Không riêng bộ Giáo dục, các bộ khác cũng đang nợ việc hướng dẫn tới 300 nội dung trong các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực họ quản lý dù các luật đó đã được Quốc hội thông qua từ lâu. Trong số đó, các bộ luật trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, doanh nghiệp là tồn đọng nhiều nhất. Như vậy, về nhiều góc độ, các bộ luật đó khó mà triển khai tốt trong thực tế do thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Uỷ viên uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh nói: “Vì sao các bộ không có hướng dẫn thi hành luật, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân và doanh nghiệp? Đó là do họ né tránh, giành phần thuận lợi về phía mình với tư cách là nhà quản lý, đẩy phần khó về phía người dân”.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: – 1900.0191
Quả vậy, không giống nhiều nước khác trên thế giới, các bộ luật chuyên ngành ở Việt Nam thường được các bộ phụ trách soạn thảo rồi mới trình Quốc hội thông qua. Có nghĩa là, nói một cách đơn giản, các cơ quan hành pháp đang chia sẻ nhiều trách nhiệm với cơ quan lập pháp. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng “giành phần thuận lợi” cho các cơ quan quản lý trong tiến trình xây dựng luật và hướng dẫn thi hành luật.
Không thiếu ví dụ để chứng minh thực tế này. Các chuyên gia soạn thảo luật Bưu chính đang trình Quốc hội xem xét đã đề nghị bảo vệ vị trí độc quyền của tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Như vậy, họ đã cố gắng thuận lợi hoá việc quản lý nhà nước và ngăn cản các doanh nghiệp khác chen chân vào lĩnh vực này.
Một ví dụ khác. Gần 300 giấy phép con của các bộ, ngành đã bị bãi bỏ sau khi luật Doanh nghiệp, một bộ luật được đánh giá là mang tính “cách mạng”, có hiệu lực vào năm 2000 và được sửa đổi vào năm 2005, tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh hơn ở Việt Nam. Kết quả chưa từng có này là do sự kiên trì và công tâm của tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp. Tổ này nay đã giải tán, và hệ quả là, các loại giấy phép con đang được “cài cắm” trở lại vào các bộ luật chuyên ngành. Một khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các nhà quản lý ở cấp trung ương và cả địa phương đã ban hành tới 250 – 300 thủ tục đầu tư xây dựng bất chấp tinh thần của các luật Xây dựng và Doanh nghiệp. Những kiểu “cài cắm” đó nay đang có chiều phát triển không chỉ ở cấp trung ương.
Về phía địa phương cũng vậy. Theo cơ chế hiện hành, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân vẫn được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, và điều đáng quan tâm là liệu các văn bản pháp luật này có trái với các cam kết WTO hay trái với quy định của luật pháp trung ương hay không. Chính quyền địa phương đã bỏ đi rất ít các văn bản đã ban hành trái với cam kết của tổ chức này, chẳng hạn TP.HCM chỉ bỏ sáu trong 540 văn bản; Hà Nội chỉ bỏ ba trong 130 văn bản. Đây mới là kết quả cuộc rà soát sơ bộ của nhóm tư vấn cấp cao hậu WTO cho Chính phủ. Trong những lĩnh vực khác, tình hình còn đáng quan ngại hơn. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét, các bộ ngành ban hành hàng ngàn văn bản hàng năm, trong đó rất nhiều văn bản “sai trái, không phù hợp, thiếu tính khả thi”, và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Về phần mình, cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan có trách nhiệm “thổi còi” các chính sách ban hành không đúng quy định pháp luật cũng chịu nhiều sức ép. Cục này đã yêu cầu bãi bỏ hàng loạt văn bản từng gây tranh cãi như quy định “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” không được điều khiển xe máy trên 50cc; sinh viên các trường nghệ thuật không được biểu diễn ở các vũ trường; tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP.HCM,… Cục trưởng Lê Hồng Sơn thừa nhận với báo chí gần đây: “Khi mình phát hiện ra họ sai thì tâm lý chung là họ không thích mình. Họ có thể sử dụng mối quan hệ quen biết, hoặc bằng cách này cách kia tác động ngược trở lại cơ quan thẩm định. Nhiều cách tác động không tốt, như hạ thấp uy tín cá nhân mình, hạ thấp vai trò của công việc Nhà nước giao. Có khi họ tác động cả vợ con mình,…”
Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp cao nhất không thể không biết và có ý kiến về tình trạng này. Đại biểu Minh nói: “Tôi đề nghị Quốc hội không xem xét thông qua dự án luật bộ nào soạn thảo mà lại đang nợ các hướng dẫn cho luật đó. Tôi đề nghị Chính phủ phải báo cáo trước Quốc hội về việc này kể từ năm sau”.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ – TƯ GIANG
Trích dẫn từ: http://sgtt.com.vn/
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)