Đó là những nội dung chính trong bài tham luận của Luật gia Vũ Xuân Tiền – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng” vừa được Ban Pháp chế – VCCI kết hợp với Cục quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương tổ chức vào ngày 12/8/2009 tại Hà Nội.

Nội dung tham luận của Luật gia Vũ Xuân Tiền tại buổi Hội thảo:

Dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng (DT4) đã được Ban soạn thảo đưa ra trưng cầu ý kiến góp ý của nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà quản lý và nghiên cứu. Với 9 chương, 71 Điều khoản, DT4 đã đề cập đến rất nhiều vấn đề nhằm bảo vệ đến mức cao nhất cho người tiêu dùng. Đó là một tất yếu khách quan của kinh tế xã hội chủ nghĩa và đáp ứng những yêu cầu cao hơn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để Luật Bảo vệ người tiêu dùng phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, còn những vấn đề trong DT4 cần được xem xét một cách toàn diện và hài hòa hơn.

Với các thương nhân – cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm

Các thương nhân – người sản xuất, kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ là đối tượng quan trọng nhất trong việc thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD). Vì vậy, các quy định của Luật cần bảo đảm sự minh bạch đến mức cao nhất về quyền và nghĩa vụ của thương nhân. Với mục đích trên, xin kiến nghị bổ sung, sửa đổi những vấn đề sau:

1. Về trách nhiệm thông tin cho người tiêu dùng: Đề nghị bổ sung vào Điều 6 DT 4 một trách nhiệm quan trọng của thuơng nhân là:Cung cấp cho người tiêu dùng các bằng chứng về cơ sở pháp lý của hàng hóa, dịch vụ do thương nhân kinh doanh”. Đây là thông tin có ý nghĩa rất quan trọng để người tiêu dùng biết rõ hàng hóa sẽ mua và sử dụng xuất xứ từ đâu, có phải là hàng hóa hợp pháp hay không. Việc cung cấp thông tin trên còn nhằm ngăn chặn những hành vi lừa đảo, bán và cung ứng những thứ mà thương nhân không hoặc chưa có như việc bán nhà từ các dự án “ma” đã và đang xẩy ra.

2. Về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng: tiết c khoản 3, Điều7, DT 4 đã quy định trách nhiệm của bên thứ ba là: “c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh được đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của thông tin”. Quy định như trên là hợp lý. Song, thông qua quảng cáo để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là biện pháp phổ biến hiện nay của các thương nhân. Trong trường hợp này, bên thứ ba là tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo, đơn vị phát hành quảng cáo. Vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ của Luật, cần bổ sung quy định nêu trên vào Luật Quảng cáo. Rất đáng tiếc, tại Điều 10 Nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và Điều 14. Nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo trong Dự thảo Luật Quảng cáo đã công bố lại không quy định trách nhiệm liên đới này.

3. Về hành vi ép buộc người tiêu dùng: Khoản 4 Điều 9 DT 4 quy định một hành vi được coi là ép buộc người tiêu dùng và bị cấm đối với các thương nhân là: “Từ chối giao dịch với một hoặc một số người tiêu dùng nhất định trong cùng các điều kiện thương mại mà thương nhân đã thực hiện giao dịch với khách hàng khác, trừ các trường hợp bất khả kháng”. Chúng tôi cho rằng quy định như trên không hợp lý vi phạm quyền của thương nhân trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự và Luật Thương mại.

4. Về hợp đồng theo mẫu: Khoản 4 Điều 13 DT 4 quy định: “Thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng có sử dụng hợp đồng theo mẫu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi sử dụng”. Theo chúng tôi, quy định nêu trên là không cần thiết và về bản chất là làm phát sinh thêm một “giấy phép con”. Chỉ cần quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng có quyền yêu cầu thương nhân hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu theo đề nghị của người tiêu dùng hoặc trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng” tại khoản 5 Điều 13 là đủ phục vụ cho mục đích bảo vệ người tiêu dùng,

Công tác quản lý về bảo vệ người tiêu dùng – cần đảm bảo tính khả thi

Công tác quản lý nhà nước nhằm thực hiện Luật BVNTD có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, để công tác quản lý nhà nước có hiệu lực trong thực tế, rất cần đảm bảo tính khả thi cho những quy định trong văn bản luật. Về vấn đề này, đề nghị nghiên cứu kỹ hơn những vấn đề sau:

1.Về trung tâm hòa giải: Điều 25 DT 4 quy định: “1. Trung tâm hòa giải là tổ chức phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. 2. Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí hòa giải và các nguồn thu hợp pháp khác”. Với quy định như trên, những câu hỏi được đặt ra là: Trung tâm hòa giải là loại hình tổ chức gì? Hoạt động hòa giải rất phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức sâu và rộng, song trung tâm hòa giải lại là một tổ chức phi lợi nhuận, không được hỗ trợ từ NSNN, phải tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí hòa giải thì liệu trung tâm hòa giải có tồn tại được hay không? Có những biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng hoạt động thu lợi nhuận núp dưới danh nghĩa một tổ chức “phi lợi nhuận”? Có thể giao việc hòa giải giữa thương nhân và người tiêu dùng khi có tranh chấp cho Trọng tài kinh tế, các văn phòng luâtl sư, các công ty tư vấn được thành lập hợp pháp được không?

2. Về thủ tục hòa giải: Khoản 4 Điều 28 DT 4 quy định: “Các bên tranh chấp có quyền rút khỏi quá trình hoà giải tại bất kỳ thời điểm nào sau khi đã có thông báo bằng văn bản cho Trung tâm hoà giải và bên kia”.Chúng tôi cho rằng, quy định như trên không hợp lý có thể dẫn đến sự tùy tiện trong việc khiếu kiện của người tiêu dùng. Hơn nữa, rất có thể từ quy định “quá thoáng” này, hành vi khiếu kiện nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện, gây rắc rối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân bị khiếu kiện trong một thời gian nhất định sau đó sẽ rút khỏi quá trình hòa giải.

3. Về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành: Khoản 2. Điều 30 DT 4 quy định: “Trong trường hợp một bên không tự nguyện thi hành các nghĩa vụ theo biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 31 của Luật này ra quyết định buộc thi hành” và khoản 2 Điều 33 DT 4 quy định: “ 2. Trong trường hợp bên phải thi hành nghĩa vụ không thực hiện quyết định của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương thì Cơ quan bảo vệ người tiêu dung có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều này”. Những quy định nêu trên về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành không tương xứng với địa vị pháp lý của Trung tâm hòa giải. Nếu thực hiện theo những quy định đó, Trung tâm hòa giải đã làm thay công việc của Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài.

4. Về cơ quan bảo vệ người tiêu dùng: Khoản 1 Điều 54 quy định:Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng”. Thiết nghĩ, Luật cần làm rõ đó là cơ quan nào? Sẽ thành lập mới hay bổ sung chức năng cho các cơ quan hiện nay? Khoản 2 Điều 61 qiuy định: “Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng được thành lập và hoạt động theo các quy định của pháp luật” và khoản 3 quy định: “ 3. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hoạt động phi lợi nhuận và không nhận tài trợ, hỗ trợ tài chính trực tiếp từ các thương nhân”. Tương tự như Trung tâm hòa giải, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ được thành lập và hoạt động theo Luật nào? Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động được lấy từ đâu? Đó là vấn đề rất quan trọng cần được giải quyết để tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể hoạt động được.

Cần hướng đến việc hình thành những người tiêu dùng văn minh

Người tiêu dùng là đối tượng điều chỉnh của Luật bảo vệ người tiêu dùng. Hơn nữa, Luật bảo vệ người tiêu dùng cần đặt ra mục tiêu từng bước hình thành những người tiêu dùng văn minh, có đủ kiến thức tự bảo vệ mình. Với mục đích đó, xin kiến nghị:

1.Bổ sung vào DT 4 điều khoản về trách nhiệm tự bảo vệ của người tiêu dùng với những nội dung như: người tiêu dùng có trách nhiệm tìm hiểu về chất lượng, xuất xứ, cơ sở pháp lý của hàng hóa, dịch vụ sẽ tiêu dùng; không tiêu dùng những hàng hóa không rõ về cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, có thể nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng….

2. Về trách nhiệm của người tiêu dùng trong vụ án dân sự: Khoản 1 Điều 44 DT 4 quy định:1.Trong vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ để chứng minh lỗi của thương nhân”. Theo chúng tôi, quy định nêu trên không hợp lý, đã bảo vệ quá mức cần thiết đối với người tiêu dùng và có thể dẫn đến những hành vi vi phạm khác nghiêm trọng hơn.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam

Nguồn:Diễn đàn Doanh nghiệp