Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 05/2019/NĐ-CP
2. Kiểm toán nội bộ là gì?
Theo Viện Kiểm toán nội bộ (IIA) thì Kiểm toán nội bộ là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó. Giúp tổ chức đạt được mục tiêu, bằng việc đánh giá và cải tiến một cách có hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro”…
3. Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ
3.1. Hoa Kỳ
Trước năm 2001, các doanh nghiệp Hoa Kỳ không bắt buộc phải thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của một số tập đoàn kinh tế lớn, Đạo luật Sarbanes Oxley được ban hành, các DN niêm yết phải duy trì chức năng kiểm toán nội bộ, thiết lập Ủy ban kiểm toán (UBKT) thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT) và phải báo cáo về kiểm soát nội bộ trong báo cáo hàng năm. Do đó, số lượng DN của Hoa Kỳ có chức năng kiểm toán nội bộ ngày càng tăng. Trong DN, kiểm toán nội bộ trực thuộc và báo cáo trực tiếp cho HĐQT.
Kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) do UBKT tuyển dụng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban này. Kiểm toán nội bộ có đủ quyền hạn, đảm bảo tính độc lập và được trao đổi thông tin với UBKT thường xuyên. KTVNB có thể hoàn toàn từ nội bộ hoặc thuê ngoài từ các hãng kiểm toán độc lập. Hầu hết KTVNB tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Chứng chỉ KTVNB được cấp bởi Viện KTVNB (IIA) là yêu cầu bắt buộc. Nội dung kiểm toán nội bộ đã mở rộng sang kiểm toán quản lý, ưu tiên kiểm toán hoạt động kiểm soát, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp (QTDN). Chuẩn mực của IIA yêu cầu thực hiện đánh giá chất lượng chương trình, đánh giá nội bộ ít nhất 5 năm một lần (Nguyễn Thị Hồng Thúy, 2013).
3.2. Anh
Tại Anh, kiểm toán nội bộ chưa phải là yêu cầu bắt buộc, các công ty niêm yết có thể tự nguyện lựa chọn sử dụng chức năng kiểm toán nội bộ. Quy tắc kết hợp trong quản trị DN của Anh yêu cầu UBKT của các công ty niêm yết phải nêu rõ trong báo cáo thường niên về lý do nếu không có chức năng kiểm toán nội bộ và cân nhắc việc sử dụng chức năng này trong năm kế tiếp. Anh khuyến khích chia sẻ quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn thực hành chuyên nghiệp về kiểm toán nội bộ do IIA ban hành. Các công ty lớn phải có UBKT độc lập hoàn toàn, các công ty nhỏ phải có ít nhất 2 thành viên UBKT độc lập và mỗi UBKT phải có ít nhất một thành viên có kinh nghiệm thực tiễn về tài chính hoặc có liên quan (Ismael, 2018).
3.3. Pháp
Năm 1960, kiểm toán nội bộ chính thức xuất hiện ở Pháp. Năm 1965, Hội KTVNB Pháp thành lập và đã có chuẩn mực kiểm toán nội bộ. Chính phủ Pháp không can thiệp trực tiếp vào việc thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ của DN. Kiểm toán nội bộ tham gia chủ yếu vào các hoạt động quản trị DN, trong đó, vai trò đảm bảo mạnh hơn với trọng tâm là các cam kết đảm bảo về việc đánh giá kiểm soát nội bộ và kiểm toán tuân thủ. Đối với cam kết tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra lời khuyên và tham gia vào các dự án hay kiểm toán việc thực hiện pháp luật và các quy định mới. Định kỳ, kiểm toán nội bộ tham gia họp với UBKT. Đa số các kế hoạch kiểm toán nội bộ dựa trên đánh giá rủi ro và Điều lệ kiểm toán nội bộ được phê duyệt bởi lãnh đạo cấp cao và UBKT.
3.4. Italia
Bộ luật Preda năm 2001 yêu cầu các công ty niêm yết phải thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ được khuyến nghị không bắt buộc. Chức năng tư vấn của kiểm toán nội bộ được chú trọng hơn với nội dung xoay quanh vấn đề quản trị DN và quản lý rủi ro. Các DN của Italia tiếp cận kiểm toán nội bộ theo 1 trong 3 phương pháp: Tiếp cận truyền thống, tiếp cận theo định hướng rủi ro và tiếp cận rủi ro kết hợp tư vấn. Trong đó, phương pháp tiếp cận dựa trên định hướng rủi ro phổ biến nhất và chủ yếu ở các tổ chức tài chính. Những công ty nhỏ, ít KTVNB thì lựa chọn phương pháp truyền thống. Đối với các công ty lớn, phương pháp tiếp cận rủi ro và tư vấn là lựa chọn phù hợp nhất (Allegrini và D’Onza, 2003).
3.5. Australia
Ở Australia, các công ty niêm yết không bắt buộc phải có chức năng kiểm toán nội bộ Tuy thế, những công ty tự nguyện có chức năng kiểm toán nội bộ chiếm một tỷ lệ đáng kể, bao gồm nhiều loại hình khác nhau, trong đó, nhiều nhất là các công ty niêm yết, song vẫn có cả các công ty gia đình, các DN nông nghiệp. Phần lớn các công ty niêm yết của Australia dựa hoàn toàn vào đội ngũ KTVNB tại chỗ, việc thuê chức năng kiểm toán nội bộ đang là xu hướng. Quy mô kiểm toán nội bộ tăng dần, thuận chiều với quy mô công ty (Goodwin và Kent, 2006).
3.6. Trung Quốc
Tại Trung Quốc, vai trò quan trọng của kiểm toán nội bộ đang dần được khẳng định. Viện KTVNB Trung Quốc được thành lập và các văn bản chứa những quy định về kiểm toán nội bộ được ban hành: Quy chế kiểm toán nội bộ năm 1985, Điều lệ kiểm toán năm 1988, Những quy định về kiểm toán nội bộ năm 1989, Luật Kiểm toán năm 1994 và Quy chế kiểm toán nội bộ năm 1995. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà các hoạt động kinh doanh được quản lý và kiểm soát trực tiếp của Chính phủ, các DN thiếu động lực nên không thiết lập chức năng kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ được thành lập bởi các mệnh lệnh hành chính của Nhà nước mà không dựa trên nhu cầu tự thân. Do vậy, kiểm toán nội bộ của Trung Quốc trong giai đoạn đầu chứa đựng một số khiếm khuyết cố hữu. Kiểm toán nội bộ tập trung vào kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động chưa được quan tâm. Trong bộ máy của DN, kiểm toán nội bộ thuộc Ban giám đốc hoặc thuộc bộ phận tài vụ (Viện kiểm toán nội bộ Trung Quốc, 2009, Báo cáo phát triển và nghiên cứu về kiểm toán nội bộ DN nhà nước của Trung Quốc).
4. Thực tiễn thực hiện kiểm toán nội bộ tại Việt Nam
Ở Việt Nam, kiểm toán nội bộ chính thức xuất hiện năm 1997. Kiểm toán nội bộ như một công cụ của quản lý, đã đáp ứng một phần nhu cầu quản lý và đã hoạt động khá hiệu quả ở một số DN. Tuy nhiên, sau một thời gian, kiểm toán nội bộ bộc lộ nhiều hạn chế về mô hình tổ chức, nội dung, phương pháp và quy trình; số DN thiết lập mới bộ phận kiểm toán nội bộ không tăng, một số DN đã xóa bỏ hoặc sáp nhập bộ phận kiểm toán nội bộ vào những bộ phận khác, do kiểm toán nội bộ không phát huy được hiệu quả hoặc không còn phù hợp với yêu cầu quản lý (Phan Trung Kiên, 2014; Vũ Thúy Hà, 2017; Nguyễn Thị Hồng Lam, 2014).
Những năm gần đây, sự phát triển kiểm toán nội bộ trong các DN Việt Nam cho thấy, những dấu hiệu tích cực như chuyển dần trọng tâm kiểm toán sang kiểm toán hoạt động; phương pháp tiếp cận theo định hướng rủi ro, mô hình kiểm toán nội bộ trực thuộc UBKT hoặc HĐQT được một vài DN áp dụng… Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ có nhiều hạn chế như nội dung kiểm toán hoạt động tương đối đơn giản, phương pháp thực hiện mang tính kinh nghiệm và thủ công, KTVNB chủ yếu có chuyên môn về kế toán, tài chính và không có chứng chỉ KTVNB; Vị trí của kiểm toán nội bộ trong bộ máy quản trị chưa đủ độc lập, thẩm quyền; Quan điểm và nhận thức của nhà quản trị về kiểm toán nội bộ chưa đầy đủ, đúng đắn (Vũ Thúy Hà, 2017; Phan Trung Kiên, 2014; Nguyễn Thị Hồng Lam, 2014)
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn chức năng kiểm toán nội bộ của một số nước có thể rút ra bài học cho các DN Việt Nam nói chung, DN ngành Thép nói riêng, cụ thể:
Thứ nhất, về thể chế và vai trò của Nhà nước đối với kiểm toán nội bộ: Mỗi quốc gia có thể chế khác nhau về việc thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ. Cách tiếp cận bắt buộc như Hoa Kỳ có thể khiến một số công ty buộc phải có chức năng kiểm toán nội bộ dù không thực sự cần thiết. Cách tiếp cận tự nguyện có giải trình như của nước Anh lại khuyến khích DN tự nguyện sử dụng kiểm toán nội bộ, song có thể dẫn đến khả năng một số DN không sử dụng kiểm toán nội bộ ngay cả khi thực sự cần thiết.
Về vai trò của Nhà nước, đa số các quốc gia không có quy định cụ thể trong luật và Nhà nước không can thiệp trực tiếp mà tôn trọng nhu cầu của DN về kiểm toán nội bộ. Các nước thừa nhận tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ và khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ thông qua việc quy định ràng buộc đối với các vấn đề liên quan như trách nhiệm giải trình, hiệu lực của kiểm soát nội bộ… Các sàn giao dịch chứng khoán lớn như: NYSE của Hoa Kỳ, ASX của Australia, đều yêu cầu các công ty niêm yết phải có chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả như một phần của cấu trúc quản trị. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam, kiểm toán nội bộ được thành lập và vận hành bởi các mệnh lệnh hành chính của Nhà nước mà không dựa trên nhu cầu tự thân nên kiểm toán nội bộ chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Thứ hai, về vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp: Hoạt động kiểm toán nội bộ được điều chỉnh bằng chuẩn mực và hệ thống các quy định mang tính hướng dẫn hành nghề, trên cơ sở áp dụng và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, Italia, Australia, Trung Quốc, Malaysia… đều đã thành lập Hiệp hội nghề nghiệp riêng về kiểm toán nội bộ. Các tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc ban hành các chuẩn mực thực hành kiểm toán nội bộ, cẩm nang hành nghề; tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp chứng chỉ cho KTVNB, tiêu biểu như IIA của Hoa kỳ, ACCA của Anh hay CPA của Australia.
Thứ ba, về mô hình quản trị và tính độc lập, thẩm quyền của kiểm toán nội bộ: Bài học từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Italia, Australia cho thấy, các nước này đều có các điều luật, quy tắc, quy định về quản trị DN hiện đại được áp dụng rộng rãi. Trong mô hình quản trị, kiểm toán nội bộ trực thuộc cấp quản trị cao nhất (thường là Hội đồng quản trị) nhằm đảm bảo tính độc lập, thẩm quyền của kiểm toán nội bộ đối với các bộ phận, hoạt động được kiểm toán; UBKT chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự, chỉ đạo, giám sát và phê duyệt những quyết sách quan trọng liên quan đến chức năng kiểm toán nội bộ.
Thứ tư, về nội dung và phạm vi của kiểm toán nội bộ: Nội dung và phạm vi của chức năng kiểm toán nội bộ thay đổi theo hướng tập trung vào kiểm toán hoạt động gồm kiểm toán hiệu quả, hiệu năng của các hoạt động, trong đó kiểm toán hoạt động công nghệ, hoạt động sử dụng tài nguyên và năng lượng, kiểm toán môi trường và an toàn lao động là những nội dung gắn liền với đặc thù của DN ngành Thép. Đồng thời, kiểm toán nội bộ cũng nhấn mạnh đến nội dung của kiểm toán quản lý theo các chức năng gồm: Ra quyết định, kế hoạch, tổ chức và điều hành.
Thứ năm, về phương pháp tiếp cận và áp dụng công nghệ của KTVNB: Tự động hóa thông tin kinh tế của DN và phương pháp kỹ thuật kiểm toán nội bộ đang phát triển nhanh chóng, từ thủ công đến tự động hóa bằng cách áp dụng các kỹ thuật toán học và kỹ thuật kiểm toán sử dụng hệ thống xử lý điện tử dữ liệu (EDF). Các kỹ thuật thử nghiệm, đánh giá và phân tích đã được chuẩn hóa và cải tiến rất nhiều, mở rộng các thủ tục kiểm toán chi tiết, kiểm tra hệ thống, hoạt động và kiểm toán công nghệ thông tin… Song song với đó, phương pháp tiếp cận truyền thống đang dần nhường chỗ cho phương pháp tiếp cận theo định hướng rủi ro. DN Việt Nam nên chủ động áp dụng công nghệ thông tin và kiểm toán dựa trên định hướng rủi ro làm cơ sở cho hoạt động đảm bảo và tư vấn giúp tăng cường trách nhiệm giải trình, tăng cường giám sát và kiểm soát mềm; giúp gắn kết mục tiêu của kiểm toán nội bộ với mục tiêu chiến lược của DN.
Thứ sáu, vấn đề nhân sự thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ: Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vấn đề nhân sự trong hoạt động kiểm toán nội bộ thực sự quan trọng. Từ thực trạng này, DN cần kết nối với các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ KTVNB; đồng thời, xây dựng hệ thống chỉ tiêu, đánh giá năng lực KTVNB có một đội ngũ KTVNB đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, năng lực và đạo đức. Về chuyên môn, KTVNB không nhất thiết phải là các chuyên gia về kế toán – tài chính mà cần đảm bảo được năng lực tổng thể của nhóm kiểm toán với các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau như: Kế toán, kiểm toán, quản lý tài chính, quản trị kinh doanh, kỹ sư, công nghệ thông tin, luật và đặc biệt phải am hiểu đặc thù ngành Thép.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập