Hiện nay, vấn đề quản trị công ty TNHH một thành viên là tổ chức chưa được thực sự quan tâm. Bởi vì, loại hình doanh nghiệp này chưa phổ biến so với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên là cá nhân. Sau ngày 01/7/2010 (thời điểm cuối cùng để chuyển đổi các DNNN), nếu các DNNN không tiến hành cổ phần hoá hoặc không chuyển đổi thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ trở thành công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Khi đó, quản trị công ty TNHH một thành viên là tổ chức trở thành vấn đề bức thiết và gay gắt nhất, không tìm hiểu kỹ có thể sẽ dẫn đến những sai lầm về quản trị.
>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức là một cá nhân do tổ chức là chủ sở hữu bổ nhiệm để kiểm soát các hoạt động của công ty nên vài trò của kiểm soát viên rất lớn. Ý nghĩa của việc quy định chức danh kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức vì chủ sở hữu là một thực thể pháp lý vô hình, không thể trực tiếp quản lý hay điều hành công ty nên phải có một người thay mặt chủ sở hữu kiểm soát các hoạt động của công ty cũng như giám sát những người quản lý, điều hành nhằm đảm bảo tài sản của chủ sở hữu không bị thất thoát.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 71), chủ sở hữu có thể bổ nhiệm một đến ba kiểm soát viên. Tuy nhiên, Luật lại không nói rõ trường hợp bổ nhiệm hai hoặc ba kiểm soát viên thì các kiểm soát viên này làm việc độc lập hay phải lập thành một tổ chức như kiểu “Ban kiểm soát” trong công ty cổ phần? Vì luật không quy định phải thành lập Ban Kiểm soát nên có thể hiểu mỗi kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức có địa vị pháp lý độc lập, tức là từng kiểm soát viên có các quyền và nghĩa vụ độc lập với nhau, trực tiếp báo cáo và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc kiểm soát của mình. Địa vị pháp lý này của kiểm soát viên khác với địa vị pháp lý của các thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần thực hiện việc kiểm soát thông qua tổ chức của họ là Ban kiểm soát.
Kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức có 4 nhóm nhiệm vụ: (i)kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của người quản lý, (ii)thẩm định các báo cáo, (iii)kiến nghị chủ sở hữu, (iv)nhiệm vụ khác do điều lệ quy định và theo yêu cầu, quyết định của chủ sở hữu. Để thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ này, kiểm soát viên có quyền xem xét bất cứ hồ sơ, tài liệu nào của công ty và yêu cầu người quản lý, điều hành công ty cung cấp kịp thời và đầy đủ.
So với điều kiện để trở thành thành viên Ban kiểm soát của công ty cổ phần, kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức có những đặc thù nhất định. Thành viên Ban kiểm soát của công ty cổ phần phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và từ 21 tuổi trở lên trong khi đó kiểm soát viên không bắt buộc phải ít nhất 21 tuổi mà chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (tức đủ 18 tuổi trở lên). Một khác biệt nữa là thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần không được giữ các chức vụ quản lý công ty nhưng kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức thì có thể kiêm nhiệm các chức vụ quản lý điều hành công ty vì Luật Doanh nghiệp không cấm việc kiêm nhiệm này trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức.
Một quyền quan trọng khác của kiểm soát viên trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức là tham gia biểu quyết thông qua các giao dịch tư lợi (thành viên Ban kiểm soát trong công ty cổ phần không có quyền này). Theo quy định của Điều 75 Luật Doanh nghiệp, khi có một giao dịch tư lợi (được giao kết giữa công ty với chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty, Giám đốc, Kiểm soát viên) thì phải được thành viên Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty, Giám đốc/ Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết. Và khi biểu quyết một giao dịch như vậy, người có liên quan không bị loại trừ quyền biểu quyết.
Những quy định trên về kiểm soát viên tạo ra một lỗ hổng rất lớn trong việc kiểm soát các giao dịch tư lợi trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức, tạo nguy cơ gây ra thất thoát tài sản của chủ sở hữu. Ví dụ: Chủ sở hữu cử 3 người đại diện làm thành viên Hội đồng thành viên, trong đó có một người vừa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty vừa làm Giám đốc vừa làm kiểm soát viên (một cơ cấu tổ chức như vậy không vi phạm vào điều cấm nào của Luật Doanh nghiệp về công ty TNHH một thành viên là tổ chức). Sau đó, công ty do cá nhân kiêm ba chức danh trên làm đại diện đã ký một hợp đồng với vợ của anh ta. Theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp thì hợp đồng này phải được thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết. Rắc rối xảy ra lúc này là: (i)cá nhân kiêm ba chức danh mặc dù có lợi ích trong hợp đồng nhưng lại không bị Luật Doanh nghiệp loại trừ quyền biểu quyết nên chắc chắn anh ta sẽ thông qua giao dịch có lợi cho vợ mình; (ii)cá nhân kiêm ba chức danh sẽ có một phiếu biểu quyết hay 3 phiếu biểu quyết, tức là phiếu biểu quyết tính theo chức danh hay theo cá nhân?
Như vậy, các vấn đề quản trị nói chung và vấn đề về kiểm soát viên nói riêng trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức cần phải được hướng dẫn chi tiết để làm minh bạch các vấn đề về quản trị, đảm bảo được lợi ích của công ty và lợi ích của chủ sở hữu không bị xâm hại. Đáng lẽ, Luật Doanh nghiệp phải tách bạch ba quyền quản lý, điều hành và kiểm soát trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức để đảm bảo công ty hoạt động hiệu quả và có sự giám sát kiểm tra. Nếu Luật Doanh nghiệp vẫn để ngỏ trường hợp ba quyền quản lý, điều hành và kiểm soát có thể rơi vào tay một cá nhân (vừa làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, kiểm soát viên) thì tài sản của chủ sở hữu rất dễ dàng bị thất thoát. Một vấn đề Luật Doanh nghiệp còn chưa quy định đó là khi biểu quyết thông qua các giao dịch tư lợi thì người có lợi ích liên quan đến giao dịch đó phải bị loại trừ quyền biểu quyết. Lỗ hổng này là một cơ hội cho những kẻ trục lợi rút ruột công ty.
Vào ngày 01/7/2010, thời hạn chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước kết thúc, đương nhiên các công ty nhà nước đồng loạt chuyển thành công ty TNHH một thành viên là tổ chức. Khi đó nhà nước là một chủ sở hữu vô hình của các công ty TNHH một thành viên, còn tài sản của nhà nước lại được giao cho một số ít người quản lý trong bối cảnh pháp luật còn nhiều lỗ hổng để cho những người quản lý đó xâm hại đến tài sản của nhà nước. Thiết nghĩ, cần phải hoàn thiện hơn nữa mô hình công ty TNHH một thành viên là tổ chức để đảm bảo các tài sản công không dịch chuyển một cách không chính đáng sang tư nhân. Trước mắt, cần phải hướng dẫn cụ thể trong một nghị định việc biểu quyết thông qua các giao dịch tư lợi trong công ty TNHH một thành viên là tổ chức. Ngăn chặn một cách triệt để tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý công ty. Về lâu dài, cần phải sửa Luật Doanh nghiệp để khắc phục triệt để hơn những “lỗ hổng” đang tồn tại hiện nay.
SOURCE: NHÀ QUẢN LÝ – LG. CAO BÁ KHOÁT – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự
Trích dẫn từ:http://nhaquanly.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)