1. Kinh doanh bất động sản là gì?
Bất động sản hay còn gọi là địa ốc hay nhà đất là một thuật ngữ pháp luật có ý nghĩa bao gồm đất đai và những gì dính liền vĩnh viễn với mảnh đất. Những thứ được xem là dính liền vĩnh viễn như là nhà cửa, ga ra, kiến trúc ở trên hoặc dầu khí, mỏ khoáng chất ở dưới mảnh đất đó.
Kinh doanh bất động sản có thể hiểu đó là việc đầu tư một số vốn nhất định vào một bất động sản nào đó với mục đích là để sinh lợi nhuận. Các hoạt động đầu tư bất động sản nhằm sinh lời bao gồm việc mua, bán, xây dựng để cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng hoặc tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch bất động sản, thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn hoặc quản lý bất động sản.
Ngoài ra, Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản 2014, kinh doanh bất động sản có những nguyên tắc sau:
– Mọi hoạt động kinh doanh bất động sản đều được bình đẳng trước pháp luật; các bên được tự do thỏa thuận thông qua hợp đồng dựa trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau và không trái quy định của pháp luật.
– Bất động sản đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
– Kinh doanh bất động sản phải thực hiện công khai, minh bạch và trung thực.
– Cá nhân, tổ chức có quyền kinh doanh bất động sản ngoài phạm vi bảo vệ quốc phòng, an ninh theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh
Căn cứ Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, các loại bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản (sau đây gọi là bất động sản) bao gồm:
– Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân;
– Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân;
– Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;
– Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.
3. Điều kiện kinh doanh bất động sản
3.1. Điều kiện để nhà ở được đưa vào kinh doanh bất động sản
– Đối với nhà ở có sẵn
Cũng giống như điều kiện để nhà ở tham gia vào giao dịch, để nhà ở được đưa vào kinh doanh bất động sản cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
Thứ nhất, có đăng ký quyền ở hữu nhà gắn liền với đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với nhà có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
Thứ hai, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;
Thứ ba, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Đối với nhà ở hình thành trong tương lai
Điều kiện để đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
Thứ nhất, có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó;
Thứ hai, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.
3.2. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản
Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
Thứ nhất, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng;
Thứ hai, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bấn, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định trên được liệt kê tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP bao gồm:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất).
Tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng do phá sản, giải thể, chia tách.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC), công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức, cá nhân khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản, bán nhà, công trình xây dựng đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng để xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Các cơ quan, tổ chức khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình.
4. Nội dung hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà
Các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản bao gồm:
– Hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng;
– Hợp đồng cho thuê nhà, công trình xây dựng;
– Hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng;
– Hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất;
– Hợp đồng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản.
Lưu ý: Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, không có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên ký kết hợp đồng.
Căn cứ Điều 18 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, nội dung của hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở bao gồm:
– Tên, địa chỉ của các bên;
– Các thông tin về bất động sản;
– Giá mua bán, cho thuê, cho thuê mua;
– Nội dung này được quy định tại Điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau: giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp nhà nước có quy định về giá thì phải thực hiện theo quy định đó.
– Phương thức và thời hạn thanh toán: Thanh toán trong giao dịch bất động sản quy định tại Điều 16 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
+ Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán.
+ Việc phạt và bồi thường thiệt hại do bên mua, bên nhận chuyển nhượng, bên thuê, bên thuê mua chậm tiến độ thanh toán hoặc bên bán, bên chuyển nhượng, bên cho thuê, bên cho thuê mua chậm tiến độ bàn giao bất động sản do các bên thỏa thuận và phải được ghi rõ trong hợp đồng.
+ Thời hạn giao, nhận bất động sản và hồ sơ kèm theo;
+ Bảo hành;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
+ Phạt vi phạm hợp đồng;
+ Các trường hợp chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp xử lý;
+ Giải quyết tranh chấp;
+ Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
5. Các hành vi bị cấm khi kinh doanh bất động sản
– Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.
– Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản.
– Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản.
– Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
– Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định.
– Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.