Thông thường tài sản vay phổ biến là tiền và trên thực tế hai bên thường thỏa thuận lập giấy tay, hợp đồng vay không bắt buộc phải được lập thành văn bản, công chứng hay chứng thực. Tòa án cũng chỉ căn cứ vào biên nhận nợ và sự thỏa thuận về nội dung vay giữa các bên để làm cơ sở cho việc xét xử và tuyên án trong các vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tiền.

Vấn đề là khi người vay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ vay và bỏ nơi cư trú mà người cho vay không tìm ra thì có thể mất quyền khởi kiện tại tòa án và có nguy cơ mất trắng số tiền cho vay.

Nếu trong đơn khởi kiện, người đi kiện có ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người đi kiện, cho tòa án nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ thì được coi là trường hợp người bị kiện cố tình giấu địa chỉ.

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số:   1900.0191

Trong trường hợp này tòa án vẫn tiến hành thụ lý đơn kiện và giải quyết vụ án theo thủ tục chung (điều 55 Bộ luật dân sự, điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự, nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP).

Điển hình là trường hợp bà P.T.K. (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho vợ chồng ông T. vay 38 triệu đồng, có biên nhận nợ viết tay. Vợ chồng ông T. đưa cho bà K. giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 150m2 như một tài sản thế chấp. Do thiếu nợ quá nhiều nên vợ chồng ông T. đã bỏ nơi cư trú đi nơi khác.

Lúc này, bà K. vội làm đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông T. thanh toán số tiền vay của mình nhưng Tòa án nhân dân huyện Lai Vung đã trả đơn khởi kiện lại cho bà. Chỉ khi nào bà tìm ra được vợ chồng ông T. cư trú nơi nào thì tòa mới thụ lý vụ kiện. Mặc dù có trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông T. nhưng bà K. không thể làm gì được để lấy lại tiền cho mình.

Một trường hợp khác: chị N.K.H. là chủ một đại lý bán bia và nước ngọt. Chị H. bán gối đầu nước ngọt cho bà M. (để bán quán nước). Được hai năm, số tiền mà bà M. thiếu chị H. lên trên 10 triệu đồng nhưng bà không trả và bỏ đến nơi khác sinh sống. Chị H. khởi kiện nhưng cũng bị tòa án trả lại đơn do không tìm ra nơi cư trú của bà M..

Đây là hai trong rất nhiều trường hợp mà tòa án nhân dân phải trả đơn khởi kiện. Quy định này gây khó người cho vay nếu người vay nợ cố tình lẩn tránh. Người cho vay không thể lúc nào cũng “theo dõi” người vay để khi có “động tĩnh” gì thì phải nộp đơn ngay.

Một bất hợp lý khác là dù đang giữ giấy tờ tài sản của người nợ tiền mình nhưng người cho vay – như trường hợp bà K. – vẫn không được sử dụng hay chuyển nhượng hoặc dùng để thanh toán nợ. Vì theo khoản 1 điều 251 Bộ luật dân sự năm 2005, quyền sở hữu đối với một tài sản chỉ chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

—————————–

LS.  ĐẶNG NGỌC CHÂU

Hành trình đòi nợ thật sự gian nan

Đối với những kẻ cố tình trốn nợ thì hành trình của người đi đòi nợ thật sự là con đường gian nan, trở ngại. Theo quy định của pháp luật, khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn có nghĩa vụ phải cung cấp tên và địa chỉ của người bị kiện (nơi đang sống, nơi đang thường xuyên sinh sống hay làm việc).

Điều này rất quan trọng vì liên quan đến thẩm quyền thụ lý vụ án theo lãnh thổ. Nếu người đi kiện không cung cấp được địa chỉ cụ thể của người bị kiện (người vay nợ) hoặc không biết họ hiện đang ở nơi nào để ghi trong đơn khởi kiện thì tòa án sẽ trả lại đơn kiện, từ chối thụ lý. Người đi kiện có thể thực hiện thủ tục thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, nhưng việc này rất phức tạp và thường cũng không hiệu quả.

Có nhiều trường hợp người vay nợ không bỏ trốn nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để trốn nợ, ví dụ: không nhận giấy triệu tập của tòa, nếu lỡ nhận thì sẽ không đến tòa; nếu đến tòa sẽ không nhận nợ; nếu phải nhận nợ thì xin hoãn xử; nếu phải xử thì kháng cáo lên tòa trên; nếu tòa trên xử phúc thẩm xong thì có khi… người vay nợ chẳng còn tài sản gì để thi hành án! Có nhiều chủ nợ theo đuổi vụ kiện cả mấy năm, mất khá nhiều thời gian, tiền bạc nhưng rốt cuộc chẳng thu lại được đồng nào. Đúng là tình cảnh “đem tiền sống đi đòi tiền chết “!

Thật ra khi người vay nợ tìm cách vay, mượn tiền hoặc tài sản của người khác rồi sau đó dùng thủ đoạn gian dối bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt, thì chủ nợ có thể tố cáo người vay nợ trước các cơ quan điều tra về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 140 Bộ luật hình sự).

Tội này có khung hình phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm (tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng…); từ 2-7 năm (tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng…); 20 năm hoặc chung thân (khi tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…). Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, những vụ vay mượn nhau một vài triệu đồng rồi tránh mặt không trả thì nhiều lắm, cơ quan điều tra chắc cũng không đủ lực lượng để khởi tố bị can!

Vì vậy vẫn biết có vay thì có trả, không trả trước thì phải trả sau, nhưng trong tình hình thực thi pháp luật còn nhiều bất cập như hiện nay, những người cho vay, cho mượn (nhất là các ngân hàng, các công ty bán hàng qua đại lý…) khi quyết định ký hợp đồng hoặc đưa tiền cho ai vay mượn thì trước nhất nên nghĩ đến câu tục ngữ ông bà ta ngày xưa đã nhắc nhở: “chọn mặt gửi vàng“, ““trông giỏ bỏ thóc”!

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ – NGUYỄN THANH XUÂN – Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Trích dẫn từ: http://thuvienphapluat.com

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)