1. Khái niệm trái phiếu

Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định cụ thể như sau:

“Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”

Theo đó, trái phiếu là một loại chứng khoán, là đối tượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định.

Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.

Người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc chính phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh). Trái chủ là người cho nhà phát hành vay và họ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn vay của người vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.

2. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 163).

Về đối tượng được mua trái phiếu, Điều 8 Nghị định này cho phép cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được tham gia mua trái phiếu để đầu tư. Đồng thời, khi tham gia đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư phải tự đánh giá mức độ rủi ro, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

3. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ Điều 6 Nghị định 163 năm 2018, trái phiếu doanh nghiệp có một số đặc điểm như sau:

– Kỳ hạn trái phiếu: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và tình hình thị trường.

– Khối lượng phát hành: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động của thị trường trong từng thời kỳ.

– Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu

+ Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam;

+ Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành;

+ Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền phát hành.

– Mệnh giá trái phiếu

+ Trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, mệnh giá là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam.

+ Mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

– Hình thức trái phiếu

+ Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử;

+ Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.

– Lãi suất danh nghĩa trái phiếu

+ Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi;

+ Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng;

+ Doanh nghiệp quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt phát hành phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Loại hình trái phiếu

+ Trái phiếu không chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền;

+ Trái phiếu chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.

– Giao dịch trái phiếu: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.

– Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành, được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.

Ngoài các đặc điểm trên, Điều 9 Nghị định 163 còn quy định chủ sở hữu trái phiếu sẽ có các quyền lợi là:

– Được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và bảo đảm việc thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi phát hành.

– Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, để lại, thừa kế, chiết khấu và sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.

4. Đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Khoản 4 Điều 46 Luật doanh nghiệp quy định“4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

Khoản 4 Điều 74 Luật doanh nghiệp quy định: “4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

Khoản 3 Điều 111 Luật doanh nghiệp quy định: “3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty”

Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có quyền phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

5. Các loại trái phiếu trong doanh nghiệp

Theo quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì có những loại trái phiếu sau:

– Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

– Trái phiếu chuyển đổi là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

– Trái phiếu có bảo đảm là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

– Trái phiếu kèm chứng quyền là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

6. Trái phiếu và cổ phiếu có gì khác nhau?

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Chỉ công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu.

Theo khoản 1, 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có 02 loại cổ phiếu như sau:

– Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): Dùng để xác định quyền sở hữu của các cổ đông. Người nắm giữ cổ phiếu này sẽ có quyền quản lý và kiểm soát công ty hay tham gia vào các cuộc họp HĐQT, cũng như bỏ phiếu quyết định vào các vấn đề lớn của công ty.

– Cổ phiếu ưu đãi: Người nắm giữ có thể nhận ưu đãi về cổ tức và quyền biểu quyết hay được hoàn lại phần vốn góp.

Vậy, cổ phiếu và trái phiếu có gì khác nhau? Khi một nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là họ cho công ty đó vay tiền. Ngược lại, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu, nghĩa là họ mua một phần của công ty. Giá trị của các cổ phiếu tăng và giảm đi theo giá trị của công ty, cho phép các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Với trái phiếu, nhà đầu tư sẽ chỉ được nhận lãi mà thôi. Nếu một công ty bị phá sản, công ty sẽ ưu tiền trả nợ cho chủ sở hữu trái phiếu của mình cùng các chủ nợ khác trước các cổ đông trong công ty. Do vậy, việc đầu tư vào trái phiếu được đánh giá là an toàn hơn cổ phiếu.