1. Người dưới 18 phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII:

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự;

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự;

– Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

2. Giám sát, giáo dục người dưới 18 phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) là các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015), bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục:

– Bảo đảm Mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tội phạm.

– Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục.

– Bảo đảm phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục.

– Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục.

– Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

3. Kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục

Căn cứ pháp lý: Nghị định 37/2018/NĐ-CP:

– Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

+ Lập hồ sơ ban đầu; lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục; làm thủ tục đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

+ Hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục thực hiện nhiệm vụ;

+ Tổ chức các cuộc họp về triển khai thi hành biện pháp giám sát, giáo dục;

+ Các chi phí cần thiết khác.

– Kinh phí vừa nêu trên do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này.

– Người trực tiếp giám sát, giáo dục được hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

4. Nội dung và mức chi thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Căn cứ pháp lý: Thông tư 53/2020/TT-BTC

 Nội dung và mức chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

– Chi cho công tác lập hồ sơ ban đầu; lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục; làm thủ tục đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn

+ Chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho công tác: Lập hồ sơ ban đầu; lập kế hoạch giám sát, giáo dục; lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục; làm thủ tục đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Chi công tác phí cho cán bộ đi thu thập thông tin, xác minh thông tin (nếu có) về nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh của người được giám sát, giáo dục để lập hồ sơ ban đầu hoặc thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ; chi công tác phí cho người trực tiếp giám sát đi gặp gỡ người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ và những người khác để thu thập các thông tin liên quan đến nhân thân, sức khỏe, tâm lý, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, quan hệ bạn bè và quá trình vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi là Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính).

– Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo về triển khai thi hành biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định về chế độ chi hội nghị quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

Đối với các cuộc họp để triển khai thi hành biện pháp giám sát, giáo dục khác: Nội dung chi thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 5 Điều 11 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính và theo mức chi tương ứng quy định tại Điều 12 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

– Chi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cho người trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT- BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

– Chi đoàn công tác khảo sát về giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự ở trong nước: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính.

– Chi chế độ làm đêm, thêm giờ: Thực hiện theo quy định tại Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

– Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

– Chi hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục theo quy định tại điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

– Các khoản chi phí cần thiết khác phục vụ hoạt động giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự: Thực hiện chi theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

5. Lập dự toán, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục 

Cắn cứ pháp lý: Thông tư 53/2020/TT-BTC

Nguồn kinh phí đảm bảo cho các hoạt động trong quá trình thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

Việc lập dự toán, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo công tác giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thực hiện theo quy định hiện hành pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về kế toán.

– Lập dự toán

+ Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán, căn cứ nhiệm vụ thực hiện giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; căn cứ quy định tại Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ, quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (nếu có) và quy định tại Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo việc lập dự toán kinh phí cho các hoạt động thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục, tổng hợp chung vào dự toán chi của ngân sách cấp xã, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp ngân sách hiện hành;

+ Căn cứ dự toán kinh phí thực hiện giám sát, giáo dục do ngân sách cấp dưới tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Tài chính tổng hợp chung vào dự toán chi của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

+ Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ ngân sách các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

– Hạch toán kế toán

Kinh phí thực hiện hoạt động giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự được hạch toán vào mục lục ngân sách của các nội dung chi tương ứng theo quy định của hệ thống mục lục ngân sách hiện hành hiện hành.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.