Luật sư tư vấn:

Hiện nay, một số chủ xe ô tô dùng giấy tờ giả để thực hiện đi đăng kiểm nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính như tài sản xe là ô tô đang thế chấp ở ngân hàng nhưng khách hàng chưa trả được nợ và ngân hàng cũng không cung cấp giấy tờ thông hành liên quan hoặc chủ xe dùng để trốn phí sử dụng đường bộ, đưa xe không hợp pháp vào lưu thông mà việc này bị các trung tâm đăng kiểm hoặc lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào ? 

Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định có liên quan đến vấn đề này, hậu quả pháp lý mà chủ xe có thể phải mắc phải. 

 

1. Các dạng làm giả giấy tờ để đi đăng kiểm xe gồm những loại nào?

Các dạng làm giả giấy tờ và một số trường hợp xảy ra được Luật LVN Group thống kê và trình bày với quý vị độc giả dưới đây:

Các giấy tờ này có thể làm giả bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi nhằm hòng qua mặt cơ quan chức năng. Các đặc điểm nhận dạng bằng mắt thường có thể đánh lừa cơ quan chức năng như sử dụng màu mực, chữ ký, con dấu, … không khác nhiều so với giấy tờ thật. Có trường hợp làm giả hoàn toàn nhưng cũng có trường hợp sửa đổi một số chi tiết trên các giấy tờ thông hành như sửa đổi ngày tháng năm của giấy thông hành cũ để làm căn cứ đi đăng kiểm xe khi đến hạn đăng kiểm xe cơ giới. Cũng có trường hợp xe thế chấp để vay tiền ở ngân hàng nhưng vì lý do nào đó không trả được, cũng không trả xe mà lại bán xe cho người khác đánh vào tâm lý ham rẻ của nhưng người mua xe thiếu hiểu biết.

Hoặc cũng có nhiều trường hợp khác giả giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng để làm thủ tục đăng kiểm (theo quy định thì xe thế chấp ngân hàng đi đăng kiểm phải có giấy biên nhận thế chấp còn hiệu lực). Mà loại giấy biên nhận này dễ bị các đối tượng làm giả vì giấy biên nhận chỉ là giấy A4 không có phôi hoặc mẫu chuẩn, chi tiết chống làm giả để so sánh đối chiếu dẫn đến các trung tâm đăng kiểm phải mất thời gian liên hệ với ngân hàng để xác minh. Còn nếu đơn vị đăng kiểm chủ quan, chỉ kiểm tra số khung số máy thông thường thì rất dễ bị các đối tượng qua mặt.

Đối với các trường hợp trên, khi phát hiện xe nghi dùng giấy tờ giả, trung tâm đăng kiểm cũng chỉ áp dụng chủ yếu biện pháp từ chối đăng kiểm và đưa lên hệ thống cảnh báo của các đơn vị đăng kiểm khác khi tiếp nhận xe có biển số, giấy tờ trên thì chú ý kiểm tra, tránh bỏ xót để lọt qua khâu đăng kiểm. Hoặc trung tâm đăng kiểm có đủ căn cứ để xác định xe dùng giấy tờ giả thì có thể báo với cơ quan công an để xử lý.
 

2. Hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm sẽ bị xử lý như thế nào?

2.1. Mức phạt hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm?

Hiện nay, pháp luật không có quy định thế nào là “giấy tờ giả”, tuy nhiên có thể hiểu làm giả giấy tờ thông hành là làm giả giấy tờ mà giấy tờ đó không được làm ra theo đúng trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp hợp pháp.

Nếu làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm xe mà trong đó có hành vi làm giả  con dấu thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu theo quy định tại điều 13 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó có quy định như sau:

” …4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả.”

Ngoài ra nếu vi phạm khoản trên người vi phạm còn bị hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, con dấu giả đó.

Căn cứ vào các quy định trên thì nếu hành vi làm giả giấy thông hành để đi đăng kiểm xe còn có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính nếu hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu và chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.ơ

 

2.2. Hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm có bị xử lý hình sự?

Hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể theo hai trường hợp sau:

* Trường hợp 1: Hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm xe không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trong trường hợp người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là người dưới 16 tuổi thì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Hoặc không thỏa mãn các yếu tố trong cấu thành tội phạm theo điều điều 341, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đặc biệt phải xem xét đến động cơ và mục đích của việc làm giả là gì?

* Trường hợp 2: Hành vi làm giả giấy tờ thông hành để đi đăng kiểm xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại điều 341, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

– Mặt khách thể của tội danh là xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác.

– Mặt khách quan của tội danh là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức mà không cần hậu quả. Tức là chỉ cần cá nhân đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức thì tội phạm đã hoàn thành. Hậu quả chỉ được xác định làm căn cứ định khung hình phạt.

– Mặt chủ quan của tội danh là người phạm tội biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Mục đích nhằm để lừa dối cơ quan đăng kiểm nhằm thực hiện việc đăng kiểm thành công. Đây được coi là lỗi cố ý.

– Mặt chủ thể của tội danh là những người có năng lực trách nhiệm hình sự.

Về chế tài xử lý trong trường hợp này được quy đinh tại điều 341, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Từ các phân tích trên thì có thể thấy hành vi làm giả giấy thông hành để đi đăng kiểm là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo điều 341, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài viết của Luật LVN Group, mọi vướng mắc quý khách hàng vui lòng trao đổi trực tiếp với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 qua số 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn!