Tình huống: Kính thưa Luật sư, trường hợp ký phát vận đơn trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được quy định như thế nào? Về chữ ký của người ký phát vận đơn cần phải lưu ý những nội dung gì?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

– Cơ sở pháp lý: điều 145 Bộ luật hàng hải Việt nam năm 2015

Theo khoản 1 Điều 145 quy định “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” như sau:

“Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là thỏa thuận được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.”

Theo đó:

Hàng hóa trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng và các động sản khác, kể cả động vật sống, container hoặc công cụ tương tự do người giao hàng cung cấp để đóng hàng được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Người vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người thuê vận chuyển. Người vận chuyển thực tế là người được người vận chuyển ủy thác thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với người vận chuyển. Trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển, người thuê vận chuyển được gọi là người giao hàng.

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo Điều 146 Bộ luật gồm 2 loại: Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và Hợp đồng vận chuyển theo chuyến như sau:

“1. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận.

2. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.”

Trân trọng!

 

2. Vận đơn đường biển

Vận đơn đường biển là chứng từ chuyên chở hàng hoá bằng đường biển do người chuyên chở hoặc đại diện của người chuyên chở phát hành cho người gửi hàng sau khi hàng hoá đã được xếp lên tầu hoặc sau khi nhận hàng để xếp.

Theo khoản 2 và 3 Điều 148 Bộ luật hàng hải quy định về vận đơn và vận đơn suốt đường biển như sau:

“Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.

Vậy theo điều luật này vận đơn có các chức năng sau:

Thứ nhất, vận đơn là “bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận lên tầu số hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như ghi rõ trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng”

Thứ hai, “vận đơn là chứng từ có giá trị, là bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng” hay nói đơn giản hơn vận đơn là chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng hoá ghi trong vận đơn. Vì vậy, vận đơn có thể mua bán, chuyển nhượng được. Việc mua bán, chuyển nhượng có thể được thực hiện nhiều lần trước khi hàng hoá được giao. Cứ mỗi lần chuyển nhượng như vậy, người cầm vận đơn gốc trong tay là chủ của hàng hoá ghi trong vận đơn, có quyền đòi người chuyên chở giao hàng cho mình theo điều kiện đã quy định trong vận đơn tại cảng đến.

Thứ ba, vận đơn đường biển “là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” đã được ký kết. Trong trường hợp thuê tàu chuyến, trước khi cấp vận đơn đường biển, người thuê tầu và người cho thuê tầu đã ký kết với nhau một hợp đồng thuê tầu chuyến (charter party).

Trân trọng!

 

3. Ký phát vận đơn trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

– Cơ sở pháp lý: Điều 159 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

“Điều 159. Ký phát vận đơn

1. Theo yêu cầu của người giao hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn.

2. Vận đơn có thể được ký phát dưới dạng sau đây:

a) Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh;

b) Ghi rõ tên người giao hàng hoặc tên những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn theo lệnh;

c) Không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn vô danh.

3. Trường hợp trong vận đơn theo lệnh không ghi rõ tên người phát lệnh trả hàng thì người giao hàng mặc nhiên được coi là người có quyền đó.”

Theo điều luật, ký phát vận đơn gồm có 3 nội dung chính ta cần quan tâm:

Thứ nhất, nếu người giao hàng có yêu cầu, người vận chuyển hàng hóa có nghĩa vụ phải ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn. Như vậy câu hỏi đặt ra là: trường hợp người giao hàng không yêu cầu thì người vận chuyển hàng hóa có cần phải ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn hay không? Hiện nay Bộ luật hàng hải chưa quy định về vấn đề đó.

Thứ hai, về ký phát vận đơn có thể chia ra 3 trường hợp, 3 truòng hợp đó được thể hiện như sau:

– Nếu vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng thì vận đơn đó được gọi là vận đơn đích danh;

– Nếu vận đơn đó ghi rõ tên người giao hàng hoặc tên những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, vận đơn này được gọi là vận đơn theo lệnh;

– Trường hợp vận đơn không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng, thì vận đơn này được gọi là vận đơn vô danh.

Thứ ba, trường hợp trong vận đơn theo lệnh mà không ghi rõ tên người phát lệnh trả hàng thì người giao hàng sẽ mặc nhiên được coi là người có quyền trả hàng đó.

Trân trọng!

 

4. Các dạng ký phát vận đơn trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

– Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 159 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

Theo khoản 2 Điều 159 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về các dạng ký phát vận đơn như sau:

a. Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh

Vậy đây là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng, không giống vận đơn theo lệnh – chỉ ghi chung chung nhất có thể. Theo đó, vận đơn đích danh chỉ có người nhận hàng có tên ghi trên vận đơn mới được nhận hàng đã đích danh chính người đó nhận. Vận đơn đích danh không thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu.

 

b. Ghi rõ tên người giao hàng hoặc tên những người do người giao hàng chỉ định phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn theo lệnh

Vận đơn này là vận đơn mà tại ô “Người nhận hàng” (Consignee) không ghi tên người nhận hàng, mà ghi hai chữ “Theo lệnh” (To order) hoặc theo lệnh của một người nào đó được người giao hàng (Shipper) chỉ định phát lệnh trả hàng.

Ví dụ như sau: “Theo lệnh của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam…” (To order of the Bank for Foreign Trade of Vietnam…). Trường hợp này vận đơn chỉ ghi hai từ: “Theo lệnh” (To order), mà không ghi rõ theo lệnh của ai, ai là người ra lệnh, lúc này người giao hàng mặc nhiên là người có quyền phát lệnh trả hàng.

Vì tính chất của vận đơn theo lệnh như vậy nên vận đơn theo lệnh này có thể chuyển nhượng được bằng cách người có quyền phát lệnh trả hàng ký hậu (ký ở mặt sau vận đơn). Nếu vận đơn không được ký hậu thì chỉ có người có quyền phát lệnh trả hàng mới có thể nhận được hàng từ người vận chuyển.

c. Không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng, gọi là vận đơn vô danh.

Vận đơn này là vận đơn tại ô “Người nhận hàng” bỏ trống, không ghi gì.

Vận đơn này hoàn lại hoàn toàn trái ngược với vận đơn đích danh ở trên, chỉ đích danh một chủ thể nhạn hàng. Theo đó, người vận chuyển giao hàng sẽ cho bất kỳ người nào xuất trình vận đơn cho họ. Vận đơn vô danh được chuyển nhượng bàng cách trao tay.

Trân trọng!

 

5. Những lưu ý về chữ ký của người ký phát vận đơn

Theo quy định của UCP 600, một vận đơn đường biển dù được gọi như thế nào thì cũng phải ghi rõ tên người vận chuyển và được ký phát bởi:

  • Người vận chuyển hoặc đại lý được chỉ định cho hoặc thay mặt người vận chuyển, hoặc,
  • Thuyền trưởng hoặc đại lý được chỉ định cho hoặc thay mặt thuyền trưởng.

Các chữ ký của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc đại lý phải phân biệt được đó là chữ ký của người vận chuyển, thuyền trưởng hoặc đại lý.

Các chữ ký của đại lý phải chỉ rõ hoặc là đại lý đã ký thay hay đại điện cho người vận chuyển hoặc thay mặt cho hay đại diện cho thuyền trưởng. Xuất phát từ yêu cầu này của UCP 600 nên chữ ký dưới vận đơn thông thường phải ghi rõ như sau:

  1. /……………………… Carrier (Carrier’s Signature), or
  2. /………………………. As Agent for the Carrier (Agent’s

Name/Signature), or

  1. /……………………… Master (Master’s Name/Signature), or
  2. /………………………. As Agent for the Master (Agent

Name’s/Signature)

Một điểm mà các chủ hàng Việt Nam khi thuê tàu cần hết sức lưu ý là ở Việt Nam, một số công ty vận tải biển loại nhỏ (thường chỉ có 1-2 tàu cỡ nhỏ) khi cấp và ký phát vận đơn với tư cách mình là người vận chuyển có in tiêu đề của chính công ty họ cùng địa chỉ đầy đủ song họ lại ghi ở dưới chữ ký họ chỉ là đại lý (As Agent Only) mà thôi. Đây thực chất là hành vi gian lận thương mại mang tính lừa đảo và khi có kiện tụng tại tòa án hay trọng tài chắc chắn họ sẽ bị tước bỏ mọi miễn trách nhiệm mà lẽ ra họ có thể được hưởng nếu làm đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế như nói trên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, về việc ký phát vận đơn sẽ được thực hiện khi người giao hàng có yêu cầu, lúc đó người vận chuyển có nghĩa vụ ký phát cho người giao hàng một bộ vận đơn. Vân đơn này có thể là vận đơn theo lênh, vận đơn đích danh hoặc vận đơn vô danh.

Trân trọng!