Vấn đề tưởng như đã rõ ràng nhưng hóa ra lại còn đó nhiều câu hỏi cần làm sáng tỏ như: những tư tưởng, học thuyết về phân chia hệ thống pháp luật thành luật công và luật tư có từ bao giờ, được kế thừa, phát triển ra sao? Quan niệm của các nhà luật học Civil Law hiện nay về vấn đề này như thế nào, những vấn đề lý luận nào còn bỏ ngỏ, cần tiếp tục giải đáp? Bài viết dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi trên từ góc nhìn lịch sử luật pháp và thực tiễn lý luận ở CHLB Đức.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191
1. Lịch sử phân chia luật công và luật tư
– Học thuyết dựa trên cơ sở lợi ích (Interresentheorie)
Tư tưởng, học thuyết phân chia luật công và luật tư đã có rất sớm từ thời La Mã cổ đại. Nhà triết học Cicero từ thế kỷ I TCN đã đưa ra quan điểm rằng pháp luật gồm có hai bộ phận cấu thành gồm: những qui định pháp luật điều chỉnh các quan hệ cá nhân (Ius privatum) và những qui định pháp luật điều chỉnh các quan hệ công (Ius publicum). (1)
Đến thế kỷ II SCN, nhà luật học La Mã Ulpian (170 -228 SCN) đã đưa ra học thuyết phân chia giữa luật tư (Ius civile) và luật công (Ius publicum) dựa trên cơ sở lợi ích (hay còn gọi là học thuyết lợi ích – Interessentheorie). Học thuyết này phân biệt: Luật công liên quan đến lợi ích của nhà nước và lợi ích công cộng, luật tư liên quan đến lợi ích của cá nhân. (2)
– Học thuyết quan hệ giữa các chủ thể (Subjektionstheorie)
Đến thế kỷ XIX, những tư tưởng về sự phân chia giữa luật công và luật tư của Luật La Mã được kế thừa và phát triển thông qua học thuyết dựa trên quan hệ giữa các chủ thể (Subjektionstheorie). Học thuyết này phân chia: Nếu là quan hệ có tính thứ bậc (Über-Unterordnungsverhältnis) giữa nhà nước và công dân thì đó là quan hệ pháp luật do luật công điều chỉnh, còn quan hệ mà các bên tham gia là quan hệ bình đẳng (Gleichrangigkeitsverhältnis) thì đó là quan hệ pháp luật của luật tư điều chỉnh. (3)
-Học thuyết hành vi của chủ thể (Subjektstheorien)
Học thuyết đương đại hiện nay ở Đức về phân chia luật công và luật tưlà học thuyết dựa trên cơ sở phân loại hành vi của chủ thể (Subjektstheorien/ Sonderrechtstheorien).
Theo học thuyết này, luật công là tổng thể những qui phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể được nhà nước trao quyền nhằm thực thi chức năng, nhiệm vụ công (in Ausübung eines öffentlichen Amtes). Luật tư là tổng thể những qui phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể dựa trên các qui phạm của luật dân sự (Normen des zivilen Rechts). (4)
Ví dụ đơn giản:
– Một trường Đại học là pháp nhân của luật công. Khi nhà trường ban hành qui chế và áp dụng đối với sinh viên đó là quan hệ luật công. Khi nhà trường mua văn phòng phẩm, bàn ghế với một cá nhân hoặc doanh nghiệp cụ thể, đó là quan hệ luật tư. (5)
– Tương tự như vậy, giáo sư ở Đức là một công chức (ein Beamter). Khi giáo sư giảng bài, chấm bài cho sinh viên đó là quan hệ pháp luật của luật công. Trong giờ nghỉ, đói bụng, giáo sư đi ra ngoài mua bánh Pizza để ăn thì đó lại là quan hệ thuộc sự điều chỉnh của luật tư.
2. Điểm hạn chế của các học thuyết
– Học thuyết dựa trên lợi ích (Interresentheorie): Nếu chỉ dựa vào yếu tố lợi ích để phân chia luật công và luật tư thì có nhiều điều chưa ổn. Vấn đề nằm ở chỗ thế nào là lợi ích công và thế nào là lợi ích tư? Có thể phân biệt được rạch ròi không? Hơn nữa, thực tế nhiều vấn đề pháp lý thuộc luật công lại liên quan đến cả lợi ích tư và ngược lại. Ví dụ chế định quyền cơ bản của công dân (Grundrechte) là một chế định của luật công, thuộc lĩnh vực Luật nhà nước. Tuy nhiên thực tế những quyền cơ bản được qui định trong Luật cơ bản của Đức có mục đích chính là bảo vệ lợi ích tư, lợi ích của công dân. Hoặc một bể bơi, một trường tư trong thành phố được thành lập mặc dù dưới tên gọi là công ty hoạt động theo luật tư nhưng mục đích chính của công ty lại là vì lợi ích công cộng. (6)
– Học thuyết dựa trên quan hệ giữa các chủ thể (Subjektionstheorie): Học thuyết này cũng không làm rõ thế nào là “quan hệ bình đẳng”.Quan hệ giữa các bên bình đẳng trước pháp luật liệu đã đủ chưa? hay quan trọng phải là sự bình đẳng ở trong chính mỗi qui phạm pháp luật giữa các bên? Hơn nữa, nếu chấp nhận thuật ngữ “quan hệ bình đẳng” đi nữa thì thực tế không phải lúc nào trong quan hệ giữa các chủ thể của luật công cũng là bất bình đẳng. Ví dụ như: Các bên trong hợp đồng công vụ (öffentlich-rechtlicher Vertrag) giữa các chủ thể của luật công là các cơ quan nhà nước. Hay trong luật tư cũng vậy, không phải mọi quan hệ của luật tư cũng đều là bình đẳng. Thực tế có những quan hệ ít nhiều mang tính thứ bậc trong luật tư như: quan hệ giữa cha mẹ và con cái dưới 18 tuổi trong Luật gia đình hoặc giữa người tuyển dụng lao động và người lao động trong Luật lao động. (7)
– Học thuyết dựa trên cơ sở phân loại hành vi của chủ thể(Subjektstheorien): Học thuyết này cũng chưa làm rõ được nhiều vấn đề phát sinh hiện nay là thuộc chế định của luật tư hay luật công. Ví dụ các vấn đề liên quan đến công chứng tư (der privater Notar), doanh nghiệp nhà nước đã được tư nhân hóa (die privatisierten Staatsunternehmen) một phần, trách nhiệm bồi thường nhà nước do người thi hành công vụ gây ra (Staatshaftung) v.v…
Chính sự hạn chế của các học thuyết phân chia luật công và luật tư ở Đức nên việc xác định lĩnh vực pháp luật cụ thể nào thuộc luật công và những lĩnh vực pháp luật nào thuộc luật tư cũng còn có những ý kiến khác nhau. (8)
Theo từ điển pháp luật và giáo trình ở Đức thì các lĩnh vực pháp luật được phân chia như sau:
Những lĩnh vực thuộc luật tư:
– Luật dân sự (das Bürgerliche Recht),
– Luật kinh doanh (Wirtschaftsrecht) (bao gồm luật thương mại[Handelsrecht], Luật doanh nghiệp [Gesellschaftsrecht] và Luật cạnh tranh [Wettbewerbsrecht]),
– Luật về séc và các giấy tờ có giá trị (Scheck-und Wertpapierrecht)
– Luật lao động (Arbeitsrecht),
– Luật bảo hiểm tư nhân (Privatversicherungsrecht). (9)
Những lĩnh vực pháp luật thuộc luật công hiện nay được hiểu theo hai nghĩa:
– Nghĩa hẹp chỉ bao gồm luật nhà nước (Staatsrecht) và luật hành chính (Verwaltungsrecht).
– Nghĩa rộng, luật công còn bao gồm cả Luật hình sự (Strafrecht), Luật tố tụng (Prozessrecht) (bao gồm luật tố tụng hình sự và tố tụng dân sự [Straf- und Zivilprozessordnung]), Luật thuế (Steuerrecht), Luật quốc tế (Völkerrecht) và Luật liên minh Châu Âu (Europarecht). (10)
3. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tế
Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư là việc làm cần thiết và có ý nghĩa nhiều mặt cả về mặt lý luận và thực tế. Về lý luận, việc phân chia này sẽ giúp xây dựng và đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ của cả hệ thống pháp luật. Về thực tế, nó cũng giúp định hướng việc xây dựng, ban hành và đặc biệt là hoạt động áp dụng đúng pháp luật.
Để giải quyết hoặc áp dụng đúng đắn pháp luật, nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trên thực tế đòi hỏi chủ thể áp dụng pháp luật phải có am hiểu một cách đầy đủ các qui định pháp luật của cả luật công và luật tư.
Ví dụ đơn giản: Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Đức, để giải quyết hậu quả pháp lý có thể liên quan đồng thời đến các qui phạm pháp luật khác nhau thuộc cả luật công và luật tư, tùy tính chất mức độ. Cụ thể:
– Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại: Điều 7 Luật giao thông đường bộ, Điều 823 Bộ luật dân sự và Điều 1 Luật bảo hiểm trách nhiệm.
– Liên quan đến việc tước bằng lái xe: Nếu người điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở vượt quá mức cho phép có thể bị tước bằng lái xe (Điều 3 Luật giao thông đường bộ).
– Liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu điều khiển phương tiện gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tính mạng người khác thì căn cứ vào kết luận của cảnh sát hoặc cơ quan công tố, người điều khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sựtheo Điều 315c hoặc 316 Bộ luật hình sự.
– Liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước: Nếu người điều khiển phương tiện là cảnh sát đang trong quá trình thi hành công vụ mà gây tai nạn cho công dân một cách có lỗi thì trường hợp này lại liên quan đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước do người thi hành công vụ gây ra (theo Điều 34 Luật cơ bản, Điều 839 Bộ luật dân sự).
Kết luận
Tóm lại, qua việc nghiên cứu dưới góc độ lý luận – lịch sử các học thuyết phân chia giữa luật công và luật tư, lấy ví dụ từ thực tiễn pháp luật của CHLB Đức như trên, có thể rút ra những nhận định sau:
– Tư tưởng, học thuyết về luật công và luật tư xuất hiện rất sớm từ thời La Mã cổ đại.
– Trong số những tư tưởng học thuyết về vấn đề này, đến nay nổi bật nhất là 3 học thuyết: Học thuyết dựa trên cơ sở lợi ích (Interresentheorie), học thuyết dựa trên cơ sở quan hệ giữa các chủ thể (Subjektionstheorie) và học thuyết dựa trên cơ sở phân loại hành vi của chủ thể (Subjektstheorien). Quá trình hình thành và phát triển của những học thuyết này cho thấy tính chất đa dạng và dòng chảy liên tục của lịch sử trong việc tìm lời giải xác định ranh giới giữa luật công và luật tư.
– Các học thuyết nói trên đều có những ưu điểm. Tuy vậy cả ba học thuyết cũng đều chứa đựng những hạn chế nhất định và chưa có học thuyết nào giải đáp các trường hợp trên thực tế phát sinh ngày càng đa dạng một cách rạch ròi, đầy đủ, toàn diện đâu là luật công, đâu là luật tư.
– Các nhà lý luận luôn muốn phân chia rõ ràng giữa luật công và luật tư, nhưng trên thực tế bản chất các tình huống pháp lý phát sinh lại không rạch ròi như vậy. Chính sự đa dạng của các quan hệ pháp lý dẫn đến việc phân chia các lĩnh vực thuộc luật công và luật tư ở Đức về lý luận cũng chưa có sự thống nhất.
– Quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật luôn đa dạng, đa chiều và phức tạp. Rắc rối chính nằm ở chỗ một tình huống pháp luật phát sinh, với tính chất, mức độ khác nhau, đều có thể đồng thời trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến các qui phạm pháp luật của cả luật công và luật tư. Đây mới thực sự là vấn đề gây đau đầu các nhà lý luận và là điều lý thú muôn đời trong quan hệ giữa “luật” và “đời”, giữa “lý luận” và “thực tế”.
NMT
(Ghi chú: Trong bài viết, tác giả có sử dụng từ ngữ từ Tiếng nước ngoài. Khi chuyển ngữ sang Tiếng Việt, với những từ ngữ quan trọng, để đảm bảo tính chính xác, từ gốc Tiếng nước ngoài được đặt trong dấu ngoặc đơn (…) hoặc ngoặc vuông […]).
—————
Chú thích
(1). Meder, Rechtsgeschichte, 2. Aufl. 2005, S. 84f.
(2). Nguyên bản Tiếng la tinh “Publicum ius est quod ad statum rei Romanae spectat, privatum quod ad singulorum utilitatem”. Dịch sang Tiếng Đức: “Öffentliches Recht ist das, was sich auf die Ordnung des römischen Staates bezieht, Privatrecht das, was sich auf die Interessen der Einzelnen bezieht”. (Nguồn: Schmoeckel/ Stolte, Examinatorium Rechtsgeschichte, 2008, S. 139). Dịch sang Tiếng Việt: Luật công là luật liên quan đến trật tự của nhà nước La Mã, luật tư là luật liên quan đến lợi ích của cá nhân (NMT).
(3). Người đầu tiên xây dựng học thuyết này là nhà luật học người Đức Robert von Mohl (1799 – 1875). Mohl là nhà luật học nổi tiếng, là cha đẻ của học thuyết nhà nước pháp quyền theo nghĩa hiện đại. Ông là người đầu tiên đưa ra khái niệm nhà nước pháp quyền ở Đức(Tiếng Đức: Rechtsstaat, tiếng Anh: The rule of law) và chỉ ra rằng nhà nước pháp quyền là nhà nước đối lập với nhà nước cảnh sát (Polizeistaat).(4). D. Ehlers, in: Schoch/Schmidt-Aßmann/Pietzner (Hrsg.), Verwaltungsgerichtsordnung, Kommentar, Stand: Juli 2009 (18. Ergänzungslieferung), 40, Rn. 235 ff.; Wolff/ Bachof/ Stober, Verwaltungsrecht, Bd. 1, 12. Aufl., 2007, 22, Rn. 28 ff.
(5). Luật tư hành chính (Verwaltungsprivatrecht) ở Đức là lĩnh vực mà các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ hành chính thông qua hình thức của Luật tư (Privatrechtliches Handeln deröffentlichen Verwaltung). Những hành vi này được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ vì lợi ích công cộng (Daseinsvorsorge), phục vụ những nhu cầu thiết yếu như điện, nước, giáo dục, y tế v.v… Để phân biệt giữa luật tư hành chính và luật công hành chính, nhà luật học người Đức Hans Peter Ipsen đã xây dựng và phát triển học thuyết hai cấp độ – Zweistufentheorie. (Xem: Sodan/Ziekow, Grundkurs Öffentliches Recht, 4. Aufl., 2010, S.450).
(6). Xem: Ipsen, Allgemeines Verwaltungsrecht, 2000, Rn 16ff.).
(7). Xem: Ipsen, Allgemeines Verwaltungsrecht, 2000, Rn 21 ff.; Hufen,Verwaltungsprozessrecht, 4. Aufl., 2000, S. 3 ff.).
(8). So sánh quan điểm của các tác giả khác nhau về vấn đề này:Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn.107f.; Giống: Sodan/Ziekow, Grundkurs Öffentliches Recht, 4. Aufl., 2010, S.450ff. Khác: Creifelds, Rechtswörterbuch, 19. Aufl., 2007, S. 931.
(9). Creifelds, Rechtswörterbuch, 19. Aufl., 2007, S. 931.
(10). Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn.107f.; Sodan/Ziekow, Grundkurs Öffentliches Recht, 4. Aufl., 2010, S.450ff.
SOURCE: BLOG CỦA TÁC GIẢ – NCS. NGUYỄN MINH TUẤN – Đại học SAARLAND, CHLB Đức
Trích dẫn từ: http://tuanhsl.blogspot.com/
—————————————–
DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN:
1. Luật sư riêng cho gia đình;
2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
3. Tư vấn xử lý nợ cho doanh nghiệp;
4. Dịch vụ Luật sư Riêng cho Cá nhân;
5. Dịch vụ Luật sư của LVN Group bào chữa, tranh tụng tại Tòa án;
6. Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn trực tuyến qua tổng đài 1900.0191;