Trước hết, để làm rõ khái niệm ủy thác THADS, cần tìm hiểu thi hành án là gì. Thi hành án được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiến hành theo thủ tục trình tự pháp luật quy định, nhằm thực hiện các bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án…
1. Khái niệm về ủy thác thi hành án dân sự
Trước hết, để làm rõ khái niệm ủy thác THADS, cần tìm hiểu thi hành án là gì. Thi hành án được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiến hành theo thủ tục trình tự pháp luật quy định, nhằm thực hiện các bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Thi hành án, xuất phát từ thuật ngữ gốc là “Thi hành” theo tác giả Đào Duy Anh, thì thi hành là: “Đem cái việc đã trù định sẵn mà làm ra cho có hiệu quả”. Như vậy thi hành án có thể được hiểu là đem bản án của Tòa án ra thi hành trên thực tế cho có hiệu quả; còn THADS là việc đưa các bản án, quyết định của Tòa án về dân sự đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Điều này có ý nghĩa chỉ các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực và đang có hiệu lực mới được đem thi hành; đó là các bản án, quyết định sau đây của Tòa án: bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; quyết định về dân sự trong bản án, quyết định hình sự; các bản án, quyết định dân sự khác do pháp luật quy định.THADS là hoạt động của cơ quan THADS, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án. THADS chủ yếu là thi hành các quyết định của TA mang tính chất tài sản – đặc trưng của quan hệ dân sự, vì vậy, quyền tự định đoạt của đương sự luôn được tôn trọng trong suốt quá trình THA. Điều này thể hiện ở chỗ: khác với THA hình sự, người được THA trong THADS luôn giữ vai trò chủ động, có quyền quyết định việc có đưa ra yêu cầu THA hay không? đưa ra vào thời điểm nào (miễn là trong thời hiệu quy định), yêu cầu THA một phần.
THADS là hoạt động có định hướng của Nhà nước được thực hiện bởi các chủ thể được Nhà nước trao quyền, để thực hiện trên thực tế các bản án, quyết định dân sự, phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự và các quyết định khác theo quy định của pháp luật bằng cách áp dụng các biện pháp tác động phù hợp với pháp luật trên cơ sở tuân thủ một cách đầy đủ, chính xác các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Do vậy, có thể hiểu về THADS như sau: THADS là hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm chỉnh các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án đã có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Trên thực tế, trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự, không ít những trường hợp bản án, quyết định dân sự có liên quan đến nhiều người phải thi hành án ở những nơi khác nhau, tài sản, thu nhập của người phải thi hành án ở những nơi khác nhau hoặc trong quá trình thi hành án người phải thi hành án chuyển đi nơi khác… đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình thi hành án. Trong trường hợp này, để tăng hiệu quả của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định thì phải tổ chức ủy thác cho CQTHA nhận uỷ thác là cơ quan có điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn để thi hành vụ việc, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí của nhà nước và đương sự, từ đó phát sinh việc ủy thác THADS.
Ủy thác là việc bên ủy thác giao cho cá nhân, pháp nhân – bên được ủy thác, nhân danh người ủy thác để làm một việc nhất định mà người ủy thác không thể làm trực tiếp hoặc không muốn làm.
Uỷ thác THADS là việc chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần quyết định thi hành án từ CQTHA này sang CQTHA khác theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thi hành án các bản án, quyết định của Toà án liên tục và trên thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân được pháp luật bảo vệ.
Ủy thác thi hành án còn được hiểu là việc cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án chuyển giao quyền ra quyết định và tổ chức thi hành án đến cơ quan thi hành án nơi khác- nơi mà người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án; uỷ thác thi hành án là trách nhiệm của cơ quan thi hành án nơi có thẩm quyền nhưng không có điều kiện để tổ chức thi hành mà phải chuyển hồ vụ việc cho cơ quan thi hành án khác có điều kiện tổ chức thi hành vụ việc.
Bên cạnh đó, uỷ thác thi hành án dân sự được coi là hoạt động của Thủ trưởng cơ quan thi hành án bằng một Quyết định để chuyển hồ sơ vụ việc thi hành án thuộc thẩm quyền của mình cho một cơ quan thi hành án khác có điều kiện để tổ chức thi hành; Ủy thác thi hành án là nghĩa vụ của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định khi có căn cứ người phải thi hành án có tài sản hoặc làm việc hoặc cư trú hoặc có trụ sở ở địa phương khác.
Hiện nay, pháp luật về THADS chưa có văn bản nào quy định cụ thể khái niệm về ủy thác THADS mà chỉ quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền và trình tự, thủ tục ủy thác THADS. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của pháp luật cũng như khảo sát thực tế áp dụng các quy định của pháp luật về ủy thác thi hành án, có thể đưa ra khái niệm ủy thác THADS như sau:
Ủy thác THADS là việc CQTHA có thẩm quyền thi hành án chuyển giao quyền ra quyết định và tổ chức thi hành án đến CQTHA nơi khác, nơi mà người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án.
2. Đặc điểm cơ bản của ủy thác THADS
* Từ khái niệm trên, có thể nhận thấy một số đặc điểm cơ bản của ủy thác THADS như sau:
2.1 Chủ thể thực hiện ủy thác
Chủ thể của hoạt động ủy thác THADS bao gồm bên ủy thác và bên nhận ủy thác, trong đó:
Bên ủy thác: là cơ quan THADS có nhu cầu giao cho bên nhận ủy thức để thực hiện việc thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo yêu cầu của mình.
Bên nhận ủy thác: là cơ quan THADS nơi có điều kiện hơn, thường là nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở để thực hiện việc THADS.
2.2 Nội dung ủy thác thi hành án dân sự
Nội dung của hoạt động ủy thác THADS là xác định căn cứ, thẩm quyền của CQTHA nhận ủy thác và trình tự, thủ tục thực hiện việc ủy thác thi hành bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
2.3 Cơ sở của việc ủy thác THADS
Ủy thác THADS có những điều kiện nhất định mới phải thực hiện ủy thác THADS như: trước khi ủy thác THADS thì phải xem xét người phải thi hành án có đủ điều kiện để ủy thác đến cơ quan THADS ở địa phương khác hay không thì phải xác minh điều kiện của người phải thi hành án xem có tài sản hay đang cư trú ở địa phương đó hay không, nếu tổ chức thì phải xem trụ sở tổ chức đó có đăng ký hoạt động tại đại phương đó hay không…
Ủy thác THADS là một khâu riêng trong THADS, muốn ủy thác THADS trong quá trình tổ chức THADS thì CHV ngoài việc phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục THADS, còn phải xác minh đầy đủ, chặt chẽ, đủ điều kiện thì mới đủ căn cứ để thực hiện việc ủy thác THADS.
– Ủy thác THADS có mục đích góp phần bảo đảm thi hành kịp thời, đầy đủ nội dung phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành theo thủ tục THADS, bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong THADS, bảo đảm quyền lợi cho người được thi hành án và cho ngân sách Nhà nước; mặt khác giúp cho cơ quan THADS giải quyết việc THADS, giảm thiểu việc thi hành án tồn đọng.
3. Vai trò của ủy thác thi hành án dân sự
– Ủy thác THADS bảo đảm thực thi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, tăng cường pháp chế XHCN.
Trong hoạt động Nhà nước, công tác THADS nói chung và ủy thác THADS nói riêng, có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua hoạt động THADS, những phán quyết của TA nhân danh Nhà nước, thể hiện ý chí của Nhà nước được trở thành hiện thực, công lý xã hội được thực hiện. Quá trình giải quyết một vụ án chỉ kết thúc khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành kịp thời và đầy đủ. Ủy thác THADS có vai trò bảo đảm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.
Nếu công tác ủy thác THADS không được quan tâm đầy đủ và không có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tác động đến toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực Nhà nước bị xem thường, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm. Ủy thác THADS đạt hiệu quả sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần lập lại kỷ cương, tăng cường pháp chế XHCN.
– Ủy thác THADS góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xét xử Việc điều tra, hòa giải, xét xử vụ án mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình bảo
vệ quyền lợi của đương sự. Ở giai đoạn này, TA mới chỉ giải quyết nội dung vụ án, xác định được quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Phán quyết của TA có trở thành hiện thực hay không tuỳ thuộc vào quá trình thực thi nó trong cuộc sống. Thông qua giai đoạn THADS, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mới có hiệu lực trên thực tế, công lý mới được thực hiện. Với ý nghĩa đó, Ủy thác THADS là một hoạt động không thể thiếu được của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Thông qua THADS, kết quả của công tác xét xử được củng cố, hiệu lực các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được bảo đảm. Mặt khác, ủy thác THADS còn là giai đoạn kiểm nghiệm qua thực tiễn những phán quyết của TA, phản ánh trung thực chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử. Thông qua hoạt động THADS, các thẩm phán TAND có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.
– Ủy thác THADS góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân
Đặc thù của ủy thác THADS là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ động, phát huy trách nhiệm của CHV, Cơ quan THADS và sự chỉ đạo sát sao cụ thể của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan tổ chức có liên quan, sự đồng tình của quần chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong hoạt động ủy thác THADS. THADS không chỉ là hoạt động nghiệp vụ riêng của cơ quan THADS, CHV mà còn là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội và mọi thành viên trong cộng đồng. Thông qua các quy định của pháp luật ủy thác THADS và áp dụng trong việc xử lý các hành vi chống đối, cản trở hoặc can thiệp trái pháp luật vào quá trình THADS, mọi người càng thấy được thái độ cụ thể của pháp luật đối với những người cố ý vi phạm từ đó nhận thức pháp luật được nâng lên, ý thức pháp luật của nhân dân, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được nâng cao, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và sức mạnh của Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
– Ủy thác THADS nói chung, đặc biệt ủy thác THADS trong việc giải quyết hồ sơ, xử lý tài sản thi hành án góp phần giúp thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách đầy đủ.
Việc ủy thác THADS trong việc giải quyết hồ sơ, xử lý tài sản thi hành án là rất quan trọng, nó giữ vai trò trọng tâm khi ủy thác thi hánh án, khi bản án, quyết định tuyên người phải thi hành án có tài sản hay địa chỉ ở địa phương khác thì cần phải xác định:
+ Về phần chủ động (khoản nộp Ngân sách Nhà nước) thì bộ phận thụ lý kiểm tra, xem xét người phải thi hành án không có cư trú tại địa phương, có đủ cơ sở ủy thác thì làm thủ tục ủy thác thẳng đến địa phương mà người phải thi hành án đang cư trú.
+ Về phần theo đơn yêu cầu thi hành án (khoản người phải THA là cá nhân hay tổ chức phải trả nợ cho người được THA) trường hợp nay bộ phận thụ lý phải thụ lý đơn va ra quyết định THA phân công cho CHV thụ lý, khi CHV thụ lý xem xét hồ sơ người phải thi hành án hiện đang cư trú hoặc tài sản đang ở địa phương khác thi làm thủ tục ủy thác ngay cho cơ quan THA nơi người phải thi hành dang cư trứ, có tài sản để tiếp tục thi hành án theo quy định, ngăn chặn việc người phải THA tẩu tán tài sản hoặc trốn ra nước ngoài.
Về trường hợp người phải THA có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì trước khi ủy thác, cơ quan THA đang thi hành phải thi hành hết tài sản của người phải THA rồi sau đó mới ủy thác đến địa phương người phải THA có tài sản nhiều nhất, có giá trị lớn nhất để tiếp tục thi hành (khi thi hành thì phải ngăn chặn tất cả các tài sản của người phải THA ở nhiều địa phương khác, tránh việc người phải THA tẩu tán tài sản dẫn đến việc thi hành án găp khó khăn làm ảnh hưởng đến quyền lợi cho người được THA). Việc ủy thác thi hành án kịp thời, đúng quy định pháp luật, đúng nội dung của bản án, quyết định của Tòa án trong quá trình tổ chức THA là rất quan trọng, giữ vai trò trọng tâm khi thực hiện ủy thác THADS, đảm bảo góp phần thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách đầy đủ.
Tóm lại, ủy thác THADS có vai trò rất quan trọng trong hoạt động THADS góp phần bảo đảm thi hành kịp thời, đầy đủ nội dung phần quyết định của bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS, bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong THADS. Mặt khác, ủy thác THADS còn giúp cho cơ quan THADS giải quyết việc THADS, giảm thiểu việc thi hành án tồn đọng…
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty Luật LVN Group