(Ban hành kèm theo Quyết định số 3193/QĐ-BTP ngày 9/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chỉ thị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình.

Trên cơ sở Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bao gồm các nội dung sau:

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  - 1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. MỤC ĐÍCH

1. Kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; chuẩn bị nội dung và các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngay từ khi có hiệu lực pháp luật (ngày 01/1/2010).

2. Tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến cán bộ, công chức và nhân dân. Thống nhất nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về các nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường để đảm bảo áp dụng thống nhất các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ở các ngành, các cấp trong phạm vi cả nước.

4. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường để đảm bảo tính khả thi của Luật; bảo đảm quyền được bồi thường của tổ chức, cá nhân; bảo đảm lợi ích của Nhà nước và sự hoạt động ổn định của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

II. YÊU CẦU

1. Xác định đầy đủ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện theo phân công của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định trong Chỉ thị.

2. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành Tư pháp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động, tiến độ thực hiện để bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, có hiệu quả nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị.

3. Thông qua việc thực hiện Chỉ thị, tạo tiền đề cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã giao cho ngành tư pháp.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

I. XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

1. Các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo

1.1. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Nội dung: Luật Trách nhiệm đã giao Chính phủ trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều cụ thể (Điều 11, Điều 57 và Điều 58) và hướng dẫn các điều, khoản cần thiết khác để đảm bảo việc tổ chức thi hành Luật có hiệu quả. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm các vấn đề sau: (1) giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; (2) Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; (3) quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.

Thời gian thực hiện: Trình Chính phủ trong tháng 10 năm 2009.

1.2. Thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Cục Thi hành án dân sự, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng.

Nội dung: Hướng dẫn về xác định trách nhiệm bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009.

1.3. Thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ.

Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.

Nội dung: Hướng dẫn về xác định trách nhiệm bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính.

Thời gian thực hiện: Tháng 12 năm 2009.

2. Các văn bản Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan khác để soạn thảo

2.1. Thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự

Cơ quan chủ trì: Đại diện cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương trên cơ sở thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế chủ trì, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính phối hợp).

Nội dung: Hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được bồi thường, các trường hợp không được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự trên cơ sở các Điều 26 và 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, về thủ tục khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009

2.2. Thông tư liên tịch hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự

Cơ quan chủ trì: Bộ Công an

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế chủ trì, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính phối hợp).

Nội dung: Hướng dẫn về xác định trách nhiệm bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009.

2.3. Thông tư hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hình chính

Cơ quan chủ trì: Đại diện cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương trên cơ sở thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ quan phối hợp: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế chủ trì, Cục Thi hành án dân sự phối hợp).

Nội dung: Hướng dẫn về xác định trách nhiệm bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009.

2.4. Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước về bồi thường

Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế chủ trì, Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp).

Nội dung: Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước về bồi thường.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009.

II. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG

1. Triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Cục Thi hành án dân sự, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.

Nội dung: Xác định các nội dung cụ thể của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường, qua đó, tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý nhà nước về bồi thường trong hoạt động tố tụng khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009.

2. Xây dựng kế hoạch liên ngành để thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng

Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức, cán bộ, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính.

Nội dung: Thống nhất về nội dung kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng.

Thời gian thực hiện: Tháng 11 năm 2009.

3. Kiện toàn về tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường

Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức, cán bộ.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính.

Nội dung: Rà soát các nội dung công việc thuộc phạm vi công tác quản lý nhà nước về bồi thường, xác định nhu cầu sử dụng biên chế, qua đó, đề xuất về việc kiện toàn bộ máy, tổ chức của đơn vị chuyên trách giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương theo quy định tại Điều 11 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009.

III. RÀ SOÁT CÁC QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BỘ TƯ PHÁP, CÁC QUYẾT ĐỊNH, HÀNH VI CÔNG VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THUỘC PHẠM VI TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ.

Nội dung: Rà soát lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, các quyết định, hành vi công vụ trong hoạt động thi hành án dân sự đối với các chức danh công chức thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt là quy trình, thủ tục, ra hoặc không ra, tổ chức hoặc không tổ ch��c thực hiện các hành vi, quyết định công vụ. Trên cơ sở đó, cần kết hợp việc quán triệt tinh thần và nội dung các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm công vụ, đặc biệt là cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật quy định về chức trách của công chức, những hành vi, quyết định hành chính được quy định trực tiếp trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể dẫn đến việc bồi thường, qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi công chức của đơn vị thực thi công vụ đúng pháp luật; nếu có sai sót thì kịp thời phát hiện và đề xuất hướng xử lý để hạn chế vi phạm có thể dẫn đến bồi thường.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý I, II năm 2010.

IV. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trong ngành Tư pháp

a. Tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự các cấp

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến và giáo dục pháp luật

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Tổ chức, cán bộ, Cục Thi hành án dân sự, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật và xã hội.

Nội dung: Tổ chức các Hội nghị để tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các Sở Tư pháp về công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật này.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý I, II, III năm 2010.

b. Tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành tới lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến và giáo dục pháp luật.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Tổ chức, cán bộ.

Nội dung: Tổ chức các Hội nghị để tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý, I, II, III năm 2010.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Nội dung: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009.

3. Mở chuyên mục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp

Đơn vị chủ trì: Cục Công nghệ thông tin.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Nội dung: Mở chuyên mục riêng để đăng tải toàn văn nội dung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và thông tin về công tác thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý I năm 2010.

V. CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ

1. Biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình tập huấn về pháp luật, về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Cục Thi hành án dân sự, Việc Khoa học pháp lý, đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính.

Nội dung: Biên soạn tài liệu, xây dựng Chương trình tập huấn phục vụ công tác bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý I, II năm 2010.

2. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết bồi thường

2.1. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết bồi thường trong ngành tư pháp

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức, cán bộ, Cục Thi hành án dân sự, Viện Khoa học pháp lý.

Đối tượng: Cán bộ, công chức được phân công thực hiện việc giải quyết bồi thường.

Nội dung nghiệp vụ:

– Phạm vi các trường hợp được bồi thường;

– Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

– Thủ tục giải quyết bồi thường: thụ lý yêu cầu bồi thường; xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại; thương lượng việc giải quyết bồi thường;

– Theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường đối với hoạt động giải quyết bồi thường;

– Lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường;

– Xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2009, Quý I, II năm 2010.

2.2. Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ, công chức được giao thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường

Đơn vị chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn.

Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đối tượng: Cán bộ, công chức được giao phụ trách công tác giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước ở TW và địa phương có liên quan đến phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Nội dung nghiệp vụ:

– Phạm vi các trường hợp được bồi thường;

– Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

– Thủ tục giải quyết bồi thường: thụ lý yêu cầu bồi thường; xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại; thương lượng việc giải quyết bồi thường;

– Theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường đối với hoạt động giải quyết bồi thường;

– Lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí bồi thường;

– Xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Thời gian thực hiện: Trên cơ sở đề xuất việc phối hợp với Bộ Tư pháp của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

VI. CÔNG TÁC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ THỰC THI LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Cục Thi hành án dân sự, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Tổ chức, cán bộ, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Viện Khoa học pháp lý.

Nội dung: Tổng kết, thống kê số liệu về việc giải quyết bồi thường, qua đó, phát hiện các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để đề xuất phương án giải quyết, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thời gian thực hiện: Năm 2010, 2011.

C. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện kế hoạch

Đơn vị chủ trì: Vụ Kế hoạch – Tài chính

Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đã được phân công theo kế hoạch này.

Nội dung: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ (Bộ Tư pháp) có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:

– Xây dựng Nghị định và các Thông tư (Thông tư do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và các Thông tư liên tịch Bộ Tư pháp phối hợp soạn thảo);

– Tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trong ngành tư pháp;

– Biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình tập huấn về pháp luật, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường;

– Xây dựng kế hoạch liên ngành để thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;

– Khảo sát, thống kê, phân tích số liệu phục vụ cho công tác tổ chức đánh giá hiệu quả thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thời gian thực hiện: Sau khi Kế hoạch được phê duyệt.

2. Công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.

Đơn vị phối hợp: Cục Thi hành án dân sự, Vụ Tổ chức, cán bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Vụ Kế hoạch – Tài chính.

Nội dung: Theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 1565/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Qua công tác này, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)