1. Quan niệm về pháp điển hoá ở một số nước
Ý tưởng pháp điển hóa có từ lâu đời ở châu Âu. Nhiều đế vương La Mã đã có ý tưởng đưa ra những bộ pháp điển (như Hoàng đế Justinian, năm 525 sau Công nguyên). Lúc này, việc tập hợp mang tính chất hệ thống hóa, nghĩa là tập hợp vào một cuốn sách toàn bộ các văn bản theo trình tự thời gian, từ văn bản được ban hành sớm nhất rồi đến các văn bản được ban hành gần nhất.
Pháp điển hóa thực chất là sắp xếp lại các quy định pháp luật hiện hành. Đây là quan niệm chung của nhiều nước như Pháp, Hoa Kỳ… nhưng cách thức tiến hành có phần khác nhau. Người ta thường khó phân biệt giữa hệ thống hóa và pháp điển hóa, vì về hình thức, chúng đều là sự tập hợp văn bản pháp luật theo chủ đề.
Nếu như pháp điển hóa được hiểu theo nghĩa là các quy định pháp luật được tổ chức trong một văn bản pháp luật trọn vẹn, toàn diện, có hệ thống về một chủ đề xác định, thì không phải tất cả những nước sử dụng hệ thống luật thành văn đều đã làm được. Vẫn có những đạo luật đơn lẻ được ban hành để giải quyết những vấn đề cụ thể mà không được pháp điển hoá. Những đạo luật này vẫn song song tồn tại với những bộ luật thành văn.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
2. Lịch sử pháp điển hóa ở Hoa Kỳ
Người ta có thể đặt những câu hỏi như: không hiểu luật hình sự của Hoa Kỳ là luật thành văn hay là luật chưa thành văn. Hoa Kỳ có 50 bộ luật hình sự của 50 tiểu bang, đồng thời có bộ luật hình sự của liên bang; nhiều tiểu bang theo hệ thống luật dân sự (tức viết thành văn) để cho nhân dân và các Luật sư của LVN Group dễ dàng tham khảo. Đa số các tiểu bang có bộ luật hình sự viết thành văn. Câu cuối cùng của các bộ luật hình sự tiểu bang viết là: “Không phải tất cả các tội phạm đều được quy định trong bộ luật hình sự có giá trị về mặt pháp lý, mà tất cả các tội phạm khác nữa không viết thành văn cũng được áp dụng”.
Tuy nhiên, trong quá trình pháp điển hoá, Hoa Kỳ đã cố gắng pháp điển hóa tất cả những tội truyền thống vào một bộ luật hình sự. Các bang cũng không từ bỏ các án lệ truyền thống của họ. Do đó, các Luật sư của LVN Group không chỉ xem các bộ luật thành văn mà còn phải đối chiếu với các vụ án cụ thể trước đó. Có những hành vi bị coi là tội phạm ở tiểu bang này nhưng có thể không bị coi là tội phạm theo luật hình sự ở tiểu bang kia. Người dân ở bang này có thể sang bang khác mua hàng vì bang đó không đánh thuế[1].
Tuy nhiên, ý tưởng pháp điển hóa đã có từ rất sớm ở Hoa Kỳ. Căn cứ vào quá trình hình thành các bộ tập hợp các đạo luật cho đến khi có các bộ pháp điển, có thể thấy, pháp điển hóa ở Hoa Kỳ có một quá trình lịch sử và nó hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Tất nhiên, cùng với ý chí, quyết tâm chính trị, Bộ pháp điển đã ngày càng được hoàn thiện và mau chóng trở nên công cụ quan trọng cho các nhà nghiên cứu, Luật sư của LVN Group và công dân Hoa Kỳ.
a) U. S. Statutes at Large
Vào cuối kỳ họp của Quốc hội Hoa Kỳ[2], tất cả các luật đơn hành (slip law) được xuất bản và đánh số thứ tự thành một bộ gọi là “U.S.Statutes at Large’’ (tạm dịch là Bộ tập hợp đầy đủ các đạo luật của Hoa Kỳ). Tất cả các luật được ban hành từ năm 1789 đều nằm trong các tập của bộ tập hợp này.
Điểm quan trọng cần lưu ý là các luật được sắp xếp theo thứ tự thời gian hơn là theo chủ đề[3]. Hơn nữa, những sửa đổi, bổ sung một đạo luật được thông qua trước đó sẽ xuất hiện trong tập khác với tập có luật đã sửa đổi. Ví dụ: một luật được thông qua năm 1900 ở trong tập 31 của Bộ tập hợp “Statutes at Large”, nếu như Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nó vào năm 1905 thì nội dung sửa đổi sẽ xuất hiện trong tập của năm này. Một số luật đã được sửa đổi rất nhiều lần và để có được đầy đủ văn bản hiện hành của một luật như vậy, phải kiểm tra, rà soát đồng thời tập của bộ tập hợp có chứa luật gốc (luật được sửa đổi) và các tập về sau của bộ tập hợp trong đó có chứa các sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, đây chưa phải là giai đoạn pháp điển hóa theo đúng nghĩa của nó, mặc dù cũng là tập hợp đầy đủ các luật nhưng mục đích để công bố (xem phần trình bày sau). Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ sự khác nhau của bộ tập hợp trước đây với bộ pháp điển hiện nay. Có thể liên tưởng cách thức làm bộ tập hợp với cách Việt Nam đang làm luật hiện nay: luật sửa đổi, bổ sung một số điều tồn tại song song với luật được sửa đổi và thực tiễn quen gọi là “luật sửa toàn diện” (hợp nhất luật gốc và các luật sửa đổi luật gốc). Một số nhà xuất bản ở Việt Nam thường tập hợp các luật gốc và luật được sửa đổi, bổ sung để in trong một cuốn sách để tiện cho việc tra cứu, tham khảo.
Phương pháp công bố các luật của Quốc hội Hoa Kỳ hàng năm gây khó khăn cho việc xác định các quy định của luật căn cứ theo chủ đề nào đó. Để thực hiện tốt hơn việc này, các luật được Quốc hội thông qua phải được sắp xếp theo ba tiêu chí sau: (i) tập hợp các luật gốc với các quy định sửa đổi, bổ sung được thông qua, sau đó trên cơ sở xem xét loại bỏ hoặc thêm vào các từ ngữ được thay đổi do sự sửa đổi, bổ sung đó; (ii) xếp lại với nhau tất cả các luật về cùng một chủ đề, và (iii) loại bỏ các luật hết thời hiệu, bị bãi bỏ, thay thế. Quá trình này gọi là pháp điển hóa[4].
b) United States Revised Statutes
Những cố gắng đầu tiên để đi đến pháp điển hóa các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ được thực hiện bởi các nhà xuất bản tư nhân và chủ yếu nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Quốc hội tiến hành việc pháp điển hóa chính thức được gọi là Revised Statutes (tập các đạo luật đã được sửa đổi) vào năm 1874 và ban hành lại bản chuẩn – bản sửa đổi vào năm 1878. Bản Revised Statutes được ban hành thành luật thực định, nhưng các lần ban hành sau đó không được nhập vào bộ pháp điển chính thức, do vậy mà các nhà nghiên cứu một lần nữa phải lục tìm nhiều tập của Bộ tập hợp đầy đủ các đạo luật “Statutes at Large”.
Theo lời nói đầu của Bộ pháp điển (Codes), thì từ năm 1897 đến năm 1907, đã có một ủy ban tiến hành tập hợp được một khối lượng lớn các luật, nhưng chưa hoàn thành công việc này. Trong những năm hai mươi của thế kỷ XX, một số nghị sỹ của Quốc hội đã khôi phục lại dự án pháp điển hóa và kết quả là Quốc hội đã thông qua Bộ pháp điển vào năm 1926.
c) Codes
Để biết được cụ thể Bộ pháp điển ra đời như thế nào, chúng ta quay trở lại với quy trình hình thành bắt đầu từ các luật đơn hành do Quốc hội thông qua. Tại Hoa Kỳ, việc lập pháp của nghị viện được công bố dưới ba hình thức, được tổ chức theo thời gian công bố: luật đơn hành (Slip Law); các luật theo kỳ họp của nghị viện (Session Laws) và bộ pháp điển (Codes).
Chính thức: Statutes at Large là hình thức công bố chính thức của luật, chứa tất cả các đạo luật được ban hành trong các kỳ họp của nghị viện. Tham khảo các luật này là có tính giá trị pháp lý cao nhất, tuy nhiên, có ba điểm cần lưu ý: thứ nhất, các luật dưới hình thức “Statutes at Large” (bộ tập hợp các đạo luật đầy đủ) chậm được công bố, thứ hai, việc sử dụng chúng bị hạn chế trong việc nghiên cứu vì không đối chiếu được nhanh với những sửa đổi mới nhất và thứ ba, là không còn nhiều thư viện còn chứa loại văn bản này[6].
Không chính thức: Bộ pháp điển không chính thức của Hoa Kỳ về các luật và quy định hành chính do Nhà xuất bản West công bố. Thực tế, đây là cách nhanh nhất để có được các luật do nghị viện ban hành với việc đánh các số trang theo Bộ tập hợp “Statutes at Large”.
Hiện nay ở Hoa Kỳ, Hội đồng sửa đổi luật (Law Revision Council – LRC) duy trì công việc pháp điển hóa, có nhiệm vụ xác định những luật nào cần được pháp điển hóa và những luật hiện hành nào bị tác động bởi sự sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; hoặc đơn giản là bị hết thời hạn có hiệu lực được ghi trong luật và theo đó cập nhật vào Bộ pháp điển. Chỉ những luật có tính áp dụng chung là được pháp điển hóa, điều này loại trừ các quy định được áp dụng cho một số người hạn chế hoặc cho một thời gian hạn chế, chẳng hạn như hầu hết các đạo luật về phân bổ ngân sách chỉ áp dụng cho một năm tài chính. Tuy vậy, nếu đó là các quy định có ý nghĩa quan trọng thì có thể được in ở phần ghi chú nằm dưới các mục liên quan của Bộ pháp điển. Thông thường thì các mục riêng của luật được nhập vào Bộ pháp điển chính xác như khi chúng được ban hành, nhưng đôi khi có những thay đổi do việc biên tập, ví dụ như cụm từ “ngày ban hành của Luật này” được thay thế bằng ngày hiện tại[7].
Bộ pháp điển U.S. Code chỉ chứa đựng những đạo luật của Nghị viện mà không có các quy định do cơ quan hành pháp ban hành trong quá trình lập quy (rule-making process). Những quy định lập quy này được công bố trong Tạp chí Đăng ký liên bang (Federal Register) và được tập hợp trong Bộ pháp điển các quy phạm lập quy của liên bang (Code of Federal Regulations – C.F.R) và được coi như một nguồn bổ sung quan trọng của luật liên bang[8].
Như vậy, tại Hoa Kỳ tồn tại song song United States Code (U.S. Code) – Bộ pháp điển gồm các đạo luật của Quốc hội và Code of Federal Regulations (C.F.R) Bộ pháp điển gồm các quy định của các cơ quan hành pháp liên bang.
3. Phương pháp, kỹ thuật trình bày bộ pháp điển ở Hoa Kỳ
Mỗi nước có cách trình bày riêng cho bộ pháp điển. Đối với nước Pháp, nội dung của một bộ pháp điển được trình bày theo một trật tự logic sau: một bộ pháp điển được chia thành nhiều quyển; một quyển được chia thành nhiều thiên; một thiên được chia thành nhiều chương[9]. Nếu như ở Pháp, Bộ pháp điển là một cuốn thống nhất gồm các quy định lập pháp và lập quy thì ở Hoa Kỳ, người ta biết đến 2 bộ pháp điển: United States Code và Code of Federal Regulations.
a) Bộ pháp điển các luật liên bang (U.S. Code)
Bộ pháp điển nàyđược chia thành 50 “title” (sau đây tạm gọi là các quyển, mặc dù từ quyển cũng chưa diễn đạt đầy đủ nghĩa của nó) là 50 chủ đề khác nhau, được tổ chức một cách logic theo lĩnh vực lập pháp như: Nghị viện, Tổng thống, nông nghiệp, thuế quan, hải quan, giao thông, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, tài chính – tiền tệ, phá sản, … Trong số các quyển này, đã có quyển được bãi bỏ như quyển số 6 về trái phiếu sau được nhập vào quyển số 31 về tiền tệ và tài chính (hay có lĩnh vực được bổ sung như chống khủng bố sau vụ việc ngày 11 – 9…).
Các quyển có thể lựa chọn cách chia thành các phụ quyển (subtitle), phần (part), phụ phần (subpart), chương (chapter), phụ chương (subchapter). Tất cả các quyển có đơn vị liên kết nhỏ nhất là section (để tránh nhầm lẫn, chúng tôi tạm gọi là mục), mặc dù các mục thường được chia thành các phụ mục (subsection), các đoạn (paragraph) và các điều (clause). Không phải mọi quyển đều dùng chung cách phân chia nói trên, mà chúng có thể sắp xếp theo trật tự khác. Ví dụ: tại quyển 26 (bộ pháp điển về thuế), trật tự được sắp xếp như sau: Quyển – Phụ quyển – Chương – Phụ chương – Phần – Phụ phần – Mục. Trong quyển số 38 (về trợ cấp của các cựu chiến binh), trật tự được sắp xếp theo: Quyển – Phần – Chương – Phụ chương – Mục. Tuy nhiên, các quyển luôn là hình thức phân chia lớn nhất của bộ pháp điển và mục là hình thức phân chia nhỏ nhất, các cấp độ trung gian được thay đổi tùy theo từng quyển.
Từ “title” trong trường hợp này tương tự như là “volume”[10], tức một quyển, một cuốn hay tập được in mặc dù có những quyển lại chứa nhiều tập. Tương tự, không có cỡ riêng hoặc độ dài cho các phần phân chia; có mục có thể in vài trang giấy, có mục chỉ có một hoặc hai câu.
Khi các mục bị bãi bỏ, phần nội dung văn bản của nó bị xóa hoặc thay thế bằng phần ghi tóm tắt những gì đã từng có ở phần đó. Điều này là cần thiết đặc biệt đối với các Luật sư của LVN Group khi họ tra cứu. Kết quả là, một số phần của bộ pháp điển gồm toàn bộ các chương rỗng quy phạm pháp luật nhưng chứa đầy ghi chú tóm tắt. Ví dụ: quyển số 8, Chương 7 có tên là ”Bài trừ Trung Quốc”. Do đó, Bộ pháp điển vẫn còn giữ các ghi chú liên quan đến Luật bài trừ Trung Quốc ( Chinese Exclusion Act) mà nay không còn hiệu lực nữa[11].
b) Bộ pháp điển các quy định của cơ quan hành chính liên bang (C.F.R)
Bản in của Bộ pháp điển các quy định của cơ quan hành chính liên bang được công bố trên Tạp chí Đăng ký liên bang (Federal Register). Các quy định pháp luật hiện hành được pháp điển hóa, sắp xếp theo chủ đề gồm 50 quyển tương tự với Bộ pháp điển các luật của liên bang (U.S. Code). Mỗi quyển của Bộ pháp điển các quy định của cơ quan hành chính liên bang được chia thành chương và phần (khác với Bộ pháp điển các luật liên bang như đã trình bày ở trên). Các chương thường mang tên của cơ quan ban hành.
Số lượng tập (volume) của mỗi quyển – lĩnh vực khác nhau, tùy theo khối lượng quy phạm. Tổng cộng hiện nay ứng với 50 quyển – chủ đề đã có tới 216 tập /cuốn và số lượng này sẽ còn tăng lên.
Bản in Bộ pháp điển C.F.R được cập nhật mỗi năm một lần, nhưng chia 50 chủ đề thành bốn nhóm, mỗi quý cập nhật kiểu cuốn chiếu một nhóm. Nếu trong một năm mà một chủ đề – quyển nào đó không có quy định mới thì Cơ quan đăng ký liên bang chỉ in lại bìa để người đọc ghim ra ngoài bản cũ. Biện pháp này giúp giảm chi phí in ấn, phát hành, ngoài ra, giúp người đọc biết ngay những lĩnh vực nào không có biến động về chính sách.
Cơ sở dữ liệu Bộ pháp điển được cập nhật hàng ngày tại Cơ quan đăng ký liên bang. Cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm xác định những điều khoản sửa đổi, bổ sung trong bộ pháp điển, còn cơ quan đăng ký liên bang chỉ soát lại.
Bộ pháp điển điện tử được cập nhật hàng ngày, thường với độ trễ chỉ 1 – 2 ngày. Do vậy, khi tra cứu Bộ pháp điển điện tử thì người dân có thể biết ngay những quy định mới nhất của pháp luật[12].
Cái khó của công tác pháp điển hóa là làm thế nào tập hợp được tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến một lĩnh vực cụ thể, thứ hai là phải sắp xếp lại văn bản theo một trật tự hợp lý và phải bảo đảm không có sai sót trong quá trình sắp xếp, không bỏ sót và việc pháp điển hóa phải luôn bảo đảm trung thành với các văn bản gốc. Kết quả là chỉ cần nhìn vào một cuốn sách duy nhất là có thể tra cứu được tất cả các quy định hiện hành mà không phải tìm ở nhiều văn bản rải rác.
c) Giá trị pháp lý của bộ pháp điển
Do quá trình tiến hành pháp điển hóa, mỗi luật với tên riêng có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện tại một vị trí cụ thể trong Bộ pháp điển. Quá trình pháp điển hóa đã tập hợp một loạt các quy định với nhau điều chỉnh các vấn đề của xã hội hay vấn đề quản lý nhà nước. Khi được pháp điển hóa, các quy định có thể được nằm ở những phần khác nhau ở các quyển khác nhau[13].
Bộ pháp điển là chứng cứ ban đầu (prima facie evidence) của luật. Tuy nhiên, Bộ tập hợp “Statutes at Large” vẫn giữ quyền tối cao và nếu có tranh chấp phát sinh như về tính chính xác hay thiếu đầy đủ của việc pháp điển hóa, thì các tòa án sẽ quay lại xem xét ngôn ngữ của luật gốc mà Quốc hội đã ban hành. Hơn nữa, Hội đồng sửa đổi luật tiếp tục quá trình sửa đổi, cập nhật và sắp xếp lại các luật hiện hành theo cách thức pháp điển hóa và khi cơ quan này hoàn thành các lĩnh vực riêng của luật, thì sẽ đề xuất ban hành các quyển của Bộ pháp điển như luật thực định (positive law). Một khi đã được ban hành thành luật, các quyển này của Bộ pháp điển bãi bỏ tất cả các quy định ban hành trước đó về một chủ đề nào đó và thông qua chính Bộ pháp điển như một đạo luật và do vậy, làm cho những quyển này thành chứng cứ pháp lý (legal evidence) của luật đang có hiệu lực.
Chỉ có một số quyển (title) của Bộ pháp điển được ban hành thành luật thực định, căn cứ vào mục 201 quyển 1 của Bộ pháp điển, toàn văn của các quyển này là chứng cứ pháp lý của các luật chứa trong các quyển này. Các quyển khác của Bộ pháp điển là những chứng cứ ban đầu của các luật có trong các quyển này[14].
4. Kết luận
– Dù ở hệ thống luật án lệ hay hệ thống luật châu Âu lục địa, khi nhìn nhận về công việc pháp điển hóa, mọi người đều thừa nhận pháp điển hóa tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận với pháp luật. Đối với các công chức, việc pháp điển hóa giúp họ hiểu rõ hơn hệ thống các văn bản pháp luật và biết rõ hơn những văn bản nào cần được áp dụng. Đối với người dân, việc pháp điển hóa giúp cho mỗi người dân biết được những văn bản nào có thể áp dụng trong trường hợp nào, qua đó, họ biết tự bảo vệ mình trước các cơ quan hành chính nhà nước cũng như trước tòa án.
– Ở Việt Nam, nếu như trước đây, số lượng văn bản pháp luật của chúng ta còn ít và Quốc hội phải ban hành nhiều văn bản mới để điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật, thì nay, số lượng văn bản lập pháp, lập quy không còn nhỏ, nhất là số lượng văn bản do Chính phủ ban hành. Mặc dù chúng ta đã có những cố gắng nhất định trong công tác rà soát, hệ thống hóa[15] nhưng còn thiếu phương pháp, quy trình hệ thống hóa. Mặt khác, hệ thống hóa vẫn chỉ đang dừng lại ở mức độ thấp (là mức độ cao hơn của tập hợp nhưng thấp hơn pháp điển hóa) và chỉ là sự tập hợp đơn thuần theo lĩnh vực, chủ đề mà chưa giải quyết, hạn chế được những mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật. Do đó, việc tiến hành pháp điển hóa các luật, pháp lệnh cũng như văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. cách làm của Hoa Kỳ là một gợi ý cho pháp điển hoá hệ thống luật pháp ở nước ta.
5. Tài liệu tham khảo
[1]Theo Giáo sư James Clauuse “Phân tích so sánh hai hệ thống pháp luật: Hoa Kỳ và Pháp”. Thông tin khoa học pháp lý, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, tháng 10-1994.
[2] “Hiến pháp Hoa Kỳ sửa đổi lần thứ 20 quy định kỳ họp thường niên của Quốc hội được tiến hành vào ngày mùng ba tháng giêng hàng năm, trừ khi Quốc hội ấn định vào một ngày khác. Quốc hội vẫn duy trì kỳ họp cho tới khi các thành viên bỏ phiếu hoãn lại, thường là tới cuối năm’’, Nguyễn Đăng Dung, Tìm hiểu pháp luật – Luật Hiến pháp đối chiếu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 361.
[3] Xem Fundamentals of Legal Research, J.Myron Jacobstein and Roy M.Mersky, New York, 1981, sđd, page 138.
[4] Xem Fundamentals of Legal Research, J.Myron Jacobstein and Roy M.Mersky, New York, 1981 và xem Fundamentals of Legal Research, J.Myron Jacobstein and Roy M.Mersky, New York, 1981
[5] Xem Fundamentals of Legal Research, J.Myron Jacobstein and Roy M.Mersky, New York, 1981, p. 137
[6] “Finding the Law in the United States of America”, Concise Legal Research, Robert Watt, The Federation Press, 1993, Sydney, p.154.
[7] http://uscode. House. Gov/codification/legislation.php.
[8] Other relevant codifications, http://uscode. House. Gov/codification/legislation.php.
[9] Bài phát biểu của ông Goulard, thẩm phán Tham Chính viện Cộng hòa Pháp, tại Hội thảo về thẩm định văn bản pháp luật, rà soát văn bản, hệ thống hóa và pháp điển hóa ngày 29-30/10/1997 tại Hà Nội.
[10] http://uscode. House. Gov/codification/legislation.php.
[11] http:wikipedia.org/wiki/United States Code.
[12] Theo kết quả khảo sát tại Hoa Kỳ của Phòng Công báo – Văn phòng Chính phủ và Báo cáo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngày 21/9/2004 của Phòng Công báo.
[13] http://uscode. House. Gov/codification/legislation.php.
[14] Những quyển sau đây của Bộ pháp điển được ban hành thành luật thực định: 1,3,4,5,9,10,11,13,14,17,18,23,28,31,32,35,36,37,38,39,40,44, 46 và 49
http://uscode. House. Gov/codification/legislation.php.
[15] Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tổ chức rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để rà soát, hệ thống hoá văn bản, kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Về phía mình, Chính phủ lại giao cho các bộ, ngành ở trung ương và Uỷ ban nhân dân ở địa phương thực hiện việc rà soát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả văn bản của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý hoặc để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử lý theo thẩm quyền.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 1 NĂM 2007 – THS. NGUYỄN THỊ HẠNH – Vụ Pháp luật hành chính – hình sự, Bộ Tư pháp