Nhớ lại thế hệ chúng tôi, khi tốt nghiệp phổ thông trung học vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, cũng như phần lớn con cháu chúng tôi hiện nay, đều mong muốn khát khao được bước chân qua ngưỡng cửa các trường đại học.

Nhưng khi đó, mọi chuyện đơn giản và nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều. Trong số chúng tôi có người đi nước ngoài học tập, có người vào đại học trong nước nơi sơ tán, có người đi bộ đội, đi thanh niên xung phong hoặc làm công nhân nhà máy, ở lại quê làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp… Tất cả đều vui vẻ, phấn khởi, yên tâm vì thấy tương lai ai cũng sẽ tốt đẹp cả, không suy bì, so sánh, tị nạnh bởi cả nước đang có chiến tranh, mọi người đều chịu đựng gian khổ, mình được như thế này là tốt lắm rồi.

Trở lại với kỳ thi tuyển năm nay, những con số thống kê về chi phí cho kỳ thi tuyển vẫn làm chúng ta phải tiếp tục băn khoăn, nhức nhối. Theo thông tin trên đài, báo thì năm nay số lượng hồ sơ đăng ký có giảm so với năm ngoái, nhưng cũng có đến trên 2 triệu hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng.

Nếu tính đơn giản, chi phí giấy mực cho mỗi em 100 ngàn đồng thì tốn phí của người dân đã lên đến 200 tỉ đồng. Tất nhiên, chi phí của các phụ huynh và nhà nước cho mỗi suất dự thi như vậy không phải là 100 ngàn đồng và thực tế số tiền chi phí cho kỳ thi đại học mỗi năm là rất lớn.

Đợt này, có đến 500 ngàn thí sinh về Hà Nội dự thi, tất nhiên tối thiểu cũng số đó phụ huynh theo con về thành phố; nhu cầu về chỗ ở, đi lại, ăn uống… trong những ngày này tại Hà Nội và TPHCM cũng tăng lên đột biến.

Có lẽ Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) cũng vì thế mà có đề án chuyển sang một kỳ thi chung tốt nghiệp phổ thông để rồi xét tuyển vào đại học. Thông tin gần nhất cho rằng năm tới cũng chưa áp dụng một kỳ thi chung. Phải chăng cái cách tiếp cận của bộ không trúng? Và hàng triệu học sinh và phụ huynh còn phải theo cái “đèn cù” này đến bao giờ?

Biết bao nhà giáo dục nổi tiếng và uy tín nước nhà đã phát biểu, viết bài, kiến nghị, thậm chí đề nghị phải cải tổ lại nền giáo dục nhưng kết quả đâu vẫn hoàn đấy và tình hình ngày càng “rối như canh hẹ”!

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ phản ánh lại tâm tư, trăn trở và suy nghĩ của những bậc phụ huynh có con cháu đi thi để hy vọng các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm xem xét, tham khảo nhằm làm nhẹ bớt gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần trong xã hội ta đối với vấn đề thi tuyển vào đại học:

– Học sinh đã hoàn thành chương trình 12 năm học phổ thông, căn cứ vào điểm trung bình của quá trình học tập có thể nhận được giấy chứng nhận “Đã hoàn thành chương trình Phổ thông trung học”. Với giấy chứng nhận này các em có thể học tiếp hay đi làm. Một kỳ thi không thành công đối với các em cũng không thể phủ nhận sạch trơn quá trình 12 năm đèn sách của họ. Chúng ta đang bàn thảo rất nhiều về việc bỏ kỳ thi nào, thì theo lập luận nêu trên, kỳ thi cần bỏ trước hết chính là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vì lãng phí và không cần thiết.

Với cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này là muốn dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học nên cần có đề thi phải đủ độ khó. Điều đó sẽ là rào cản quá lớn đối với mong muốn của đại đa số các em đã hoàn thành 12 năm học tập là nhận được tấm bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học (PTTH).

– Đối với các trường đại học muốn tuyển chọn học sinh vào học, họ có thể dùng biện pháp “thi tuyển” hoặc “xét tuyển”. Đề thi do mỗi trường lựa chọn từ ngân hàng đề thi của bộ và chú trọng đến những ngành học đảm bảo cho uy tín, thương hiệu của mình và tất nhiên cuối cùng là đảm bảo cho sự tồn tại của trường đó. Thí dụ: Khối trường kinh tế nên thi tuyển các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ hơn là thi Toán – Lý – Hóa như hiện nay. Bởi vì các em có năng lực về Toán, Văn và Ngoại ngữ sẽ học tập các ngành kinh tế, quản trị tốt hơn.

Ở khối các trường có cấp độ thấp hơn nếu không cần thi tuyển thì có thể xét tuyển căn cứ vào kết quả quá trình học phổ thông của các em. Trước khi xét tuyển, những trường này có thể đưa ra các tiêu chuẩn để sơ tuyển như điểm trung bình môn học nào đó (mà ngành học đó cần) phải không thấp hơn mấy điểm. Căn cứ vào tiêu chuẩn sơ tuyển, các em sẽ tự biết mình có thể nộp hồ sơ xét tuyển trường này hay trường kia. Các trường thi tuyển cũng công bố các chuẩn đó như là điều kiện cần cho học sinh dự thi. Thời gian, địa điểm thi do các trường quyết định. Bộ chỉ thông qua kế hoạch của các trường để đảm bảo khung chương trình, thời gian sao cho tránh tập trung đông người tại thành phố.

– Đối với đề xuất có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, tôi xin nói thêm rằng với cách làm như vậy có thể một học sinh ở miền núi heo hút và một học sinh ở Hà Nội có trình độ khác nhau nhưng đều được công nhận “đã hoàn thành chương trình PTTH”. Nếu thi cùng một đề rất có thể học sinh miền núi trượt tốt nghiệp. Học sinh đó sẽ làm gì tiếp theo? Các học sinh khác còn có động cơ đến trường? khi mà Đảng và Chính phủ đang động viên trẻ em miền núi đến trường là một trong những con đường nâng cao dân trí cho khu vực đồng bào miền nói!

– Thi tuyển và xét tuyển đại học như vậy có sợ chất lượng đầu vào kém không? Hiện nay các sinh viên sau 4-5 năm học, họ bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng chấm thi khoảng 5-7 giảng viên; các sinh viên cao học thậm chí nghiên cứu sinh bảo vệ luận án của mình trước một hội đồng 5-7 giáo sư, tiến sĩ. Như vậy chính khâu “xuất xưởng” có tính quan trọng nhất thì nhà nước đã giao cho các trường tự quyết rồi, cớ gì phần “đầu vào” nhà nước hay Bộ GD-ĐT phải “ôm” như hiện nay?

Chất lượng khâu thi tuyển hay xét tuyển nhằm phục vụ cho mỗi trường lựa chọn được các sinh viên thích hợp nhất (có thể thi thêm năng khiếu tùy theo yêu cầu từng trường) để đào tạo. Nếu các trường làm không tốt khâu này, không tốt khâu đào tạo thì “sản phẩm” của họ không được “thị trường” chấp nhận dẫn đến sự thất bại, thậm chí sự đóng cửa của trường đó.

– Những điều nói trên liên quan đến sự thay đổi thực sự trong tư duy về đào tạo đại học. Điểm then chốt ở đây là cần để các trường tự quyết định sự tồn tại và phát triển của chính mình. Nhà nước không làm thay việc đó mà chỉ cần quản lý, điều hành giáo dục bậc đại học bằng các định chế pháp lý ở cấp vĩ mô. Nhà nước cũng chỉ cần đầu tư tập trung cho một số trường và một số ngành học quan trọng. Trường nào và ngành nào được gọi là quan trọng sẽ do các cấp lãnh đạo quản lý cao nhất quyết định trên cơ sở thực sự khoa học và khách quan. Điều đó cũng sẽ góp phần giảm bớt sự căng thẳng và áp lực đối với nhiều trường đang phải chạy đua lấy thương hiệu mà lại không có thực lực, dẫn đến sự hụt hơi và sai phạm như đã và đang diễn ra.

– Một điều nữa cũng cần phải khẳng định lại theo cách tư duy này là các trường chủ yếu phải tồn tại bằng chính học phí của học sinh, các hoạt động khoa học công nghệ… Học sinh đóng học phí theo tín chỉ, không đạt thì đóng tiếp để học và thi lại, số lần thi lại một môn quá 3 thì bị loại ra khỏi trường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ học sinh bằng học bổng, vay tiền ngân hàng chính sách… phụ thuộc vào các đối tượng cụ thể chứ không bao cấp rót xuống các trường đại học.

– Nhìn xa hơn, “gốc rễ “ của vấn đề là chúng ta phải xem lại chương trình giáo dục bởi vì nó quá hàn lâm, quá nặng nề, tổn hại sức khỏe, không phát huy sự sáng tạo của học sinh. Phụ huynh học sinh có quyền hỏi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời giúp:

(1) Vì sao nhiều học sinh học lực trung bình, thậm chí hơi yếu ở Việt Nam nhưng được chuyển sang học chương trình phổ thông của các trường quốc tế hoặc đi du học ở các nước tiên tiến trên thế giới, hầu hết đều được xếp loại khá giỏi?

(2) Các học sinh học tại các trường phổ thông quốc tế tại Việt nam, nếu cho thi vào các trường đại học của Việt Nam liệu có bao nhiêu phần trăm sẽ đỗ (theo tôi rất ít) nhưng vì sao khi ra đời họ vẫn được trọng dụng, có phải chỉ vì ngoại ngữ hay do tư duy và các kiến thức cần thiết đã được trang bị trong nhà trường? v.v.

Các em học sinh là tương lai của đất nước, nếu được đào tạo bài bản trong môi trường khoa học và thực tế, sẽ có nhiều trí thức và hiền tài để đưa đất nước đi lên.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – TS. TÔ VĂN TRƯỜNG

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)