Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật thương mại năm 2005
2. Khung pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản là gì?
Khi tham gia vào hợp đồng, các chủ thể tham gia có quyền lựa chọn các nguyên tắc được pháp luật cho phép phù hợp để soạn thảo các điều khoản cho hợp đồng của họ và trong trường hợp khi các vấn đề yêu cầu trong hợp đồng không được đề cập cụ thể trong luật thì các bên phải tìm giải pháp để giải quyết, nhưng giải pháp đó phải phù hợp với nguyên tắc chung của luật về hợp đồng. Hiểu được khung pháp luật hợp đồng sẽ giúp các bên cân nhắc để soạn thảo các điều khoản hợp đồng tốt hơn dựa trên các nguyên tắc tự do hợp đồng. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên sẽ xác định quyền và nghĩa vụ dựa vào các nguyên tắc đã thỏa thuận để giải quyết. Khung pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản (HĐMBHHNS) được thiết lập trong mối quan hệ pháp luật ở từng quốc gia, tuy nhiên, khi sản phẩm được bán ở nước ngoài thì có thể dẫn đến việc áp dụng luật nước ngoài.
Khung pháp luật HĐMBHHNS là khả năng tự do thỏa thuận, giao kết của các chủ thể tham gia quan hệ HĐMBHHNS dựa trên nguyên tắc luật định về giao kết hợp đồng. Sự tự do này có thể bị giới hạn bởi các qui định pháp luật và môi trường pháp lý từng quốc gia hay rộng lớn hơn là luật quốc tế. Nó giúp cho các thỏa thuận không thể đi chệch hướng, quan trọng hơn nó giúp cho việc bảo vệ quyền lợi và xác định nghĩa vụ của các bên liên quan tham gia quan hệ HĐMBHHNS.
HĐMBHHNS là một bộ phận của quan hệ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản trong hoạt động nông nghiệp. Sự mất cân bằng về quyền lực kinh tế và khả năng nắm bắt thông tin thị trường giữa một bên là nhà tiêu thụ gồm các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sản xuất, chế biến và xuất khẩu và một bên là người sản xuất mà phần lớn hiện nay là hộ nông dân sản xuất vừa và nhỏ là một yếu tố đặc trưng cơ bản của quan hệ HĐMBHHSN hiện nay.
3. Khung pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản trên thế giới
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng đến chính sách phát triển nên nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện chính trị, kinh tế và môi trường có nhiều biến động ngày nay. Xây dựng một khung pháp luật phù hợp sẽ tạo ra cơ chế pháp lý bảo vệ người sản xuất, trong đó phần lớn là các hộ nông dân sản xuất qui mô vừa và nhỏ, đó cũng là mục tiêu trong chính sách xóa đói, giảm ngèo nhằm ổn định xã hội ở nhiều quốc gia đang hướng đến đặc biệt ở những nước nông nghiệp đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Khung pháp luật HĐMBHHNS có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh luật hợp đồng ở từng quốc gia, các quốc gia khác nhau sẽ chọn cách điều chỉnh pháp luật có thể rất khác nhau phụ thuộc vào truyền thống pháp luật cũng như cách thức xây dựng luật ở từng quốc gia. Một số nước lựa chọn nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng dựa trên Bộ luật Dân sự (BLDS), trong khi đó những nước khác thì chọn luật về hợp đồng chung hoặc luật riêng về hợp đồng nông nghiệp hoặc luật điều chỉnh đối với từng sản phẩm cụ thể hoặc theo từng ngành hàng.
3.1. BLDS là nguồn điều chỉnh quan hệ hợp đồng được sử dụng rãi ở nhiều quốc gia
Ở những nước này BDLS thường có các điều khoản liên quan điều chỉnh hợp đồng nông nghiệp. Tuy nhiên BLDS luôn là luật nền tảng điều chỉnh ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác, do đó sẽ thiếu tính cụ thể và không đầy đủ trong lĩnh vực hợp đồng nông nghiệp. Các quốc gia điển hình lấy BLDS là nguồn dẫn chiếu cho hợp đồng nông nghiệp thường có hệ thống pháp luật bắt nguồn từ Luật La Mã như Đức, Achentina. BLDS các nước này có nhiều điều khoản chung liên quan đến hợp đồng nông nghiệp như: yêu cầu thiết lập hợp đồng, nguyên tắc xác định giá, nghĩa vụ của người mua và người bán, xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục. BLDS tạo ra cái nhìn tổng quát về khung pháp lý trong quản lý nhà nước về hợp đồng nông nghiệp.
3.2. Hợp đồng nông nghiệp cũng có thể được quy định trong Luật Nông nghiệp ở một số nước
Đây là trường hợp ở Pháp, với Luật Nông thôn và Chăn nuôi (Code rural et de la pêche marine) bao gồm nhiều chủ đề đa dạng về nông nghiệp. Bộ luật này còn bao gồm các điều khoản chung về hợp đồng mua bán trong hoạt động nông nghiệp và các quy định cụ thể hơn tùy thuộc vào loại sản phẩm là đối tượng của hợp đồng như: đặc tả sản phẩm, nghĩa vụ của các bên, thời hạn hợp đồng và điều kiện gia hạn, điều khoản bất khả kháng, thủ tục trọng tài để giải quyết tranh chấp và các quy định về bồi thường thiệt hại…
Panama cũng ban hành Bộ luật Nông nghiệp có các điều khoản chung và các qui định cụ thể liên quan đến hợp đồng nông nghiệp như: hợp đồng tiếp thị, hợp đồng mua bán hàng nông nghiệp. Tuy nhiên ở cả Pháp và Panama, Luật về nông nghiệp không có ý nghĩa giải quyết toàn diện tất cả các vấn đề phát sinh đối với hợp đồng nông nghiệp, do đó BLDS vẫn là bộ phận quan trọng của khung pháp lý về hợp đồng nông nghiệp ở các nước này.
3.3. Một số nước ban hành luật chung cho tất cả các hợp đồng.
Đây là trường hợp của Ấn Độ, Theo Hiến pháp, luật của chính phủ và các bang đều có thể đồng thời điều chỉnh hợp đồng. Đạo luật Hợp đồng Ấn Độ năm 1872 có rất nhiều điều khoản chung liên quan đến hợp đồng nông nghiệp, sự hình thành hợp đồng, hiệu lực và sự tác động của hợp đồng, nghĩa vụ các bên, xử lý hậu quả vi phạm. Ở Hoa Kỳ, các hợp đồng mua bán hàng hóa được xem xét trong khuôn khổ pháp luật chung của Bộ luật Thương mại Thống nhất (UCC). UCC là một bộ phận hợp nhất nhiều mặt của luật hợp đồng và luật thương mại. Cũng giống như trường hợp ở Ấn Độ, UCC tạo thành bối cảnh cụ thể quy định hợp đồng nông nghiệp ở Mỹ.
3.4. Nhiều quốc gia đã lựa chọn ban hành luật tập trung vào hợp đồng nông nghiệp.
Tây Ban Nha là một trường hợp như vậy. Năm 2000, Tây Ban Nha ban hành luật quy định các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa các nhà sản xuất, người mua và người chế biến. Mục tiêu là nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại, thúc đẩy sự ổn định của thị trường và cải thiện tính minh bạch của các giao dịch và cạnh tranh trên thị trường.
Nhìn chung, các quốc gia khác nhau trên thế giới đã tiếp cận các quy định về hợp đồng nông nghiệp theo những cách thức khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả truyền thống pháp luật và quá trình áp dụng luật. Ở những nước mà BLDS với vai trò là luật bao quát, chế định về hợp đồng sẽ là luật cơ sở để đối chiếu các quan hệ cơ bản về hợp đồng nông nghiệp. Tuy nhiên, ở những nước ban hành luật riêng điều chỉnh về hợp đồng trong nông nghiệp cũng không có nghĩa có thể chi phối toàn bộ hợp đồng, mà những vấn đề phát sinh từ hợp đồng BLDS vẫn đóng vai trò là luật khung quan trọng để xem xét các vấn đề phát sinh từ hợp đồng nông nghiệp.
Trong thương mại quốc tế, về cơ bản, luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là nền tảng cho các khuôn khổ pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung. Công ước Liên Hiệp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là khuôn khổ cho các hoạt động mua bán hàng hóa trong thương mại giữa các nước thành viên của hiệp ước. Hiện nay, CISG có trên 77 quốc gia thành viên, trong nhiều trường hợp cụ thể, HĐMBHHNS có thể sẽ không áp dụng trực tiếp các qui định của CISG nhưng CISG vẫn có những ảnh hưởng rất lớn trong việc hướng dẫn, giải thích luật trong hợp đồng. Một tài liệu quốc tế khác để tham khảo về hợp đồng nông sản đó là UNIDROI (Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế) gọi là PICC. PICC không bắt buộc đối với các bên trừ khi được ghi nhận là luật áp dụng trong hợp đồng. PICC có ảnh hưởng đến các hợp đồng thương mại quốc tế, trong đó bao gồm cả HĐMBHHNS. PICC ảnh hưởng đến quan hệ mua bán bằng cách áp dụng các nguyên tắc chung trong mua bán quốc tế. Trong trường hợp các nguyên tắc trong PICC rõ ràng thì có thể được lựa chọn để áp dụng trong một hợp đồng cụ thể. Trong thương mại quốc tế PICC có ảnh hưởng ngày càng lớn đến các khuôn khổ pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó có hàng hóa nông sản.
4. Khung pháp luật HĐMBHHNS ở Việt Nam
Ở Việt Nam chế định hợp đồng trong BLDS được xem là các qui định nền tảng cho các quan hệ hợp đồng. BLDS năm 1995 đã kế thừa các qui định về hợp đồng trong Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế năm 1989 của Hội đồng Nhà nước. BLDS đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2005 và năm 2015, với vai trò là luật chung điều chỉnh hợp đồng trong các lĩnh vực như: dân sự, doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, bất động sản, thương mại… các qui định hợp đồng trong BLDS điều chỉnh những quan hệ cơ bản nhất trong các lĩnh vực luật tư ở Việt Nam hiện nay.
Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa Luật Thương mại (LTM) năm 2005 điều chỉnh đối với các hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi trong các giao dịch mà một bên là thương nhân trên lãnh thổ Việt Nam. LTM điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa cả trong hoạt động mua bán trong nước và quốc tế. Phạm vi điều chỉnh quan hệ hợp đồng khá rộng cả về hình thức, thực hiện và quyền nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Ở góc độ áp dụng luật, các qui định của BLDS có thể áp dụng cho hầu hết các loại hợp đồng, bên cạnh đó LTM và pháp luật về hợp đồng nông nghiệp có thể áp dụng trực tiếp để điều chỉnh quan hệ HĐMBHHNS. Tuy nhiên trong các tình huống pháp lý cụ thể liên quan như: Cấp tín dụng, dịch vụ hỗ trợ, thuê đất, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm… các quan hệ pháp luật về hợp đồng có thể được mở rộng ở nhiều lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của luật chuyên ngành khác như: tín dụng, cung ứng lao động, đất đai, tiêu thụ sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, môi trường… Ngoài ra, quan hệ pháp luật về HĐMBHHNS cũng bị chi phối bởi các chế định pháp lý như: quyền sở hữu, năng lực pháp lý của cá nhân và pháp nhân, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và ngay cả pháp luật về tố tụng và cơ chế giải quyết tranh chấp cũng có thể có liên quan trong một số trường hợp nhất định, tất cả các qui định đó tạo nên khung pháp lý chung của HĐMBHHNS hiện nay ở nước ta.
Riêng góc độ điều chỉnh của luật chuyên ngành trong hoạt động sản xuất, mua bán HHNS có thể xem Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng là một bước đầu tiên nhằm cụ thể hóa các qui định của luật chung trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản. Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ghi nhận các nguyên tắc cơ bản về ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ HHNS giữa người sản xuất với doanh nghiệp, điều đó cho thấy trong một giai đoạn, pháp luật nước ta đã ghi nhận mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên nghành; trong đó, pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa nông sản là một bộ phận của pháp luật về hợp đồng điều chỉnh riêng cho quan hệ sản xuất, tiêu thụ HHNS.
Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg gồm cả các qui định khuyến khích và các qui định mang tính bắt buộc trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp và người sản xuất được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, vật tư, tín dụng, thị trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, còn có các qui định mang tính chế tài, trong quá trình thực hiện hợp đồng: Nếu doanh nghiệp không mua hết nông sản hàng hóa; mua không đúng thời gian, không đúng địa điểm như đã cam kết trong hợp đồng; gian lận thương mại trong việc định tiêu chuẩn chất lượng, số lượng nông sản hàng hóa; lợi dụng tính độc quyền của hợp đồng tiêu thụ để mua dưới giá đã ký kết trong hợp đồng hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho người sản xuất thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà phải chịu các biện pháp xử lý như: bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về hợp đồng, bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ quyền kinh doanh đối với các mặt hàng nông sản mà doanh nghiệp vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp.
Đối với người sản xuất, nếu người sản xuất nhận tiền vốn, vật tư ứng trước của doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà cố ý không bán nông sản hàng hóa hoặc bán nông sản hàng hóa cho doanh nghiệp khác không ký hợp đồng đầu tư sản xuất; bán thiếu số lượng, không đúng thời gian, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa quy định trong hợp đồng; không thanh toán đúng thời hạn hoặc có hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà phải chịu các hình thức xử lý như: Phải thanh toán lại cho doanh nghiệp các khoản nợ: vật tư, vốn (bao gồm cả lãi suất vốn vay ngân hàng trong thời gian tạm ứng) đã nhận tạm ứng.
Khi thực hiện hợp đồng các bên còn phải tuân thủ về hình thức hợp đồng như Ủy ban nhân dân xã xác nhận hoặc phòng công chứng huyện chứng thực. Về trách nhiệm thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg yêu cầu các bên có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng, cùng nhau thỏa thuận xử lý các rủi ro do về thiên tai, đột biến về giá cả thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro, Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp không được tranh mua nông sản hàng hóa của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển sản xuất, không được ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa mà người sản xuất đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Người sản xuất chỉ được bán nông sản hàng hóa sản xuất theo hợp đồng cho doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp đã đầu tư hoặc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa từ chối không mua hoặc mua không hết nông sản hàng hóa của mình. Khi có tranh chấp về hợp đồng thì ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp và Hiệp hội ngành hàng tổ chức và tạo điều kiện để hai bên giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Trường hợp việc thương lượng, hòa giải không đạt được kết quả thì các bên đưa vụ tranh chấp ra tòa án để giải quyết theo pháp luật.
Với đặc trưng cơ bản của HĐMBHHNS là thỏa thuận ràng buộc giữa một bên là người nông dân sản xuất nhỏ hoặc quy mô lớn và một bên là người mua có thể là hợp tác xã các nhà cung cấp phân phối hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực hàng nông sản. Hợp đồng MBHHNS là sự cam kết gồm những điều khoản mà các bên sẽ thực hiện vào một thời giantrong tương lai với giá cả được xác định trước. Như vậy sự hình thành của HĐMBHHNS có nhiều điểm khác cơ bản với sự hình thành của các hợp đồng thông dụng khác. Việc thực hiện hợp đồng sẽ phụ thuộc vào năng lực thực hiện hợp đồng của các bên và phụ thuộc cả những yếu tố tự nhiên và thị trường tác động cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện hợp đồng. Khi hợp đồng không được thực hiện, các chế tài đã thỏa thuận sẽ được áp dụng, khi đó những nguyên tắc của BLDS có ý nghĩa áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, có những tình huống pháp lý vượt ra khỏi những nguyên tắc điều chỉnh của BLDS thì các qui định riêng của Luật Thương mại và Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg sẽ tác động để giải quyết nhưng về cơ bản vẫn dựa trên những nguyên tắc chung của BLDS.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg qua nghiên cứu từ thực tiễn thực hiện ở ĐBSCL đã không đạt được kết quả như mong muốn. Các hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản theo quyết định chưa phù hợp với thực tiễn, khi năng lực sản xuất kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp còn yếu kém; quan hệ hợp đồng không bình đẳng và cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được xác lập rõ ràng; các điều kiện cần thiết để thúc đẩy các hình thức sản xuất theo hợp đồng chưa đầy đủ. Từ khi có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg sau 8 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã thất bại không mua được hàng hóa, hoặc không thu hồi được vốn đầu tư ứng trước cho nông dân, tình trạng vi phạm hợp đồng xảy ra khắp nơi, nông dân cho đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại. Việc tiêu thụ theo hợp đồng của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg khó thực hiện và không thành công trong thực tiễn. Từ đó, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg với vai trò là luật chuyên ngnh điều chỉnh quan hệ sản xuất gắn với hợp đồng trong sản xuất tiêu thụ HHNS được thay thế bằng Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg với một chính sách thuần túy là ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập