Kinh nghiệm quốc tế
Theo quy định, mọi nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này phải áp dụng ít nhất 3 trong 9 nhánh chế độ nêu trên và một trong 3 nhánh ít nhất phải có các chế độ hoặc bảo hiểm thất nghiệp, hoặc là bảo hiểm tuổi già, hoặc là chế độ TNLĐ & BNN, hoặc chế độ mất sức lao động (MSLĐ) (tàn tật), hoặc chế độ tuất. Nói cách khác một nước được coi là có hệ thống BHXH phải hội đủ tối thiểu 3 trong 9 nhánh chế độ nêu trên. Theo quy định này, chế độ MSLĐ được coi là một trong những nhánh chế độ thuộc diện “ưu tiên”.
Theo quy định của ILO, mất sức lao động vĩnh viễn thường là đối với những người mất từ 2/3 trở lên khả năng kiếm thu nhập.
Để được hưởng trợ cấp MSLĐ thì người bị MSLĐ phải được hội đồng giám định y khoa xác định tỷ lệ mất khả năng lao động.
Phải có thời gian đóng BHXH nhất định. Thời gian định lượng có thể chỉ là 5 năm bảo hiểm hoặc có thể là 5 năm trong đó 3 năm bảo hiểm của 5 năm cuối cùng.
Tỷ lệ hưởng chế độ dài hạn được xác định bằng công thức hưởng chế độ hưu trí. Tiêu chuẩn tối thiểu của ILO là 40% thu nhập trước đây của một người đàn ông có vợ và 2 con. Một số hệ thống bảo hiểm chấp nhận mất sức từng phần đối với những người mất từ 1/3 trở lên khả năng kiếm thu nhập.
Trong thực tế, ở hầu hết các nước có hệ thống BHXH đều thực hiện chế độ MSLĐ, đặc biệt ở tất cả các nước phát triển và các nước ở cộng đồng châu Âu đều thực hiện chế độ MSLĐ. Điều này cho thấy, việc thực hiện chế độ MSLĐ là một nhu cầu tất yếu khách quan của cuộc sống hiện đại. Trong các hoạt động sản xuất cũng như trong hoạt động sống, có những trường hợp do một nhân tố nội tại hoặc ngoại cảnh nào đó, họ bị tàn tật hoặc đơn giản làm cho sức lao động bị suy giảm và khi đó thu nhập từ họat động nghề nghiệp của họ bị giảm sút hoặc mất hẳn. Khi đó họ cần được bảo vệ thông qua hệ thống BHXH.
Ở đây cần có sự phân biệt MSLĐ (tàn tật) với bị TNLĐ hoặc BNN dẫn tới MSLĐ. Về bản chất hai phạm trù này là như nhau, đó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động, dẫn đến hậu quả là suy giảm thu nhập. Tuy nhiên, về hình thức lại khác nhau. MSLĐ do bị TNLĐ hoặc BNN có liên quan trực tiếp đến quá trình lao động và là hậu quả trực tiếp từ quá trình lao động. Còn MSLĐ (tàn tật) thì có thể do hậu quả của quá trình lao động hoặc đơn thuần chỉ do các yếu tố ngoại cảnh hoặc nội tại bản thân gây ra. Vì vậy, chúng được xếp vào hai nhóm chế độ riêng. Điều này rõ hơn ở những nước thực hiện BHXH cho toàn dân. Đối với những nước này, những người bị tàn tật bẩm sinh, bị tàn tật do bị tai nạn thông thường (không phải tai nạn lao động) cũng thuộc đối tượng được hưởng chế độ MSLĐ. Như vậy, có thể thấy, đối tượng thuộc diện áp dụng chế độ MSLĐ rất rộng bao gồm người đang lao động hoặc những người không thuộc lực lượng lao động.
Tuy nhiên, để được hưởng trợ cấp MSLĐ, các nước có những quy định khác nhau. Có thể nêu một số nhóm nước điển hình ở các châu lục như sau:
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động qua điện thoại (24/7)gọi: 1900.0191
Châu Úc
Châu Úc (cụ thể là nước Úc là nước chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống BHXH châu Âu, đặc biệt là của nước Anh. Tuy nhiên, đối với chế độ MSLĐ họ có những quy định như sau:
Về đối tượng: tất cả những người tuổi từ 16 – 65 (đối với nam giới) và từ 16 – 60 (đối với nữ giới) đều là đối tượng áp dụng của chế độ MSLĐ.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: chỉ đáp ứng được 20% khả năng làm việc và thu nhập do các suy giảm về thể lực hoặc trí lực (thần kinh) hoặc những người bị mù lòa.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ tương đương với trợ cấp hưu, tối đa là A$160.80/tuần (đối với người độc thân) và A$ 268.20 (đối với người có vợ/chồng). Đối với những người trẻ dưới 21 tuổi, ngoài trợ cấp trên, còn được trợ cấp bổ sung là A$ 34.15/tuần.
Châu Á
Nhiều nước châu Á thực hiện chế độ MSLĐ, nhưng cũng có những quy định khác nhau. Chẳng hạn:
Iran: Iran thực hiện BHXH từ những năm 1953, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: tất cả những người tàn tật toàn phần hoặc một phần.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: những người tàn tật toàn phần, mất 2/3 trở lên khả năng kiếm được thu nhập hoặc những người tàn tật một phần, mất 1/3 trở lên khả năng kiếm được thu nhập.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 3.3% thu nhập bình quân trong hai năm cuối nhân với tổng số năm đóng BHXH (đối với người tàn tật toàn phần), mức tối thiểu là 50% thu nhập, nhưng không thấp hơn 116,820 rials/tháng (tương đương mức lương tối thiểu cho người lao động không có nghề). Trợ cấp MSLĐ tối đa bằng 100% thu nhập và có thể đạt tới 423,000 rials/tháng. Đối với những người bị MSLĐ một phần, tỷ lệ hưởng bằng 33% đến 66% mức trợ cấp của người bị MSLĐ toàn phần, tùy theo mức độ suy giảm KNLĐ.
Trung Quốc:
Trung Quốc thực hiện BHXH từ những năm 1951 và đã qua nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi. Chế độ MSLĐ cũng được thực hiện từ thời gian này.
Về đối tượng: là những người lao động làm việc có ký hợp đồng trong các loaị hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Ở một vài địa phương, lao động trong các hợp tác xã cũng thuộc đối tượng của chế độ MSLĐ.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: mất toàn bộ khả năng lao động hoặc những người bị suy giảm khả năng lao động phải nghỉ việc sớm..
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 40% mức lương chuẩn do Nhà nước quy định, tối thiểu bằng 50 yuan/tháng (hiện nay đã có điều chỉnh tăng lên). Ngoài ra, đối với những người bị tàn tật toàn phần, còn được hưởng trợ cấp bằng hai tháng tiền lương chuẩn.
Philippines:
Philippines thực hiện BHXH từ những năm 1954, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: là những người lao động làm việc trong các loaị hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và cả những công dân Phippines làm việc ở nước ngoài, những nông dân tự làm và cả ngư dân
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: những người MSLĐ và đã có thời gian đóng BHXH từ 36 tháng trở lên.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ nhưng thấp hơn lương hưu của những người nghỉ hưu. Trợ cấp MSLĐ thấp nhất bằng 1,000 pesos/tháng nếu có thời gian đóng BHXH từ 120 tháng trở lên hoặc bằng 40% tiền lương bình quân tích lũy được hàng tháng.
Đối với những người bị tàn tật một phần, mức trợ cấp như đối với người bị tàn tật toàn phần, nhưng thời gian hưởng trợ cấp ngắn hơn, phụ thuộc vào tỷ lệ suy giảm KNLĐ.
Ngoài ra, người bị MSLĐ còn được hưởng trợ cấp 1 lần tương đương 35 tháng lương hưu (đối với người tàn tật toàn phần)..
Châu Âu
Châu Âu được coi là cái nôi của BHXH và hầu hết các nước châu Âu đều thực hiện chế độ MSLĐ. Tuy nhiên, quy định của từng nước có những khác biệt. Cụ thể:
Cộng hòa Liên bang Đức:
Đức thực hiện BHXH từ những năm 1889, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: là những người lao động làm việc trong các loaị hình doanh nghiệp, những lao động tự làm và cả những nông dân và người lao động trong khu vực kinh tế công.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: những người mất bất kỳ khả năng hoạt động nào, những người bị MSLĐ do nghề nghiệp bị mất 50% khả năng kiếm được thu nhập từ nghề nghiệp và đã có thời gian đóng BHXH tổng cộng là 60 tháng trở lên, trong đó phải có 36 tháng đóng BHXH trong 5 năm cuối.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ nhưng thấp hơn lương hưu của những người nghỉ hưu (bằng 0.667 mức lương hưu). Tiền lương hưu ở Đức được tính trên cơ sở số điểm tích lũy, nhân với tiền lương bình quân cả thời kỳ đóng BHXH.
Cộng hòa Pháp:
Pháp thực hiện BHXH từ những năm 1910, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: là những người lao động làm công ăn lương (cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước), những lao động tự làm và cả những nông dân, ngư dân.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: những người dưới 60 tuổi bi mất toàn bộ khả năng lao động (tàn tật toàn bộ) hoặc 2/3 khả năng kiếm thu nhập (tàn tật một phần), đã đóng BHXH 12 tháng trước khi bị MSLĐ và có 800 giờ làm việc trong vòng 12 tháng cuối, trong đó có 200 giờ trong 3 tháng đầu của 12 tháng này.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 50% thu nhập bình quân của những tháng cao nhất trong của 10 năm cuối (đối với tàn tật toàn bộ). Trợ cấp MSLĐ thấp nhất bằng 16,527 francs/năm và cao nhất bằng 77,580 francs/năm. Đối với tàn tật một phần, mức trợ cấp bằng 30% tiền lương, cao nhất bằng 46,548 francs/năm. Đối với những người có thu nhập thấp, ngoài các khoản trợ cấp MSLĐ nêu trên còn được trợ cấp 16,010 francs/năm.
Châu Mỹ
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ:
Mỹ thực hiện BHXH từ năm 1935, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: là những người lao động làm việc trong các loaị hình doanh nghiệp, những lao động tự làm. Tuy nhiên, những đối tượng sau không thuộc diện áp dụng, đó là lao động tại gia đình, lao động nông nghiệp là những lao động tự làm có mức thu nhập thuần dưới 400 USD/năm.
Mỹ thực hiện chế độ riêng đối với một số nghề như công nhân ngành đường sắt và lao động làm việc trong các cơ quan của Chính phủ (liên bang và bang).
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: những người mất bất kỳ khả năng hoạt động nào, gồm cả những người bị nặng được dự đoán có thể bị chết, những người này đã có thời gian đóng BHXH tổng cộng là 1 quý mỗi năm từ năm 21 tuổi cho đến khi bị MSLĐ; tối đa là 40 quý; hoặc đã có 20 quý đóng BHXH trong vòng 10 năm trước khi bị MSLĐ.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng mức lương cơ bản bình quân . Mức này được điều chỉnh tự động khi các chỉ số giá sinh hoạt thay đổi. Đối với những người bị MSLĐ sau năm 1981 (năm có sự điều chỉnh chính sách) thì không quy định mức trợ cấp tối thiểu. Trợ cấp tối đa là 1293 USD/tháng cho những người bị MSLĐ từ năm 1995. Ngoài ra, những người sống phụ thuộc vào người bị MSLĐ còn được trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp của người thụ hưởng MSLĐ (bao gồm vợ/chồng từ 65 tuổi trở lên; vợ/chồng đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc con bị tàn tậ; những người con dưới 18 tuổi hoặc từ 18-19 tuổi nhưng đang học trung học cơ sở hoặc THPT). Loại trợ cấp này tối đa bằng 100% đến 150% mức trợ cấp cơ bản của người MSLĐ.
Canada:
Canada thực hiện BHXH từ năm 1927, nhưng chế độ MSLĐ được thực hiện từ năm 1955.
Về đối tượng: Tất cả công dân Canada được bảo hiểm (nhân thọ), nhưng không áp dụng cho những người có thu nhập cao. Đối với những người làm công ăn lương mới thuộc đối tượng áp dung chế độ MSLĐ từ BHXH.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: đối với những người làm công ăn lương phải có độ tuổi dưới 60 và bị mất toàn bộ hoặc một phần KNLĐ và phải có tối thiểu 2 – 3 năm cuối đóng BHXH trước khi bị MSLĐ hoặc 5 năm trong vòng 10 năm.
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 318,26 CD/tháng cộng với 75% của mức lương hưu chung. Mức trợ cấp tối đa là 853,15 CD/tháng. Ngoài ra người bị MSLĐ còn được trợ cấp cho con dưới 18 tuổi (dưới 25 tuổi nếu là sinh viên) với mức 161,27 CD/tháng cho mỗi con.
Các mức trợ cấp MSLĐ, bao gồm cả trợ cấp cho người phụ thuộc được điều chỉnh tự động khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi.
Châu Phi
Ma rốc:
Ma rốc thực hiện BHXH từ năm 1959, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: Là những người lao động trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và lao động trong các hợp tác xã. Lao động tự làm không thuộc đối tượng áp dụng chế độ này. Có chương trình bảo hiểm riêng đối với công chức nhà nước và một số nhóm đặc thù.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: phải mất toàn bộ khả năng kiếm sống (có thu nhập) và phải có tối thiểu 1080 ngày đóng BHXH, trong đó có 108 ngày đóng ở năm cuối trước khi bị MSLĐ. Nếu bị tai nạn nghề nghiệp thì hưởng chế độ khác (chế độ TNLĐ).
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 50% mức thu nhập bình quân của 5 năm cuối trước khi bị MSLĐ nếu đã có từ 1080 ngày đến 3240 ngày đóng BHXH, cộng với 1% của mức tiền lương của 216 ngày đóng BHXH trong tổng số 3240 ngày. Mức trợ cấp tối đa bằng 70% tiền lương bình quân. Ngoài ra còn được mức trợ cấp cố định cho tất cả mọi người bị MSLĐ bằng 10% tiền lương.
Các mức trợ cấp MSLĐ nêu trên được điều chỉnh khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi.
Tuynidi:
Tuynidi, thực hiện BHXH từ năm 1960, trong đó có chế độ MSLĐ.
Về đối tượng: Là những người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân, ngư dân và lao động nông nghiệp. Cả những lao động làm việc ở nước ngoài nhưng không thuôc diện đối tượng BHXH của nước sở tại cũng được áp dụng chế độ MSLĐ. Công chức nhà nước có chương trình bảo hiểm riêng.
Điều kiện để được hưởng trợ cấp MSLĐ: phải mất tối thiểu 2/3 khả năng kiếm sống (có thu nhập) và phải có tối thiểu 60 tháng đóng BHXH. Nếu bị tai nạn nghề nghiệp thì hưởng chế độ khác (chế độ TNLĐ).
Về trợ cấp MSLĐ: những người thuộc đối tượng nêu trên, khi bị MSLĐ được hưởng trợ cấp MSLĐ bằng 50% mức thu nhập bình quân của 3- 5 năm cuối trước khi bị MSLĐ, cộng với 0,5% của mức tiền lương của 180 tháng đóng BHXH cho 3 tháng. Mức trợ cấp tối đa bằng 80% tiền lương bình quân, nhưng không cao hơn 6 lần mức tiền lương tối thiểu. Mức trợ cấp tối thiểu bằng 2/3 mức lương tối thiểu. Ngoài ra, người phụ thuộc của người bị MSLĐ được còn được mức trợ cấp bằng 20% mức trợ cấp của người thụ hưởng.
Khả năng áp dụng cho Việt Nam
Trước khi có Luật lao động và Luật BHXH, chế độ mất sức lao động là một trong 6 chế độ BHXH đã được thực hiện ở Việt Nam (theo nghị định 218/CP của Chính phủ và được thực hiện từ đầu năm 1962). Chế độ MSLĐ được áp dụng đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan nhà nước. Do điều kiện chiến tranh và điều kiện lao động chưa tốt nên chế độ MSLĐ đã có những tác dụng nhất định. Nhưng dần dần, qua quá trình sửa đổi và thực hiện, chế độ này đã mất đi mục đích ban đầu của nó và bị lạm dụng. Chế độ MSLĐ đã bị sử dụng không đúng mục đích, là chỗ để tinh giảm biên chế. Việc giám định sức khỏe trước khi hưởng chế độ rất tùy tiện và không đúng với thực tế suy giảm khả năng lao động của công nhân viên chức. Hậu quả là trong số những người nghỉ mất sức chỉ có khoảng 30-35% thực tế mất khả năng lao động và số người thực sự khỏe mạnh nhưng vẫn được coi là MSLĐ cũng chiếm đến 30%.
Mặc dù chế độ MSLĐ đến nay không thực hiện nữa nhưng theo chúng tôi, không phải là không cần thiết mà là do quá trình thực hiện không tuân thủ những quy định. Đến nay, theo chúng tôi, chế độ này cần được khôi phục lại.
Qua kinh nghiệm của các nước có thể thấy việc thực hiện chế độ MSLĐ là rất cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH nhưng bị những rủi ro không liên quan trực tiếp đến quá trình lao động. Việc quan trọng trong quá trình thực hiện chế độ này là phải có hệ thống y tế xác định sự suy giảm khả năng lao động của người muốn được hưởng trợ cấp MSLĐ. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số điểm sau:
Về đối tượng: có thể là toàn bộ người lao động. Trước mắt là những đối tượng đang áp dụng BHXH bắt buộc. Khi có điều kiện, có thể mở rộng cho cả những đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Về độ tuổi: thông thường được xác định trong độ tuổi lao động (trước 55 đối với nữ và trước 60 tuổi đối với nam giới). Ở những nước thực hiện BHXH toàn dân thì không quy đinh độ tuổi.
Về thời gian đóng góp BHXH: Đại đa số các nước đều quy định, để được hưởng trợ cấp MSLĐ, người thụ hưởng phải có thời gian nhất định đóng BHXH trong một số năm lao động nào đó (hoặc là liên tục, hoặc là cộng dồn hoặc là 5 năm cuối).
Về trợ cấp BHXH: đa số các nước thực hiện trợ cấp MSLĐ trên cơ sở bằng một tỷ lệ nào đó so với tiền lương hoặc thu nhập trước đó của người bị MSLĐ. Có những nước tính toán dựa trên mức lương hưu hoặc dựa trên mức lương chuẩn quốc gia. Ngoài trợ cấp hàng tháng, một số nước có quy định trợ cấp một lần hoặc trợ cấp gia cảnh.
Tài liệu tham khảo
Công ước 102 của ILO;
Social security Programs Throughout the world, 1995, 2005.
Mạc Văn Tiến – An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, nhà xuất bản Lao động – Xã hội, 2005.
SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 1 (121) NĂM 2009 – PGS.TS. MẠC VĂN TIẾN