1. Tính gộp xuất xứ

Khi một sản phẩm được sản xuất ở các nhà máy khác nhau tại nước xuất khẩu hay các nước thành viên khác trong phạm vi một khu vục thương mại tự do, thân phận xuất xứ của các vật liệu, các linh kiện hay các quy trình sản xuất được sử dụng ttong các giai đoạn khác nhau có thể được tính đến khi xem xét xuất xứ thành phẩm đó. Khả năng này thường được xem như là việc tính gộp xuất xứ.

2. Ví dụ tính gộp xuất xứ

Ví dụ vải được dệt tại Thụy Sỹ bằng sợi của ấn Độ không có vị thế xuất xứ khi xuất khẩu tới một Nhà nước Thành viên khác trong EFTA vì bất kỳ một vật liệu không có xuất xứ nào đem sử dụng đều không được xử lý tiếp tục ngoài giai đoạn ở dạng sợi tự nhiên. Vì vậy, sợi của ấn Độ không được chấp nhận như là nguyên liệu khởi đầu.

Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các quy tắc tính lũy tích, một hãng sản xuất quần áo tại Thụy Sỹ có thể sản xuất quần áo bằng việc sử dụng nguyên liệu vải dệt tại Thụy Sỹ bằng sợi của ấn Độ và có thân phận xuất xứ cho quần áo sau đó được xuất tới nước thành viên EFTA khác, tới EU hay tới bất kỳ nước thành viên nào thuộc CEEC.

Về thực tiễn, điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất quần áo có quyền xem như mình đã sử dụng xơ sợi như là nguyên liệu khởi đầu và điều này là được phép đối với các mặt hàng quần áo (HS Chương 62). Hay nói cách khác, có sự tính lũy tích đầy đủ trong phạm vi nuớc Thụy Sỹ nếu có bằng chứng cho thấy vải được thực sự thực hiện tại đó. Việc tính tích lũy cũng là trọn vẹn trong phạm vi EEA, bao gồm EU và ba Nhà nước Thành viên EFTA (Iceland, Liechtenstein và Na Uy) và trong bối cảnh này được xem là “một nước”.

Ví dụ một chiếc áo jacket được cấp vị thế xuất xứ tại Na Uy nếu được gia công từ vải dệt từ sợi ấn Độ tại Iceland.

Việc tính gộp chéo theọ các Hiệp định Thương mại Tự do giữa các Nhà nước Thành viên EFTA và Bulgaria, CH Czech, Estonia, Hungaria, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumani, Slovakia và Slovenia. Điều đó có nghĩa là chỉ có các sản phẩm có xuất xứ mới có thể được tính tới khi tính gộp xuất xứ.

Ví dụ các nhà sản xuất quần áo tại Hungaria không thể được cấp vị thế xuất xứ đối với các sản phẩm quần ấo của mình nếu họ sử dụng vải dệt từ sợi ấn Độ tại Thụy Sỹ vì khi nhập khẩu vào Hungaria, vải không phải là sản phẩm có xuất xứ.

3. Quy tắc về tính gộp xuất xứ của Hiệp định Châu âu

Các Hiệp định Châu âu được ký giữa EU và các nước nêu trên có các quy tắc về tính gộp xuất xứ tương tự như các quy tắc được áp dụng theo các hiệp định thương mại tự do của EFTA với một sự khác biệt chủ yếu. Vì EU là một liên minh thuế quan, việc tính gộp xuất xứ có thể được xem như là trọn vẹn giữa các nước thành viên EU, việc tính chéo giữa EU và các nước đang được nói đến.

Ví dụ: Các nhà sản xuất quần áo tại Hungary có thể được cấp vị thế xuất xứ cho các sản phẩm quần áo do họ sản xuất trên cơ sở vải dệt tại Đức và từ sợi xe tại Pháp bằng sợi ấn Độ. Vì vậy, công đoạn gia công được thực hiện tại Pháp và Đức được xem là được thực hiện tại “một nước”.

4. Các hình thức cộng gộp

Cộng gộp (Accumulation, Cumulation hoặc Cumulative rules, tùy cách gọi từng FTA) là các phương pháp tính toán giá trị các phần “có xuất xứ” của các nguyên liệu từ các nước khác nhau trong cùng một FTA trong giá trị cuối cùng của thành phẩm để xác định xuất xứ của thành phẩm.
Mỗi FTA có qui tắc cộng gộp riêng.

Về cơ bản, qui tắc cộng gộp cho phép một sản phẩm của một nước thành viên được tiếp tục gia công, chế biến và gia tăng giá trị ở các nước thành viên khác của khu vực FTA để được hưởng ưu đãi thuế quan như thể tất cả công đoạn này được thực hiện ở bên thành viên cuối cùng.

Theo cách này, quá trình sản xuất hàng hóa có thể sử dụng các nguyên liệu từ nhiều nước thành viên FTA, các nguyên liệu này sẽ được cộng gộp theo các cách thức nhất định để tính giá trị gia tăng trong khu vực FTA cho thành phẩm.

Các qui tắc cộng gộp càng linh hoạt càng cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu từ nhiều nguồn trong khu vực FTA, giúp xây chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực FTA đó.

Về cơ bản có ba hình thức cộng gộp.

a. Cộng gộp thông thường (Accumulation)

Đây là hình thức cộng gộp được áp dụng trong tất cả FTA Việt Nam là thành viên.

Đây cũng là hình thức cộng gộp phổ biến nhất trong thương mại quốc tế. Nguyên liệu đáp ứng tiêu chí xuất xứ cụ thể qui định cho nguyên liệu đó (gọi là nguyên liệu “có xuất xứ”) thì 100% trị giá của nguyên liệu vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm.

b. Cộng gộp toàn bộ/ Cộng gộp đầy đủ (Full Cumulation)

Đây là hình thức cộng gộp được áp dụng trong một số FTA thế hệ mới (như CPTPP) hoặc áp dụng cho một số nhóm hàng nhất trong trong một số FTA (như nhóm hàng dệt may trong AJCEP, nhóm hàng dệt may trong AANZFTA).

Qui định này cho phép nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần qui tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí RVC 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí RVC 19%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm.

Phần được cộng gộp sẽ chỉ là phần giá trị gia tăng thực tế (19%) chứ không phải toàn bộ trị giá của nguyên liệu (100%) như các tính cộng gộp thông thường.

c. Cộng gộp từng phần (Partial Cumulation)

Đây là hình thức cộng gộp được qui định duy nhất trong ATIGA nếu nguyên liệu chỉ đáp ứng ngưỡng RVC từ 20% – 39% thì được cộng gộp đúng số giá trị thực tế “có xuất xứ” đó vào công đoạn sản xuất tiếp theo để xác định xuất xứ cho hàng hóa, còn nếu nguyên liệu có RVC dưới 20% thì không được cộng gộp.

Trường hợp áp dụng “cộng gộp từng phần” ATIGA, nguyên liệu vẫn được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D và sẽ được đánh dấu vào ô “Partial Cumulation” trên C/O.

Việc đánh dấu nhằm giúp cơ quan hải quan bên nhập khẩu phân biệt được đây là C/O sử dụng cho mục đích cộng gộp từng phần và C/O này sẽ không được hưởng ưu đãi ATIGA.

5. Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định mà Việt Nam tham gia

Mỗi hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có quy tắc xuất xứ riêng để bảo đảm hàng hóa nếu đáp ứng các quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan của các nước thành viên dành cho. Tính đến năm 2014, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 8 Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA thực hiện cùng với các nước ASEAN và một FTA song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, một FTA song phương giữa Việt Nam và Chi Lê

Để thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực cắt giảm thuế quan, hàng hóa sản xuất tại các nước thành viên phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA.

Trong các hiệp định FTA của các nước ASEAN, về cơ bản, các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định này đều có cấu trúc tương đối giống nhau. Tuy nhiên, do đặc thù của từng đối tác, đồng thời cùng với những cam kết cắt giảm khác nhau, quy tắc xuất xứ trong mỗi FTA của ASEAN cũng có những khác biệt nhất định.

Sự khác biệt lớn nhất và có tính ảnh hưởng quan trọng đến việc xác định xuất xứ của từng sản phẩm là tiêu chí xuất xứ chung. Trong hầu hết các hiệp định hiện nay như ATIGA, AKFTA, AJCEP, AANZFTA,… tiêu chí xuất xứ chung là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (CTH) hoặc hàm lượng giá trị khu vực 40% (RVC (40)). Trong khi đó, Hiệp định ACFTA áp dụng tiêu chí chung là RVC (40) và Hiệp định AIFTA áp dụng tiêu chí chung là RVC (35) kết hợp với tiêu chí CTSH (chuyển đổi mã số hàng hóa cấp 6 số). Có thể nói, trong số các tiêu chí chung nói trên, việc áp dụng tiêu chí CTH hoặc RVC (40) tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Về vấn đề cộng gộp, hầu hết các hiệp định đều áp dụng quy định cộng gộp làm tròn khi hàm lượng giá trị gia tăng của nguyên liệu có xuất xứ đạt 40% trở lên. Hiện chỉ có duy nhất quy tắc xuất xứ trong Hiệp định ATIGA có quy định cộng gộp từng phần với ngưỡng giá trị 20%. Quy định này trước đây được đưa ra nhằm tạo thuận lợi cho việc tận dụng tối đa các phần nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng.

Hiện nay, một số nước đối tác của ASEAN đang đề nghị áp dụng việc cộng gộp đầy đủ từ bất kỳ tỉ lệ giá trị gia tăng nào. Tỉ lệ giá trị này sẽ được cộng gộp đúng vào trị giá nguyên liệu có xuất xứ trong công đoạn sản xuất tiếp theo.

Quy định về những công đoạn gia công đơn giản cũng có những khác biệt nhất định trong một số hiệp định. Trong khi các Hiệp định AANZFTA, AKFTA, AJCEP quy định cụ thể từng hành vi được coi là gia công đơn giản, các Hiệp định còn lại như ATIGA, và ACFTA quy định các công đoạn gia công đơn giản theo hướng quy định các nguyên tắc, chẳng hạn như những công đoạn thuộc diện bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ hàng, xếp hàng, đóng gói hàng hóa.

Việc quy định mang tính chung nhất này có thể đảm bảo mọi hành vi liên quan nếu có những đặc điểm chung như quy định sẽ được loại trừ, trong khi việc quy định cụ thể như trong ba hiệp định ban đầu có thể dẫn tới việc bỏ sót những hành vi sẽ phát sinh trên thực tế sau này. Việc áp dụng quy định này đối với một số tiêu chí xuất xứ cũng có những khác biệt trong một số hiệp định.

Trong một số trường hợp, công đoạn gia công đơn giản không áp dụng đối với tiêu chí xuất xứ RVC (40) nhưng áp dụng đối với tiêu chí CTC. Nhưng một số trường hợp khác, công đoạn gia công đơn giản lại áp dụng cả hai tiêu chí RVC và CTC. Việc có sự khác biệt này dẫn tới việc khác biệt về tiêu chí xuất xứ trong Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Quy định về ngưỡng de minimis cũng có những khác biệt nhất định. Trong hiệp định ACFTA và AIFTA, ngưỡng de minimis chưa được áp dụng nhưng tại hiệp định còn lại, ngưỡng de minimis được áp dụng trên cơ sở một số khác biệt. Về cơ bản, các hiệp định đều có những áp dụng riêng về cách thức tính de minimis (trọng lượng hoặc trị giá) cho các sản phẩm dệt may hoặc sản phẩm không phải là dệt may với tỉ lệ là 10%. Riêng trong Hiệp định AJCEP, một số mặt hàng nhạy cảm đối với Nhật Bản được áp dụng ngưỡng trị giá thấp hơn (7%). Cũng trong hiệp định này, một số sản phẩm không được áp dụng de minimis.

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).