1. Khái niệm quỹ quốc gia về việc làm

Quỹ quốc gia về việc làm là Khoản tài chính dự trữ của quốc gia được lập để giải quyết việc làm và hỗ trợ dịch vụ việc làm. Quỹ quốc gia việc làm được tạo lập từ các nguồn sau: ngân sách nhà nước; khoản trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ việc làm.

2. Quản lý và sử dụng quỹ quốc gia về việc làm

– Sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm: Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi chung là Quỹ) được sử dụng cho các hoạt động sau đây:

+ Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;

+ Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Quản lý Quỹ quốc gia về việc làm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn và giao chỉ tiêu thực hiện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức thực hiện chương trình).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

Quỹ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định này. Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm: 

ngoài nguồn vốn do NSNN được duy trì và cho vay quay vòng hằng năm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP bổ sung trường hợp Ngân hàng CSXH huy động vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay cho Quỹ quốc gia về việc làm. Đồng thời để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật NSNN, NSNN không hỗ trợ chi hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo đó NSNN không hỗ trợ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP [2], bỏ quy định về thẩm thẩm quyền phân bổ vốn từ NSNN và quy định về việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm.

Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm: Để đảm bảo phù họp với quy định của Luật NSNN, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các địa phương và các tổ chức thực hiện chương trình: giao Ngân hàng CSXH báo cáo Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các địa phương: “Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối họp với Ngân hàng CSXH địa phương báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ tại địa phương. Ngân hàng CSXH địa phương điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của UBND cấp tỉnh”; bổ sung quy định về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình: “Cơ quan Trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, quyết định việc điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình. Ngân hàng CSXH điều chỉnh nguồn vốn vay theo quyết định của cơ quan Trung ương của tổ chức thực hiện chương trình”.

4. Những thành tựu đạt được từ quỹ quốc gia về việc làm

Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, nay gọi là Quỹ quốc gia về việc làm được thành lập năm 1992 nhằm cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn.

Mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, nguồn vốn được bảo toàn, chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng Quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội không ngừng được mở rộng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31 tháng 5 năm 2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 16.999 tỷ đồng, doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5 năm 2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885 nghìn lao động; doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 13.857 tỷ đồng.

Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Từ năm 2015 đến ngày 31 tháng 5 năm 2019, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo việc làm cho 552 nghìn lao động nữ, 40 nghìn lao động là người khuyết tật và 77 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.

Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm có thể kể đến như mô hình khôi phục làng nghề truyền thống như làng nghề bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư như mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh; mô hình tổ tiết kiệm & vay vốn của Hội Phụ nữ Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; tổ tiết kiệm & vay vốn khối 9 phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn;…đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ…

5. Những hạn chế của việc quản lý quỹ quốc gia về việc làm

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại. Đó là, nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, từ năm 2016 đến nay ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay (10% tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm hằng năm) nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; không có nguồn vốn từ Quỹ để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, Mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn 2016 đến nay, quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngày càng nâng lên, từng bước chuyển từ hoạt động sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, giới hạn sang quy mô lớn, gắn với quy hoạch phát triển vùng, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng tiêu thụ sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị; các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngoài nguồn vốn vay tối đa 01 tỷ đồng hoặc 50 triệu đồng đã phải tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khác mới đủ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; biến động của giá cả thị trường tăng lên hàng năm, chi phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị, mua cây, con giống, nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng (từ năm 2014 đến nay, chỉ số CPI đã tăng hơn 12,85%); đối tượng vay đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch (trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm …).

Một bất cập nhận thấy rõ nữa là lãi suất cho vay từ Quỹ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (thấp hơn mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) trong khi đây không phải là các đối tượng ưu tiên dẫn đến tâm lý ỷ lại của các đối tượng, không khuyến khích họ trả nợ đúng hạn và tạo sự không công bằng với các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, một số quy định về quản lý Quỹ quốc gia về việc làm như: Thẩm quyền phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ từ ngân sách nhà nước, thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…; quy định về mức vay có tài sản bảo đảm chưa phù hợp với thực tiễn (Điều 37 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.”, trong khi chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động cao (khoảng 100 triệu đồng), người lao động thuộc đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thường không có tài sản để bảo đảm tiền vay dẫn đến một bộ phận người lao động phải vay thêm từ các nguồn tín dụng khác bên cạnh khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải các chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dẫn đến tình trạng tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và gia đình…

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Trong đó, Cục đề xuất cần nâng mức vay tối đa và thời hạn vay vốn quy định trong Điều 14 lên 2 tỷ đồng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; và 100 triệu đồng đối với người lao động.

Tăng thời hạn vay vốn tối đa quy dịnh tại Điều 25 lên 120 tháng. Tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động trong Khoản 1, Điều 26 theo hướng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật. Mức vay có tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 27 và Điều 37 cũng nên nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm cả nước theo hướng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 30 theo hướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các địa phương: bổ sung quy định tại Khoản 4 Điều 30 theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay tại địa phương; Về điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giữa các cơ quan cấp tỉnh: bổ sung quy định tại Khoản 5 Điều 30 theo hướng giao cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình có thẩm quyền điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.