1. Mở đầu vấn đề

Triết học phương Tây nói chung và triết học phương Tây hiện đại là một hình thái lý luận của thế giới quan và nhân sinh quan của giai cấp tư sản, là sự phản ánh thực trạng xã hội tư bản chủ nghĩa ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau. Việc tìm hiểu, học tập và nghiên cứu triết học phương Tây hiện đại giúp chúng ta có được một nhận thức toàn diện, đúng đắn; thúc đẩy kết hợp giữa việc nghiên cứu triết học phương Tây hiện đại của nước ta với việc nghiên cứu triết học chủ nghĩa Marx trong giai đoạn mới.

 

2. Nội dung triết học phương Tây

Triết học phương Tây đề cập đến những tư tưởng và những tác phẩm triết học của thế giới phương Tây. Về mặt lịch sử, thuật ngữ này đề cập đến tư duy triết học trong văn hóa phương Tây, bắt đầu với triết học Hy Lạp trong thời kì tiền-Socrates với những đại biểu như Thales và Pythagoras, và cuối cùng phát triển với phạm vi trên toàn cầu. Từ “philosophy” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ đại philosophía (φιλοσοφία) với nghĩa đen là “tình yêu trí tuệ” (φιλεῖν phileîn, “yêu” và σοφία sophía, “trí tuệ”). Một cách tường minh hơn, triết học có thể được định nghĩa là: “những nỗ lực của con người nhằm nghiên cứu một cách hệ thống các cấu trúc căn bản nhất của toàn bộ trải nghiệm mà ta có, nhằm đạt được những niềm tin rõ ràng về mặt khái niệm, được xác nhận về mặt kinh nghiệm và nhất quán về mặt tư duy nhất có thể.”

Trong lịch sử, phạm vi của triết học bao gồm tất cả những nỗ lực nhằm đạt tới trí tuệ, tức bên cạnh những vấn đề triết học như cách mà ta hiểu hiện tại, nó cũng chứa đựng kiến thức của những bộ môn mà nay được coi là khoa học như vật lý, toán học và thiên văn học. Chẳng hạn, cuốn sách Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên của Newton nay được coi là một tác phẩm về vật lý chứ không phải triết học. Triết học, theo cách hiểu hiện đại hơn, thường đề cập đến các vấn đề thuộc vào ba lĩnh vực chính là nhận thức luận (ví dụ, “Con người có thể nhận thức được những gì?”), siêu hình học (“Bản chất tối hậu của hiện thực là gì?”) và luân lý học (“Tiêu chí gì đánh giá một hành động là tốt hay xấu?”). Bên cạnh đó, một số chủ đề khác như logic, chính trị-xã hội và tôn giáo cũng có thể coi là thuộc về triết học.

Các vấn đề và cách tiếp cận chúng của triết học phương Tây thay đổi không ngừng trong suốt hành trình dài hơn 25 thế kỷ của nó. Những nhà triết học Hy Lạp đầu tiên đã chiêm ngưỡng vũ trụ và đi tìm những yếu tố và các nguyên lí chi phối nó. Khi các thành bang Hy Lạp được hình thành, các câu hỏi về pháp luật và đời sống của công dân trở thành những vấn đề quan trọng nhất cần được giải quyết. Sự trỗi dậy của Kitô giáo vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên mang đến cho triết học những câu hỏi mới như Sáng thế, đức tin và lý trí hay các vấn đề về Chân lý. Thời kỳ thịnh trị của Kitô giáo này được gọi là thời kỳ Trung cổ và kéo dài khoảng 10 thế kỷ. Đến thời kỳ Phục Hưng, mối quan tâm lại hướng về thế giới tự nhiên bí ẩn và các quy luật chi phối nó, với đỉnh cao là các khám phá của Newton. Các chủ đề triết học giai đoạn này thiên về hướng nhận thức luận và tập trung vào tâm trí con người, thứ đã giúp tạo nên những tiến bộ khoa học vượt bậc vào thời điểm đó. Sau cuộc cách mạng của Kant, triết học vào thế XIX rất đa dạng và mở ra nhiều hướng đi khác nhau. Đây chính là tiền đề tạo nên ba trường phái triết học khác hẳn nhau vào thế kỷ XX là: chủ nghĩa thực dụng, triết học phân tích và triết học hiện sinh. Đó cũng là những trường phái triết học có ảnh hưởng sâu rộng cho tận ngày nay.

 

3. Hoàn cảnh ra đời sự phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại

Triết học Hy Lạp cổ đại ra đời trong bối cảnh diễn ra sự chuyển biến lâu dài và sâu sắc các quan hệ xã hội. Đó là sự ra đời của xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử-chế độ chiếm hữu nô lệ.

Hy Lạp cổ đại trước đây là một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm phần đất liền và vô số hòn đảo lớn nhỏ trên biển Egie, vùng duyên hải Ban căng và Tiểu Á. => Với sự thuận lợi về thiên nhiên, địa lý đã tạo điều kiện cho Hy Lạp nhanh chóng phát triển tất cả các lĩnh vực, mở rộng bang giao, tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá. Vì vậy, nơi đây đã hội tụ đầy đủ những điều kiện để tư duy con người có dịp bay bổng, để thoả sức sáng tạo ra những giá trị triết học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Xứng đáng là chiếc nôi của nền văn minh Châu Âu và của cả nhân loại. Đúng như Ph.Ăngghen nhận xét: “Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp, không có chế độ nô lệ thì không có đế quốc La Mã mà không có cái cơ sở là nền văn minh Hy Lạp và đế quốc La Mã thì không có Châu Âu hiện đại được”.

Hy Lạp cổ đại là đất nước của thi ca, thần thoại. Thần thoại là nơi để con người tưởng tượng, diễn giải về các hiện tượng thiên nhiên kỳ bí mà còn là nơi thể hiện đời sống tâm linh, sự hình thành số phận cũng như muôn mặt của đời sống thường ngày. Thần thoại là nơi đâù tiên để tư duy triết học ra đời và từng bước triết học tách khỏi thần thoại, tự mình tư duy về tự nhiên, đạo đức, về xã hội, về lẽ sống, về chân lý, về con người…

Những tinh hoa về toán học, thiên văn học, địa lý, hệ thống đo lường, lịch pháp,…đã xuất hiện do nhu cầu buôn bán, vượt biển đến các nước phương Đông. Vì vậy, các nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp cũng là những người đã nhiều lần đến phương Đông và nhiều vùng đất khác.

Triết học Hy Lạp cổ đại phát triển qua 3 thời kỳ sau:

– Triết học thời kỳ tiền Xôcrat (thời kỳ sơ khai)

– Triết học thời kỳ Xôcrat (thời kỳ cực thịnh)

– Triết học thời kỳ Hy Lạp hoá

Như vậy, ta có thể rút ra một số đặc điểm của triết học Hy Lạp cổ đại như sau:

a. Triết học Hy Lạp cổ đại là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của nhận thức nhân loại từ phương thức sản xuất thứ nhất đến phương thức sản xuất thứ hai ở phương Tây vì vậy ở đó đã dung chứa hầu hết các vấn đề cơ bản của thế giới quan và là một hệ thống tập hợp các tri thức về tự nhiên, về con người, mặc dầu chưa thoát khỏi trạng thái phôi thai mộc mạc nhưng cũng vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ…Ph. Ăngghen nhận xét như sau: “Chính vì trong các hình thức muôn vẻ của triết học Hi Lạp đã có mầm mống và đang nảy nở hầu hết tất cả các loại thế giới quan sau này”.

b. Triết học Hi Lạp đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, khẳng định con người là vốn quý, là trung tâm hoạt động của thế giới. Mặc dù vậy, con người ở đây cũng chỉ là con người cá thể, giá trị thẩm định chủ yếu ở khía cạnh đạo đức, giao tiếp và nhận thức.

c. Triết học Hi Lạp cổ đại mang tính chất duy vật tự phát và biện chứng sơ khai, cố gắng giải thích các sự vật hiện tượng trong một khối duy nhất thường xuyên vận động và biến đổi không ngừng. Với ý nghĩa đó, những tư tưởng biện chứng của triết học Hi Lạp cổ đại đã làm thành hình thức đầu tiên của phép biện chứng.

 

4. Quan điểm của Triết gia Heraclitie (Gia đoạn khoảng 540 – 475)

Triết gia Heraclitie được xem là trung tâm trong lịch sử của phép biện chứng Hi Lạp cổ đại.  Lênin coi Heraclitie là một trong những người sáng lập ra phép biện chứng. Tư tưởng Heraclitie có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của phép biện chứng sau này.

Ta có thể kể đến một số tư tưởng của ông như sau:

a. Đối với sự khởi nguyên của vũ trụ

Đối với Heraclitie, lửa chính là khởi nguyên cơ sở mọi thứ, theo đó:

– Lửa là khởi nguyên của thế giới, lửa tạo ra từng sự vật cụ thể hàng ngày gần gũi cho đến những hành tinh xa lắc. “Thế giới này chỉ là một đối với mọi cái, không phải do thần thánh hay do con người tạo ra nhưng nó mãi mãi đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh cửu, như là độ đo của những cái đang rực cháy và mức độ của những cái đang lụi tàn”.

– Lửa là cơ sở làm nên sự thống nhất của thế giới. “Thế giới chỉ là một ngọn lửa đang bập bùng cháy suốt ngày đêm”. Các hiện tượng tự nhiên như nắng mưa, các mùa,…theo ông không phải là những hiện tượng thần bí mà chỉ là những trạng thái khác nhau của lửa. “Cái chết của lửa chỉ là sự ra đời của không khí, cái chết của không khí chỉ là sự ra đời của nước. Nước sinh ra từ cái chết của đất, không khí sinh ra từ cái chết của nước, lửa sinh ra từ cái chết của không khí”.

– Thế giới vận động theo trật tự mà ông gọi là logos: logos khách quan và logos chủ quan quan hệ với nhau như là quan hệ giữa khách thể và nhận thức. Và như vậy thì sự phù hợp với logos khách quan là tiêu chuẩn để đánh giá tư duy con người. Đây là một đóng góp có giá trị của Heraclit cho phép biện chứng sau này.

b. Sự vận động là phổ biến

Quan niệm về vận động đã được một số nhà triết học trước đó đề cập nhưng phải đến Heraclit thì mới tồn tại với tư cách là học thuyết về vận động với câu nói nổi tiếng “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

Quan niệm về vận động của Heraclitie có nội dung cốt lõi là tư tưởng về sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.

– Với thống nhất là sự đồng nhất của cái đa dạng và là sự hài hoà giữa các mặt đối lập. Đồng nhất được xem là giới hạn theo nghĩa cùng tồn tại trong một tương quan để so sánh, nếu thiếu thì không còn sự so sánh nữa như là không thể quý sức khoẻ khi không biết mặt đối lập của nó là bệnh tật.

Tính chất của sự đồng nhất là tương đối. Bản chất của sự vật chỉ có thể được xác định trong mối liên hệ với các sự vật khác. Nhưng ở những tương quan khác nhau sẽ cho những kết quả so sánh khác nhau. “Con khỉ đẹp nhất trong loài khỉ cũng không thể so sánh với con người. Con người sáng suốt nhất so với Thượng đế cũng chỉ là con khỉ xét về trí tuệ, sắc đẹp”.

– Với mỗi sự vật, mỗi hiện tượng trong quá trình biến đổi đều trải qua các trạng thái đối lập và chuyển thành các mặt đối lập với nó.

– Đấu tranh của các mặt đối lập không chỉ là sự đối lập mà còn là sự thống nhất giữa các mặt đối lập, là điều kiện của tồn tại

Theo ông, cái vốn có ở trong hài hoà là đấu tranh và đó là điều kiện để hài hoà. Ở đâu không có sự khác biệt thì ở đó không có sự thống nhất. Đấu tranh là nguồn gốc của mọi cái đang hiện hữu, là khởi nguyên sáng tạo của sự sống và tồn tại. Vì vậy đấu tranh là phổ biến tất yếu.

=> Từ quan niệm về dòng chảy, về vận động là phổ biến, Heraclit đã kháiinh ra một khái niệm triết học mới đó là Độ. Độ là cái tạo ra sự hài hoà, tính chu ky, tính ổn định, sự biến đổi của sự vật hiện tượng và các quá trình trong thế giới. Với cách hiểu như vậy, độ chính là logos của logos.

c. Nhận thức luận và nhân bản học

– Mặt nhận thức: theo Heraclitie, nhận thức khởi đầu từ cảm tính thông qua các giác quan để con người nhận thức các sự vật cụ thể. Ông cũng nhận thấy vai trò không giống nhau giữa các giác quan trong nhận thức “mắt và tai là người thầy tốt nhất nhưng mắt tốt hơn tai”.

Ông chia nhận thức thành hai cấp độ là nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính chỉ là sự tiếp cận với logos nhưng không chắc chắn. Nhận thức lý tính là con đường đạt tới chân lý nên ông đề cao.

– Nhân bản học: Theo Heraclitie, con người là sự thống nhất cả hai mặt đối lập ẩm ướt và lửa. Linh hồn của con người là biểu hiện của lửa. Lửa đưa con người đến điều thiện, làm cho con người trở nên hoàn hảo, lửa là thôi thúc ở trong tim để ngăn ngừa những cám dỗ vì chống lại khoái cảm còn khó hơn chống lại sự giận dữ.

Theo ông, hạnh phúc không phải là sự hưởng lạc về mặt thể xác thoả mãn dục vọng mà ở chỗ phải biết vượt lên trên mình biết nói, biết suy nghĩ, hành động theo logos.

 

5. Kết thúc vấn đề

Triết học phương Tây nói chung hình thành và phát triển ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, ở mức độ nhất định có thể nói đó là hình thái lý luận của thế giới quan và nhân sinh quan giai cấp tư sản, do vậy mà giới triết học Trung Quốc trước đây gọi nó là triết học tư sản hiện đại; điều này không phải là vô căn cứ, bởi lẽ triết học là một loại hình thái ý thức, trong xã hội có giai cấp ắt gắn với lợi ích của một giai cấp nhất định. Trước khi chủ nghĩa Marx ra đời, một số nhà tư tưởng phương Tây đã nói đến việc tất yếu phải vận dụng phương pháp phân tích giai cấp. Nhưng dù ở trong một xã hội có giai cấp, triết học vẫn còn có nội hàm văn hoá của một hình thái ý thức siêu giai cấp nào đó. Cho nên, nếu đơn giản hoa hoặc tuyệt đối hoá phương pháp phân tích giai cấp, cũng sẽ thoát ly thực tế phát triển của triết học phương Tây hiện đại, không thể giải thích nó một cách chính xác. Để tránh tính phiến diện, hiện nay đa số không gọi triết học phương Tây hiện đại đơn giản là triết học tư sản, mà gọi một cách chung chung là triết học phương Tây.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).