Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người luôn luôn gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với vận mệnh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và toàn thể dân tộc Việt Nam. Hơn 65 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo con đường của Người đã vạch ra và đã giành được những thắng lợi to lớn: hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành lại độc lập cho dân tộc, đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, nhằm “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

1. Những tiền để ra đời của Đảng cộng sản.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.Bất cứ một Đảng cộng sản nào trên thế giới đều là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác- Lênin và phong trào công nhân song ở một nước thuộc địa như Việt Nam Đảng cộng sản còn là sự kết hợp với phong trào yêu nước.Chủ nghĩa Mác- Lênin là tiền đề lí luận quan trọng nhất dẫn đến sự ra đời của Đảng, là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Nhưng nếu chủ nghĩa Mác- Lênin không kết hợp với phong trào công nhân thì nó sẽ mãi mãi chỉ là lí luận trừu tượng, không có giá trị thực tiễn, còn phong trào công nhân nếu không có chủ nghĩa Mác- leenin chỉ dẫn, soi lối thì sẽ không thể phát triển thành phong trào tự giác mà sẽ mãi chỉ là một phong trào đấu tranh tự phát khó có thể giành được thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, chủ nghĩa Mác- Lênin là vũ khí tư tưởng của phong trào công nhân, phong trào công nhân lại là vũ khí vật chất của chủ nghĩa Mác- Lênin, sự kết hợp của hai yếu tố này là điều kiện tiên quyết dẫn đến sự ra đời của các Đảng cộng sản trên thế giới.

           Tuy nhiên, ở các nước thuộc địa, giai cấp công nhân vẫn còn nhỏ yếu, nhưng ngược lại phong trào yêu nước lại rất phát triển. Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ 20 phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi với nhiều hệ tư tưởng khác nhau…nhưng lần lượt các cuộc khởi nghĩa đều bị tắm trong biển máu, điều đó chứng tỏ sự bế tắc trong đường lối và giai cấp lãnh đạo, cách mạng Việt Nam như đi trong đêm tối không có đường ra. Giai cấp công nhân còn non yếu lại chưa có kinh nghiệm nên việc kết hợp với phong trào yêu nước sẽ tạo ra động lực to lớn cho cách mạng. Ở Việt Nam, nếu phong trào công nhân không kết hợp với phong trào yêu nước thì cách mạng cũng không đủ lực lượng để mở rộng. Nếu phong trào yêu nước không được dẫn dắt bởi giai cấp công nhân với đường lối đấu tranh đúng đắn thì sẽ không thể giành được thắng lợi cuối cùng.

2. Bản chất giai cấp của Đảng

        Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước vì vậy Đảng vừa là Đảng của giai cấp công nhân lại vừa là Đảng của dân tộc Việt Nam. Mặc dù là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc song Đảng vẫn luôn khẳng định bản chất giai cấp công nhân của mình. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng được thể hiện ở: nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hoạt động của Đảng, ở đường lối và mục tiêu của Đảng, ở việc Đảng nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.

2.1 Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong hoạt động của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin.

         Trong khi đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” và “…phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Vì, đây chính là học thuyết về sự tự giải phóng con người và về sự phát triển xã hội. Nhờ lý luận ấy, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước và trang bị cho Đảng vũ khí tinh thần để Đảng làm tròn vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng của mình.

          Đảng cộng sản Việt Nam ra đời cũng như tất cả các Đảng cộng sản khác trên thế giới, trước hết đó là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân. Chủ nghĩa Mác- Lênin đã trở thành kim chỉ nam, trở thành hệ tư tưởng duy nhất của các Đảng cộng sản trên thế giới nói chung và Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng. Trong tất cả các bản chính cương, sách lược, điều lệ…đều lấy chủ nghĩa Mác- Lênin “làm cốt”.

             Không thể có một Đảng đã khẳng định bản chất giai cấp công nhân của mình mà lại phủ định lý luận Mác- Lênin. Bởi vì lý luận đó là sản phẩm của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, là lý luận duy nhất bênh vực quyền lợi cho công nhân, chỉ rõ một cách khoa học bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, từ đó xác định vai trò, vị trí lịch sử của giai cấp công nhân đối với xã hội.

2.2 Bản chất giai cấp của Đảng thể hiện ở đường lối và mục tiêu của Đảng.

        Bản chất giai cấp của Đảng không chỉ thể hiện ở việc Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm cốt mà còn thể hiện rất rõ ở đường lối và mục tiêu của Đảng.

Ngay từ ngày đầu thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930), thực hiện ý tưởng nêu ra trong cuốn “đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ trong các văn kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam:

-“ Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”, “là đội quân tiên phong của đạo quân vô sản”, “Đảng của giai cấp vô sản”.

– Đảng phải tập hợp được trong hàng ngũ của mình những người trong giai cấp công nhân, thủ công nghiệp, nông dân nghèo, binh lính… miễn là những người đó “tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái đấu tranh cẩn thận và dám hi sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng”.

– Lực lượng cần phải tập hợp để tiến hành cách mạng là tập hợp “đa số quần chúng nông dân”, “dựa vững chắc vào hạng dân cày nghèo”, lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông, lợi dụng lôi kéo phú nông, tư sản, tư sản bậc trung và trung tiểu địa chủ.

– Có mối quan hệ mật thiết với “bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp”.

– Mục đích của Đảng cộng sản Việt Nam là: “làm tư sản dân quyền cách mạng (révolution démocratique bourgeoise) và thổ địa cách mạng (révolution agraire) để đi tới xã hội cộng sản”. “Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp đấu tranh để tiêu trừ đế quốc tư bản chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”.

Như vậy trong đường lối và mục tiêu của Đảng cộng sản Việt Nam đều khẳng định Đảng là của nhân dân song do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đảng dựa chủ yếu vào lực lượng công nhân, đại biểu lợi ích và quyền lợi của công nhân.

Trong một nước như nước ta (trước đây là nước thuộc địa nửa phong kiến và sau này khi giành được chính quyền là nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chậm phát triển). Giai cấp công nhân có số lượng rất ít so với dân cư và đất nước phải trải qua những thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm rất khốc liệt. Có thể nói tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều có một yêu cầu chung là giải phóng dân tộc, đất nước được độc lập. Tuy nhiên, giai cấp công nhân, theo quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh, là người lãnh đạo cách mạng, đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình và quyền lợi của toàn dân tộc.

Nói Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc không có nghĩa là xóa nhòa ranh giới giai cấp, tính chất giai cấp của Đảng, bản chất giai cấp của nó vẫn là bản chất giai cấp công nhân chứ không phải là của giai cấp nào khác. Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Đảng lãnh đạo nông dân, không phải nông dân lãnh đạo Đảng, các cô các chú phải nhận rõ mình là giai cấp công nhân lãnh đạo nông dân. Cán bộ nào nói “mình thay mặt nông dân”…là nói sai. Mình là Đảng viên phải phục vụ nông dân, lãnh đạo nông dân kháng chiến kiến quốc, nhưng không phải là mình đứng vào địa vị của nông dân” hoặc Hồ Chí Minh nói rõ: “ Đảng là tổ chức tiền phong của nhân dân lao động, mà trước hết là giai cấp công nhân”.

2.3.  Đảng nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.

Các nguyên tắc và tổ chức sinh hoạt của Đảng đều tuân theo học thuyết của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, biểu hiện bằng những qui định rất cụ thể trong Điều lệ vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam như sau:

Về tổ chức: có một hệ thống hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở và chi bộ,

Về sinh hoạt: Đảng tập trung dân chủ: “bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”. Trong nguyên tắc này, dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau. Dân chủ để đi đến tập trung chứ không phải dân chủ để phân tán, vô tổ chức, tùy tiện. Tập trung trên cơ sở dân chủ, chứ không phải tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Khi đã tìm ra chân lý sau khi mọi người phát biểu ý kiến, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra “quyền tự do phục tùng chân lý”.

Về kỷ luật thì nghiêm minh, tự giác.

Về tự phê bình và phê bình: các tổ chức đảng và đảng viên phải tiến hành một cách thường xuyên. Tự phê bình và phê bình vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, muốn thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi mõi người phải có lòng trung thực, tự giác, chân thành với bản thân mình cũng như với người khác và phải được tiến hành hàng ngày.

Về tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phải thực hiện thông qua “một cấp đảng bộ có một hội chấp hành ủy viên” có phân công trách nhiệm cá nhân rõ ràng.

Về công tác phát triển Đảng viên, Đảng phải “kiếm và huấn luyện đảng viên mới”.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguyên tắc quan trọng của Đảng kiểu mới của V.I. Leenin. Có thực sự đoàn kết thì mới thống nhất được ý chí và hành động của tổ chức Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng làm nòng cốt cho việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân.

Về các nguyên tắc đó, có khi Người gọi là chế độ. Về tự phê bình và phê bình có khi Người gọi là luật phát triển của Đảng. Đáng chú ý là nhiều khi Người đặt dân chủ trước tập trung, tự phê bình trước phê bình. Chắc chắn đây không phải là ngẫu nhiên mà thực sự là vấn đề quan điểm. Phải chăng Người đã thấy trong đời sống của Đảng, thực hiện vấn đề tập trung thì dễ còn dân chủ thì khó, phê bình thì dễ còn tự phê bình lại khó hơn rất nhiều.

Hồ Chí Minh coi dân chủ tập trung là nguyên tắc tổ chức của Đảng, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Những nguyên tắc ấy phải được quán triệt trong toàn Đảng, trong cả hình thức tổ chức của Đảng từ trên xuống dưới, cho đến tận chi bộ cơ sở.

Những nguyên tắc ấy có quan hệ chặt chẽ, thống nhất biện chứng với nhau thể hiện bản chất giai cấp rõ rệt.

Như vậy,bản chất giai cấp của Đảng như sau”

           Đảng cộng sản Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân. Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc những nguyên lý xây dựng Đảng theo Đảng kiểu mới của V.I.Lênin. Đây là vấn đề mấu chốt trong quan niệm về bản chất giai cấp của Đảng cộng sản. Chính vì vậy dù tên gọi của Đảng có thay đổi trong từng thời kỳ thì thực chất bản chất giai cấp của Đảng vẫn là bản chất giai cấp công nhân, là Đảng cách mạng Mácxít- Lêninnit, Đảng kiểu mới của V.I.Lênin.

          Cơ sở xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là nhân dân lao động và toàn dân tộc. Đây chính là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh, không trái với chủ nghĩa Mác- Lênin, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh xã hội của Việt Nam và nó đã được thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua chứng minh là đúng đắn.

Những cái nhìn cực đoan, tuyệt đối hóa từng mặt riêng biệt về luận điểm của Hồ Chí Minh đều là không đúng với tính chất biện chứng vốn là đặc tính trong tư tưởng của Người. Đặc biệt nếu quá nhấn mạnh đến tính dân tộc trong bản chất giai cấp của Đảng thì sẽ làm méo mó những luận điểm của Người. Ở Hồ Chí Minh, có tính hài hòa trong các hệ thống luận điểm và tùy từng lúc, ở vào mỗi hoàn cảnh cụ thể được xác định, Hồ Chí Minh có nhấn mạnh thêm điểm này hay điểm khác cho phù hợp.

Quan hệ giai cấp- dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được phản ánh rõ trong vấn đề xây dựng Đảng của Người. Chính vì có sự quan niệm rõ về mối quan hệ khăng khít giữa giai cấp và dân tộc, cho nên tuy số lượng Đảng viên ít ỏi nhưng Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tính chất triệt để cách mạng của giai cấp công nhân đã làm cơ sở cho một loạt yếu tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, trước hết là ở cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng. Do mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân nên ngay từ đầu Đảng đã có đường lối và cương lĩnh cách mạng đúng đắn. Ngay từ khi ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam đã là một Đảng Macxit- Lêninnit chân chính. Điều này khác với nhiều Đảng cộng sản trên thế giới, nhất là ở Châu Âu, phải trải qua một số lần “bônsêvich hóa” thì Đảng mới trở thành Đảng Macxit- Lêninnit chân chính, mới thể hiện rõ được bản chất giai cấp công nhân. Như vậy vấn đề giai cấp và dân tộc được Đảng ta giải quyết một cách thành công. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, quan niệm của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng đã thấm vào Đảng ta.

Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp. Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua điện thoại gọi 1900.0191.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật – Công ty luật LVN Group.