Ở Pháp, trọng tài được coi là lĩnh vực của tố tụng dân sự, được điều chỉnh bởi nghị định, không phải bởi luật. Vậy nên một nghị định cơ bản được ban hành vào năm 1981 (cho đến nay chưa hề bị sửa đổi). Điều này dẫn tới nhận xét thứ hai của tôi là: trong pháp luật của Pháp, hầu hết các quy định, thậm chí các quy định cơ bản nhất về trọng tài, đều bắt nguồn từ thực tiễn xét xử. Tòa án đã đưa ra hầu hết các quy định quan trọng về trọng tài, đặc biệt về trọng tài quốc tế.
Trong pháp luật của Pháp, có 3 nguyên tắc lớn mang tính chủ đạo điều chỉnh lĩnh vực trọng tài quốc tế. Nguyên tắc thứ nhất là tính độc lập và tính có hiệu lực của điều khoản trọng tài quốc tế. Nguyên tắc thứ hai là đảm bảo phiên họp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công bằng và sự can thiệp của Tòa án phải rất hạn chế. Nguyên tắc thứ ba là quy chế pháp lý đặc biệt của phán quyết trọng tài quốc tế phải được chấp nhận. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất mang tính truyền thống, hai nguyên tắc còn lại mới mẻ hơn trong luật so sánh.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Về nguyên tắc thứ nhất (tính độc lập và tính có hiệu lực của điều khoản trọng tài quốc tế), nguyên tắc này ngày nay đã được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận. Dự Luật của Việt Nam dĩ nhiên là giữ lại nguyên tắc này. Ở Pháp, nguyên tắc này được thiết lập từ một quyết định của Tòa Phá án (Tòa án Tư pháp tối cao) năm 1963. Tại quyết định này, Tòa Phá án tuyên bố nguyên tắc theo đó điều khoản trọng tài quốc tế có tính độc lập so với hợp đồng chính. Từ nguyên tắc đó, vào năm 1999, Tòa Phá án đã suy ra nguyên tắc về tính hiệu lực điều khoản trọng tài, theo đó điều khoản hợp đồng có một chế độ pháp lý riêng, đặc thù và được suy đoán trước là có hiệu lực. Giải pháp táo bạo này đã bị chỉ trích rất nhiều do có những ý kiến cho rằng thỏa thuận hợp đồng không thể tồn tại mà không có luật điều chỉnh. Hiệu lực của hợp đồng luôn phải phù hợp với quy định của một đạo luật hoặc một văn bản quy phạm pháp luật khác như nghị định. Theo giáo sư Fouchard, đây không phải là trường hợp hợp đồng có xung đột pháp luật vì người ta không tìm được luật áp dụng đối với thỏa thuận này. Theo tôi, luật áp dụng đối với điều khoản trọng tài đơn giản chỉ là thỏa thuận giữa các bên – kể từ khi các bên đã quyết định về thỏa thuận trọng tài, quyết định này có hiệu lực bắt buộc và trở thành luật của các bên.
Nguyên tắc tính độc lập và tính có hiệu lực của điều khoản trọng tài quốc tế có 3 tác dụng chính và cũng có một vài hệ quả cơ bản. Ba tác dụng chính là: tác dụng thứ nhất – tính miễn dịch của điều khoản; thứ hai – tác dụng giải phóng điều khoản khỏi bất cứ pháp luật quốc gia nào; thứ ba – tác dụng huy động hoặc tác dụng thu hút của điều khoản, cho phép mở rộng điều khoản này đối với các bên liên quan đến hợp đồng.
Trong các tác dụng trên, tác dụng thứ nhất được Dự Luật của Việt Nam giữ lại. Tính độc lập của điều khoản trọng tài nghĩa là điều khoản trọng tài có chế độ pháp lý riêng, độc lập với hợp đồng chính; hệ quả là điều khoản này không bị ảnh hưởng khi hợp đồng chính bị vô hiệu hoặc không được áp dụng. Tác dụng thứ hai – tác dụng giải phóng, thường được thể hiện nhiều hơn trong luật của Pháp nhưng ít được giữ lại trong luật so sánh, nghĩa là điều khoản trọng tài tách rời khỏi mọi hệ thống pháp luật mang tính nhà nước. Chính theo nghĩa này mà giáo sư Fouchard đã nói rằng đó là một hợp đồng không có xung đột pháp luật bởi vì người ta sẽ không tìm kiếm luật áp dụng cho hợp đồng đặc biệt này. Đây là nguyên tắc đặc biệt mà Tòa án Pháp đã đưa ra bởi lẽ thông thường, tư pháp quốc tế gắn với luật của quốc gia. Điều đó không đúng đối với điều khoản trọng tài, nguyên nhân đơn giản là do người ta muốn tránh các tranh chấp hết sức phức tạp về luật áp dụng đối với điều khoản trọng tài. Mặt khác, phải nói rằng với 25 năm kinh nghiệm của bản thân, tôi chưa từng gặp một điều khoản trọng tài nào mà các bên nói là được điều chỉnh bởi luật này hay luật kia, chưa từng có khái niệm về luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài. Không có lý do để nghĩ rằng luật áp dụng đối với hợp đồng chính nhất thiết phải áp dụng cho điều khoản trọng tài, do điều khoản trọng tài là độc lập, là một hợp đồng thủ tục được nhập vào trong một hợp đồng nội dung. Điều này cho phép Trọng tài và Tòa án xác định tính có hiệu lực của điều khoản trọng tài trong khi không tham chiếu vào luật pháp của quốc gia nào mà duy nhất dựa trên bằng chứng và ý chí của các bên ký kết hợp đồng.
Về tác dụng thứ ba (hoàn toàn đặc biệt trong luật pháp của Pháp) – tác dụng huy động hoặc thu hút, nghĩa là điều khoản trọng tài có quyền áp dụng đối với mọi hợp đồng khi các hợp đồng này được lập để thực hiện duy nhất một hoạt động kinh tế, kể cả khi trong số các hợp đồng đó, có hợp đồng không có điều khoản trọng tài; mặt khác, điều khoản trọng tài cũng được áp dụng đối với mọi bên đã tham gia vào hợp đồng chứa đựng điều khoản trọng tài và cả những bên không ký kết điều khoản đó, với điều kiện là các bên đó phải được biết trước về điều khoản trọng tài. Trong các hợp đồng quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các hoạt động đầu tư, thường có nhiều bên có liên quan, ví dụ nhiều doanh nghiệp châu Âu hoặc châu Mỹ cùng tham gia xây dựng một con đường ở Việt Nam. Sẽ có một hợp đồng chính, quy định về việc xây dựng con đường, được lập và ký kết bởi được một vài doanh nghiệp, các doanh nghiêp này đề nghị các doanh nghiệp khác tham gia thực hiện hợp đồng, các doanh nghiệp này có thể sẽ không ký hợp đồng chính nhưng đã phải biết về điều khoản trọng tài và đã ngầm chấp nhận điều khoản trọng tài. Xuất phát từ đó, thẩm phán Pháp quyết định rằng điều khoản trọng tài áp dụng cho tất cả các bên liên quan. Điều này là một một thuận lợi rõ rệt bởi lẽ mọi tranh chấp liên quan đến cùng hoạt động kinh tế được tập trung giải quyết bởi một trọng tài viên, tại cùng một địa điểm, tránh được nguy cơ vụ việc được các bên khác nhau khởi kiện tại các địa điểm khác nhau như Hà Nội, Los Angeles, Singapore hay nơi khác. Tác dụng của điều khoản trọng tài cũng được mở rộng theo hướng là điều khoản trọng tài được chuyển giao cùng với hợp đồng chính. Tòa án Pháp cho rằng điều khoản trọng tài nhất thiết phải được chuyển giao cùng với hợp đồng; điều này không mâu thuẫn với tính độc lập của điều khoản trọng tài, do tính độc lập của điều khoản chỉ có nghĩa là điều khoản trọng tài có chế độ pháp lý đặc biệt, nhưng điều khoản này vẫn là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính, là một bộ phận phụ của hợp đồng chính về mặt pháp lý, do vậy, điều khoản này sẽ được chuyển cho tất cả những người thế quyền của các bên ký kết hợp đồng ban đầu. Do vậy, bằng tác dụng thu hút này, chúng ta có thể tập trung mọi tranh chấp liên quan đến một hoạt động kinh tế cho một Hội đồng Trọng tài giải quyết; đây rõ ràng là một giải pháp hết sức thuận lợi nhằm tăng cường hiệu quả của thỏa thuận trọng tài. Mặt khác, toàn bộ pháp luật của Pháp về trọng tài có tác dụng và có mục đích đảm bảo tính hiệu quả của thỏa thuận trọng tài.
Về các hệ quả quan trọng của tính độc lập của thỏa thuận trọng tài, hệ quả quan trọng thứ nhất là nguyên tắc “thẩm quyền về thẩm quyền”, được thừa nhận trong Dự Luật của Việt Nam. Đây là một nguyên tắc cơ bản về trọng tài theo đó, Trọng tài có thẩm quyền xem xét, quyết định về thẩm quyền của chính mình. Xuất phát từ nguyên tắc này, Trọng tài có thẩm quyền tuyên bố mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bởi lẽ điều khoản trọng tài là độc lập và có hiệu lực. Đây là một nguyên tắc chung, không riêng gì pháp luật Việt Nam quy định như vậy. Tại Pháp, Tòa án cũng rút ra hệ quả từ nguyên tắc này. Khi quyết định rằng Trọng tài có quyền ưu tiên tuyệt đối trong việc xem xét, quyết định về thẩm quyền của chính mình, Tòa án phải từ chối thụ lý vụ kiện. Các bạn sẽ thấy rằng sau đó, có vẫn còn khả năng khởi kiện ra Tòa án, nhưng không phải ở giai đoạn này – đây là tác dụng phủ định của nguyên tắc “thẩm quyền về thầm quyền”, khi Tòa án loại bỏ thẩm quyền của Trọng tài. Điều này chỉ có thể thực hiện trong những trường hợp hết sức ngoại lệ, khi Tòa án thấy rằng điều khoản trọng tài rõ ràng vô hiệu hoặc rõ ràng không thể áp dụng. Ví dụ, trong luật Pháp (có lẽ luật Việt Nam cũng quy định tương tự), điều khoản trọng tài về ly hôn. Tòa án sẽ quyết định thụ lý vụ việc vì đây không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Ví dụ thứ hai là trường hợp hai bên đã ký kết hai hợp đồng tách biệt đối với một dự án kinh tế, trong đó một hợp đồng quy định tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài trong khi hợp đồng kia lại dự kiến khả năng lựa chọn Tòa án. Do sự mâu thuẫn này của các điều khoản thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp, khi có bên khởi kiện căn cứ vào hợp đồng có điều khoản lựa chọn Tòa án, Tòa án đã quyết định rằng điều khoản lựa chọn trọng tài là không thể áp dụng. Trong trường hợp này, điều khoản trọng tài rõ ràng không được áp dụng do việc áp dụng bị hạn chế bởi một hợp đồng khác.
Một hệ quả khác là nguyên tắc liên quan đến khả năng đưa ra giải quyết trước trọng tài các tranh chấp liên quan đến các cơ quan, tổ chức công, như Nhà nước hoặc các công ty quốc doanh. Nguyên tắc này đã được Tòa Phá án đưa ra trong một quyết định năm 1966. Tòa Phá án khẳng định rằng không thể áp dụng nguyên tắc cấm giải quyết bằng trọng tài đối với các tranh chấp liên quan đến các cơ quan nhà nước. Theo Tòa án, khi Nhà nước tham gia vào hoạt động ngoại thương, Nhà nước xử sự với tư cách một chủ thể của quan hệ ngoại thương và nguyên tắc ngoại thương, do vậy có thể đưa vụ tranh chấp liên quan đến Nhà nước ra trọng tài giải quyết. Trên thực tế, nhiều quốc gia không muốn chấp nhận thẩm quyền trọng tài sau khi đã ký kết điều khoản trọng tài. Họ lập luận rằng Hiến pháp của các quốc gia đó cấm việc ký kết điều khoản trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án Pháp quyết định rằng đó là một nguyên tắc quan trọng và luật trọng tài quốc tế buộc quốc gia đã ký kết điều khoản trọng tài phải tuân thủ điều khoản đó.
Về nguyên tắc chủ đạo thứ hai – đảm bảo phiên họp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công minh và sự can thiệp của Tòa án phải rất hạn chế. Thuật ngữ “phiên xét xử công minh” có xuất xứ từ Công ước Châu Âu và đây cũng là thuật ngữ hết sức phổ biến. Nguyên tắc này có nghĩa là phải đảm bảo một phiên tòa đúng đắn, tại đó các bên đều được đối xử bình đẳng, quyền bào chữa được tuân thủ, thẩm phán phải độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử. Các tiêu chí này cũng được áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, lý do rất đơn giản là nếu công lý trọng tài là công lý tư thì đó vẫn là công lý và mọi công lý phải đáp ứng được các tiêu chí nêu trên.
Về sự can thiệp của Tòa án, hệ thống Trọng tài của Pháp hạn chế một cách rất chặt chẽ sự can thiệp của Tòa án, xuất phát từ một lý do khá đơn giản và hiển nhiên, đó là lựa chọn trọng tài là để tránh hoặc loại trừ sự can thiệp của Tòa án. Do vậy, Tòa án chỉ can thiệp trong 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là hỗ trợ cho Trọng tài – khi Tòa án được đề nghị hỗ trợ trọng tài, chẳng hạn: chỉ định trọng tài viên, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Phương thức can thiệp thứ hai của Tòa án là sự can thiệp với tư cách kiểm tra phán quyết trọng tài – can thiệp sau khi Trọng tài đã tiến hành giải quyết vụ tranh chấp, nếu Tòa án được yêu cầu kiểm tra tính hợp thức của phán quyết Trọng tài (tuy nhiên, thẩm phán không có thẩm quyền sửa đổi phán quyết về mặt nội dung; điều này thuộc thẩm quyền của Trọng tài), trong trường hợp có yêu cầu hủy phán quyết do không tuân thủ các quy định pháp luật hình thức. Tôi cho rằng pháp luật Việt Nam cũng quy định như vậy. Tòa án sẽ xem xét thỏa thuận trọng tài có hiệu lực hay không, Hội đồng trọng tài có được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định hay không, Trọng tài viên có độc lập hay không, quyền bào chữa có được tuân thủ không, trật tự công quốc tế có bị vi phạm không, v.v… Đây là sự kiểm tra rất hạn chế vì toàn bộ thẩm quyền còn lại thuộc Trọng tài. Tòa án Pháp rất nghiêm khắc trong việc kiểm tra, giám sát tuân thủ nguyên tắc này – việc khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét nội dung của phán quyết trọng tài không thể được chấp nhận.
Nguyên tắc chủ đạo cuối cùng là thiết lập chế độ pháp lý đặc biệt cho phán quyết trọng tài quốc tế. Nguyên tắc này đã được áp dụng trong một vụ việc đặc biệt; trong vụ việc này, phán quyết được đưa ra ở nước ngoài và bị hủy ở nước gốc của phán quyết đó. Đó là vụ việc rất nổi tiếng I-lờ Mác-tơn năm 1994. Phán quyết được đưa ra tại Thụy Sĩ, rồi bị hủy ở Thụy Sĩ, và một trong các bên tranh chấp đã yêu cầu thi hành phán quyết ở Pháp. Tòa án Pháp đã chấp nhận thi hành phán quyết này ở Pháp với lý do đơn giản là phán quyết đã bị hủy ở nước ngoài không phải là căn cứ để hủy phán quyết đó ở Pháp. Vụ việc này đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí đến nay vẫn tục được nói đến. Một vụ việc khác cũng diễn ra trong bối cảnh tương tự vào năm 2007. Một phán quyết được đưa ra ở Luân Đôn và bị huỷ sau đó ở Luân Đôn: một bên khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài do về nhầm lẫn về luật, Tòa án có thẩm quyền của Luân Đôn tiến hành xét xử lại và tuyên bố rằng có sự nhầm lẫn về luật và hủy phán quyết trọng tài. Cùng lúc đó, một bên yêu cầu thi hành phán quyết tại Pháp và Tòa án Pháp cũng đã chấp nhận cho thi hành phán quyết với cùng lý do như với vụ việc trước, bởi vì luật pháp của Pháp, trái với Công ước New York, không thừa nhận việc phán quyết trọng tài đã bị hủy ở nước ngoài như là một trường hợp phải từ chối thi hành phán quyết tại Pháp. Quyết định này của Tòa án Pháp cũng gây ra rất nhiều tranh cãi, chỉ trích. Rõ ràng là vấn đề này gắn liền với các căn cứ hủy phán quyết trọng tài ở nước ngoài bởi lẽ nếu phán quyết trọng tài bị hủy ở nước ngoài do vi phạm quyền bào chữa chẳng hạn thì đương nhiên phán quyết đó sẽ không được thi hành ở Pháp cũng như ở các nước khác. Tuy vậy, không nên hiểu rằng quyết định này của thẩm phán Pháp một lần nữa tạo điều kiện cho Pháp trở thành nơi trú ẩn của tất cả các phán quyết trọng tài đã bị hủy trên toàn thế giới hay nói cách khác là các phán quyết tồi. Thực tế không phải như vậy, lý do đơn giản là phẩm phán Pháp cho rằng – tôi xin trích dẫn bản án 2007 – phán quyết trọng tài quốc tế tách rời khỏi mọi trật tự quốc gia và là một quyết định mang tính công lý quốc tế. Do đó, phán quyết trọng tài quốc tế không gắn với nước gốc bởi lẽ mối liên hệ giữa phán quyết với nước gốc rất yếu ớt; ngoài thủ tục yêu cầu hủy phán quyết theo quy định pháp luật của nước nơi ra phán quyết, phán quyết không có mối liên hệ nào khác với với hệ thống pháp luật của nước này. Do vậy, phán quyết trọng tài được coi là là một quyết định thực sự mang tính quốc tế. Quan điểm này của Tòa án Pháp có xu hướng thừa nhận một trật tự pháp lý quốc tế, và gây ra không ít tranh cãi giữa những người làm công tác pháp luật, nhiều người tán thành và cũng không ít người phản đối.
SOURCE: KỶ YẾU HỘI THẢO VỀ DỰ THẢO LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI – Nhà Pháp luật Việt-Pháp tổ chức tại Hà Nội các ngày 24, 25/09/2009
JEAN – PIERRE ANCEL – Chánh tòa danh dự Tòa án Tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp