Thách thức và vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tổ chức Lao động Thế giới (ILO) dự báo, khoảng 51 triệu lao động sẽ mất việc làm. Tại Mỹ, số người thất nghiệp tháng 3/2009 vượt qua 80 vạn; tính đến đầu tháng 5, nước này đã có 6,56 triệu người thất nghiệp. Ở châu Âu, những quốc gia sử dụng đồng euro, tháng 1/2009 có 25 vạn người mất việc. Theo Eurostat, cuối tháng 2/2009, EU có trên 13,3 triệu người thất nghiệp và dự báo thất nghiệp còn tiếp tục gia tăng nếu đà suy thoái kinh tế không dừng. Tình trạng sa thải lao động, ngay cả lao động trình độ cao cũng đứng trước nguy cơ mất việc gia tăng chưa từng có, đã đặt châu Âu ở tình trạng báo động nghiêm trọng nhất so với những lần khủng hoảng trước đây. Tại châu Á, Ấn Độ, nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu, quý IV năm 2008 đã mất đi trên 50 vạn việc làm. Với việc đóng cửa nhiều nhà máy, đến tháng 3 năm 2009, số người thất nghiệp tại Trung Quốc đã vượt qua con số 23 triệu.

Trong xu thế cắt giảm việc làm đang lớn cả về quy mô và địa bàn thì lĩnh vực chịu tác động lớn là xây dựng, sản xuất chế biến và dịch vụ là những ngành được coi là thế mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam. Thực tế ở nhiều nước nguy cơ mất việc khiến người lao động phải trở về nước trước thời hạn là điều khó tránh. Đầu năm 2009, Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Quata, Singapore, CH Sec… đã không chỉ ngừng tiếp nhận mà còn tìm mọi lý do để đưa lao động Việt Nam trở về trước hạn.

.Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7) gọi:  1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi:  1900.0191

Cùng với tác động bất lợi đến xuất khẩu lao động, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến cả thị trường trong nước. Cuối quý I/2009, Bộ LĐTBXH dự báo sẽ có từ 1,2 đến 1,5 triệu việc làm có thể bị ảnh hưởng; Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, khoảng 5 triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp ở các làng nghề sẽ không đủ việc làm. Công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển mạnh, nhưng cũng là ngành chịu nhiều tác động bất thuận. Ngay từ tháng 7 năm 2008, FPT, một tập đoàn CNTT hàng đầu quốc gia đã phải cắt giảm đến 10% nhân sự. Năm 2009 được dự báo sẽ có khoảng 10% đến 15% nhân viên CNTT khó có việc làm. Từ những khó khăn trong nền kinh tế, thu nhập thiếu ổn định, người dân ít nghĩ đến du lịch. Mặt khác, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng mạnh đến những ngành dịch vụ liên quan trực tiếp đến thu nhập du lịch nên khả năng cắt giảm lao động cũng sẽ rất cao.

Hậu quả cắt giảm nhân công tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ đã đẩy số lớn lao động trở về khu vực nông thôn, làm chậm lại quá trình chuyển dịch lao động đồng thời tạo thêm sức ép nặng nề cho khu vực vốn thiếu việc làm. Những tác động tiêu cực diễn ra cũng tạo khó khăn, thách thức lớn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010 ở những năm cuối cùng.

Thị trường lao động, vấn đề cần được quan tâm

Giới nghiên cứu cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, chứa đựng nhiều nghịch lý. Trong bối cảnh hội nhập, mới vào WTO, Việt Nam đang phải điều chỉnh thích nghi và hoàn thiện để cạnh tranh phát triển, lại phải đương đầu với những tác động tiêu cực nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu. Hậu quả của thu hẹp quy mô việc làm, ngành nghề xáo trộn đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế từ tầm nhìn hoạch định chính sách đến những giải pháp cụ thể trong tổ chức điều hành; đòi hỏi phải có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá nhằm tìm giải pháp tích cực hơn trong chuyển đổi, tái cấu trúc lao động; tổ chức đào tạo để đảm bảo việc làm, an sinh xã hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Khởi đầu chương trình quốc gia về việc làm; năm 2006, thị trường lao động Việt Nam đã chịu sức ép nặng nề bởi số người đến tuổi lao động tăng thêm đến 1,3 triệu, đòi hỏi phải tạo được ít nhất 1,8 triệu việc làm mới trong năm. Tại Quyết định 101/2007/QĐ-TTg ngày 6 tháng 7 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ xác định “đến năm 2010 phải bảo đảm việc làm cho 49,5 triệu lao động, tạo việc làm mới cho 8 triệu lao động trong 5 năm 2006-2010; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 5%”. Ngoài việc làm trong nước, theo những dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, chương trình đã nhấn mạnh đến tạo việc làm ngoài nước theo con đường xuất khẩu lao động cho từ 40 vạn đến 50 vạn người. (Thủ tướng Chính phủ 2007)

Với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, năm 2008 đã tạo thêm hơn 1,6 triệu việc làm trong nước và khoảng 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả thực hiện chủ trương của Chính phủ đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng triển kinh tế, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. Tuy nhiên, trước những biến động của kinh tế toàn cầu, nhiều vấn đề mới đặt ra cần được nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp ứng phó kịp thời phù hợp trong phát triển thị trường lao động tương lai.

Trong dự báo cung cầu lao động đến năm 2015, bằng những tính toán khoa học, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia (NCEIF) cho biết: Với số người trong độ tuổi lao động cả nước năm 2015 lên đến 59,9 triệu; từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, lực lượng lao động xã hội được dự báo sẽ từ 49,9 triệu năm 2010 tăng lên 55,9 triệu vào năm 2015 (NCEIF 2009).

Phân tích xu thế tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP và chuyển dịch lao động những năm 2001-2008, các nhà nghiên cứu đã rút ra, nếu cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH thì cơ cấu lao động những năm 2010, 2015 sẽ giảm từ 49,1% xuống 40,7% trong nông nghiệp; tỷ trọng lao động ngành công nghiệp-xây dựng sẽ từ 23,1% lên 29,4% và đối với dịch vụ sẽ từ 27,8% lên 29,9%.

Theo phương án kinh tế Việt Nam hồi phục và tăng trưởng khả quan, đạt bình quân từ 6,8% đến 7,4%/năm thì đến năm 2015, nhu cầu lao động sẽ tăng lên 52,2 triệu. Nhu cầu này sẽ là 53,5 triệu nếu tìm được giải pháp đột phá để tăng trưởng bình quân 8%/năm. Trong trường hợp tăng trưởng chỉ đạt từ 6,2% đến 6,6% hàng năm thì nhu cầu lao động sẽ là 51,6 triệu người.

Trong dài hạn, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế sẽ phát triển theo hướng giảm dần đối với sản xuất nông nghiệp, gia tăng trong công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, ở phương án tăng trưởng thấp nhất, tỷ trọng lao động nông nghiệp vẫn là 40,8% và tăng trưởng cao nhất tỷ lệ này cũng đến 39,4% (NCEIF 2009). Dự báo cung cầu lao động giai đoạn 2010-2015 cho thấy, đến năm 2015 cung lao động vẫn tăng trội hơn nhiều so với nhu cầu, sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực việc làm và khó giảm được tỷ lệ thất nghiệp theo chương trình mục tiêu Quốc gia (tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn còn dao động từ 5,9% đến 6,2%).

Chủ đề nổi cộm được đề cập là chất lượng nhân lực trên thị trường lao động. Cạnh tranh toàn cầu dựa trên sáng tạo công nghệ đã làm thay đổi luật chơi; các nước đang phát triển không thể cạnh tranh nổi với những công ty khổng lồ của các nước phát triển bằng giá rẻ. Điều hấp dẫn trong sản xuất kinh doanh toàn cầu ngày nay không còn là mức lương thấp mà là năng suất lao động tăng cao. Vấn đề đặt ra là vì sao lương công nhân ở Trung Quốc thấp, nhưng nhiều sản phẩm lại được làm ở Mỹ? Lý giải điều này Jonathan Pincus cho rằng, do năng suất lao động của Mỹ cao gấp 28 lần Trung Quốc, để sản phẩm làm ra cạnh tranh được với sản phẩm của Mỹ, giá nhân công Trung Quốc phái hạ thấp xuống 28 lần, điều này rất khó xảy ra (VnEconomy 2008).

Hệ thống đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật nước ta hiện có 300 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo được từ 85 nghìn đến 90 nghìn lao động; năng lực đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu chính sách đối với lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người tàn tật và những đối tượng khác hàng năm khoảng từ 110 đến 120 nghìn người. Cùng với hệ đào tạo lao động kỹ thuật, cả nước hiện có 345 trường đại học cao đẳng, 273 trường trung học chuyên nghiệp. Hệ thống đào tạo này cung cấp cho nền kinh tế một cơ cấu lao động với 1 đại học, 0,8 trung học và 3,7 công nhân. Phân tích cơ cấu lao động kỹ thuật hợp lý, giới nghiên cứu cho rằng, nên tổ chức đào tạo theo cơ cấu 1 đại học, 4 trung học chuyên nghiệp và 10 công nhân để đến năm 2015 sẽ là 1 đại học, 4 trung học và 20 công nhân. Những tính toán của chuyên gia NCEIF cho thấy, nếu tiếp tục đào tạo theo hệ thống hiện hành, đến năm 2015 đất nước ta sẽ thiếu từ 3,8 triệu đến 5,12 triệu công nhân kỹ thuật, thiếu từ 3,14 triệu đến 3,4 triệu trung học chuyên nghiệp và thừa từ 3,6 triệu đến 3,68 triệu đại học, cao đẳng (NCEIF 2009).

Vấn đề lao động trong dài hạn đang là vấn đề nhức nhối, cần được xem xét xử lý một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng từ tầm nhìn chiến lược, phân kỳ thực hiện đến những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục cao nhất những mất cân đối cung cầu, đặc biệt là về đội ngũ chuyên môn kỹ thuật. Để đạt được mục đích này, trước hết cần đổi mới mạnh cả về quy mô, cơ cấu hệ thống đào tạo theo đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo lao động lành nghề gắn với những chương trình phát triển bền vững.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có những ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng tạo cơ hội buộc nền kinh tế và thị trường lao động nước ta phải có cách nhìn toàn diện trong bối cảnh toàn cầu, để tái cấu trúc cơ cấu lao động và đổi mới hệ thống đào tạo. Nếu đón nhận được thời cơ kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, tạo được đột phá phù hợp với thực trạng nhân lực khoa học công nghệ nước nhà, chắc chắn chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp để phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong tầm nhìn dài hạn./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 14 (454) THÁNG 7 NĂM 2009 – TRUNG ĐỨC