Tại một hội nghị đầu tư gần đây, ông Nguyễn Nam Sơn, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Việt Nam Capital Partner, cung cấp một thông tin khiến không ít doanh nghiệp đang tìm cơ hội bán và sáp nhập công ty ngạc nhiên: yếu tố quan trọng nhất mà nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi quyết định mua cổ phần ở một công ty Việt Nam, là quản trị doanh nghiệp.

Đa số doanh nghiệp Việt Nam, từ những công ty quản lý kiểu gia đình đến những doanh nghiệp nhà nước lớn đều đang gặp một thách thức chung: thiếu đội ngũ quản trị chuyên nghiệp và mô hình quản trị tiên tiến. Thách thức này đang gây một sức ép lớn lên thị trường nhân lực quản trị bậc cao. Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng đội ngũ những nhà quản trị có năng lực lãnh đạo, khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng cao. Điều trớ trêu là sự thiếu hụt này đang xảy ra khi chỉ có rất ít doanh nghiệp thực sự nhìn nhận vai trò của quản trị một cách nghiêm túc.

.Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

“Có lẽ chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự nhìn nhận quản trị như một đề tài quan trọng”, ông Jonathan McGhie, giám đốc vùng phụ trách việc tìm kiếm và lựa chọn lãnh đạo doanh nghiệp của công ty nhân lực Navigos cho biết. “Chỉ cần 10% công ty thực sự coi trọng vấn đề quản trị, mà 10% thực sự không phải là lớn, thì thị trường sẽ gặp rắc rối to về vấn đề nhân lực. Lạm phát lương sẽ tăng vọt”.

Tại Navigos, một trong những công ty lớn nhất về nhân lực hiện nay ở Việt Nam, 90% khách hàng có yêu cầu tuyển dụng đội ngũ quản trị trình độ cao là những công ty nước ngoài, chỉ có rất ít là các công ty trong nước. Tuy vậy, ông McGhie cho biết gần đây có sự tăng trưởng mạnh nhu cầu tuyển dụng lãnh đạo doanh nghiệp từ những công ty Việt Nam đang thành công, không ít là những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoặc những công ty nhận được vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua các hình thức đầu tư mạo hiểm và đầu tư cổ phần (equity investment). Những nhà đầu tư này đang khuyến khích các công ty trong nước chú trọng nhiều hơn vào vấn đề quản trị và xây dựng đội ngũ quản trị doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp mới thành lập có đặc điểm chung là khát vọng cao, ý tưởng và sản phẩm có thể tốt, nhưng vẫn yếu về mặt quản trị. Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách mua các công ty thông qua hình thức đầu tư tư nhân từ ban đầu, nhu cầu quản trị chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu. Điều này càng đúng hơn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Khách hàng của chúng tôi đi tìm những người có khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng. Những kỹ năng cụ thể (như tiếp thị, bán hàng…) chỉ là một phần của yêu cầu”, ông McGhie nói.

Mặc dù thị trường lao động bậc cao của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua và về cơ bản, xu hướng phát triển là lạc quan, các nhà tư vấn nhân lực cho rằng con số thực tế những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp vẫn rất hạn chế. Điều này gây áp lực cho các công ty phải trả giá rất cao để lấy được người giỏi về với mình. Ngay cả khi trả giá cao, xu hướng “phản bội” và văn hoá thiếu trung thành với công ty vẫn thống trị ở Việt Nam hiện nay, khi những ứng viên dễ dàng tìm được một nơi trả cho mình lương cao hơn, hoặc hứa hẹn lợi ích cao hơn. Bên cạnh đó, văn hoá công ty và môi trường làm việc cũng là một yếu tố quan trọng để giữ chân những người tài.

Chưa nói đến các khoản thưởng và chế độ cổ phiếu mà những tổng giám đốc (CEO) làm thuê được hưởng, mức lương của những lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không thua kém gì những CEO nước ngoài. Mới đây, để tránh chảy máu chất xám, các tập đoàn nhà nước cũng được tự quyết định tiền lương khi có tốc độ tăng năng suất nhanh hơn tăng tiền lương.

Theo Navigos, những doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, đang phát triển nhanh với mức độ bao phủ thị trường rộng, chẳng hạn như Vinamilk, thông thường phải trả lương cho cấp tổng giám đốc từ 15.000 – 25.000 USD/tháng (chưa tính đến các lợi ích khác). Những doanh nghiệp nhỏ có thể chỉ trả mức lương CEO khoảng 3.000 USD/ tháng, nhưng những người này lại được hứa hẹn với những kế hoạch cổ phần, cổ phiếu hấp dẫn. Ở nhiều công ty, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và tiêu dùng, mức thưởng hàng năm của đội ngũ quản trị doanh nghiệp có thể lên gấp vài lần khoản tiền lương mà họ được nhận.

Sự suy giảm kinh tế trong năm qua đã thay đổi rất nhiều cục diện thị trường lao động bậc cao. Trong thời kỳ bùng phát cách đây hai năm, nguồn cầu cao hơn nguồn cung gây ra “lạm phát tiền lương” rất cao. Hiện nay, cung đang cao hơn cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng người dễ dàng hơn với mức chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những nguồn lao động bậc trung. Thị trường vẫn thiếu trầm trọng những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp. Giải pháp, với đa số các công ty nước ngoài, cuối cùng vẫn là tuyển dụng người nước ngoài mặc dù họ có xu hướng muốn tìm người Việt Nam. “Những vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, ở bậc cao, đa số vẫn rơi vào tay người nước ngoài”,Ông McGhie cho biết.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ – LAN ANH

Trích dẫn từ:http://sgtt.com.vn/