>> Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp gọi số:1900.0191

1. Khái niệm công ty cổ phần

Theo điều 111 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau: 

“Điều 111. Công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”

=> Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp trong đó (i) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (ii) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa (iii) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (iv) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ một số trường hợp pháp luật quy định điều kiện chuyển nhượng hoặc cấm chuyển nhượng. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.

 

2. Đặc điểm chung của công ty cổ phần 

Công ty cổ phần là một trong năm loại hình doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, vì thế, trước hết nó mang những đặc điểm chung của một doanh nghiệp, cụ thể như:

– Công ty cổ phần là một tổ chức kinh tế;

– Công ty cổ phần có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch ổn định;

– Công ty cổ phần được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

 

3. Đặc điểm pháp lý đặc trưng của công ty cổ phần

Bên cạnh những đặc điểm chung giống các loại hình doanh nghiệp khác, công ty cổ phần còn có những nét rất đặc thù mà thông qua đó có thể phân biệt với doanh nghiệp khác.

Vốn điều lệ Công ty cổ phần

Vốn điều lệ của Công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần  mà các cổ đông đã thanh toán cho công ty. Tức là vốn điều lệ phải là số vốn thực góp.

Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của  một hoặc nhiều cổ phần.  Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.

Công ty cổ phần có các loại cổ phần sau:

– Cổ phần phổ thông (bắt buộc phải có).

– Cổ phần ưu đãi (có thể có) gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định.

Những công ty cổ phần đăng ký kinh doanh ngành nghề mà pháp luật yêu cầu về vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp (vốn pháp định) thì phải đáp ứng điều kiện về mức vốn pháp định, ví dụ: kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, tổ chức tín dụng, bất động sản, kinh doanh vàng… Những ngành nghề đòi hỏi có vốn pháp định thì vốn điều lệ không thể nhỏ hơn vốn pháp định.

Thành viên

– Số lượng thành viên: Chủ thể sở hữu ít nhất một cổ phần đã phát hành của công ty là cổ đông. Công ty cổ phần có tối thiểu 03 cổ đông, không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Việc quy định số cổ đông tối thiểu đã trở thành thông lệ quốc tế.

– Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức.

+ Cá nhân: không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng cấm góp vốn thành lập công ty đều có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty cổ phần;

+ Tổ chức: tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính nếu không thuộc đối tượng bị cấm đều có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty cổ phần, có quyền mua cổ phần của công ty cổ phần.

– Dựa trên vai trò đối với việc thành lập công ty cổ phần: Các cổ đông của công ty cổ phần gồm:

+ Cổ đông sáng lập: là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập, công ty cổ phần được chuyển đổi từ DN 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty TNHH hoặc được chia tách hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.

+ Cổ đông góp vốn: là cổ đông đưa tài sản vào công ty trở thành chủ sở hữu chung của công ty.

– Dựa trên cổ phần mà họ sở hữu:

+ Cổ động phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông. Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ động phổ thông.

+ Cổ đông ưu đãi: là người sở hữu cổ phần ưu đãi. Công ty cổ phần có thể có cổ đông ưu đãi: cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đã biểu quyết, cổ động ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định. Cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết.

Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần đáp ứng đủ 4 điều kiện của pháp nhân là:

+ Được thành lập hợp pháp, tiến hành làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

+ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, bộ máy chặt chẽ với quy chế làm việc rõ ràng;

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Có sự phân định rõ ràng giữa tài sản của các cổ động với tài sản công ty. Cổ đông chịu trách nhiệm bằng tài sản góp vào công ty. Công ty chịu trách nhiệm bằng tài sản công ty;

+ Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Người đại diện công ty cổ phần ký trong hợp đồng, tham gia giao dịch với tư cách nhân danh công ty, vì lợi ích công ty.

Chế độ trách nhiệm tài sản:

Chế độ trách nhiệm tài sản của cổ đông là chế độ trách nhiệm hữu hạn, tức là chịu trách nhiệm về khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn góp vào công ty mà không liên quan đến tài sản riêng.

Chế độ trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần: Công ty Cổ phần chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng toàn bộ tài sản của công ty.

Huy động vốn

Công ty cổ phần có nhiều hình thức huy động vốn hơn so với các tổ chức kinh tế nói chung và các doanh nghiệp khác nói riêng. Các hình thức công ty huy động vốn là: chào bán cổ phần riêng lẻ, phát hành chứng khoán ra công chúng, bán cổ phần cho cổ đông trong công ty và phát hành trái phiếu.

Tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp

Phần vốn góp (cổ phần) của các cổ động được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Các cổ phiếu do công ty phát hành là một loại hàng hoá – giấy tờ có giá. Người có cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Theo đó việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần mang tính “tự do” hơn so với việc các thành viên công ty TNHH chuyển nhượng vốn góp.

4. Các bước cần thiết để thành lập công ty cổ phần

Bước 1: Chuẩn bị thông tin, tài liệu cần thiết cho việc soạn hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Cổ đông cần phải chuẩn bị đầy đủ thông tin, tài liệu cần thiết để thành lập công ty bao gồm các công ty cơ bản như sau:

+ Tên công ty dự định đăng ký

+ Địa chỉ công ty

+ Ngành nghề kinh doanh

+ Vốn điều lệ công ty

+ Số lượng cổ đông, vốn, tỷ lệ vốn

+ Giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước, hộ chiếu…vv

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty trên cơ sở thông tin khách hàng cung cấp

Hồ sơ thành lập công ty cổ phần sẽ bao gồm những tài liệu sau:

– Giấy đề nghị thành lập công ty cổ phẩn (ghi rõ tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; thông tin liên hệ; ngành nghề kinh doanh; vốn điều lệ; các loại cổ phần, mệnh giá; thông tin đăng ký thuế; số lượng nhân sự; họ tên, chữ ký và một số thông tin của người đại diện theo pháp luật)

– Văn bản nêu rõ điều lệ công ty (hoặc dự thảo điều lệ nếu chưa có quyết định chính thức)

– Văn bản nêu rõ danh sách những cổ đông sáng lập công ty và những cổ đông đầu tư nước ngoài (nếu có)

– Bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân của các cổ đông (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước) trong trường hợp cổ đông là cá nhân.

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các tổ chức; giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện trong trường hợp cổ đông là tổ chức.

Bước 3: Nộp hồ sơ thành lập công ty cổ phần tới cơ quan đăng ký là sở kế hoạch đầu tư

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời gian giải quyết hồ sơ: 05 ngày làm việc

Bước 4: Theo dõi hồ sơ và nhận giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty cổ phần

Hồ sơ sẽ được sở kế hoạch đầu thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi xác nhận hồ sơ hợp lệ.

Bước 5: Khắc dấu tròn công ty, dấu chức danh và công bố mẫu dấu tròn công ty cổ phần lên cổng thông tin quốc gia;

Việc khắc dấu sẽ thực hiện ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận công ty hợp danh, sau khi hoàn thành khắc dấu, doanh nghiệp sẽ tiến hành công bố sử dụng mẫu dấu trên cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Bước 6: Công bố thông tin thành lập công ty tới cổng thông tin quốc gia

Sau khi được cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty hợp danh, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định.

Bước 7: Kế khai nộp thuế môn bài, chữ ký số, đăng ký và phát hành hóa đơn điện tử cho công ty cổ phần

5. Phát hành trái phiếu trong công ty cổ phần

– Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

– Công ty không được quyền phát hành trái phiếu trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Không thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, không thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm liên tiếp trước đó;

b) Tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của ba năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất dự kiến trả cho trái phiếu định phát hành.

Việc phát hành trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn không bị hạn chế bởi các quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

– Trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng quản trị có quyền quyết định loại trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu và thời điểm phát hành, nhưng phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất. Báo cáo phải kèm theo tài liệu và hồ sơ giải trình quyết định của Hội đồng quản trị về phát hành trái phiếu.

CÔNG TY LUẬT LVN GROUP (biên tập)

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn thành lập tập đoàn kinh tế;

2. Tư vấn thành lập công ty chứng khoán;

3. Tư vấn thành lập hộ kinh doanh cá thể;

4. Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp;

5. Tư vấn thành lập Công ty cổ phần tại Hà Nội;

6. Tư vấn thành lập doanh nghiệp dược phẩm, y tế;

7. Tư vấn thành lập Công ty kinh doanh bất động sản;