1. Bản chất của hoạt động thi hành án

Thi hành án là dạng hoạt động chấp hành, quản lí và thể hiện rõ tính chất hành chính, vì vậy, nó phải thuộc chức năng của quyền hành pháp. Là dạng hoạt động chấp hành vì thi hành án chỉ được tiến hành trên cơ sở các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và trong khuôn khổ luật định; toàn bộ quá trình thi hành án với những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều nhằm thực hiện những nội dung đã được thể hiện trong các bản án, quyết định của toà án và theo các quy định cụ thể của pháp luật. Là dạng hoạt động quản lí vì thi hành án là sự tác động tới đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của toà án; phải tuân theo các quy định của pháp luật; giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù). Để thực hiện các hoạt động chấp hành và quản lí nói trên, phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết).

Có ý kiến cho rằng, thi hành án là dạng hoạt động mang tính hành chính – tư pháp vì: Thứ nhất, căn cứ để thi hành án là các bản án và quyết định của toàn án; thứ hai, có sự tham gia của các cơ quan tư pháp (theo nghĩa rộng) vào quá trình thi hành án. Chúng tôi cho rằng quan niệm như vậy có nhiều điểm hợp lí. Tuy nhiên, như đã phân tích ở đoạn trên, cái căn bản trong thi hành án là tính chất chấp hành, quản lí và phương pháp bắt buộc, nghĩa là tính hành chính là cái nổi trội, cơ bản, quán xuyến. Vì vậy, có thể dùng “cái gạch ngang” giữa hành chính và tư pháp để phản ánh bản chất của thi hành án. Vấn đề đặt ra là có thể xác định được mức độ (liều lượng) của tính hành chính và tính tư pháp trong thi hành án hay không? Thật khó có thể xác định rõ được điều này. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã cho thấy rằng, đặc điểm của mỗi loại hình thi hành án cũng như của mỗi nhóm vụ việc trong từng loại hình thi hành án quy định mức độ của tính hành chính và tính tư pháp. Theo chúng tôi, trong thi hành án, tính tư pháp luôn thể hiện ở mức độ hạn chế hơn so với tính hành chính.

2. Các đặc trưng của thi hành án

Thi hành án có những đặc trưng cơ bản sau:

– Thi hành án là quá trình diễn ra sau quá trình xét xử của toà án. Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án. Vì vậy, có thể nói không có kết quả của hoạt động xét xử thì cũng không có hoạt động thi hành án. Tuy nhiên, thi hành án lại không phải là giai đoạn tố tụng (cuối cùng); bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không phải là cơ sở duy nhất để tiến hành các hoạt động thi hành án; thi hành án đòi hỏi những nguyên tắc, thủ tục và cách thức hoạt động riêng. Ví dụ, để có thể tiến hành các hoạt động thi hành án thì phải có quyết định thi hành án và phải dựa trên những quy định cụ thể về thi hành án…

– Thi hành án là dạng hoạt động có tính chấp hành, vì thi hành án chỉ được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật quy định nhằm thực hiện các các bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ở đây tính chất chấp hành trong thi hành án có những nét riêng thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, nó chủ yếu do cơ quan tư pháp (theo nghĩa rộng) hay đối tượng phải thi hành án tiến hành; thứ hai, cơ sở để tiến hành các hoạt động thi hành án bao gồm các quy định của pháp luật (được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật) và bản án, quyết định của toà án (văn bản áp dụng pháp luật) đã có hiệu lực pháp luật; thứ ba, mục đích cuối cùng của hoạt động thi hành án là bảo đảm cho các nội dung của các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi chứ không phải là ra các văn bản áp dụng pháp luật hoặc các quyết định có tính điều hành, nét đặc trưng của cơ quan hành chính.

– Thi hành án là dạng hoạt động có tính quản lí vì thi hành án luôn đòi hỏi các yếu tố kế hoạch, tổ chức, đôn đốc, kiểm tra, xử lí… nhằm tác động tới các đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của toà án, phải tuân theo các quy định của pháp luật; giáo dục họ có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, tôn trọng kỉ luật nhà nước và trở thành người lương thiện (đối với những người bị kết án phạt tù). ở đây, tính chất quản lí cũng có đặc trưng riêng về chủ thể quản lí, đối tượng và khách thể quản lí; phạm vi và phương pháp quản lí…

– Trong thi hành án, phương pháp thuyết phục, giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết). Điều này xuất phát từ tính chất của thi hành án như đã nêu ở trên. Ngay cả trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thực thi hành nghĩa vụ của mình thì cũng là vì họ hiểu rằng toà án đã phán xét, sự thực đã được làm sáng tỏ (nghĩa là trước đó họ đã không tự nguyện) và nếu không thi hành thì họ sẽ phải chịu các biện pháp cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án, nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án và quyết định của toà án có những nội dung phức tạp. Thực tế đã cho thấy rõ, trong thi hành án vai trò của các cơ quan tư pháp là rất quan trọng, nhất là các cơ quan thi hành án nhưng trong nhiều trường hợp nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp và có sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng thì việc thi hành các bản án phức tạp khó đạt được kết quả tốt.

3. Khái niệm về tội cản trở việc thi hành án

Cản trở việc thi hành án là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án, làm cho việc thi hành án không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng với bản án hoặc quyết định của Toà án.

So sánh Điều 381 BLHS 2015 với Điều 306 BLHS 1999, thấy điều luật mới đã cụ thể tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” cấu thành cơ bản tại khoản 1, tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2. Về hình phạt, điều luật giữ nguyên mức hình phạt cả 3 khoản (1, 2, 3) và quy định cụ thể các tình tiết định khung tăng nặng.

Điều 381 Chương XXIV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội cản trở việc thi hành án như sau:

“Điều 381. Tội cản trở việc thi hành án

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;

c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;

c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

4. Các yếu tố cấu thành tội phạm

– Khách thể của tội phạm, xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và người được thi hành án. Đối tượng tác động của tội phạm này là những người có trách nhiệm thi hành án.

– Chủ thể của tội phạm, là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp hoặc không liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án có thể là chủ thể của tội phạm này. Thực tế, thường là những người có liên quan trực tiếp đến công tác thi hành án, như: Chấp hành viên, lãnh đạo Cơ quan thi hành án hoặc người khác có chức vụ, quyền hạn.

– Mặt khách quan của tội phạm là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây cản trở, khó khăn cho việc thi hành án, như: Tạo điều kiện để người phải thi hành án bỏ trốn, phân tán, cất giấu tài sản; hoặc tác động đến người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc người có thẩm quyền thi hành quyết định thi hành án hoặc tác động đến người phải chấp hành án để việc thi hành án không được thực hiện. Nếu người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cản trở việc thi hành án thì không phạm tội này mà có thể phạm tội khác.

Hậu quả nghiêm trọng của hành vi cản trở việc thi hành án là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, đã được cụ thể bằng một trong các trường hợp sau:

+ Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

+ Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;

+ Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

– Gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Nếu hành vi cản trở việc thi hành án chưa gây ra một trong 04 hậu quả trên hoặc tuy đã gây ra hậu quả nhưng chưa đến mức quy định tại điểm a, b, c khoản 1 của Điều luật thì hành vi cản trở việc thi hành án không cấu thành tội phạm.

– Mặt chủ quan của tội phạm, do cố ý, tức là biết rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật nhằm cản trở việc thi hành án, mong muốn cho hậu quả hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

5. Hình phạt đối với tội cản trở thi hành án 

Thứ nhất: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp sau:

– Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

– Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;

– Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Thứ hai: Phạm tội cản trở thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;

– Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;

– Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.

Thứ ba: Hình phạt bổ sung (khoản 3). Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên người phạm tội còn  bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.