Trả lời: 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và đưa ra hướng trả lời như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015 ;

Nghị định Số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập .

2. Nội dung tư vấn: 

Theo điều 11 của Nghị định Số 41/2018/NĐ-CP quy định Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán như sau :

Điều 11. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung hoặc không đúng biểu mẫu theo quy định;

b) Báo cáo tài chính không có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lập không đầy đủ các báo cáo tài chính theo quy định;

b) Áp dụng mẫu báo cáo tài chính khác với quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán trừ trường hợp đã được Bộ Tài chính chấp thuận.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không lập báo cáo tài chính theo quy định;

b) Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;

c) Lập và trình bày báo cáo tài chính không tuân thủ đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy báo cáo tài chính bị giả mạo, khai man đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Như vậy, việc công ty bạn lập báo cáo tài chính không đúng số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. 

Ngoài ra, theo khoản 5 điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau :

5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Đối với loại thuế có kỳ quyết toán thuế năm: Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế năm làm giảm số thuế phải nộp nếu cần xác định lại số thuế phải nộp của tháng, quý thì khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý và tính lại tiền chậm nộp (nếu có).

Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.

Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).

Như vậy, bạn có thể thực hiện khai bổ sung, điều chỉnh lại báo cáo tài chính cho khớp với số liệu chứng từ kế toán khi phát hiện sai sót đảm bảo phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về Lập Báo cáo tài chính không đúng số liệu trên chứng từ kế toán bị phạt lên đến 30.000.000 đồng​. ​Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191        để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật thuế – Công ty luật Minh Khuê