Thực trạng

Một trong những trở ngại lớn trong việc giải quyết các vụ án hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân, cơ quan, tổ chức  rất hạn chế. Điều này  thể hiện ở các hành vi cản trở các hoạt động tố tụng của Tòa án. Hành vi cản trở không chỉ do những người tham gia tố tụng (chủ yếu là các đương sự) thực hiện nhằm đạt được lợi thế cho mình trong việc giải quyết vụ án, mà ngay cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng tham gia, gây khó khăn cho Tòa án. Biểu hiện phổ biến và rõ nét nhất là các hành vi: người tham gia tố tụng cố tình không nhận, không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án, tự ý bỏ về giữa chừng làm cho việc giải quyết phải hoãn nhiều lần. Hành vi từ chối khai báo hoặc khai báo không đúng sự thật; mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép để ngăn cản người làm chứng hoặc để họ khai báo gian dối; không chịu ký vào các biên bản làm việc của Tòa án. Các cá nhân, tổ chức cố ý tẩu tán, hủy hoại hoặc không cung cấp các tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ, việc dân sự mà Tòa án yêu cầu cung cấp hoặc có quyết định thu thập chứng cứ. Các cơ quan chuyên môn không cử cán bộ tham gia Hội đồng định giá tài sản theo yêu cầu của Tòa án; đương sự cản trở hoạt động định giá tài sản, hoạt động xem xét tại chỗ. Hành vi cố ý không thực hiện, thực hiện không đúng việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng theo yêu cầu của Tòa án. Hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên hòa giải, xúc phạm lẫn nhau giữa các đương sự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ Tòa án; đương sự, người nhà của đương sự cố tình xuyên tạc, tố cáo cán bộ Tòa án sai sự thật… Nói tóm lại, mỗi hoạt động tố tụng đều có thể xảy ra các hành vi cản trở tương ứng. Tất các các  hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dù ở mức độ nào đều có ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án.

Khó xử lý các hành vi cản trở tố tụng

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Nguyên nhân

Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án đang xảy ra rất phổ biến nhưng không bị xử lý do vướng mắc về mặt pháp lý, cụ thể là thiếu căn cứ pháp luật để xử lý đối với loại hành vi vi phạm này.

Đối với pháp luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003 chỉ quy định: “Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tuỳ từng trường hợp, có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền…”. Tuy nhiên, mức phạt bao nhiêu, trình tự, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ. Tại Điều 17, Nghị định 50/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng chỉ quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra, cản trở hoạt động thi hành bản án; việc xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn xét xử chưa được quy định.

Đối với pháp luật tố tụng dân sự, trước đây các pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, lao động, kinh tế có quy định: bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị Tòa án phạt tiền từ hai mươi nghìn đến một trăm nghìn; Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng quy định: người vi phạm trật tự phiên tòa, tùy từng trường hợp, có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền…  nhưng lại không quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục xử phạt như thế nào. Do những quy định nửa vời như vậy, nên Tòa án khó xử phạt đối với những người có hành vi vi phạm như đã nêu trên.

Theo Điều 2 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì “Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước…” Tuy nhiên, Nghị định số 150/2005NĐ-CP, Nghị định 76/2006/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đều chưa điều chỉnh nhóm hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng của Tòa án.

Bộ luật Tố tụng dân sự đã dành một chương (chương XXXII) để quy định về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm được liệt kê trong chương này cũng chỉ là số ít trong số rất nhiều loại hành vi cản trở hoạt động tố tụng cần phải được xử lý, và chương này cũng chỉ dừng lại ở quy định chung: “thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”.

Thiết nghĩ, xử lý vi phạm hành chính là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu và kịp thời nhất trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cần được ban hành đầy đủ, đồng bộ và thực thi nghiêm chỉnh để việc quản lý nhà nước hiệu lực và hiệu quả.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – PHẠM THÁI QUÍ

Trích dẫn từ:http://www.nguoidaibieu.com.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)