Cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đều là các đại gia doanh nghiệp nhà nước, có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cùng từng bước (với tốc độ không giống nhau) vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Ngặt nỗi, về danh chính ngôn thuận, EVN đang được Nhà nước giao độc quyền quản lý các cột điện vốn thuộc sở hữu toàn dân 100%, mà trên đó VNPT đang mắc nhờ các cáp kỹ thuật – là “cần câu cơm” hàng ngày của mình – với giá thoả thuận được hai bên ký kết năm 2003. Đến tháng 9/2008, EVN đề nghị VNPT nâng  mức tiền thuê bao hàng tháng lên, gấp từ 4-8 lần mức giá cũ…

Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu VNPT mau mắn gật đầu và hai bên lại vui vẻ bắt tay nhau hợp tác, các bên cùng có lợi và mang lại niềm vui chung cho xã hội và người tiêu dùng.

Nhưng éo le một nỗi, VNPT cứ cự nự, cò cưa cả năm nay không chịu trả tiền theo giá mới, vì cho rằng, giá tính mới của EVN là thiếu cơ sở khoa học, là gây “sốc” so với giá mà hai bên đã ký năm 2003… Chắc  có lẽ, VNPT dựa vào mức lạm phát chung của cả nước trong thời gian đó đến nay bất quá cũng chỉ trên dưới 60%; hơn nữa, khó tính nổi mức khấu hao của nhiều cây cột điện đã tã nát lắm rồi và cũng có khi không được xây bằng tiền túi của VNPT. Đã thế, lại đang  lúc “nước sôi lửa bỏng” do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và lộ trình mở cửa hội nhập nóng lên từng ngày, còn giá các dịch vụ -nguồn thu của VNPT – thì đang ngày càng giảm do cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

 Còn bên EVN thì bực mình ra mặt và cho rằng, VNPT không biết điều, đã “dùng sẵn” hệ thống cột điện của người khác, mà còn tiếc tiền, không chịu bỏ tý lợi nhuận khổng lồ thu vén được bấy lâu nay ở thị trường màu mỡ như Việt Nam để thanh toán tiền thuê cột điện. Hơn nữa, thời buổi kinh tế thị trường rồi, đầu tư xây cái cột điện mới chỉ cao dưới 8,5m thôi cũng đã tốn tới 4,5 triệu đồng, nếu tính lãi suất ngân hàng – bị thổi lên vù vù – và mức hao hụt điện năng cao như thế, thì  phí thuê cột mới đâu có là quá đáng…!  

Lời qua tiếng lại, khẩu chiến không ăn thua, dù đã được Bộ Tài chính làm trọng tài, lại vốn quen hành xử độc quyền với các doanh nghiệp và với người dân – các hộ tiêu thụ điện thông thường “thấp cổ bé họng” khác – và muốn đòi sao được vậy, nên EVN “đơn phương hành động”, bật đèn xanh cho các EVN con, các địa phương tự ý dỡ bỏ cáp kỹ thuật của VNPT! 

Sắp tới, Bộ Công thương sẽ phải vào cuộc. Mà nghĩ cũng thấy khó xử cho bất cứ các quan chức nào phải  nhập vai chánh chủ khảo ngồi nghe giải trình của EVN và VNPT và phân xử “cho ra ngô ra khoai” trong bối cảnh hiện nay. Người ta sẽ thấy trước cảnh “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, ai cũng kêu khổ và đưa ra đủ loại nhiệm vụ chính trị xen lẫn kinh doanh đang đè nặng lên vai gầy ngành mình và các khó khăn của thời kinh tế thị trường, hội nhập và khủng hoảng đang làm cháy túi tiền công quỹ vốn mỏng và dễ bay hơi của đơn vị mình (ở đây chưa bàn chuyện tiền túi của ai đầy hay vơi đâu). Hơn nữa, sẽ càng khó xử hơn, vì giá mà đã phân định thật rõ đâu là tài sản, chi phí và tiền của xã hội, của Nhà nước, đâu là của ngành, của đơn vị và cả của doanh nghiệp (còn của cá nhân thì dễ rồi), và giá mà tất cả hoạt động cung cấp dịch vụ của các bên đều thực sự được vận hành theo đúng cơ chế thị trường đầy đủ, có sự kiểm soát vĩ mô của Nhà nước pháp quyền! Thậm chí, ngay cả các con số thống kê và tài liệu mà các bên mang đến giải trình cũng chả biết đằng nào mà lần, vì ai sẽ kiểm toán và bảo đảm độ tin cậy?.

Chắc hợp lý nhất sẽ là phán quyết khuyên hai bên bình tĩnh gặp gỡ và hiểu biết nhau thêm, hoà giải tiếp và thương lượng “một cách thiện chí hơn” nhằm tìm giá tối ưu trên cơ sở đôi bên cùng chấp nhận được (rồi được ký kết thành hợp đồng mới có đủ các lộ trình, điều kiện và nguyên tắc điều chỉnh giá cho tương lai); nên bám sát yêu cầu “đối thoại, không đối đầu”, cần nhìn thẳng vào thực tế chuyển đổi kinh tế thị trường (nhưng vẫn còn “quán tính” độc quyền) để hai bên cùng mềm dẻo “có lùi có tiến” và có thể tham khảo nguyên tắc “cưa đôi 50:50” theo luật chơi bất thành văn phổ biến bấy lâu nay!

Đặc biệt, cần nghiêm cấm chơi kiểu “biện pháp mạnh” như Nga từng  đơn  phương đóng van cung cấp dầu khí cho Ucraina khi hai bên không tìm được tiếng nói chung về giá cung cấp mới Cần tránh tiền lệ xấu, bởi nếu “chiến tranh năng lượng và thông tin” mà bùng phát ngoài sự kiểm soát thì thiệt hại không chỉ cho hai bên, mà còn cho Nhà nước, toàn thể xã hội và cả thể diện quốc gia nữa. Dù kinh tế thị trường, nhưng không có nghĩa là chỉ nhấn mạnh cạnh tranh và coi nhẹ hợp tác để cùng phát triển.  “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, các cụ từ xưa đã dạy thế./.   

TS. Nguyễn Minh Phong (Nguồn sưu tầm)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
———————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ LIÊN QUAN:
1. Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ;

2. Tư vấn đăng ký mã số, mã vạch;

3. Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả;

4. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ;

5. Tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

6. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại EU;