Tính chất của đồng vốn
Đồng vốn là tiền mặt, chi phiếu, thương phiếu, và những thứ khác nằm trong chứng khoán. Dù có nhiều tên gọi nhưng chúng chỉ là đồng tiền nằm dưới những dạng khác nhau; giống như nước ở thể đặc, lỏng và khí. Đồng tiền cũng vậy, tiền mặt tiêu được ngay, chi phiếu phải đem đổi, chứng khoán chờ cho bán được. Từ tính khả dụng của đồng tiền người ta chia ra thời gian sử dụng khác nhau và do đó có những loại thị trường khác nhau.
Nếu hơi nước lan tỏa rộng nhất thì đồng tiền “ở thể khí” – là chứng khoán – cũng giống vậy. Từ các loại cổ phiếu ta có công cụ phái sinh (derivatives) với các quyền chọn lựa (option) và các loại chứng quyền (warrant). Chúng được đem ra mua bán trên những thị trường khác nhau (arbitrage) dựa trên những hy vọng khác nhau về tương lai; từ đó có cách hắt rủi ro (hedging) để cho trong quỹ đầu tư (portfolio) của một người cái được bù cái mất, giúp họ tiếp tục tung vốn vào đầu tư, tức là giao tiền cho những doanh nhân biết cách làm tiền sinh sôi nảy nở. Dẫu phát triển cao, thị trường chứng khoán vẫn dựa vào thị trường thấp hơn là tiền tệ và tiền mặt. Và cả ba tác động lẫn nhau để cùng tăng, cùng giảm. Dòng chảy của đồng vốn là một tổng hòa của quá trình kia và phải làm sao để đồng tiền “biến thể” một cách nhanh chóng (hữu hiệu) và ít tốn kém (hiệu quả). Sự biến thể đó dĩ nhiên tùy thuộc vào người nắm vốn, nhưng quyết định của họ lại dựa vào tính hữu hiệu và hiệu quả của thị trường, khơi dòng chảy cho đồng vồn thì không thể chỉ giải quyết từng dạng của đồng tiền, hay tăng cái nọ giảm cái kia, mà phải tạo nên một môi trường hiệu quả và hữu hiệu để đồng tiền biến thể. Nếu nước biến thể sang các dạng khác nhau là do nhiệt độ, vậy đồng tiền biến thể do điều kiện nào?
>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa
Khơi dòng cho đồng vốn
Khi nói về Lombard Street ở London, nơi đã cung cấp vốn cho các doanh nghiệp ở Anh khiến tạo nên cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ nhất, và truyền thống ở đó sau này lan sang Wall Street; thì vào năm 1873 Bagehot, một nhà báo Anh, đã viết đại ý rằng “trừ những lúc khó khăn của thời cuộc tiền bạc ở đó luôn luôn được cung ứng dựa nên một sự an toàn vững chãi, và trên một sự an toàn vững chãi và trên một triển vọng vừa phải là thu về được những khoản lời lãi có thể có”. Nhận định này, mà ngày nay vẫn đúng, cho ta thấy điều kiện cốt lõi, hay là “nhiệt độ” làm biến thể đồng vốn, là làm cho người có tiền tin rằng khi bỏ ra thì lấy về lại được; hoặc thấy rằng có thể thu về được một khoản lời lãi. Từ nhận định này xin liên hệ với thực tế.
Với điều kiện khi cho vay thì thu nợ về được, chúng ta có luật lệ về cho vay tài sản, trong Bộ luật Dân sự và trong các nghị định do Ngân hàng Nhà nước ban hành, để bảo đảm thu nợ có các quy định về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và chóng được củng cố bằng các quy định về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá… Chúng ta có đủ luật lệ cho sự an toàn vững chãi của đồng vốn, nhưng sự an toàn kia trên thực tế còn mong manh. Những nguyên do gần đã từng được các giới thông thạo nêu ra là không có sự thống nhất giữa các cơ quan hữu trách và các quy định, kể cả luật tố tụng, khó thực hiện. Những nguyên do ấy tồn tại theo thiển ý, vì có ba nguyên do sau:
Thứ nhất, do điều kiện phát triển kinh tế ở ta việc trả nợ ít được coi trọng. Việc vay nợ và trả nợ của các công ty quốc doanh xưa nay không giúp thiết lập được một tập quán trả nợ trong kinh doanh. Tập quán hiểu như là một tập tục mà người ta cảm thấy bị bó buộc. Ngày nay không ít người nghe đến chuyện xù nợ mà vẫn cười xòa.
Cười được như vậy là do một nguyên nhân tâm lý. Chúng ta nghèo nên hay bênh vực người nghèo. Đó là một sự bất công nhưng ta ít áy náy vì cảm thấy bênh người nghèo là tốt. Sự an tâm đó được củng cố thêm bởi tâm lý xã hội mà ở đó người có tiền không được thiện cảm. Nó hiện diện ngay trong đời sống công cộng, như hễ xe hơi đụng xe máy là xe hơi có lỗi; người lao động ăn cắp của công ty không thể bị đuổi – dù nội quy có quy định – khi vật lấy đi có giá trị nhỏ. Do vậy, quyết định của cơ quan công quyền ít dựa trên sự phải trái mà dựa nhiều hơn trên sự giàu nghèo, hay theo câu hỏi ta phải bảo vệ ai. Nó làm xáo trộn đạo lý khiến người có tiền ngại bỏ tiền ra. Đấy là nguyên do thứ hai mà hậu quả là làm khô nguồn vốn.
Thứ ba là luật lệ về đất đai. Điều này chắc không cần phải dài dòng. Cái đáng nói là sự an toàn vững chãi của đồng tiền cần một tình trạng rõ ràng của đất đai; vì có rõ thì đất mới dịch chuyển được để trở nên cái phao nâng đỡ đồng vốn. Nhưng rất tiếc hiện nay đất đai cụ thể như thế mà còn đang được tranh luận về mặt triết học rằng có là tài sản hay không. Đất phải dịch chuyển mà lại đứng thì làm sao đồng vốn chảy?
Sang đến yêu cầu về một triển vọng thu lãi thì đây là đòi hỏi của những người góp vốn. Họ sẵn sàng chịu rủi ro nhưng muốn biết triển vọng thu lợi. Điều này đòi hỏi sổ sách của các doanh nghiệp phải phân minh và xác thực. Các yêu cầu này khó thực hiện ở ta hiện nay và trong một chừng mực nào đó là do chính sách thuế. Thuế cao, lại muốn tận thu nên hay nghĩ là có gian lận thuế và do đó đánh gắt. Những thứ này không thúc đẩy sự phân minh. Chính sách thuế khó đổi vì thuế tạo nên ngân sách, mà ngân sách thì phải bù lỗ, cho vay không lãi, khoanh nợ… Có cả một cái hố lớn như vậy thì đồng vốn chảy vào là bị ngấm ngay!
Muốn khơi dòng chảy cho đồng vốn nên chăng ta xem xét những lý do trên?
Luật sư: Nguyễn Ngọc Bích Nguồn: TBKTSG
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)