Khái quát chung về đất nông nghiệp và bồi thường đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp bao gồm tổng thể các loại đất, có đặc tính sử dụng giống nhau, với tư cách là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như trồn trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, trồn rừng, khoang nuôi, tu bổ, bảo vệ và phát triển rừng; nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp

Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là việc Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế phải bù đắp những tổn hại về đất và tài sản trên đất do hành vi thu hồi đất nông nghiệp gây ra, cho người sử dụng đất tuân theo những quy định của pháp luật đất đai.

Các quy định của pháp luật hiện hành

Nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Nhìn chung, các nguyên tắc về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 74, 88 Luật đất đai năm 2013 và hướng dẫn thực hiện tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, gồm ba ý chính. Thứ nhất, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Bản chất của nguyên tắc này thể hiện quan điểm khi Nhà nước lấy đi một phần lợi ích, tài sản hợp pháp của người dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thứ hai, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng nông nghiệp với loại đất thu hồi nông nghiệp, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Thứ ba, việc bồi thường bảo đảm đầy đủ các thiệt hại và phải theo giá thị trường. Đây là cơ sở để bảo đảm lợi ích cho người có đất bị thu hồi, để họ thấy việc bồi thường là thoả đáng và tự nguyện trả lại đất được giao. Thứ tư, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Việc bồi thường phải đảm bảo dân chủ, khách quan tức là phải đảm bảo khi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp mà có đủ các điều kiện bồi thường, họ phải được bồi thường. Đây là quyền liên quan tới lợi ích chính đáng mà không một ai hay tổ chức cá nhân nào không cho họ thực hiện.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản sản xuất, kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

Điều kiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Nhà nước thu hồi đất có thể vì nhiều lí do khác nhau, nhưng chỉ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người sử dụng đất mới được bồi thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp thu hồi đất vào mục đích này đều được bồi thường, đó mới chỉ là điều kiện cần, ngoài điều kiện đó, người sử dụng đất cần phải đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định tại Điều 75 Luật đất đai năm 2013 mới được bồi thường. Có thể khái quát các điều kiện đó như sau: Người sử dụng đất không thuộc đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm; đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận

Bồi thường về đất và bồi thường tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi có phạm vi là bồi thường về đất, bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất, được thực hiện thông qua các phương thức sau:

Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Thứ nhất, pháp luật hiện hành quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng (thu hồi đất nông nghiệp thì dùng đất nông nghiệp tương ứng để bồi thường), nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cùng mục đích sử dụng.

Thứ hai, khi thu hồi đất nông nghiệp, Nhà nước chỉ bồi thường về đất đối với diện tích trong hạn theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật Đất đai năm 2013 và diện tích đất do được nhận thừa kế. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thủ hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt hạn mức thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Thứ ba, đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/07/2014 mà hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 Luật Đất đai 2013.

Bồi thường về tài sản.

Về bồi thường về tài sản, pháp luật quy định mức bồi thường đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Khi Nhà nước bồi thường đất nông nghiệp mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thuỷ sản thì sẽ có cách bồi thường nhất định. Ngoài ra, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo gỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp di chuyển hệ thống máy móc còn được bồi thường thiệt hại thi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

Trình tự, thủ tục bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Được thực hiện theo các bước sau đây: Thông báo thu hồi đất; Thu hồi đất; Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất nông nghiệp; Lập phương án bồi thường thiệt hại; Niêm yết công khai phương án lấy ý kiến của nhân dân; Hoàn chỉnh phương án trên cơ sở đóng góp ý kiến; Phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện; Tổ chức chi trả bồi thường; Bàn giao mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất

Giải pháp khiếu nại, tố cáo về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp

Đối tượng khiếu nại đó là các hành vi hành chính, quyết định hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Người SDĐ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến SDĐ có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai được quy định tại Khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 và trình tự, thu tục giải quyết quy định tại khoản 2 điều luật này. Đối tượng khiếu nại đó là những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng của bất kì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong xã hội. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và SDĐ đai được quy định tại Khoản 1 Điều 205 Luật Đất đai 2013 và trình tự, thủ tục giải quyết quy định tại khoản 2 điều luật này.

Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng là một dạng của khiếu nại, tố cáo nói chung, nên khi giải quyết phải kết hợp dựa trên quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính.

Lý do trong thời gian qua người có đất nông nghiệp bị thu hồi thường khiếu nại về vấn đề bồi thường

Báo cáo năm 2017 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính về đất đai chiếm 74,6%; vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do những lí do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, giá bồi thường đất cho NSDĐ có đất bị thu hồi còn thấp, chưa sát với giá thị trường. Trên thực tế, bảng giá công bố tại các địa phương chỉ bằng khoảng 30% – 60% so với giá thị trường, khiến cho người dân cảm thấy thiệt thòi, bức xúc. Ví dụ tại tỉnh Bình Định, giá đất do UBND tỉnh công bố không có sự thay đổi trong thời gian dài (từ năm 2009 đến năm 2013), giá đất nông nghiệp vẫn được tính với mức 27.000 đồng/m2. Trong khi đó giá cả thị trường chuyển nhượng luôn có sự biến động. Để thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với một dự án thông thường không thể hoàn thành trong một năm mà kéo dài trong nhiều năm.

Thứ hai, trong thực tế hiện nay, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án chủ yếu là đất nông nghiệp và có người nông dân lại sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, không có ngành nghề hoặc thu nhập khác, địa phương lại không còn quỹ đất nông nghiệp để giao bù lại; giá đất trước và sau khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chênh lệch nhau khá nhiều gây nên những thắc mắc của người dân, xảy ra tình trạng ai có đất bị thu hồi chậm hơn thì bồi thường nhiều hơn, nhiều dự án “đắp chiếu” 20 năm vẫn chưa thực hiện xong, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Tính khả thi của một số dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp dẫn đến tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả trong khi nông dân thiếu hoặc không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn cũng là một xúc tác mạnh dẫn tới tình trạng nêu trên.

Thứ ba, liên quan đến trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu công khai, minh bạch và ở mức độ nào đó là sự áp đặt, tuỳ tiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu hồi, bồi thường thiệt hại. Nhiều nơi khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không tiến hành thực hiện lấy ý kiến góp ý của người dân, dẫn đến tình trạng người dân không biết, không hiểu về quy hoạch, kế hoạch, quyền và lợi ích bị xâm phạm, gây bức xúc trong quần chúng.

Thứ tư, xảy ra tình trạng tham nhũng, không minh bạch, nối tay nhau giữa các cán bộ, công chức Nhà nước trong hoạt động quản lý đất đai, khiến người dân thất vọng, bức xúc, khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi.