Nếu Quốc hội thông qua dự án luật tố tụng hành chính, cho phép tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính (HC) có thể khởi kiện ra toà ngay mà không cần phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện, với mục đích là “mở rộng quyền khởi kiện vụ án HC, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước” (bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội), thì chắc chắn quy định mới này không phải là lựa chọn tốt nhất. Nó vừa không thích hợp để đạt được mục đích, vừa gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực mà đặc biệt là sẽ cản trở sự hoạt động trôi chảy của bộ máy nhà nước (NN).

Dưới góc nhìn thuần tuý pháp lý, việc khởi kiện không cần qua khiếu nại hành chính vi phạm ít nhất là hai nguyên tắc căn bản

Ở đâu cũng vậy, chỉ khi có tranh chấp, mới cần toà án. Các quyết định, hành vi HC trước hết là ý chí chủ quan một chiều của cơ quan HC. Đối tượng của quyết định, hành vi HC (tổ chức, cá nhân) có quyền thể hiện ý chí, quan điểm của mình đối với hoạt động này của cơ quan HC. Nếu đồng ý, họ sẽ tuân thủ quyết định, hành vi HC. Khi không đồng tình, họ có quyền nêu ý kiến của mình – dưới hình thức khiếu nại – để cơ quan HC xem xét. Ở đây, cũng như trong bất cứ một quan hệ ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia nào, cơ quan HC có quyền và phải được tạo điều kiện sửa chữa sai lầm (nếu có) trong quyết định của mình, một quyết định vốn được hình thành khi chưa chú ý đến ý chí, quan điểm và hoàn cảnh cụ thể của đối tượng phải thực hiện quyết định. Ở giai đoạn này, chưa có tranh chấp, bất đồng ý kiến giữa hai bên, nên toà án không thể tham gia. Chỉ sau khi cơ quan HC bác bỏ khiếu nại, tức là đã xuất hiện tranh chấp giữa hai bên, mới có thể yêu cầu toà HC giải quyết.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Thêm vào đó, cơ quan công quyền trong NN pháp quyền phải tuân thủ nguyên tắc tự ràng buộc trách nhiệm và hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Nghĩa là họ phải có trách nhiệm chủ động kiểm tra, sửa chữa các quyết định, hành vi hoạt động nào của mình không phù hợp pháp luật. Cho phép kiện mà không qua khiếu nại là lấy mất của cơ quan HC cơ hội tự kiểm tra, sửa chữa sai sót đó.

Quy định chung phải khiếu nại trước khi khởi kiện HC như hiện nay là đúng đắn, hợp lý và phù hợp với kinh nghiệm qun lý NN pháp quyền ở các nước tiên tiến. Điều chúng ta còn thiếu là những quy định về ngoại lệ cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện HC ngay mà không cần phải qua khiếu nại. Đó có thể là những trường hợp như: a) việc thực hiện quyết định, hành vi HC sẽ gây tổn thất không thể bù đắp cho đối tượng, nếu sau đó xác định chúng là sai trái; b) quyết định, hành vi HC sẽ tác động đến một số lớn đối tượng, có ảnh hưởng đến xã hội; c) việc xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định, hành vi HC đó có một ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống pháp luật và d) cho phép toà HC tối cao quyết định thụ lý vụ án HC nào không cần phải qua khiếu nại hoặc trình tự từ cấp sơ thẩm.

Khởi kiện hành chính không qua khiếu nại trước sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực

Đối với cơ quan hành chính:

– Bị mất một điều kiện rất quan trọng để tự ràng buộc hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Do trách nhiệm tự kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp đối với những quyết định của cơ quan ra quyết định thực tế không còn là chuyện nội bộ, của cấp trên đối với cấp dưới mà được chuyển sang toà án, nên tinh thần chịu trách nhiệm của công chức sẽ giảm với hậu quả là ngày càng có nhiều quyết định, hành vi quản lý được ban hành một cách dễ dãi hơn.

– Việc mất quyền giải quyết khiếu nại đối với cấp ban hành quyết định, hành vi HC, cũng sẽ làm quyền kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới trong hệ thống cơ quan HC bị xói mòn nghiêm trọng với những hậu quả khó lường.

– Giải quyết vụ việc HC tại toà vốn đã làm cơ quan HC tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, thì nay sẽ trở thành gánh nặng tài chính nhân sự thực sự, một áp lực tinh thần lớn – lớn hơn rất nhiều do ngày càng có nhiều đơn kiện hành vi, quyết định HC dễ dãi.

Đối với toà hành chính:

– Thực tế, rất nhiều quyết định, hành vi HC đã được thay đổi phù hợp sau khi cơ quan HC xem xét đơn khiếu nại. Khi không còn được giải quyết khiếu nại, cơ quan HC trên thực tế đã phải trao quyền chủ động kiểm tra, thay đổi hoạt động quản lý của mình cho phù hợp với phản hồi từ thực tiễn sang toà HC, dù không có tranh chấp. Đây là sự can thiệp không hợp pháp của tư pháp vào hành pháp.

– Xét xử vụ việc HC vốn đã không dễ dàng. Nước ta chỉ mới làm quen với việc xét xử hoạt động của cơ quan công quyền, nên còn rất ít kinh nghiệm. Thêm vào đó, xét xử vụ việc HC mà chưa có toà hiến pháp thì còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều lần. Hệ thống toà HC của ta rất yếu, chắc chắn không thể giải quyết kịp thời hàng núi đơn khởi kiện. Quá tải, thậm chí tắc nghẽn hoạt động của toà HC là hiện thực rất gần.

– Với luật tố tụng HC mới, sự vận hành của bộ máy HC sẽ phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả xử lý đơn kiện HC. Sự quá tải, ách tắc – không thể tránh khỏi – tại toà HC sẽ là một trở ngại lớn cho hoạt động của cơ quan HC. Sẽ rất khó khăn để bảo đảm được sự hoạt động trôi chảy của bộ máy NN.

Đối với tổ chức, cá nhân:

Điều quan trọng là, việc khởi kiện HC có tạm thời vô hiệu hoá hiệu lực thi hành quyết định, hành vi HC hay không? Nếu có, thì hoạt động quản lý HC sẽ không thể thực hiện được trước khi có quyết định với hiệu lực thi hành của toà án. Và nó sẽ bị lạm dụng tối đa khiến NN trở thành bất lực. Nếu không, thì tổ chức, cá nhân (người dân) cũng sẽ chẳng được lợi gì vì còn phải chờ rất lâu hơn trước để có quyết định của toà, trong khi đã phải thực hiện quyết định, hành vi HC.

Với việc cho phép khởi kiện mà không cần khiếu nại HC trước, chúng ta lại khuyến khích ra toà để hiệu chỉnh, sửa đổi một quyết định, hành vi HC chưa có tranh chấp. Điều đó đi ngược lại nguyên tắc xây dựng và bảo đảm hoạt động trôi chảy, hiệu quả của bộ máy NN sao cho nó luôn có thể tự khắc phục sai sót, cải tiến hoạt động để càng ngày càng ít bị ra toà vì tranh chấp hơn.

Liên quan đến việc khởi kiện HC, để đáp ứng nhu cầu bức thiết, những bức xúc của người dân đối với việc giải quyết hết sức chậm trễ khiếu nại HC hiện nay, chúng ta nên:

– Giữ quy định chung về điều kiện khởi kiện HC là phải khiếu nại trước. Bổ sung ngay quy định cho những trường hợp ngoại lệ có thể khởi kiện mà không cần khiếu nại.

– Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm giải quyết nhanh, có chất lượng đơn khiếu nại HC. Nên quy định các quyết định, thông báo hành vi HC phải kèm theo hướng dẫn thủ tục làm đơn khiếu nại như nơi, thời hạn khiếu nại và hậu quả nếu không khiếu nại. Quy định rõ sau một thời hạn nhất định mà cơ quan HC không trả lời khiếu nại thì người dân có quyền khởi kiện ngay.

– Mở rộng quyền khởi kiện: quy định chung cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện mọi quyết định, hành vi HC của NN trừ một số ngoại lệ. Cho phép không chỉ tổ chức, cá nhân trực tiếp là đối tượng của quyết định, hành vi HC, mà cả bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi quyết định, hành vi HC, cũng có quyền khởi kiện.

Những vấn đề ta đang gặp phải trong hoạt động HC, quản lý NN trên con đường xây dựng một NN pháp quyền, cũng chính là những vấn đề mà các NN pháp quyền tiên tiến khác đã gặp và giải quyết thành công từ rất lâu rồi. Sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn không thể là làm ngược lại những nguyên tắc và kinh nghiệm có tính phổ quát. Cho phép khởi kiện mà không cần khiếu nại trước, là biến cái ngoại lệ thành cái phổ biến, đi ngược lại kinh nghiệm quốc tế.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ – GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Trích dẫn từ: http://sgtt.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)