Khiếm khuyết cơ chế

Từ việc khám, chữa bệnh (KCB) được bao cấp hoàn toàn sang KCB tự chi trả đến KCB được bảo hiểm y tế chi trả là cả một bước tiến trong quá trình xây dựng đời sống có an sinh xã hội văn minh, bền vững và hợp lý.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, kể từ khi xuất hiện BHYT, dư luận xã hội vẫn râm ran, phàn nàn về chuyện dài BHYT.
Xem ra giữa “3 nhà”: người bệnh, người cung cấp dịch vụ y tế (bác sĩ – bệnh viện) và người quản lý quỹ BHYT không hài lòng lẫn nhau, không có tiếng nói chung và cuối cùng trở thành mâu thuẫn gây gắt.

Chuyện phải đến sẽ đến. Dư luận đã từng phản ứng mạnh mẽ và gay gắt trước những quy định quá lạc hậu của Nghị định 58/CP, Thông tư 14/TTLB, đặc biệt là khi được quỹ BHYT có lúc kết dư 2.000 tỷ đồng trong khi kinh phí dành cho điều trị thiếu đủ thứ.

Điều bất hợp lý ở đây là khi tiền mua BHYT tăng gấp đôi nhưng BHYT được chi trả vẫn giữ nguyên. Đây không còn là quan hệ xin – cho mà là quan hệ sòng phẳng giữa người mua và người bán.
Việc quy định danh mục chi trả về thuốc, kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị, mức trần chi trả, tỷ lệ đồng chi trả 80/20%… đưa đến những tình huống phi lý, thương tâm, rất thiếu y đức.
Từ cơ chế chi trả bất hợp lý, không sòng phẳng như vậy tất yếu dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử giữa hai đối tượng người có thẻ BHYT và người tự chi trả theo giá của bệnh viện yêu cầu là lẽ đương nhiên khó tránh khỏi.
Ở đây khó có thể cải thiện tình hình bằng cách kêu gọi lương tâm, y đức, tinh thần trách nhiệm… Cái gì khiếm khuyết từ cơ chế phải xử lý bằng cơ chế!

>> Luật sư tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến (24/7) gọi số :1900.0191

Một câu hỏi đặt ra là tại sao người bệnh thiếu đủ thứ, cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp… nhưng quỹ BHYT kết dư!? Có hay không nhiều người chết oan, tàn phế suốt đời, bệnh triền miên kéo dài do sử dụng quỹ không hết? Suy luận như vậy thì vô chừng.
Điều đáng nói ở đây là phải cùng nhau thấu hiểu mục đích của việc mua bảo hiểm nói chung và BHYT nói riêng. Suy cho cùng, BHYT là nhiều người bỏ tiền ra giúp một số người khi không may bị bệnh (có khi một lúc nào đó có cả ta).
Người phụ trách quỹ BHYT coi như giữ hộ người mua bảo hiểm, nhưng điều tiên quyết là không làm mất vốn, phải ưu tiên đưa vốn BHYT đến chi trả cho người bệnh, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho bệnh viện.
Thời gian vừa qua lại xuất hiện một tình trạng ngược lại, do chi trả bị lợi dụng, lạm dụng quá mức đưa đến tình trạng quỹ BHYT bị thâm hụt.

Bao giờ hết cảnh “khi quá tả, khi quá hữu”?

Để đa dạng hóa, nên có hai loại dịch vụ BHYT là BHYT cơ bản và BHYT bổ sung. Đây là mô hình hiện bắt đầu được áp dụng ngay cả tại các nước phát triển vốn đã có BHYT toàn dân từ lâu. Bởi vì tại các nước này, đây là cách để họ thích ứng với giá dịch vụ y tế ngày càng cao và tại những nước này thì phần BHYT bổ sung do các cơ quan bảo hiểm tư nhân lo.
Như vậy mới tránh được các khuynh hướng thanh toán “khi quá tả, khi quá hữu” làm quỹ BHYT lúc kết dư, lúc thâm hụt gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân nhà nước phải hỗ trợ để nông dân tham gia BHYT bắt buộc bắt đầu từ năm 2010, không thể kéo dài lâu hơn nữa với lực lượng hàng chục triệu nông dân!
Đồng thời phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc cấp thẻ BHYT và phải có chế tài buộc các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động thực hiện nghiêm BHYT bắt buộc.

Để nâng cao y đức, đề nghị luật phải quy định trách nhiệm của cơ quan y tế, bác sĩ, y sĩ trong việc đảm bảo y đức, tránh tình trạng vô cảm, phân biệt đối xử đối với người khám và điều trị bằng thẻ BHYT.
Trong khi đó để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Ban soạn thảo cần suy nghĩ có một định chế khả thi trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng của các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Việc quy định cứng về khám, chữa bệnh có thẻ BHYT phải theo tuyến mới được chi trả là bất hợp lý. Đề nghị nên quy định người có thẻ BHYT được khám chữa bệnh ở bất cứ nơi nào thuận lợi cho mình, không nên thực hiện BHYT theo đơn vị hành chính.

Thực trạng hiện nay dịch vụ, kỹ thuật ở một trạm y tế một xã vùng sâu, vùng xa có thể nói khác một trời một vực so với nơi khám chữa bệnh ban đầu của thành thị, từ đây dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh.
Luật cần có điều khoản giao cho Nhà nước có biện pháp quản lý chất lượng của loại hình BHYT sao cho chính sách BHYT được phát triển bền vững, đảm bảo cho các đối tượng tham gia BHYT, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng sự chăm sóc y tế khi cần đến, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của chính sách y tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tóm lại, Luật BHYT ra đời phải tạo ra một tình thế mới, một bước tiến bộ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự công bằng dân chủ trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội của mọi công dân.

SOURCE: VIETNAMNET.VN – TS. DIỆP VĂN SƠN

Trích dẫn từ: http://tuanvietnam.net/

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)