Căn cứ pháp lý:

– Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013;

– Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013;

Luật Quản lý thuế năm 2019;

– Nghị đinh số 125/2020/NĐ-CP.

1. Kiểm tra thuế là gì?

Cơ quan quản lý thuế là cơ quan được Nhà nước trao thẩm quyền để giải quyết, quản lý các vấn đề liên quan đến thuế: nộp thuế, hoàn thuế, tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế,… với nhiệm vụ đảm bảo công tác quản lý tốt, tránh thất thu nguồn ngân sách Nhà nước từ thuế.  

Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

2. Về phía đối tượng nộp thuế

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện quyết toán với cơ quan thuế căn cứ heo Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Điều 15 Luật thuế GTGT và các Luật thuế, Pháp luật thuế hiện hành 

– Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện quyết toán với cơ quan thuế:

Cơ sở kinh doanh phải thực hiện tự quyết toán thuế hàng năm; và quyết toán thuế trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản với cơ quan thuế; và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác; trung thực của tờ khai quyết toán thuế của mình.

Trong thời hạn 60 ngày (đối với thuế GTGT); 90 ngày (đối với thuế TNDN) kể từ khi kết thúc năm dương lịch và 45 ngày kể từ ngày có quyết định sáp nhập; hợp nhất; chia tách; giải thể; phá sản; chuyển đổi sở hữu; giao bán khoán; cho thuê doanh nghiệp nhà nước thì cơ sở kinh doanh phải nộp quyết toán thuế; và báo cáo kế toán năm cho cơ quan thuế; và phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 ngày; kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán; nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

– Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế:

+ Lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật; hồ sơ hoàn thuế phải kê khai đúng; trung thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai.

+ Bổ sung hoặc giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế trong trường hợp hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ.

+ Lưu giữ đầy đủ tại cơ sở các hồ sơ khác liên quan đến hoàn thuế, khấu trừ thuế; cung cấp đầy đủ hoá đơn, chứng từ và hồ sơ có liên quan làm cơ sở xác định số thuế GTGT được hoàn; khi cơ quan thuế yêu cầu thanh tra hoàn thuế tại cơ sở.

Doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có quyền:

– Từ chối việc thanh tra, kiểm tra khi không có quyết định

– Kiến nghị, giải trình về những nội dung thanh tra, kiểm tra.

– Được nhận kết luận thanh tra, kiểm tra.

– Khiếu nại, tố cáo theo qui định của pháp luật về các việc làm trái pháp luật; trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.

3. Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thuế về thanh tra, kiểm tra

3.1 Quyền hạn trách nhiệm của cơ quan Thuế

Kiểm tra, thanh tra việc kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật

3.2 Thực hiện thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế tại cơ sở kinh doanh

– Thông báo quyết định thanh tra, kiểm tra

Quyết định thanh tra, kiểm tra phải được thông báo cho cơ sở kinh doanh ít nhất 7 ngày (đối với thanh tra) và ít nhất 3 ngày (đối với kiểm tra) trước khi tiến hành kiểm tra, thanh tra trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra bất thường khi có vi phạm pháp luật xảy ra.

– Thời hạn thanh tra, kiểm tra

Thời hạn mỗi cuộc thanh tra tối đa là 30 ngày, mỗi cuộc kiểm tra tối đa là 5 ngày; kể từ ngày công bố quyết định thanh tra kiểm tra tại doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt có thể gia hạn; thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra.

– Thực hiện quyết định thanh tra, kiểm tra: Đoàn thanh tra; kiểm tra phải thực hiện đúng yêu cầu, nội dung, thời hạn đã ghi trong quyết định thanh tra, kiểm tra.

 – Kết thúc thanh tra, kiểm tra

– Đối với kiểm tra: Chậm nhất là 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định kiểm tra; cơ quan thuế phải có văn bản kết luận về những nội dung đã kiểm tra; và gửi cho doanh nghiệp được kiểm tra.

– Đối với thanh tra: trong thời hạn quy định về thanh tra; Đoàn thanh tra phải công bố dự thảo kết luận thanh tra. Chậm nhất 20 ngày kể từ ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra; Đoàn thanh tra phải có văn bản kết luận chính thức những nội dung đã thanh tra; và gửi cho doanh nghiệp được thanh tra.

4. Những hoá đơn chứng từ nào cơ quan thuế sẽ kiểm tra doanh nghiệp? 

4.1. Thuế giái trị gia tăng

– Thường được bắt đầu bằng công đoạn kiểm tra hoá đơn theo báo cáo thuế. Do vậy cần sắp xếp hóa đơn GTGT đầu ra đầu vào bản gốc kèm theo các tờ khai

– Cần phải kiểm tra lại tất cả các hóa đơn đã kê khai nhưng có vấn đề photo ra một bản, lập bảng kê để riêng ra

– Các hóa đơn bị mất bản gốc, chỉ có bản photo cần chuẩn bị kèm theo các công văn báo mất đã gửi cơ quan thuế

– Các hóa đơn đầu ra hủy cần pho to kèm với biên bản hủy để riêng ra

– Các hoá đơn mua hàng có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng trở lên bạn nên có bản sao chứng từ thanh toán kèm theo để đỡ mất công mỗi lần cán bộ thuế hỏi lại phải đi tìm trong đống sổ phụ ngân hàng

– Nhân viên thuế thường sẽ đòi 1 file excel tổng hợp tất cả các báo cáo thuế cho họ. Nên tốt nhất mình lập sẵn một file Excel tổng hợp đó khi họ cần cung cấp được luôn

4.2. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN là loại thuế mà liên quan đến toàn bộ hệ thống tài chính kế toán của doanh nghiệp, nên hồ sơ của loại thuế này chính là toàn bộ sổ sách kế toán, tài liệu kế toán của doanh nghiệp.

Ngoài các hồ sơ tài liệu đã chuẩn bị cho các loại thuế trên, thì bộ hồ sơ thuế TNDN cần chuẩn bị:

– Sổ sách kế toán đã in, ký, đóng dấu của doanh nghiệp…

– Chứng từ photo kẹp với phiếu chi, phiếu thu, phiếu nhập, phiếu xuất, phiếu kế toán.

– Bảng tính giá thành dịch vụ, hàng hóa gia công sản xuất

– Hợp đồng mua bán

– Hồ sơ tài sản cố địn

– Hồ sơ ngân hàng

– Các quyết định lương, quyết định khấu hao, quyết định thôi khấu hao

– Bảng tính khấu hao, bảng phân bổ chi phí, bảng phân bổ doanh th

– Biên bản hủy hàng hỏng, biên bản kiêm kê kho, biên bản kiểm kê quỹ, nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành…

– Tờ trình về các công việc, kế hoạch chi tiêu năm…

– Đối chiếu công nợ, xác nhận số dư ngân hàng, các quyết định xử lý công nợ, công văn đòi nợ từng lần

– Hồ sơ pháp lý công ty.

4.3. Thuế xuất, nhập khẩu

Những loại thuế này liên quan đến các hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài, do vậy hồ sơ chuẩn bị cần phải để ý đến việc dịch thuật các tài liệu là tiếng Anh để tránh việc thuế hạch sách bắt đi dịch lúc đó rất mất thời gian.

Hồ sơ chuẩn bị để cán bộ thuế kiểm tra bao gồm:

– Các hợp đồng ngoại bản Tiếng Anh và tiếng Việt, nếu có dịch công chứng là tốt nhất.

– Hồ sơ tài liệu liên quan đến các mặt hàng xuất nhập khẩu như: CO, Quanlity,. . .

– Tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu.

– Chứng từ nộp thuế

– Chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng (photo)

– Các tài liệu khác có liên quan.

4.4. Thuế thu nhập cá nhân

– Hợp đồng lao động (để xem xét việc trả lương Gross hay là lương Net

– Bảng lương và các chứng từ thanh toán lương kèm sẵn một file excel tổng hợp loại thuế này chuyển cho họ.

– Thẻ lương nhân viên

– Các biên lai khấu trừ thuế cho các lao động không ký hợp đồng

– Các chứng từ liên quan đến đăng ký giảm trừ gia cảnh, giấy chứng nhận người phụ thuộc không có thu nhập, các bản sao giấy khai sinh. . .

– Bản sao công chứng hộ chiếu, visa của các cá nhân người nước ngoài.

– Các ủy quyền quyết toán thuế của các lao động quyết toán thuế tại doanh nghiệp.

– Các giấy tờ khác liên quan.

5. Xử Lý kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm khi kiểm tra thuế

Căn cứ Điều 108 Luật quản lý thuế 2019 có hiệu lực ngày 01/7/2020 quy định việc xử lý kết quả kiểm tra, thanh tra thuế như sau:

– Căn cứ vào kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý về thuế, thu hồi số tiền thuế đã hoàn không đúng quy định của pháp luật về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính.

– Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế được quy định tại Điều 15 Nghị đinh số 125/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 15. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không nhận quyết định thanh tra, kiểm tra thuế, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế khi được cơ quan thuế giao, gửi theo quy định của pháp luật;

b) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế quá thời hạn 03 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;

d) Cung cấp không đầy đủ, chính xác về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

đ) Không ký biên bản kiểm tra, thanh tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập hoặc ngày công bố công khai biên bản.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định niêm phong hồ sơ tài liệu, kết quỹ, kho hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, nhà xưởng;

c) Tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, theo Điều 108 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.