứng nhắc mà thường linh hoạt đan xen hoặc biến đổi không ngừng bởi lẽ thông thường quá trình giao kết hợp đồng là quá trình các bên bày tỏ ý chí và thỏa thuận liên tục để có thể đi đến thống nhất. Chính vì vậy, việc pháp luật quy định các bên có thể chuyển giao vị trí cho nhau một cách linh hoạt từ người đề nghị sang người được đề nghị và ngược lại là hoàn toàn phù hợp.

 

5. Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt khi nào ?

Cũng giống như hợp đồng, một lời đề nghị không thể tồn tại mãi. Nó cũng có thể thay đổi hoặc chấm dứt khi trong những trường hợp nhất định. Khi đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt, bên đề nghị sẽ không chịu ràng buộc bởi các nội dung của đề nghị và sẽ không phải gánh chịu trách nhiệm do không thực hiện đề nghị gây ra. Theo Điều 391 Bộ luật dân sự 2015 thì đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau:

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

2. Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

3. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

4. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

5. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

6. Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

– Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng: Khi bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì hợp đồng có thể được hình thành. Lúc này, giữa bên đề nghị và bên được đề nghị đã hình thành và chịu ràng buộc đối với quan hệ hợp đồng. Chính vì vậy, việc tồn tại một lời đề nghị là không còn ý nghĩa.

– Bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời không chấp nhận: Trong thời hạn trả lời bên được đề nghị phải trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận giao kết hợp đồng. Khi bên được đề nghị không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thì đương nhiên, việc duy trì giá trị hiệu lực của đề nghị là không cần thiết.

– Hết thời hạn trả lời chấp nhận: Trong trường hợp bên đề nghị ấn định thời hạn trả lời mà hết thời hạn trả lời chấp nhận bên được đề nghị không trả lời thì lời đề nghị cũng được coi là chấm dứt. Về nguyên tắc, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trừ trường hợp có thỏa thuận như các bên thỏa thuận im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

– Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực: Khi đề nghị được thay đổi theo quy định của Điều 389 Bộ luật dân sự thì nội dung của đề nghị cũ sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, nội dung được thay đổi vẫn có hiệu lực cho đến khi nó chấm dứt khi thỏa mãn những trường họp chấm dứt khác do pháp luật quy định.

Khi lời đề nghị được rút lại thì lời đề nghị được coi là chấm dứt toàn bộ và bên đề nghị không còn bị ràng buộc với lời đề nghị đã được đưa ra.

– Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực: Tương tự với rút lại lời đề nghị, khi đề nghị bị hủy bỏ và bên được đề nghị đã nhận được thông báo hủy bỏ thì đề nghị giao kết họp đồng cũng chấm dứt hiệu lực và không còn giá trị ràng buộc đối với bên đề nghị.

– Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời: Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận và định đoạt của các bên trong mọi giai đoạn của hợp đồng nên pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Do đó, ngay trong thời hạn chờ trả lời, nếu các bên có thỏa thuận về việc chấm dứt lời đề nghị thì sự thỏa thuận đó sẽ có giá trị pháp lý và lời đề nghị giao kết họp đồng cũng bị coi là chấm dứt.

Mọi vướng mắc liên quan đến hủy bỏ, thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng hoặc các vấn đề pháp lý khác Hãy liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.