Điều mà các bên mong muốn trong giải quyết tranh chấp thương mại, đương nhiên là sự đền bù về tiền bạc, chứ không phải là một tờ giấy ghi phán quyết. Các bên kinh doanh sẽ không bao giờ lựa chọn trọng tài một khi họ không tin tưởng vào tính thi hành của quyết định trọng tài.
Ngược lại, giao lưu thương mại sẽ trở nên trôi chảy nếu các thương gia biết rõ rằng tranh chấp của họ có thể được giải quyết một cách hiệu quả. Việc xác định được tính thi hành của quyết định trọng tài sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư trong sự lựa chọn có nên giải quyết tranh chấp hay không, bằng trọng tài hay Toà án, chọn trọng tài ở đâu và trong một số trường hợp có thể dẫn cả tới quyết định quan trọng của họ là có nên kinh doanh nữa hay không.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Một trong những yếu tố đảm bảo cho tính có thể thi hành của phán quyết trọng tài là các quy định về huỷ quyết định trọng tài phải rất hợp lý và chặt chẽ, tránh trường hợp quyết định trọng tài có thể bị bên thua kiện yêu cầu huỷ một cách tuỳ tiện.
So với quy tắc tố tụng của các thiết chế trọng tài quốc tế, cũng như pháp luật về trọng tài của các nước, thì Pháp lệnh trọng tài thương mại của Việt Nam dành một số lượng điều khoản nhiều hơn cả[i] để quy định về vấn đề huỷ quyết định trọng tài, từ các nguyên tắc huỷ quyết định trọng tài, cho đến thủ tục, trình tự huỷ quyết định trọng tài.
Cần phải nhấn mạnh một điều rằng, trong Chương về huỷ quyết định trọng tài, Pháp lệnh không làm rõ quyết định trọng tài thuộc đối tượng được các bên yêu cầu huỷ là quyết định gì. Theo Điều 37 và một số điều khác của Pháp lệnh, thì có rất nhiều loại quyết định trọng tài.[ii] Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề này, điểm 5 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 31 tháng 7 năm 2003 hướng dẫn thi hành một số quyết định của Pháp lệnh trọng tài thương mại (Nghị quyết) đã xác định rõ quyết định trọng tài thuộc đối tượng bị các bên yêu cầu huỷ là quyết định trọng tài nêu tại Điều 44.[iii]
Thời hiệu cho các bên tranh chấp gửi đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài nêu tại Điều 50 của Pháp lệnh là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của trọng tài. Pháp lệnh cũng quy định thêm trường hợp các bên gửi đơn quá hạn vì có sự kiện bất khả kháng, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khoảng thời gian 30 ngày như vậy là hơi ngắn. Luật Mẫu của trọng tài UNCITRAL quy định thời hiệu cho việc yêu cầu huỷ quyết định trọng tài là 3 tháng.[iv] Pháp luật của một số nước cũng dành một khoảng thời gian tương tự để các bên có thể tìm được các chứng cứ làm cơ sở để huỷ quyết định trọng tài.
Vấn đề quan trọng cần xem xét trong việc huỷ quyết định trọng tài là các căn cứ để huỷ quyết định trọng tài. Đây cũng chính là một trong các quy định gây nhiều tranh cãi nhất, bởi nó chính là mấu chốt đảm bảo cho tính công bằng của trọng tài.
Nhận xét chung nhất của tác giả là căn cứ để huỷ quyết định trọng tài trong pháp luật Việt Nam là rất rộng so với Luật Mẫu trọng tài của UNCITRAL cũng như pháp luật các nước. Điều 54 của Pháp lệnh liệt kê 6 căn cứ để huỷ quyết định trọng tài như sau:
1.Không có thoả thuận trọng tài;
2.Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quyết định tại Điều 10 của Pháp lệnh;
3. Thành phần Hội đồng trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên theo quy định của Pháp lệnh;
4. Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội động trọng tài, trong trường hợp quyết định trọng tài có một phần không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì phần quyết định này bị huỷ;
5. Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của trọng tài viên quyết định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh;
6. Quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xem qua thì có vẻ những căn cứ để huỷ quyết định trọng tài nêu trên là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu và phân tích kỹ một vài trong số các điểm đã liệt kê trên đây, chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều điểm bất cập xung quanh các căn cứ để huỷ quyết định trọng tài của Việt Nam. Trước hết, hãy cùng nhau phân tích căn cứ thứ hai về “Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh”.
Theo Điều 10 của Pháp lệnh trọng tài, thì có tới 6 trường hợp dẫn đến quyết định trọng tài bị vô hiệu:
1.Tranh chấp phát sinh không thuộc hoạt động thương mại được quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh;
2.Người ký thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật;
3.Một bên ký thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
4.Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung;
5.Thoả thuận trọng tài không được lập theo quyết định tại Điều 9 của Pháp lệnh;
6.Bên ký kết thoả thuận trọng tài bị lừa dối, bị đe doạ và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài vô hiệu; thời hạn tuyên bố thoả thuận trọng tài vô hiệu là 6 tháng, kể từ ngày ký kết thoả thuận trọng tài, nhưng phải trước ngày Hội đồng trọng tài mở phiên họp đầu tiên giải quyết vụ tranh chấp quyết định tại Điều 30 của Pháp lệnh;
Trên thực tế việc thoả thuận trọng tài “không quy định” hoặc quy định “không rõ” về đối tượng tranh chấp và tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp là rất dễ xảy ra, nhiều khi chỉ vì những lỗi rất đơn giản như quy định chung chung[v] ; thoả thuận trọng tài ghi không chính xác[vi]; thoả thuận trọng tài diễn đạt nhầm[vii] ; thoả thuận trọng tài chọn tổ chức trọng tài trước đây đã có nhưng nay không tồn tại[viii] .
Trên thực tế Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhận được rất nhiều điều khoản trọng tài được lập trước ngày Pháp lệnh trọng tài có hiệu lực “không quy định” hoặc “quy định không rõ” về đối tượng tranh chấp và tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp như đã dẫn chứng ở trên, trong khi việc giải quyết một số tranh chấp lại được tiến hành vào thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực. Nếu áp dụng các quy định của khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh, thì những thoả thuận trọng tài đó sẽ bị coi là vô hiệu. Vậy liệu có thể xem xét những thoả thuận trọng tài này căn cứ theo Điều 61 của Pháp lệnh trọng tài hay không?[ix] Theo quan điểm của VIAC thì các Hội đồng trọng tài sẽ không áp dụng Pháp lệnh trong khi giải quyết các vụ tranh chấp có thoả thuận trọng tài ký trước thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp một (hoặc hai) bên trong vụ tranh chấp lại viện dẫn áp dụng Pháp lệnh, thì vấn đề lại không đơn giản. Vấn đề càng phức tạp hơn nữa với đa số các trường hợp phổ biến đã, đang và sẽ xảy ra trên thực tế với các thoả thuận trọng tài có những khiếm khuyết nêu tại Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh, được ký kết sau ngày Pháp lệnh trọng tài có hiệu lực. Theo chúng tôi, khi nhận được các loại thoả thuận trọng tài đó, Hội đồng trọng tài cần giải thích cho các bên đương sự biết để có thoả thuận bổ sung. Khoản 4 Điều 10 cũng đã có quy định “mở” cho các bên có thoả thuận bổ sung. Tuy nhiên, thiếu sự xem xét kỹ lưỡng và hướng dẫn cụ thể của Hội đồng trọng tài, các bên sẽ khó có thể tự mình đưa ra một thoả thuận trọng tài đầy đủ theo yêu cầu. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp và không công bằng cho các bên nếu thoả thuận trọng tài bị coi là vô hiệu dựa trên căn cứ của khoản 4 Điều 10. Theo chúng tôi, việc thoả thuận trọng tài “không quy định” hoặc “quy định không rõ” đối tượng tranh chấp và tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp như đã dẫn chứng ở trên (quy định chung chung; ghi không chính xác; diễn đạt nhầm ; chọn tổ chức trọng tài trước đây đã có nhưng nay không tồn tạiv.v..”, không thể được coi là cơ sở để tuyên thoả thuận trọng tài là vô hiệu, càng không thể là căn cứ để huỷ quyết định trọng tài. Theo tác giả, đây là các quy định mang tính tuỳ tiện, đầy hình thức, nặng về yếu tố kỹ thuật mà yếu về tính pháp lý. Không thể đánh giá một lỗi về kỹ thuật soạn thảo văn bản là bản chất của một hành vi pháp lý. Có thể khẳng định rằng những quy định bất cập này của pháp luật Việt Nam chưa hề và sẽ không bao giờ tồn tại trong pháp luật về trọng tài của bất kỳ quốc gia nào, cũng như trong quy tắc tố tụng của bất kỳ thiết chế trọng tài quốc tế nào trên thế giới. Hầu hết pháp luật quốc gia cũng như quốc tế về trọng tài đều chỉ đưa ra một số lý do chung sau đây làm căn cứ để huỷ quyết định trọng tài:
– Một trong các bên ký kết thoả thuận trọng tài không đủ năng lực ký kết thoả thuận đó; hoặc thoả thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo luật mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo luật của quốc gia nơi quyết định được tuyên trong trường hợp các bên không ghi rõ; hoặc
– Bên làm đơn yêu cầu không được thông báo một cách đầy đủ về việc chỉ định trọng tài viên hoặc tố tụng trọng tài, hoặc nói cách khác không thể trình bày vụ việc của mình; hoặc
– Quyết định trọng tài giải quyết một tranh chấp không được quy định hoặc không nằm trong phạm vi các điều khoản của thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết, hoặc quyết định này bao gồm những phán quyết về các vấn đề vượt quá phạm vi của thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết với điều kiện là những quyết định về các vấn đề đưa ra trọng tài giải quyết có thể tách ra khỏi những vấn đề không được đưa ra trọng tài và chỉ có phần của quyết định chứa đựng các quyết định về vấn đề không được nêu ra trọng tài giải quyết có thể bị huỷ bỏ; hoặc
Thành phần của Hội đồng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận giữa các bên hoặc, trong trường hợp không có thoả thuận đó, không phù hợp với luật của nước nơi tiến hành trọng tài; hoặc
Toà án phát hiện rằng:
– Theo luật của quốc gia này, vấn đề nội dung tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài; hoặc
– Quyết định trọng tài vi phạm trật tự công cộng của quốc gia đó.
Xét về hình thức, số lượng các căn cứ để huỷ quyết định trọng tài nêu tại điều khoản về huỷ quyết định trọng tài trong pháp luật Việt Nam là không nhiều (6 điểm). Tuy nhiên, về bản chất, các lý do để huỷ quyết định trọng tài theo pháp luật Việt Nam là rất rộng, do rất nhiều điều khoản khác đã được dẫn chiếu đến từ bản thân những căn cứ chính nêu trên. Cụ thể, đó là các căn cứ để tuyên thoả thuận trọng tài vô hiệu nêu tại Điều 10 của Pháp lệnh (6 điểm)[x] cũng như sự vi phạm nghĩa vụ của trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh[xi].
Để thấy rõ sự “mênh mông” và “đa dạng” của căn cứ huỷ quyết định trọng tài theo pháp luật Việt Nam, chúng ta hãy thử thêm một lần nữa, đơn cử phân tích một số nghĩa vụ của trọng tài viên, theo quy định của Pháp lệnh, ví dụ nghĩa vụ “Tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này”[xii]
Đây thực sự là một quy định quá chung chung và mơ hồ! Theo logic của quy định này, thì việc trọng tài viên vi phạm bất kỳ một điều khoản nào trong 62 điều của Pháp lệnh trọng tài Việt Nam, đều có thể là căn cứ để huỷ quyết định trọng tài! Có thể đơn cử hàng vài chục nghĩa vụ rất chung chung như “ rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp của trọng tài viên”; hay “báo cáo định kỳ hoạt động của trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Sở Tư pháp nơi trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động; hay “lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” v.v… Chẳng lẽ việc trọng tài viên không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh một trong số hàng vài trăm quy định của Pháp lệnh trọng tài, lại là căn cứ để huỷ quyết định trọng tài?!
Thậm chí các nghĩa vụ khác, cụ thể và đặc thù riêng cho trọng tài viên nêu tại khoản 2 Điều 13 cũng là điều cần bàn. Nghĩa vụ “giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết”[xiii], theo chúng tôi không nhất thiết cần phải được chấp hành như một nguyên tắc bắt buộc hay có tính cưỡng chế! Nghĩa vụ (cũng như quy tắc đạo đức) của các trọng tài viên là giữ bí mật vụ tranh chấp giữa các bên để khỏi ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của họ. Đây chính là một ưu thế của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, do các trọng tài viên mang lại. Ta không thể coi đây là quy định bắt buộc đối với các trọng tài viên, càng không thể vô lý khi đem việc một trọng tài viên không giữ bí mật[xiv] về nội dung vụ tranh chấp giữa các bên kinh doanh ra làm căn cứ để huỷ quyết định trọng tài!
Trên đây mới chỉ là một số phân tích thí điểm về một vài trong số rất nhiều căn cứ để huỷ quyết định trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thiết nghĩ nếu mổ xẻ toàn bộ căn cứ huỷ quyết định trọng tài, chúng ta sẽ đều giật mình khi thấy rất rõ số phận mong manh của quyết định trọng tài được tuyên tại Việt Nam ! Bổ sung thêm những án lệ đã có về việc Toà án Việt Nam huỷ quyết định trọng tài[xv] một cách tuỳ tiện, tác giả có thể khẳng định rằng bất kỳ một nhà kinh doanh nào cũng sẽ phải đắn đo khi lựa chọn trọng tài Việt Nam là phương thức để giải quyết tranh chấp của họ. Về lý thuyết, có vô vàn cách để tìm được lý do đề nghị Toà án huỷ quyết định trọng tài, nếu bên thua cuộc cố tình!
Về khái niệm lợi ích công cộng của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Điều 54 của Pháp lệnh quy định một trong các căn cứ huỷ quyết định trọng tài là việc quyết định đó trái với lợi ích công cộng của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này về cơ bản là phù hợp với Luật Mẫu UNCITRAL và quy tắc tố tụng của các thiết chế trọng tài quốc tế, cũng như pháp luật của các nước khác. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm, quan niệm về “trật tự công cộng” – “public policy” trong pháp luật Việt Nam có phần khác với pháp luật quốc tế và pháp luật của một số nước. Có hai loại khái niệm trật tự công cộng, đó là trật tự công cộng quốc gia(domestic public policy) và trật tự công cộng quốc tế (international public policy). Pháp và một số nước khác như Mỹ, Đức, Mehicô… là các nước có cách phân định và áp dụng rất rạch ròi giữa hai khái niệm “trật tự công cộng” này. Theo cách phân định của các nước đó, thì những gì thuộc về trật tự công cộng trong các quan hệ pháp lý ở tầm quốc gia, không nhất thiết phải áp dụng đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài. Điều này có nghĩa là nội hàm trật tự công cộng quốc tế sẽ hẹp hơn trật tự công cộng quốc gia. Thuật ngữ “trật tự công cộng” trong Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nưúơc ngoài (Công ước Neư York) và các văn bản pháp lý quốc tế khác, bao gồm những nguyên tắc có tính chất nền tảng của pháp luật và công lý, về cả mặt nội dung cũng như thủ tục. Trong một loạt các án lệ của Toà án các nước thành viên Công ước New York , thì ranh giới giữa trật tự công cộng quốc gia và trật tự công cộng quốc tế đã được phân định rất rõ. Trong vụ án nổi tiếng Fritz Scherk v. Alberto-Culver Co, Toà án Tối cao của Mỹ đã tuyên rằng, trong khi các tranh chấp về chứng khoán phát sinh từ Hợp đồng trong nước không thuộc thẩm quyền xét xử bằng trọng tài, thì nó lại ngược hẳn trong trường hợp Hợp đồng đó có yếu tố nước ngoài, có nghĩa là các tranh chấp đó sẽ thuộc đối tượng giải quyết bằng trọng tài. Trong vụ Parsons and Whittemore Overseas Inc. v. RAKTA, Toà Phúc thẩm của Mỹ cũng cho rằng, “khái niệm trật tự công cộng trong Công ước New York cần phải được hiểu một cách rất hẹp. Việc thi hành quyết định trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối chỉ khi việc thi hành đó sẽ vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của quốc gia về đạo đức và công lý “violate the forum State’s most basic notions of morality and justice”. Toà án Đức tại nhiều vụ án khác nhau cũng đã rất nhiều lần khẳng định rằng, đối với các quyết định trọng tài nước ngoài, thì không phải tất cả mọi vi phạm điều cấm của pháp luật Đức đều bị coi là vi phạm trật tự công cộng; rằng, ở Đức, khái niệm vi phạm trật tự công cộng được viện dẫn chỉ trong những trường hợp vô cùng đặc biệt mà thôi. Ở Mehicô, khái niệm trật tự công cộng quốc gia và quốc tế cũng được phân biệt rõ. Một ví dụ là khái niệm“in personam” thuộc vấn đề trật tự công cộng quốc gia của nước này, tuy nhiên nó lại không được tính đến trong trường hợp áp dụng đối với trọng tài quốc tế.
Các án lệ cũng như thực tiễn thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài ở các nước thành viên đã cho thấy, Toà án các nước, về cơ bản là đều giải thích điều khoản về trật tự công cộng theo nghĩa rất hẹp, và hạn chế từ chối thi hành quyết định trọng tài, chỉ trong những trường hợp cực kỳ hãn hữu mà thôi. Điều này có nghĩa là, trong việc thống nhất về cách hiểu và giải thích điều khoản trật tự công cộng, Toà án đã thể hiện quan điểm cũng như động thái rất ủng hộ tinh thần của Công ước, là tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Thiết nghĩ trong xu thế hội nhập hiện nay của Việt Nam, nếu chưa thể quy định một cách rõ ràng khái niệm trật tự công cộng, hoặc nếu không chấp nhận xu hướng phân định “trật tự công cộng quốc gia” và “trật tự công cộng quốc tế” tại các văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài, thì cũng cần phải thống nhất, ở một chừng mực nào đó, về cách hiểu, giải thích và áp dụng các quy định này trong thực tiễn xét xử của Toà án Việt Nam nói chung và thực tiễn công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.
Tóm lại, các điều khoản về huỷ quyết định trọng tài trong Pháp lệnh trọng tài thương mại Việt Nam hiện đang còn rất nhiều bất cập. Trong Luật trọng tài đang được xây dựng hiện nay, hy vọng mọi quy định tồn tại đã phân tích ở trên sẽ được loẠi bỏ!
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP – ĐẶNG HOÀNG HOANH – Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Tư pháp
Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/