1. Khái quát về hệ thống pháp luật Phần Lan

Hệ thống tư pháp của Phần Lan là một hệ thống luật dân sự được phân chia giữa những tòa án với thẩm quyền dân sự và hình sự thường xuyên với những tòa án hành chính có thẩm quyền đối với các vụ kiện giữa các cá nhân và chính quyền công. Luật Phần Lan được luật hóa và dựa trên luật pháp Thụy Điển và rộng hơn là bộ luật La Mã. Hệ thống tòa án dân sự và quyền tài phán hình sự bao gồm các tòa án địa phương (käräjäoikeus, tingsrätt), tòa phúc thẩm khu vực (hovioikeus, hovrätt), và Tòa án tối cao (korkein oikeus, högsta domstolen). Chi nhánh hành chính của tòa án bao gồm các tòa án hành chính (hallinto-oikeus, förvaltningsdomstol) và Tòa án Hành chính Tối cao (korkein hallinto-oikeus, högsta förvaltningsdomstolen). Ngoài các tòa án thông thường, có một vài tòa án đặc biệt ở chi nhánh nhất định của chính quyền. Ngoài ra còn có một Tòa án Tối cao chuyên luận tội đối với các cáo buộc hình sự chống lại các cán bộ cấp cao trong chính quyền.

Khoảng 92% người dân Phần Lan tuyên bố họ tin tưởng vào lực lượng an ninh của đất nước này . Tỷ lệ tội phạm của Phần Lan nhìn chung là không cao trong số các nước EU. Một số loại tội phạm có tỉ lệ ở trên mức trung bình, đáng chú ý tỷ lệ giết người ở Phần Lan là cao nhất trong số các nước Tây Âu.

Phần Lan đã chiến đấu mạnh mẽ để chống lại tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính phủ từ những năm 70 và 80. Ngày nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng Phần Lan là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất ở châu Âu.

2. Khái quát về nguyên tắc xét xử của Tòa án Phần Lan

Hiến pháp Phần Lan bảo đảm mọi người có quyền được xét xử vụ án của mình một cách thích hợp và không bị trì hoãn quá mức bởi một tòa án hoặc cơ quan công quyền khác. Mọi người cũng có quyền có một quyết định ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mình được xem xét bởi một tòa án hoặc cơ quan tư pháp khác. Ngoài ra, Hiến pháp còn có các quy định cơ bản về xét xử công bằng và quản trị tốt. Các bảo đảm chính của những điều này là công khai tố tụng, quyền được xét xử, quyền nhận quyết định có căn cứ và quyền kháng cáo quyết định. Trong quá trình hoạt động, để tuân thủ những quy định đó của Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ công lý, hệ thống tòa án Phần Lan đã thực hiện nhiều cải cách, đổi mới về tổ chức và hoạt động. Bài viết tập trung phân tích mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án Phần Lan và quá trình cải cách, đổi mới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.

3. Khái quát về hệ thống tòa án Phần Lan

Hệ thống tòa án Phần Lan bao gồm Tòa án tối cao, tòa phúc thẩm và tòa án cấp quận (sơ thẩm khu vực). Tòa án cấp quận có chức năng xét xử hầu hết các vụ án dân sự và hình sự nên là tòa có vai trò quan trọng trong hệ thống tòa án. Tòa phúc thẩm xét xử kháng cáo. Trong những trường hợp tòa phúc thẩm xử xong rồi, còn kháng cáo thì Tòa án tối cao tiếp tục xử lý.

Chức năng chính của Tòa án tối cao là tòa cuối cùng để xét xử các vụ án hình sự và dân sự; ban hành án lệ để hướng dẫn các tòa án khác xét xử; đưa ra định hướng cho những vụ việc quan trọng; tham vấn với bộ ngành và tổng thống. Để trở thành thẩm phán Tòa án tối cao đòi hỏi phải là những người có trình độ cao, có kiến thức rộng và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có thể là thẩm phán, Luật sư của LVN Group hoặc giáo sư luật.

Đối với các vụ án, vụ việc được kháng cáo, Tòa án tối cao ra quyết định chấp nhận kháng nghị hoặc không kháng nghị. Mỗi năm Tòa án tối cao Phần Lan nhận được khoảng 2.000 đơn kháng nghị, nhưng chỉ xem xét được khoảng 120 vụ (chiếm 6%) bởi quy định về việc thụ lý xét xử ở Tòa án tối cao là rất chặt chẽ. Những vụ án được Tòa án tối cao thụ lý thường có tầm quan trọng trong việc tạo thành án lệ. Tiêu chí để chấp nhận  kháng nghị là: tính chất của vụ việc có khả năng tạo ra một án lệ cho các vụ việc khác; đối với các vụ việc mà luật quy định hoặc là những vụ việc có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội và cá nhân để kháng nghị.

4. Thủ tục kháng nghị ở Phần Lan

– Bước 1: Nhận hồ sơ đề nghị kháng cáo. Ở bước này, Tòa án tối cao cần xem xét hồ sơ để đưa ra quyết định có đồng ý kháng nghị không (việc xem xét hồ sơ kháng cáo do 2 thẩm phán thực hiện. Trường hợp vụ việc đơn giản chỉ cần 1 – 2 thẩm phán, nếu phức tạp phải là 3 thẩm phán;

– Bước 2: Xem xét, giải quyết kháng nghị. Sau khi chấp thuận kháng nghị sẽ có 5 thẩm phán xem xét quyết định đó. Với vụ án phức tạp thì lên đến 11 thẩm phán hoặc có sự tham gia của Chánh án Tòa án tối cao và 11 thẩm phán. Hồ sơ thủ tục được chuẩn bị bởi 01 hội đồng gồm thư ký và 28 người.  Nếu như tòa sơ thẩm và phúc thẩm chủ yếu là xét xử trực tiếp thì việc xem xét của Tòa án tối cao chủ yếu là xét hồ sơ và chỉ hỏi trực tiếp những vụ việc cần thiết. Tỷ lệ án do Tòa án tối cao tuyên hủy khoảng 10% (hầu hết bị hủy là do không có đủ điều kiện để đưa ra phán quyết). Thời gian để Tòa án tối cao đưa ra chấp thuận kháng nghị khoảng 4 tháng trở lên và thời gian xem xét giải quyết xong phải mất 18,6 tháng. Hiện nay, Tòa án tối cao Phần Lan nhận thấy thời gian để giải quyết kháng cáo quá dài và đang đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án dân sự.

Bên cạnh việc xét xử giám đốc thẩm, Tòa án tối cao Phần Lan còn có nhiệm vụ ban hành án lệ. Mỗi năm tòa này ban hành 100 án lệ. Năm 2018 có 92 án lệ được ban hành. Các án lệ được công bố công khai đến Luật sư của LVN Group, người thi hành pháp luật, học giả nên án lệ có vai trò rất lớn đối với cộng đồng pháp luật Phần Lan và châu Âu. Trong cơ cấu Tòa án tối cao của Phần Lan không có Tòa án Hiến pháp vì thực tiễn hoạt động lập pháp của Phần Lan cho thấy quá trình thẩm tra về việc bảo đảm tính hợp hiến của các dự án luật được các ủy ban chuyên trách của Nghị viện xem xét rất chặt chẽ. Thông qua quá trình xét xử nếu nhận thấy luật có quy định không phù hợp với Hiến pháp thì Tòa án tối cao quyết định không áp dụng luật đó mà sẽ đề nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. Việc sửa đổi điều luật này diễn ra rất nhanh.

Tòa án cấp quận (sơ thẩm khu vực) và tòa án phúc thẩm ở Phần Lan xét xử tất cả các vụ việc dân sự và hình sự. Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm có các thẩm phán theo nhiệm kỳ và theo cấp xét xử. Trong các vụ án hình sự và trong một số vụ án dân sự có sự tham gia của các thẩm phán giáo dân được bầu bởi hội đồng thành phố. Khối lượng lớn nhất của các vụ kiện được giải quyết bởi các tòa án cấp quận liên quan chủ yếu đến vụ việc ly hôn, đăng ký quyền sở hữu, thế chấp tài sản thực, phá sản và điều chỉnh các khoản nợ của cá nhân. Những vấn đề như vậy thường được quyết định trong các phòng mà không có phiên điều trần được tổ chức.

Phiên tòa thứ hai trong một vụ án thông thường được xét xử bởi tòa án cấp phúc thẩm. Gần như tất cả các quyết định của tòa án cấp quận có thể được kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Trong các tòa án phúc thẩm, các vụ án được xét xử bởi 03 thẩm phán. 

Ngoài các tòa án có thẩm quyền chung, hệ thống tòa án Phần Lan có 8 tòa án hành chính khu vực và Tòa án hành chính tối cao. Đồng thời có các tòa án đặc biệt trong Tòa án tối cao như: Tòa án lao động, Tòa án thị trường, Tòa án bảo hiểm. Tòa án thị trường xét xử các tranh chấp liên quan đến việc mua lại công ty, cạnh tranh giữa các công ty và hành vi tiếp thị không phù hợp. Tùy thuộc vào bản chất của vụ án, các phán quyết của Tòa án thị trường được mở để kháng cáo trước Tòa án hành chính tối cao hoặc Tòa án tối cao. 

Tòa án lao động xét xử các tranh chấp liên quan đến thỏa thuận tập thể về mối quan hệ việc làm và về các mối quan hệ công vụ. Tòa án bảo hiểm xem xét một số trường hợp nhất định thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội như bảo hiểm tai nạn lao động và lương hưu. Những trường hợp như vậy thường được xét xử trước tiên bởi một hội đồng phúc thẩm. Nếu các quyết định của họ bị kháng cáo thì Tòa án bảo hiểm thụ lý và xét xử. Trong một số trường hợp liên quan đến bảo hiểm tai nạn, các quyết định của Tòa án bảo hiểm được mở để xét xử kháng cáo tại Tòa án tối cao.

Tòa án luận tội cấp cao xét xử các vụ án hình sự liên quan đến các hành vi phạm tội do một thành viên của Hội đồng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nghị sĩ Quốc hội hoặc thẩm phán của Tòa án tối cao hoặc Tòa án hành chính tối cao. Trong những trường hợp như vậy, việc truy tố là trách nhiệm của Tổng công tố viên trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Thanh tra viên Nghị viện.

5. Mối quan hệ của Tòa án liên minh châu Âu và Tòa án Phần Lan

Tòa án Phần Lan là thành viên của Tòa án liên minh châu Âu. Tòa án tư pháp của châu Âu có trụ sở ở Luxambour và Tòa hình sự có trụ sở ở Hà Lan. Sự phối hợp với tòa án của châu Âu thông qua sự tham vấn về những vụ việc cần áp dụng luật của Liên minh châu Âu. Từ khi tham gia vào Liên minh châu Âu có 26 lần tòa án Phần Lan tham vấn về các lĩnh vực lao động, truyền thông. Tòa án Liên minh châu Âu không có quyền xét xử vì phán quyết của tòa án Phần Lan là phán quyết cuối cùng. Bị đơn chỉ có quyền phàn nàn lên Tòa án liên minh châu Âu để Tòa án Liên minh châu Âu đưa ra khuyến nghị. Tuy nhiên, những người có liên quan đến phán quyết của tòa án Phần Lan có thể căn cứ vào khuyến nghị đó để đòi bồi thường.

Toà án quyền con người của châu Âu được thành lập nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền cơ bản của công dân như quyền được tiếp cận công lý, quyền được xét xử công bằng, quyền được lắng nghe, quyền được tôn trọng cuộc sống riêng của gia đình; quyền tự do ngôn luận… Trụ sở của Tòa án quyền con người của châu Âu nằm ở Pháp. Trường hợp người dân không chấp nhận phán quyết của tòa án Phần Lan thì họ có quyền đưa vụ kiện lên Tòa án quyền con người của châu Âu. Trong trường hợp đó, tòa án Phần Lan phải tuân theo khuyến nghị của Tòa án quyền con người của châu Âu.

Bài viết tham khảo: Cải cách hệ thống Tòa án của Phần Lan và kinh nghiệm cho Việt Nam;
PGS.TS TRƯƠNG THỊ HỒNG HÀ; Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương (Tạp chí điện tử Luật Sư Việt Nam)