Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900.0191

Cơ sở pháp lý: 

– Luật phòng chống ma túy 2021 (có hiệu lực 01/01/2022)

– Nghị định 105/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng chống ma túy (có hiệu lực 01/01/2022)

1. Chất ma túy, tiền chất là gì?

Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

Tiền chất là hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

2. Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

Điều 12 Luật phòng chống ma túy 2021 quy định, hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, bao gồm:

a) Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

b) Vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

c) Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Kiểm soát hoạt động vận chuyển chất ma túy, tiền chất

Điều 14 Luật phòng chống ma túy 2021 quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được vận chuyển chất ma túy, tiền chất; khi thực hiện việc vận chuyển phải đóng gói, niêm phong theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, có biện pháp bảo vệ an toàn, không để bị thất thoát trong quá trình vận chuyển và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy

Khoản 2 Điều 17 Nghị định 105/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy gồm”

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy có các nội dung sau: tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; mục đích vận chuyển; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển;

b) Bản sao hợp đồng vận chuyển giữa tổ chức cần vận chuyển với tổ chức thực hiện vận chuyển hợp pháp;

c) Bản sao giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy (trường hợp vận chuyển từ kho lưu trữ, bảo quản đến cửa khẩu hoặc ngược lại để thực hiện thủ tục hải quan).

3.2. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy

Điều 17 Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy như sau:

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển chất ma túy

a) Cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu vận chuyển chất ma túy (sau đây gọi là tổ chức cần vận chuyển) chuẩn bị hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và cấp giấy phép vận chuyển cho tổ chức cần vận chuyển;

c) Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có phiếu thông báo về việc chỉnh lý, bổ sung, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung và thời gian hoàn thành. Việc tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy phép vận chuyển được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung.

Giấy phép vận chuyển được cấp cho từng lần vận chuyển và có giá trị trong thời hạn ghi trên giấy phép nhưng không quá 06 tháng. Nội dung giấy phép ghi rõ thông tin tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; mục đích vận chuyển; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển. Giấy phép được gửi cho tổ chức cần vận chuyển, tổ chức thực hiện vận chuyển và lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an tỉnh, thành phố theo hành trình vận chuyển được ghi trên giấy phép.

3.3. Trình tự, thủ tục gia hạn và cấp lại giấy phép vận chuyển chất ma túy

Trình tự, thủ tục gia hạn và cấp lại giấy phép vận chuyển chất ma túy

a) Trước khi hết thời hạn cho phép tối thiểu 03 ngày, tổ chức cần vận chuyển gửi đơn đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn, trong đó nêu rõ lý do, thời gian đề nghị gia hạn;

b) Trường hợp giấy phép bị mất hoặc có thay đổi về thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển, tổ chức cần vận chuyển gửi đơn đề nghị cơ quan cấp phép cấp lại giấy phép kèm theo giấy phép đã được cấp;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của tổ chức cần vận chuyển, cơ quan cấp phép tiến hành xem xét và cấp phép gia hạn hoặc cấp lại giấy phép vận chuyển cho các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b của khoản này.

 Việc vận chuyển chất ma túy phải thực hiện theo đúng nội dung ghi trong giấy phép. Khi tiến hành giao, nhận chất ma túy phải có biên bản giao nhận giữa tổ chức cần vận chuyển với tổ chức thực hiện vận chuyển. Nội dung biên bản nêu rõ tên, địa chỉ tổ chức giao và tổ chức nhận chất ma túy; tên người giao, người nhận, giấy tờ tùy thân; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy giao nhận; thời gian, địa điểm giao nhận và cam kết việc giao nhận đầy đủ của người giao, người nhận.

Hoạt động vận chuyển chất ma túy theo quy định của Điều này phải được theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quá trình được cấp giấy phép đến khi hoàn thành việc vận chuyển

a) Tổ chức cần vận chuyển và tổ chức thực hiện vận chuyển phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, có biện pháp bảo vệ an toàn, không để bị thất thoát trong quá trình vận chuyển và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị Bộ đội Biên phòng, đơn vị Cảnh sát biển quản lý tuyến đường vận chuyển theo hành trình được cho phép phải bố trí lực lượng, phương tiện theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc vận chuyển theo đúng tuyến đường và nội dung ghi trong giấy phép. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng phát hiện thông báo ngay cho cơ quan cấp phép và phối hợp ngăn chặn xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy, tiền chất

Điều 13 Luật phòng chống ma túy 2021 quy định, hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát.

4.1. Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất

Hồ sơ đề nghị cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 105/2021/NĐ-CP, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cho phép nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu. Nội dung văn bản đề nghị nêu rõ thông tin về tên, địa chỉ cơ quan nghiên cứu; danh sách, vai trò của những người tham gia nghiên cứu; mục đích nghiên cứu; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức cung cấp chất ma túy, tiền chất và tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy, tiền chất đề nghị cho phép nghiên cứu; thời gian nghiên cứu; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển từ địa điểm cung cấp đến địa điểm bảo quản, nghiên cứu;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của cơ quan nghiên cứu;

c) Bản sao Kế hoạch nghiên cứu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Tài liệu chứng minh tính hợp pháp của chất đề nghị cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn và điều kiện bảo quản chất ma túy, tiền chất đề nghị cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp xử lý tồn dư chất ma túy, tiền chất trong quá trình nghiên cứu.

4.2. Trình tự, thủ tục cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất

Trình tự, thủ tục cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 105/2021/NĐ-CP như sau:

a) Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là cơ quan nghiên cứu) khi có nhu cầu nghiên cứu các chất ma túy, tiền chất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định này chuẩn bị hồ sơ đề nghị cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Công an hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định và thông báo cho phép bằng văn bản.

Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép có phiếu thông báo về việc chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung và thời gian hoàn thành. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung.

Trường hợp hết thời hạn yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ hoặc thông tin không thống nhất giữa văn bản đề nghị và tài liệu chứng minh tại các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ, cơ quan cấp phép không tiến hành giải quyết.

Nội dung văn bản cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất

Văn bản cho phép phải ghi rõ thông tin về tên, địa chỉ cơ quan nghiên cứu; tên gọi, mã CAS và mã HS, số lượng, hàm lượng chất ma túy, tiền chất được nghiên cứu; thời gian được phép nghiên cứu; thời gian, hành trình, phương tiện vận chuyển (trường hợp cần vận chuyển chất ma túy từ kho lưu trữ, bảo quản đến nơi tổ chức hoạt động nghiên cứu);

Văn bản cho phép được gửi cho cơ quan nghiên cứu, Công an tỉnh, thành phố nơi cơ quan nghiên cứu tiến hành bảo quản, nghiên cứu chất ma túy được cho phép.

4.3. Trình tự, thủ tục gia hạn cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất

Trình tự, thủ tục gia hạn cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất thực hiện như sau:

a) Trước khi hết thời hạn cho phép tối thiểu 03 ngày, cơ quan nghiên cứu gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn cho phép nghiên cứu, trong đó nêu rõ lý do, thời gian đề nghị gia hạn;

b) Cơ quan cấp phép có trách nhiệm xem xét và thông báo việc cho phép gia hạn hoặc không cho phép gia hạn (phải nêu rõ lý do) bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị;

c) Việc cho phép gia hạn thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này;

d) Không cho phép gia hạn nghiên cứu đối với các trường hợp thay đổi mục đích nghiên cứu, loại chất, hàm lượng, số lượng, biện pháp đảm bảo an toàn và điều kiện bảo quản chất ma túy, tiền chất đề nghị gia hạn cho phép nghiên cứu; kế hoạch, biện pháp xử lý tồn dư chất ma túy, tiền chất trong quá trình gia hạn cho phép nghiên cứu.

 Hoạt động nghiên cứu chất ma túy theo quy định của Điều này phải được theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ quá trình được cho phép đến khi hoàn thành nghiên cứu.

a) Cơ quan nghiên cứu phải thực hiện đúng nội dung theo văn bản cho phép và phải thông báo cho cơ quan cấp phép về việc hoàn thành nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, số lượng chất ma túy, tiền chất đã sử dụng; tồn dư chất ma túy, tiền chất và biện pháp, kết quả xử lý;

b) Công an tỉnh, thành phố nơi cơ quan nghiên cứu tiến hành bảo quản, nghiên cứu chất ma túy được cho phép bố trí lực lượng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, giao, nhận, bảo quản và sử dụng chất ma túy để nghiên cứu theo văn bản cho phép và quy định của pháp luật;

c) Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng Công an nơi phát hiện vi phạm thông báo ngay cho cơ quan cấp phép và phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group