1. Quy định về công trình thủy lợi

Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước

Hoạt động thủy lợi bao gồm điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công  trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi;

Theo đó công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.

Công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác được gọi là thủy lợi nội đồng.

 

2. Nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi

– Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu;

– Bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế – xã hội;

– Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc

– Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi;

– Tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.

 

3. Hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi

– Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi, các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi;

– Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi

– Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch hồ , ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi;

– Sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiện ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa;

– Cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi;

– Khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi;

– Tự ý vận hành công trình thủy lợi; vận hành công trình thủy lợi trái quy trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố;

– Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

– Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 44 của Luật Thủy lợi 2017

 

4. Xử phạt hành vi vi phạm lấp mương, công trình thủy lợi trái phép

4.1 Thời hiệu xử phạt vi phạm

Hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép là hành vi thuộc lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Căn cứ theo nghị định số 03/2022/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là 01 năm

Thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.

Đối với hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép thì do đây là hành vi vi phạm đang được thực hiện. Nên thời hiệu được được tính là 1 năm kể từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

 

4.2 Thẩm quyền lập biển bản xử phạt hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép

– Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều được lập theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

– Người có  thẩm quyền lập biên bản hành vi vi phạm lấp mương, công trình thủy lợi gồm:

+ Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 38 đến Điều 46 Nghị định này khi đang thi hành công vụ;

+ Công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều;

+ Công chức, viên chức thuộc cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ, nhiệm vụ;

+ Người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân đang thi hành công vụ;

( Người có thẩm quyền lập biên bản có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật 

 

4.3 Thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép

Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương V Nghị định 03/2022/NĐ-CP thì thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhận; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân

– Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh

+ Phạt cảnh cáo;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định số 03/2022/NĐ-CP

+ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thì có thẩm quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều;

+ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có thẩm quyền phạt tiền đến đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều;

– Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Chi cục trưởng Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; Trưởng đoàn thanh tra của Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều

Phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 50 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi đê điều;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều;

– Thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phạt tiền đến 35 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 175 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 70 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 70 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 350 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 140 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều;

– Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với  lĩnh vực đê điều

– Thẩm quyền của Giám đốc Công an tỉnh

Phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100 triệu đồng  đối với lĩnh vực thủy lợi; 50 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

– Thẩm quyền của Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

– Thẩm quyền của Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống may túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50 triệu đối với lĩnh vực đê điều;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 200 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều 

– Thẩm quyền của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng với lĩnh vực đê điều;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

– Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải

Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh  vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

– Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường

 Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250 triệu đồng đối  với lĩnh vực thủy lợi; 100 triệu đồng đối với lĩnh vực đê điều;

Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính

 

4.4 Mức xử phạt 

Mức phạt tiền tối đa được quy định đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu động; Đối với lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; Đối với lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng;

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trừ các hành vi quy định tại Điều 16 và khoản 2 Điều 17 Nghị định trên thì áp dụng đối với tổ chức. ( Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân)

Theo đó Hành vi lấp mương, công trình thủy lợi trái phép ( tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi; Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, ao trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. ( Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì bị phạt tiền là 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng).

Mức phạt này cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm như xây dựng nhà ở, cầu, kè, nơi sản xuất và các công trình kiên cố khác không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Hành vi lập bến bãi, tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện trái phép trong phạm vi bảo  vệ công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vị vi phạm lấp mương, công trình thủy lợi trái phép.

Trên đây là bài phân tích quy định về công trình thủy lợi và mức xử phạt đối với hành vi lập mương, công trình thủy lợi trái phép của Luật LVN Group. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình công tác. Trong trường hợp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc nào về pháp luật vui lòng liên hệ trực tiếp Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn !