1. Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?
Xin chào công ty luật LVN Group. Tôi có một vấn đề thắc mắc cần được giải đáp như sau: Em trai tôi và bạn của nó đi uống nước ở một quán bên đường thì có một nhóm thanh niên lạ mặt đến gây sự. Họ bảo bạn của em tôi nhìn đểu họ, em tôi có đứng ra can ngăn nhưng sau đó bị họ đánh hội đồng, hiện em tôi đang đi cấp cứu ở bệnh viện. Chúng tôi có trình báo cơ quan công an, bên công an cũng đã đến bệnh viện lấy lời khai và xem qua bệnh án. Chiều hôm xảy ra vụ việc, bên công an có thông báo cho gia đình tôi rằng đối tượng đánh em tôi thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự do họ có giấy xác nhận bệnh tâm thần.
Gia đình chúng tôi rất bức xúc, không hiểu loại trừ trách nhiệm hình sự là gì và có phải cứ có giấy xác nhận tâm thần là có thể đánh người, giết người sao? Rất mong nhận được phản hồi.
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bộ phận hỗ trợ khách hàng của Công ty chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Loại trừ trách nhiệm hình sự được hiểu là việc người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được coi là tội phạm trong Bộ luật hình sự, nhưng được miễn không truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra.
Nói cách khác, người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là người thực hiện các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp của em bạn, người gây ra thương tích nghiêm trong cho em bạn rất có thể đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên, như nguồn tin bạn cung cấp, người gây ra thương tích có giấy xác nhận của bệnh viện về việc có bệnh lý tâm thần, họ có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy, theo quy định trên, để được loại trừ trách nhiệm hình sự, người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội phải đáp ứng được đồng thời hai yếu tố:
– Khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác ;
– Bệnh này phải làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng làm chủ hành vi của mình.
Như vậy, để biết người có hành vi gây tổn hại cho em bạn có được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không cần xem xét xem tại thời điểm họ gây thương tích thì họ có bị mắc bệnh tâm thần hay không, giấy xác nhận của bệnh viện có từ thời gian nào, bây giờ có còn giá trị hay không? Ngoài ra, nếu họ mắc bệnh tâm thần tại thời điểm họ gây thương tích cho em bạn, vậy bệnh của họ đã nặng đến mức gây mất khả năng nhận thức hoặc khả năng làm chủ hành vi của mình hay chưa? Bởi không phải trường hợp bệnh tâm thần nào cũng gây mất khả năng làm chủ hành vi.
Trường hợp của bạn còn rất nhiều tình tiết cần được làm rõ.
Nếu nội dung tư vấn trên đây của chúng tôi có điều gì gây nhầm lẫn hoặc chưa rõ ràng, rất mong nhận được phản hồi của Quý khách hàng đến Tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp.
Trân trọng.
2. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Loại trừ trách nhiệm hình sự là một quy định cần thiết trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, và phù hợp với thực tế khách quan và nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật, thể hiện sự linh hoạt khi áp dụng pháp luật vào đời sống thực tế. Vậy những trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự?
2.1 . Sự kiện bất ngờ
Sự kiện bất ngờ được quy định tại Điều 20 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
Điều 20. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nói một cách đơn giản, sự kiện bất ngờ là một sự kiện đột ngột xảy ra, khi một người đang thực hiện một hành vi nào đó thì sự kiện này xuất hiện, dẫn đến việc hành vi đang được thực hiện này gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội. Người thực hiện hành vi không thể thấy trước được hậu quả này hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Trường hợp này pháp luật cho phép loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi.
Ví dụ: A đang lái xe đúng tốc độ và đúng phần đường của mình, đột nhiên có một em bé chạy ngang qua đường. Vì sự việc xảy ra quá đột ngột, A phản xạ tự nhiên đánh tay lái sang bên trái, chẳng may gạt vào đuôi xe của một người khác đang lưu thông trên đường, khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng, đi sửa hết hơn 100 triệu. Nhưng trường hợp của A có thể được miễn trách nhiệm hình sự do A phải bất ngờ đánh tay lái và không buộc phải thấy trước hậu quả gây thiệt hại cho người khác cùng đi trên đường.
2.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Tình trạng không có năng lực hình sự được quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy, theo quy định trên, để được loại trừ trách nhiệm hình sự, người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội phải đáp ứng được đồng thời hai yếu tố:
– Khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác ;
– Bệnh này phải làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng làm chủ hành vi của mình.
Ví dụ: A có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (mắng chửi hàng xóm liên tục) nhưng A có bệnh án bệnh tâm thần, không nhận thức được hành vi mắng chửi của mình. Do vậy, A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
2.3. Phòng vệ chính đáng
Phòng về chính đáng được Bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Ví dụ: B cầm dao đuổi đánh A. Trong quá trình chạy trốn, A bị dồn vào đường cùng và nhặt được một chiếc gậy bên đường và đánh một lần vào vị trí tay cầm con dao của B với mục đích để B làm rơi con dao xuống đất. Sau đó B đi giám định tỷ lệ thương tật là 3%. Cơ quan công an kết luận đây là phòng vệ chính đáng, nên A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.4. Tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết được quy định trong Bộ luật hình sự tại Điều 23 như sau:
Điều 23. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nhà của A, B, C,… lần lượt ở liền kề nhau trong cùng một dãy nhà kho liền kề. Khi nhà kho của A bị cháy lớn không thể dập tắt và đang có dấu hiệu sẽ lan ra đến các nhà còn lại, cơ quan có thẩm quyền buộc phải đưa ra biện pháp đập cửa nhà kho B, di tất cả hàng hóa và tiến hành phá bỏ nhanh chóng nhà kho để tạm thời ngăn chặn đám cháy.
2.5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
Trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định như sau:
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: A là cảnh sát hình sự, đang tham gia triệt phá đường dây buôn bán ma túy lớn. Bằng biện pháp nghiệp vụ của mình, A và đồng đội phát hiện một chiếc xe hiệu BMW đang vận chuyển trái phép một lượng lớn chất ma túy. Sau khi phát tín hiệu yêu cầu dừng xe, tài xế cố thủ trong xe , A và đồng đội buộc phải phá cửa xe để tiếp cận và bắt giữ đối tượng. Hành vi của A mặc dù là hành vi hủy hoại tài sản của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ
Rủi to trong nghiên cuwusm thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ được quy định như sau:
Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: A là thành viên của phòng nghiên cứu khoa học đang thực hiện dự án phát triển giống cây trồng nông nghiệp, nhưng dự án thất bại, gây thiệt hại lớn cho phòng nghiên cứu. Tuy nhiên do đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên
Miễn trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên được quy định như sau:
Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu có bất cứ vấn đề gì gây nhầm lẫn hoặc chưa rõ ràng trong nội dung bài viết, rất mong nhận được phản hồi từ Quý khách hàng tới Tổng đài 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng.