1. Khái niệm về trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý năm 2017:

“Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.”

Theo đó, trợ giúp pháp lý là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

– Người được trợ giúp pháp lý gồm:

Điều 7 Người được trợ giúp pháp lý

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV.”

2. Trợ giúp pháp lý thân thiện với người chưa thành niên

   Như chúng ta đã biết, do đặc điểm về khả năng nhận thức, tâm sinh lý đặc thù trẻ em là đối tượng cần có sự quan tâm đặc biệt của xã hội về các mặt liên quan đến sự phát triển của trẻ em như: giáo dục, y tế, văn hóa, phòng chống bạo lực,…Ở góc độ bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trước pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trẻ em là đối tượng được trợ giúp pháp lý (so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì đã được mở rộng hơn)

   Để có thể giúp đỡ pháp lý cho đối tượng này đạt kết quả cao nhất thì các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng cần có những nghiên cứu để có phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý thích hợp nhất. Cách thức được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em. Đến nay chưa có tài liệu nào có định nghĩa chính thức về khái niệm này. Hướng dẫn số 58 tại bản Các quy tắc và hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự định nghĩa “Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành và có hiệu quả, và đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội đối mặt với trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các Luật sư của LVN Group và những người không phải Luật sư của LVN Group nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em và sự phát triển của trẻ em và vị thành niên và người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em và người chăm sóc của trẻ”.

   Từ khái niệm này Liên hợp quốc khuyến nghị các quốc gia cần có các biện pháp thích hợp để thiết lập hệ thống trợ giúp pháp lý thân thiện và nhạy cảm với trẻ em. Hệ thống này phải tính đến năng lực đang phát triển của trẻ em cân bằng giữa lợi ích tốt nhất của trẻ em và quyền của trẻ em được có tiếng nói trong các thủ tục tư pháp. Để thiết lập hệ thống TGPL thân thiện với trẻ em, các quốc gia cần thực hiện một số công việc sau:

   – Trong điều kiện có thể xây dựng các cơ chế dành riêng để hỗ trợ trợ giúp pháp lý chuyên biệt cho trẻ em;

   – Pháp luật về trợ giúp pháp lý có tính đến các quyền và nhu cầu phát triển đặc biệt của trẻ em, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phù hợp khác trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ; quyền được có tiếng nói trong tất cả các thủ tục tố tụng tư pháp ảnh hưởng đến trẻ; các thủ tục đạt chuẩn để xác định lợi ích tốt nhất; sự riêng tư và việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân; và quyền được xem xét để chuyển hướng xử lý;

   – Xây dựng các tiêu chuẩn về dịch vụ trợ giúp pháp lý và quy tắc ứng xử chuyên môn thân thiện với trẻ em;

   – Đào tạo đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý về quyền trẻ em và các vấn đề liên quan.

   Từ nghiên cứu chúng tôi sơ bộ đưa ra khái niệm này như sau: Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là cách thức cung cấp dịch vụ pháp lý phù hợp với đặc điểm về thể chất và tâm sinh lý của trẻ em, do những người có kiến thức về pháp luật liên quan đến trẻ em và tâm sinh lý của trẻ em thực hiện.

   Từ những phân tích nêu trên chúng tôi đề xuất một số yêu cầu đối với TGPL thân thiện với trẻ em như sau:

3. Đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý

   Cần xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL có kiến thức chuyên sâu về pháp luật liên quan đến trẻ em (quyền và nghĩa vụ của trẻ em, các quy định xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với trẻ em), được trang bị kiến thức về tâm sinh lý của trẻ em. Cụ thể, người thực hiện TGPL cho trẻ em cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

   – Có trình độ và kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến trẻ em để có thể áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể;

   – Nắm vững các quyền của trẻ em và các nguyên tắc thường được áp dụng khi xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em;

   – Có kiến thức về tâm, sinh lý của lứa tuổi này. Những kiến thức này góp phần giúp người thực hiện TGPLtrong việc hiểu và lý giải được nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có hành vi trái pháp luật, đồng thời có được kiến thức này sẽ giúp việc gặp gỡ, trao đổi thông tin thuận lợi hơn, trẻ em sẽ có thể cởi mở chia sẻ với người đồng cảm với mình;

   – Có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em; có khả năng nắm bắt, phân tích diễn biến tâm lý của trẻ em;

   – Có sự cảm thông, thấu hiểu để nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng,… của các em. Khi giúp đỡ trẻ em vi phạm pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý không nên có tâm lý ác cảm, mặc nhiên cho rằng trẻ em có lỗi mà cần tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của các em để đứng về phía các em, bảo vệ quyền lợi;

   – Có mối quan hệ làm việc tốt với các cơ quan có liên quan để thuận lợi trong quá trình thu thập thông tin, xác minh, tìm hiểu tình tiết liên quan đến vụ việc.

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tiếp cận trợ giúp pháp lý

   Một trong những yếu tố để bảo đảm cho trẻ em thụ hưởng quyền được TGPL là cần tạo điều kiện cho các em tiếp cận với dịch vụ này một cách dễ dàng và kịp thời, cụ thể,  có thể thông qua một số cách thức sau:

   – Tổ chức thực hiện TGPL có thể cử người thực hiện TGPL trực tại tòa án, cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ để gặp gỡ, tiếp xúc với các em ngay từ khi tiếp cận với cơ quan tiến hành tố tụng. Đặc biệt, hiện nay, Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên đã được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, tổ chức thực hiện TGPL cần cử người thực hiện TGPL để ban đầu tư vấn cho các em về thủ tục giải quyết vụ việc, giải thích quyền và nghĩa vụ của các em khi tham gia tố tụng, giải thích về quyền được TGPL và tiếp nhận thực hiện vụ việc khi có yêu cầu. Mô hình này đã được áp dụng tại Úc, Canada,…

   – Phối hợp với các trường học nắm bắt nhu cầu tìm hiểu về pháp luật TGPL của học sinh, đến giải đáp trực tiếp cho các em, đồng thời, trực tiếp tiếp nhận yêu cầu TGPL ngay tại trường học.

   – Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận yêu cầu TGPL 24/24 giờ, tiếp nhận thông tin, giải đáp pháp luật về TGPL cho các em.

5. Bảo đảm sự tham gia tối đa của trẻ em trong quá trình giải quyết vụ việc

   Bên cạnh các nghiệp vụ thu thập thông tin, nghiên cứu xử lý hồ sơ vụ việc, làm việc với các cơ quan có liên quan, người thân thích, nhà trường,… người thực hiện TGPL cần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với trẻ em là đối tượng của vụ việc, sử dụng các kỹ năng phù hợp để trẻ chủ động kể lại sự việc (trong một số trường hợp trẻ em sẽ tâm sự với người thực hiện TGPL về hoàn cảnh gia đình, về những suy nghĩ riêng tư….).Qua đó, người thực hiện TGPL có thể thu thập được những thông tin chính xác, đầy đủ về vụ việc.

   Khi làm việc với người chưa thành niên người thực hiện TGPL cần tạo bầu không khí thân thiện, thoải mái, cởi mở để em đó có thể nói lên những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của mình bằng những câu hỏi nhẹ nhàng, gây ấn tượng. Khi nghe trẻ trình bày người thực hiện TGPL sử dụng tốt kỹ năng nghe tích cực. Việc tập trung lắng nghe sẽ làm cho trẻ em được khích lệ nói lên những suy nghĩ của mình, bằng giác quan và suy nghĩ của mình cán bộ có thể nhận biết được cảm xúc của trẻ và thu thập được các thông tin về tình huống và sự việc phục vụ cho việc trợ giúpnhằm đạt được các mục đích trên thì sẽ có kết quả tốt cho mối quan hệ giữa người trợ giúp và người được trợ giúp…từ đó sẽ xác định được phương pháp trợ giúp phù hợp.

6. Xây dựng quan hệ với các cơ quan có liên quan

   – Hợp tác với các cơ quan tư pháp trong quá trình giải quyết vụ việc nhằm mang lại những lợi ích tốt nhất và đảm bảo các quyền của người chưa thành niên.

   – Nỗ lực mang lại sự an toàn về thể chất, tâm lý cho người chưa thành niên, giúp các em tái hoà nhập cộng đồng và thực hiện các quyền tư pháp của mình.

7. Bảo đảm sự bảo mật và riêng tư của trẻ em

   Sự riêng tư và dữ liệu cá nhân của một trẻ em đang hoặc đã liên quan với các thủ tục tố tụng tư pháp hoặc phi tư pháp và can thiệp khác cần được bảo vệ ở tất cả các giai đoạn, và việc bảo vệ như vậy cần được pháp luật bảo đảm. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi việc mất danh dự. Việc tôn trọng quyền riêng tư có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ phẩm giá của trẻ em cũng như giúp giảm nguy cơ tổn thương cho các em. Trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự có nguy cơ bị kỳ thị rất cao và có thể phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự kỳ thị, định kiến trong cộng đồng.Chính vì vậy, khi những thông tin nhạy cảm của các em bị công khai sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực, khiến trẻ em không còn tin tưởng vào người thực hiện TGPL, từ đó không hợp tác.  Đặc biệt, bảo đảm bí mật riêng tư đối với trẻ em bị hại hoặc là người làm chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ phẩm giá của con người cũng như sự an toàn, phúc lợi và lắng nghe của họ. Việc bảo đảm quyền riêng tư cũng góp phần giúp trẻ em cảm thấy an toàn trong cộng đồng, thấy yên tâm hơn để cung cấp thông tin đúng sự thật giúp cho cho quá trình giải quyết vụ án đúng pháp luật và kịp thời. Hơn nữa, nếu sự riêng tư không được bảo vệ thì ảnh hưởng lớn đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các em sau này. Yêu cầu này cũng phù hợp với hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự.

8. Cơ sở vật chất phù hợp

   Tổ chức thực hiện TGPL cần cơ sở vật chất (phòng tiếp người được TGPL, cách bài trí trong phòng) để có thể tạo cảm giác thân thiện nhất với trẻ em. Trong phạm vi điều kiện cụ thể có thể bố trí phòng tiếp riêng dành cho trẻ em, trong đó có treo các tranh ảnh phù hợp với sở thích, gu thẩm mỹ của trẻ em. Khi điều kiện chưa cho phép bố trí phòng riêng thì có thể tiếp trẻ em tại một phòng làm việc mà các em có thể cảm thấy an toàn khi trình bày vụ việc của mình.