Bảo hiểm tài sản và giải quyết bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là nội dung được nhiều người quan tâm. Vậy, cùng tìm hiểu đôi chút về các nội dung này.
1. Bảo hiểm tài sản là gì?
Bảo hiểm tài sản là một loại nghiệp vụ cơ bản thuộc bảo hiểm phi nhân thọ được quy định tại Điều 7 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 và được định nghĩa như sau: “Bảo hiểm tài sản là sản phẩm bảo hiểm mà theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm đúng thỏa thuận”.
Theo định nghĩa trên, Bảo hiểm tài sản mang một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, bảo hiểm tài sản là một loại sản phẩm vô hình, người hưởng bảo hiểm chỉ có thể thấy được kết quả của việc bảo hiểm khi xảy ra rủi ro liên quan tới tài sản là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm mà người đó đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ hai, để được hưởng loại sản phẩm này, bên hưởng bảo hiểm phải ký hợp đồng bảo hiểm tài sản với doanh nghiệp bảo hiểm để làm cơ sở cho việc được bồi thường khi đối tượng bảo hiểm gặp rủi ro.
2. Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Từ định nghĩa này, có thể thấy, bảo hiểm là một cơ chế mà theo đó bên bảo hiểm nhận một khoản phí từ người mua bảo hiểm để dự trù cho việc bồi thường, chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Hay nói cách khác, bảo hiểm là cơ chế dịch chuyển rủi ro giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Và hợp đồng bảo hiểm chính là hình thức pháp lý của cơ chế bảo hiểm đó. Như vậy, có thể hiểu Hợp đồng bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm theo đó Doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm theo một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá mua tài sản và cam kết bồi thường cho người mua bảo hiểm khi tài sản họ mua bảo hiểm rơi vào các trường hợp được bảo hiểm.
Đặc trưng cơ bản của hợp đồng bảo hiểm tài sản:
– Thỏa thuận của các bên trong hợp đồng gắn với các sự kiện ngẫu nhiên mang tính may rủi. Bảo hiểm cho sự rủi ro không bảo hiểm cho sự chắc chắn.
– Việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm chính là việc giải quyết hậu quả của rủi ro đã thỏa thuận trước trong hợp đồng bảo hiểm.
– Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, các bên không thể biết chắc chắn, chính xác về sự kiện bảo hiểm sẽ xảy ra, không xác định được trước hậu quả.
– Việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phụ thuộc vào việc có xuất hiện hay không các sự kiện ngẫu nhiên mang tính may rủi.
Đặc điểm về đối tượng bảo hiểm: Đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản thoản mãn các điều kiện sau:
– Tài sản được bảo hiểm phải là tài sản hợp pháp, được phép lưu thông trên thị trường.
– Tài sản trong bảo hiểm tài sản phải tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng. Người mua bảo hiểm cần chứng minh được tài sản cần bảo hiểm đang tồn tại còn nếu không thì không thể hình thành quan hệ bảo hiểm
– Tài sản phải định lượng được. Tức là tài sản có thể tính toán được giá trị của nó để xác định giá trị bảo hiểm
3. Giải quyết bồi thường trong bảo hiểm tài sản.
Trong quan hệ bảo hiểm tài sản, mục đích của bảo hiểm tài sản là khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản hoặc bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm. Bồi thường là việc công ty bảo hiểm sử dụng tài chính với mục đích hoàn trả lại cho người được bảo hiểm những gì họ đã mất do việc tài sản gặp tổn thất khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong phạm vi rủi ro được bảo hiểm.
Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi nó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm theo những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
4. Nội dung quy định về giải quyết bồi thường trong bảo hiểm tài sản
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
Bồi thường là nghĩa vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp bảo hiểm. Khi một sự kiện bảo hiểm xảy ra, căn cứ để xác định xem bên mua bảo hiểm có được bồi thường hay không là dựa vào các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản đã giao kết và theo quy định pháp luật.
Thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường
Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường, Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 đã sửa đổi như sau:
– Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.
– Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm.
– Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.
Nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm (Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000) mà xảy ra sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn ra hạn đóng phí. Sau đó, bên mua bảo hiểm vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ đóng đầy đủ phí bảo hiểm trong thời hạn gia hạn theo thỏa thuận của các bên.
Thời hạn bồi thường
Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm; trong trường hợp không có thoả thuận về thời hạn thì Doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường. Đây là thời gian ấn định để Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bồi thường của mình.
Giới hạn bồi thường
Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm theo nguyên tắc: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.
Căn cứ xác định tổn thất khi giải quyết bồi thường
Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm thì để xác định số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm khi giải quyết bồi thường trong bảo hiểm tài sản, dựa vào các căn cứ sau:
Thứ nhất, căn cứ vào giá thị trường của tài sản tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất.
Thứ hai, căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế xảy ra và thời điêm sự kiện bảo hiểm diễn ra. Mức độ thiệt hại được dùng để làm căn cứ xác định tổn thất khi bồi thường là mức độ thiệt hại tại nơi xảy ra và thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Thứ ba, những chi phí để đề phòng, hạn chế thiệ hại theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểmCác hình thức bồi thường.
Trường hợp người mua bảo hiểm tham gia đồng thời hai hợp đồng bảo hiểm cho cùng một tài sản. Mức bồi thường được quy định như sau:
Điều 44. Hợp đồng bảo hiểm trùng
2. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Các hình thức bồi thường
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận để lựa chọn một trong ba hình thức bồi thường sau:
– Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
– Thay thế tài sản thiệt hại bằng tài sản khác
– Trả tiền bồi thường
5. Đánh giá quy định về giải quyết bồi thường trong bảo hiểm tài sản
Thứ nhất, quy định về hợp đồng bảo hiểm trên giá trị. Tại Khoản 1 Điều 42 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định các bên không được giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị, thế nhưng, ngay tại Khoản 2 lại quy định về cách thức và phương pháp giải quyết bồi thường trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm trên giá trị “lỡ được giao kết”. Quy định tại cùng một điều luật nhưng lại không thống nhất với nhau. Khoản 1 thì cấm nhưng Khoản 2 lại để một lỗ hổng để bên tham gia bảo hiểm cứ thể vin vào để “vô ý” làm sai.
Thứ hai, quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cũng có sự bất đồng về thứ tự giữa hai khoản liền kề trong cùng một điều luật. Khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về nghĩa vụ bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm trong trường hợp lỗi của người thứ ba sẽ được thực hiện trước sau đó doanh nghiệp mới yêu cầu bên mua bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Khoản 2 lại quy định nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp hoặc không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bảo hiểm tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm. Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu doanh nghiệp đã thực hiện chi trả như quy định tại Khoản 1 rồi mà người mua bảo hiểm không muốn chuyển quyền thì doanh nghiệp khấu trừ bằng cách nào? Đây chính là sự mâu thuẫn về thứ tự giữa Khoản 1 và Khoản 2 Điều 49.
Từ những hạn chế trên, một kết luận được rút ra là việc xem xét về tính thống nhất về nội dung và sự hợp lý về thứ tự giữa các điểm, khoản trong cùng một điều luật cần được chú trọng sửa đổi phù hợp, tránh gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.