Căn cứ pháp lý:

– Luật Thanh tra năm 2010;

– Nghị định số 86/2011/NĐ-CP;

– Thông tư 06/2021/TT-TTCP

1. Khái niệm về kết luận thanh tra

Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo quy định pháp luật về thanh tra, cho đến nay chưa có một khái niệm chính thống về kết luận thanh tra mà chỉ quy định về nội dung kết luận thanh tra (tại Điều 50, Luật Thanh tra năm 2010). Về mặt hình thức, kết luận thanh tra là một văn bản hành chính do cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; phản ánh toàn diện, đầy đủ về kết quả cuộc thanh tra; là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện những kiến nghị được nêu tại Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra được người ra quyết định thanh tra ban hành để đánh giá, nhận xét, kết luận việc thực hiện chính sách, pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức và cá nhân được thanh tra; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và các quy định của ngành để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nội dung của kết luận thanh tra là cơ sở pháp lý để Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xử lý và chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung được nêu trong kết luận thanh tra.

Trong hoạt động quản lý nhà nước, kết luận thanh tra hành chính là một văn bản có vai trò quan trọng, là cơ sở để Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, từ đó ra quyết định xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc có hành vi vi phạm pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý; sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

2. Quy định về công khai kết luận thanh tra

Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định về công khai kết luận thanh tra như sau:

– Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước.

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.

– Việc công khai kết luận thanh tra theo những hình thức:

+ Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

+ Ngoài ra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất là 02 lần; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 số phát hành.

Thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 05 ngày liên tục. Thời gian niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra ít nhất là 05 ngày.

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra cung cấp một phần hay toàn bộ kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Tại sao phải xây dựng kế hoạch thanh tra phải được người ra quyết định thanh tra phê duyệt?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, quy định trách nhiệm của Người ra Quyết định thanh tra là “Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của Đoàn thanh tra; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra”. Vì vậy Người ra quyết định thanh tra phải phê duyệt Kế hoạch tiến hành thanh tra. Việc xây dựng, phê duyệt, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra được quy định tại Điều 16 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

4. Kết luận thanh tra phải có những nội dung gì?

Nội dung kết luận trong hoạt động thanh tra hành chính thường liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nhiều khi liên quan đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân và công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên. Việc xử lý đối với kết luận thanh tra hành chính phải qua nhiều thủ tục; để làm rõ khuyết điểm, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải giao các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất xử lý trước khi ra quyết định xử lý cuối cùng. Trong trường hợp này, nếu có khiếu nại thì đối tượng thanh tra khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra, không phải khiếu nại kết luận thanh tra.

Theo quy định của Luật thanh tra, thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra do người đã ra quyết định thanh tra thực hiện.

Cụ thể, Điều 50 Luật thanh tra quy định: Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra và gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, đối tượng thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Kết luận thanh tra phải có các nội dung sau đây:

– Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra;

– Kết luận về nội dung thanh tra;

– Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;

– Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý.

Trong quá trình ra văn bản kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo; yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận thanh tra.

5. Khiếu nại kết luận thanh tra

Luật Thanh tra 2010 quy định quyền của đối tượng thanh tra, theo đó, đối tượng thanh tra có quyền: “…Khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại”. Trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định về giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra như sau:

“1. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với quyết định xử lý, hành vi của Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thanh tra thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

2. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã có kết luận hoặc quyết định xử lý có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

3. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý, Thủ trưởng cơ quan thanh tra đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại”.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại kết luận thanh tra và Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ban hành kết luận thanh tra phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Quy định này cũng tương tự như thẩm quyền giải quyết trong khiếu nại hành chính, đó là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyết định hành chính bị khiếu nại thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai lên cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại.

6. Quyết định thanh tra hành chính

Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

Đoàn thanh tra hành chính bao gồm:

Đoàn thanh tra hành chính có Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn Thanh tra.

Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện những cơ quan liên quan; Trưởng đoàn thanh tra là đại diện cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra.

Nội dung của quyết định thanh tra hành chính:

Căn cứ pháp lý để thanh tra;

Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra;

Thời hạn thanh tra;

Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.

Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.

Công bố quyết định thanh tra hành chính:

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.

Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra báo cáo về những nội dung theo đề cương đã yêu cầu.

Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra.