Kính chào công ty Luật LVN Group. Tôi có thắc mắc mong nhận được tư vấn từ ban tư vấn của công ty. Xin Luật sư của LVN Group cho biết Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân là gì? Phạm vi áp dụng của Hiệp định này như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người hỏi: Đinh Tuệ – Hải Phòng
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân
2. Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) là gì?
Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân trong tiếng Anh gọi là: ASEAN Agreement on Movement of Natural Persons – MNP.
Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) được ký ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia với mục tiêu dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN
Di chuyển thể nhân là sự di chuyển của cá nhân từ nước này qua nước khác để cung cấp một dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong ASEAN, phương thức cung cấp dịch vụ này ban đầu được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS), nhưng sau đó được tách riêng ra để đàm phán trong một Hiệp định riêng là Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) năm 2012.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn cho sự di chuyển của lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN, các nước đã kí kết các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong một số lĩnh vực ngành nghề nhằm công nhận lẫn nhau về bằng cấp và trình độ của lao động có kĩ năng trong khu vực.
Cho tới thời điểm tháng 12/2015, các nước ASEAN đã kí 8 Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong 8 lĩnh vực dịch vụ là: Kiến trúc, Tư vấn kĩ thuật, Điều dưỡng, Hành nghề y, Nha sỹ, Du lịch, Kế toán kiểm toán, và Khảo sát.
Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân là một trong những Hiệp định thương mại được kí kết trong khuôn khổ ASEAN và hướng tới mục tiêu thực hiện AEC.
3. Phạm vi áp dụng
+ Hiệp định này áp dụng đối với các quy định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân của một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác trong các trường hợp:
1) Khách kinh doanh (business visitors)
2) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
3) Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng
4) Một số trường hợp khác quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước đính kèm theo Hiệp định này.
+ Hiệp định không áp dụng đối với các quy định của một nước ASEAN liên quan tới việc hạn chế tiếp cận thị trường lao động của người lao động các nước ASEAN khác. Việc mở cửa thị trường lao động của mỗi nước chỉ áp dụng cho các ngành nghề được quy định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết của nước đó và thuộc một trong 4 trường hợp trên.
+ So sánh cam kết WTO và Pháp luật Việt Nam: Các cam của Việt Nam trong MNP phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO và các quy định pháp luật nội địa của Việt Nam
+ Hiệp lực: MNP 2012 chính thức có hiệu lực vào ngày 14/6/2016
4. Các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA)
4.1. MRA đối với dịch vụ tư vấn kỹ thuật (Engineering Services)
MRA đối với dịch vụ tư vấn kỹ thuật là MRA đầu tiên của các nước ASEAN được ký vào ngày 9/12/2005 tại Kuala Lumpur, Malaysia. MRA này hướng tới xây dựng một hệ thống đăng ký hành nghề kỹ sư chung ASEAN.
– ASEAN đã thành lập Ủy ban Điều phối kỹ sư thuật chuyên nghiệp ASEAN (ACPECC) đặt tại Jakarta, Indonesia để điều phối việc thực hiện MRA này. Trang web của Ủy ban là: www.acpecc.net
– Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban giám sát về dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN.
– Quy trình đăng ký để được hành nghề tại một nước ASEAN khác như sau:
Bước 1: Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Uỷ ban Giám sát về dịch vụ tư vấn kỹ thuật tại nước mình để xin cấp chứng nhận Kỹ sư chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ASEAN Chartered Professional Engineer – ACPE)
Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Ủy ban Điều phối kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (ACPECC) để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPE
Bước 3: Kỹ sư chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPE sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kỹ sư ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là Kỹ sư chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPE) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
Bước 4: Kỹ sư chuyên nghiệp có RFPE được phép hành nghề tại nước ASEAN đó nhưng phải phối hợp với các kỹ sư chuyên nghiệp của nước đó.
– Hiện tại, tất cả các thành viên ASEAN đã chính thức tham gia MRA này, và đã thành lập các cơ quan thực hiện MRA tại nước của mình, cũng như hoàn thành các thủ tục để thực hiện việc cấp chứng nhận ACPE. Tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 820 và 821/QĐ-BXD ngày 6/8/2009 về việc thành lập Uỷ ban giám sát của Việt Nam và Quy chế đánh giá đối với kỹ sư chuyên nghiệp
– Tính tới thời điểm tháng 10/2015, đã có 1.483 ACPE từ 9 nước ASEAN được chứng nhận, và 6 ACPE đã được đăng ký hành nghề như RFPE.
4.2. MRA đối với dịch vụ Kiến trúc (Architectual Services)
– MRA đối với lĩnh vực dịch vụ Kiến trúc được ký 19/11/2007 tại Singapore. MRA này hướng tới xây dựng một hệ thống đăng ký hành nghề Kiến trúc sư chung ASEAN
– ASEAN đã thành lập Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN (AAC) quản lý việc thực hiện MRA này. Website của AAC
– Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban giám sát về dịch vụ kiến trúc tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kiến trúc sư ASEAN.
– Quy trình đăng ký Kiến trúc sư ASEAN và đăng ký hành nghề tại một nước khác như sau:
Bước 1: Kiến trúc sư đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Uỷ ban Giám sát về dịch vụ Kiến trúc tại nước mình để xin cấp chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN (AA)
Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Hội đồng Kiến trúc sư ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN
Bước 3: Kiến trúc sư đã được cấp chứng nhận là Kiến trúc sư ASEAN sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kiến trúc sư ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là Kiến trúc sư nước ngoài có đăng ký (RFA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
Bước 4: Kiến trúc sư có RFA có thể hành nghề tự do hoặc phối hợp với các kiến trúc sư của nước sở tại.
– Hiện tại, tất cả các thành viên ASEAN đã chính thức tham gia MRA này, và đã thành lập các cơ quan thực hiện MRA tại nước của mình, cũng như hoàn thành các thủ tục để thực hiện việc cấp chứng nhận Kiến trúc sư ASEAN. Ở Việt Nam, Bộ Xây dựng đã Ban hành Quyết định số 554/QĐ-BXD ngày 14/06/2011 về việc ban hành quy chế đánh giá kiến trúc sư ASEAN.
– Tính tới thời điểm tháng 10/2015, đã có 284 Kiến trúc sư ASEAN từ 9 nước ASEAN được chứng nhận AA.
4.3. MRA đối với dịch vụ Kế toán (Accountancy Services)
– MRA đối với lĩnh vực Kế toán ban đầu được ký tháng 2/2009 dưới hình thức một khuôn khổ MRA nhằm khuyến khích các nước ASEAN đã sẵn sàng để tham gia vào đàm phán song phương hoặc đa phương về MRA trong lĩnh vực Kế toán. Sau đó, MRA này được sửa đổi và ký chính thức vào ngày 13/11/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar.
– ASEAN đã thành lập Ủy ban Điều phối Kế toán chuyên nghiệp ASEAN để thực hiện MRA này.
– Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Uỷ ban giám sát về dịch vụ kết toán tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN.
– MRA này áp dụng đối với tất cả các dịch vụ kế toán trừ dịch vụ ký báo cáo kiểm toán độc lập và các dịch vụ yêu cầu cấp phép ở các nước ASEAN
– Quy trình đăng ký để được hành nghề tại một nước ASEAN khác như sau:
Bước 1: Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Ủy ban Giám sát về dịch vụ kế toán của nước mình để xin cấp chứng nhận Kế toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ACPA).
Bước 2: Uỷ ban Giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Uỷ ban Điều phối kế toán chuyên nghiệp ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPA
Bước 3: Kế toán chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPA sẽ đủ điều kiện để đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kế toán ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là Kế toán chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
Bước 4: Kế toán chuyên nghiệp có RFPA được phép hành nghề nhưng phải phối hợp với Kế toán chuyên nghiệp của nước sở tại.
Tính tính đến thời điểm tháng 12/2015, MRA này mới ký được hơn 1 năm và hiện chưa có thông tin về tình hình thực hiện MRA này của các nước ASEAN (bao gồm cả Việt Nam).
4.4. MRA đối với dịch vụ Du lịch
– MRA đối với dịch vụ Du lịch (MRA-TP) được các nước ASEAN ký ngày 9/11/2012 tại Bangkok, Thái Lan
– Nội dung chính: Trình độ của người lao động của một nước ASEAN có thể được một nước ASEAN khác công nhận, và được làm việc tại nước đó với điều kiện:
+ Người lao động làm việc trong một trong 32 lĩnh vực dịch vụ khách sạn và lữ hành quy định trong Phụ lục đính kèm MRA-TP, trong đó không bao gồm Hướng dẫn viên du lịch.
+ Người lao động phải được đào tạo và có Chứng nhận trình độ du lịch (còn hiệu lực) đáp ứng Tiêu chuẩn trình độ chung ASEAN về du lịch (ACCSTP) và được cấp bởi một Hội đồng chứng nhận nghề du lịch tại nước mình
+ Người lao động phải tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành của nước sở tại.
– Hiện tại MRA này vẫn chưa có hiệu lực. Sáu nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan đã hoàn thành các thủ tục và quy trình trong nước để thực hiện MRA này nhưng 4 nước còn lại trong ASEAN bao gồm Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện MRA này.
4.5. MRA đối với lĩnh vực Điều dưỡng, Hành nghề Y và Hành nghề Nha khoa
– MRA về Điều dưỡng ký ngày 8/12/2006 tại Cebu, Philippines. MRA về Hành nghề y và MRA về Hành nghề nha khoa được ký ngày 26/2/2009 tại Cha-am, Thái Lan.
– Đặc điểm chung của cả 3 MRA này là không hướng tới thiết lập một cơ chế đăng ký hành nghề chung ASEAN mà chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác về công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề này, thúc đẩy áp dụng các thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ, cung cấp cơ hội xây dựng năng lực và đào tạo…
Vì vậy, các cá nhân của một nước ASEAN hoạt động trong 3 lĩnh vực này khi muốn hành nghề tại một nước ASEAN khác thì vẫn phải thực hiện hoàn toàn theo các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan của nước ASEAN khác đó.
4.6. MRA đối với lĩnh vực Khảo sát (Surveing Services)
Thỏa thuận khung về thừa nhận lẫn nhau về trình độ khảo sát được ký ngày 19/11/2011 tại Singapore nhằm mục tiêu tạo ra một khuôn khổ cho các nước ASEAn đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán song phương và đa phương về thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy trao đổi thông tin, kỹ năng và các thực tiễn tốt…
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chưa có một thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau song phương hay đa phương nào được đưa ra về lĩnh vực này.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập