Ông từng xuất bản 5 đầu sách nghiên cứu vĩ mô về kinh tế, chính trị xã hội Việt Nam từ sau thời kỳ này, đồng thời là doanh nhân viết nhiều bài báo dám nói thẳng, nói mạnh vào những vấn đề khá gai góc của đất nước. Nguyễn Trần Bạt cho biết: “Tôi chưa phê phán ai trên đất nước chúng ta để phải cảm thấy đau xót vì đã quá lời. Phải công bằng và nhân văn trong mối quan hệ giữa mình và đối tượng mà mình nghiên cứu”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp gọi số:1900.0191

Kinh doanh dịch vụ rất khó đong đếm mức độ thành công thất bại, làm thế nào để nói InvestConsult Group thành công trong lĩnh vực tư vấn đầu tư vào Việt Nam?

Đây là câu hỏi rất thú vị. Chúng ta hay nói Việt Nam là điểm đến của khách du lịch nhưng nói chính xác thì là điểm đến một lần của khách du lịch, tức là họ không quay lại. Tôi dùng ví dụ ấy để trả lời cho câu hỏi này. Thành quả của hoạt động tư vấn đo bằng hiện tượng người ta có quay lại với mình hay không. Nếu 1 khách hàng 10 năm liền không thay đổi nhà tư vấn tức là dịch vụ tư vấn đó có uy tín. Sau khi khách hàng được tư vấn lần thứ nhất lại phát sinh ra các vấn đề khác và nếu họ quay lại, tức là họ muốn được giải quyết tiếp vấn đề thứ 2, thứ 3.

Như vậy, dịch vụ của chúng tôi bám vào tiến trình tự nhiên của sự phát triển các ngành công nghiệp. Nếu anh cung cấp dịch vụ tư vấn vu vơ thì sau khi giải quyết xong việc, khách hàng không quay lại nữa. Nhưng nếu dịch vụ tốt, tức là anh đã đặt lời giải của bài toán thứ nhất trong điều kiện của bài toán tổng thể. Theo tôi, kinh doanh chuyên nghiệp không phải là phi vụ mà là quá trình. Nhà tư vấn chuyên nghiệp biết bám vào quá trình phát triển kinh doanh chứ không phải một sự việc hay khía cạnh của nó.

Khách hàng nào đã quay lại InvestConsult Group lần thứ 2, thứ 3?

Chẳng hạn, chúng tôi đang làm việc với công ty viễn thông SBT tại TP.HCM, một khách hàng lâu năm. Chúng tôi được thuê tham gia vào nhiều quá trình như đàm phán với đối tác nước ngoài hay giải quyết mâu thuẫn quan điểm giữa các thành viên trong Hội đồng Quản trị. Vai trò của chúng tôi giống như một chuyên gia, đảm bảo tính đúng đắn về pháp lý cho tất cả hành vi xảy ra trong quá trình kinh doanh. Và chúng tôi cũng giống như một nhân chứng nhằm đảm bảo tính trong sạch và hợp pháp trong hoạt động nội bộ của một công ty đại chúng.

Nhà tư vấn là người thường nói “Tôi khuyên như vậy còn anh làm hay không là việc của anh”?

Không phải. Nhà tư vấn thường nói: “Anh dùng tôi hay không là việc của anh, nhưng khi đã dùng rồi thì tôi phải là người chủ động tạo ra thành công của anh. Dùng tôi là quyền của anh, còn chấp nhận phục vụ anh là quyền của tôi”. Vì thế, chúng tôi chỉ phục vụ những người hiểu được giá trị của người tư vấn.

Ông nhận định như thế nào về quan điểm cho rằng, người làm tư vấn chỉ nói theo phân tích của Cá nhân chứ không sờ nắn được thành công, thất bại của nhà đầu tư?

Không. Bạn xem một số phim về kinh tế sẽ thấy nhà tư vấn có mặt ở mọi tình huống, mọi thời điểm trong quá trình kinh doanh. Mở đầu là xin nhà nước một số chức năng, xin giấy phép. Nhiều nhà nước khác có thể không cần giai đoạn ấy. Người tư vấn tham gia vào quá trình đàm phán, xây dựng hợp đồng, điều lệ, hệ thống phân phối, quá trình bảo hộ các sở hữu trí tuệ cho khách hàng từ thương hiệu, nhãn hàng hóa cho đến các sáng chế sử dụng để tạo ra sản phẩm và dịch vụ. Họ đảm bảo cho nhà kinh doanh hoàn tất các hành vi kinh doanh phù hợp với đòi hỏi của pháp luật, diễn biến xã hội và với chính sách của chính phủ các nước.

Năm 1987, ông thành lập công ty. Thời điểm đó, Việt Nam mới manh nha hay nói đúng hơn mới có khái niệm về kinh tế tư nhân. Vậy tài liệu đâu để ông nghiên cứu kinh tế tư nhân như từng chia sẻ với báo giới?

Đấy là nhìn bên ngoài thôi, tiềm ẩn trong xã hội chúng ta có rất nhiều tài liệu như giáo trình về kinh tế học của cố giáo sư Mỹ Paul Samuelson đã được Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao dịch ra từ trước năm 1987 hay những giáo trình nhỏ, bài giảng ngắn dạy trong các trường đại học từ lâu lắm rồi. Xã hội bao giờ cũng tiềm ẩn những yếu tố, tuy không phải là dòng chính thống nhưng chúng vẫn tồn tại. Hơn nữa, tôi đã sử dụng tiếng Anh từ nhiều năm trước và đã đọc khá nhiều sách kinh tế do người Nga dịch ra từ các giáo trình kinh tế học của phương Tây.

Ông tự nhận là nhà kinh doanh dịch vụ quốc tế, vậy nó khác với trong nước như thế nào?

Khác ở chỗ, khi tôi được mời hay chỉ định làm đại diện quyền lợi cho một công ty nào đó ở nước ngoài, tôi phải ký một hợp đồng thể hiện sự ràng buộc của tôi đối với họ. Tôi phải tôn trọng quyền lợi của họ, không được cung cấp dịch vụ cho các công ty đang có tranh chấp với họ. Tôi phải cam kết tôi là người không dùng ma túy, không có các quan hệ bất chính, không vướng vấn đề hình sự hay bệnh tật tinh thần nào đó, xem việc bảo vệ bí mật kinh doanh như là tiêu chuẩn số một để ký hợp đồng. Đấy gọi là hợp đồng trách nhiệm, sau đó mới đến các hợp đồng cụ thể.

Chẳng hạn, là người tư vấn khi Coca-Cola vào Việt Nam, trong một thời gian rất dài, tôi phải ký hợp đồng không có bất kỳ quan hệ gì gây hiểu nhầm đối với các đối tác cạnh tranh của Coca-Cola. Ví dụ, ăn cơm với Luật sư của LVN Group của Pepsi là phải từ chối. Đấy là mới nói tới Luật sư của LVN Group chứ chưa nói tới người của Pepsi. Tôi cũng từng ký một hợp đồng tương tự với ngân hàng Mỹ CitiBank. Họ có những quy định cực kỳ chặt chẽ.

Đối với các nhà tư vấn, tiền công tính bằng giờ, có khi phóng viên phải trả tiền để họ trả lời. Tại sao ông lại đồng ý trả lời báo chí?

Ngoài việc là nhà kinh doanh tôi còn là nhà khoa học. Tôi đang trả lời với tư cách là học giả Nguyễn Trần Bạt chứ không phải là Tổng Giám đốc của công ty này. Tôi kể bạn nghe một kỷ niệm. Năm 1989, có một nữ nhà báo Mỹ đến Việt Nam để thực hiện quyển sách giới thiệu về Việt Nam, lấy tên là Miền Đất Của Chín Con Rồng (The Land Of The Nine Dragons). Lúc bấy giờ, Chính phủ Mỹ đang cấm vận Việt Nam, có quy định tất cả các công dân Mỹ không được tiêu quá 100 USD/ngày tại đây. Nữ nhà báo đó đến một công ty du lịch Việt Nam đưa ra đề nghị tổ chức cho cô ấy một chuyến đi nghiên cứu về Việt Nam.

Tôi nhớ công ty du lịch đó đã đưa ra giá 6.000 USD. Cô nhà báo không chấp nhận do quá quy định của Chính phủ Mỹ. Có người giới thiệu cô đến gặp tôi. Sau khoảng 2 tháng hướng dẫn cô đi đâu gặp ai để làm việc, tôi chỉ viết biên lai nhận 500 USD tiền thù lao. Tuy nhiên, sau đó, trên tất cả các phương tiện truyền thông mà cô ấy có ảnh hưởng, người ta đều nhắc đến tôi. Và ở chương đầu của cuốn sách ảnh của cô ấy, những gì tôi nói đều được trích dẫn.

Bạn thử nghĩ xem, nếu quảng cáo để được xuất hiện cùng một lúc trên những tờ báo lớn như vậy trên thế giới, nhất là trên cuốn sách xuất bản đầu tiên về Việt Nam thì tôi phải mất bao nhiêu tiền? Có lẽ phải mất nửa triệu USD để trả cho CNN như ngành du lịch Việt Nam đã làm.

Có trường hợp nào ông mất thời gian dài để tư vấn, thuyết phục đối tác nước ngoài nhưng cuối cùng họ không vào Việt Nam?

Nhiều lắm. Có những tập đoàn, công ty có vấn đề và họ biến mất, ví dụ như Enron chẳng hạn. Hợp đồng cuối cùng họ dự định ký với tôi trị giá cả triệu USD nhưng tôi từ chối vì biết chắc là họ sẽ thất bại. Họ đã thất bại ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Vì sao ông đoán biết trước được thất bại đó?

Enron có vấn đề ở Mỹ, điều đó tôi biết trước khi nó sụp đổ khoảng 4-5 năm. Mối liên lạc của tôi đối với giới tư vấn và Luật sư của LVN Group ở New York rất chặt chẽ. Tất nhiên không phải ai cũng nói với tôi và nói hết mọi điều, nhưng mỗi người nói một tí và tôi biết ghép hình từ những mẩu khác nhau để tạo ra bức tranh, từ đó tôi có thông tin.

Bên cạnh đó, tôi quan sát cả không khí chính trị. Ví dụ Enron đề nghị tôi làm nhà máy khí điện đạm Cà Mau, trước đó khách hàng American Food của tôi cực kỳ khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường đồng bằng sông Cửu Long. Tôi nghĩ Enron cũng không vào được ở thời điểm ấy cách đây 10 năm. Anh Đặng Vũ Chư, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, có đưa vấn đề này ra Quốc hội và Quốc hội ủng hộ. Giám đốc Enron tại Việt Nam kể với tôi chuyện ấy, tôi bảo ngay cả có sự ủng hộ ấy cũng không đủ để dự án có thể xuất hiện ở Cà Mau. Những linh cảm như vậy, những phân tích như vậy chỉ có ai phân tích thì biết chứ không thể nói hết được bởi nó có hàng ngàn chi tiết tham gia vào quá trình hình thành các giải pháp.

Theo ông điều gì tạo nên sự thành công của một nhà kinh doanh?

Có lẽ tầm nhìn là số một. Không có tầm nhìn không thể kinh doanh được. Nếu không có tầm nhìn thì kinh doanh là một quá trình tranh cướp nên sẽ không bền vững. Kinh doanh là cạnh tranh, là tranh được một tầm nhìn sớm hơn, dài hơn và minh bạch hơn chứ không phải tranh mua tranh bán. Thứ 2 là lòng dũng cảm. Dũng cảm là phẩm chất không thể thiếu của nhà kinh doanh cũng như nhà chính trị. Không dũng cảm thì không đầu tư và không đủ sức vượt qua rủi ro, dám làm những việc mà người khác không dám làm. Thứ 3 là thận trọng, một phẩm chất không thể thiếu của nhà kinh doanh. Có người may mắn thì không cần phẩm chất thận trọng, nhưng nhà kinh doanh thành công nào cũng cần phẩm chất ấy cả. Nhưng may mắn chỉ là một yếu tố và có thể là yếu tố cuối cùng.

Kinh tế Việt Nam năm 2011 được dự báo là không mấy dễ dàng. Theo ông thì sao?

Tôi không có thói quen tạo ra màu hồng chủ quan. Khó khăn, khốc liệt, nói nghe thì ghê nhưng chỉ đối với người nhát gan. Không có khó khăn thì lấy gì để đo lòng dũng cảm và tài năng của một người, từ nhà kinh doanh nhỏ cho đến đại gia, từ nhà quản lý cấp huyện cho đến lãnh đạo cấp cao. Khi mô tả các điều kiện khó khăn thì không có nghĩa là cho biết nó sẽ như thế mà phải cho biết rằng cần chuẩn bị đầy đủ các tiềm lực, năng lực, phẩm hạnh và thiện chí để đối phó và cải thiện tình thế.

Chúng ta có một thói quen là muốn cụ thể hóa, muốn bày ra một thực đơn đơn giản. Theo tôi, không nên đặt ra cho con người một thực đơn như vậy để hạn chế trách nhiệm, tức là tiếp tục nghĩ thêm một chút. Tôi luôn nói với đồng nghiệp của mình là hãy nghĩ thêm một chút, biết đâu sau cái “một chút” ấy là thành đạt.

Để chuẩn bị đối mặt với những khó khăn trong năm 2011, lời khuyên cho doanh nghiệp là gì?

Trong quyển sách Cải Cách Và Sự Phát Triển của mình, tôi đưa ra một khái niệm là độ thấm của các chính sách vĩ mô vào đời sống. Chúng ta đang ở trong điều kiện xã hội mà mọi chính sách vĩ mô đều thấm và thấm rất nhanh vào đời sống. Có nghĩa là các hành vi kinh doanh hằng ngày lệ thuộc vào điều kiện diễn ra của chính sách vĩ mô ngày càng nhanh và nhạy cảm. Cho nên, lời khuyên đầu tiên là phải theo dõi diễn biến của điều kiện vĩ mô từ trong cho đến ngoài nước. Còn nhiều điều có thể khuyên nhưng tôi không đầy đủ kinh nghiệm hơn các nhà kinh doanh để nói thêm về những điều khác.

Năm qua có những điều gì ông làm được và chưa làm được?

Tôi làm được 2 điều. Thứ nhất là công ty tôi vẫn yên ổn trong những ngày tháng khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Thứ 2 là tôi xuất bản được một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của mình là quyển Đối Thoại Với Tương Lai. Hai việc ấy chiếm tới 90% thời lượng lao động của tôi trong năm.

Nhân vật kinh doanh nào trên thế giới là thần tượng của ông?

Đối với tôi, họ là các đối tượng nghiên cứu, không phải là thần tượng. Khoa học không có thần tượng, chỉ có đối tượng.

– Hằng Nga –

(Thanh Phương –
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)