Luật Doanh nghiệp vẫn chưa làm tốt vai trò “người làm vườn”, tức giúp doanh nghiệp “cắt gọt” các bộ phận hoạt động không hiệu quả.Tuy nhiên, vai trò bà đỡ đã làm lu mờ một vai trò khác không kém phần quan trọng: tạo hành lang pháp lý cho quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Hay nói cách khác, Luật Doanh nghiệp phải thực hiện được vai trò “người làm vườn”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “cắt gọt” những bộ phận không hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Vai trò này, hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các quy định về tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp mà còn cả việc mua bán vốn góp/cổ phần, mua bán dự án, tài sản của doanh nghiệp. Bài viết này chỉ tập trung vào các quy định về tổ chức lại doanh nghiệp.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Nhiều lợi ích
Vai trò người làm vườn tạo ra nhiều lợi ích cho các bên liên quan và cho cả nền kinh tế.
Đối với nhà đầu tư, vai trò này giúp họ gia nhập thị trường thông qua việc mua vốn góp, cổ phần, thậm chí là mua lại toàn bộ doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, điều này cho họ khả năng rút lui khỏi thị trường khi làm ăn thua lỗ hoặc không muốn tiếp tục kinh doanh (thông qua việc bán doanh nghiệp) hoặc cơ cấu lại doanh nghiệp (như bán tài sản, chi nhánh…).
Đối với Nhà nước, doanh nghiệp được tái cấu trúc có thể tạo ra nguồn tài chính để đóng thuế cho Nhà nước, thay vì tiếp tục trở thành gánh nặng (vì hoạt động không hiệu quả).
Đối với nền kinh tế, vai trò này tạo ra khả năng chu chuyển và lưu thông vốn nhanh chóng trong nền kinh tế. Nếu một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không chỉ tài sản của doanh nghiệp bị mất đi theo thời gian, mà nguồn lực của xã hội cũng bị hao phí một phần. Vai trò người làm vườn có thể giúp rút vốn từ lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả để chuyển sang lĩnh vực hiệu quả hơn.
Nhìn rộng ra, vai trò này giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bằng việc loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đồng thời giải phóng lượng tài sản đang bị chôn trong các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ở góc độ tiêu cực, các công cụ “làm vườn” như mua bán, sáp nhập có thể được sử dụng để thâu tóm doanh nghiệp và hình thành một hoặc một vài doanh nghiệp độc quyền. Điều này dẫn đến hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Chưa được quan tâm đúng mức
Tầm quan trọng của vai trò người làm vườn là không thể chối cãi. Tuy nhiên, vai trò này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Điều này có thể thấy qua việc Luật Doanh nghiệp 2005 vẫn chưa cập nhật và kịp thời điều chỉnh các vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, dù đã có 6 năm thực hiện.
Đó là lý do Chính phủ đã phải bổ sung các quy định về tái cấu trúc doanh nghiệp bằng các văn bản dưới luật để giải quyết những khó khăn phát sinh từ thực tế, cụ thể là Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5.9.2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa bao quát được những vấn đề phát sinh. Không những vậy, nó còn tạo ra một hệ lụy là những hình thức tái cấu trúc doanh nghiệp tương tự nhau lại được điều chỉnh bằng các quy định với hiệu lực pháp lý khác nhau.
Vướng mắc đầu tiên là các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp trong Điều 150, 151, 152 và 153 đều được xây dựng theo hướng chỉ có các công ty cùng loại như công ty cổ phần (CTCP) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) mới được sáp nhập, hợp nhất với nhau và chỉ có thể chia, tách công ty thành các công ty cùng loại.
Cách hiểu này ngăn cản khả năng chia, tách, sáp nhập, hợp nhất giữa các công ty không cùng loại. Sẽ là không hợp lý khi luật không cho phép hợp nhất hoặc sáp nhập công ty TNHH vào CTCP và ngược lại, vì sau khi hoàn tất quá trình hợp nhất hoặc sáp nhập, các doanh nghiệp bị hợp nhất, sáp nhập sẽ biến mất. Khi đó, luật chỉ có thể quản lý doanh nghiệp mới sinh ra sau hợp nhất hoặc sáp nhập. Như vậy, hình thức của các doanh nghiệp trước đó không phải là vấn đề quan trọng. Hơn nữa, với các quy định này, Luật Doanh nghiệp đã không dự liệu khả năng chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và công ty hợp danh (CTHD).
Vướng mắc thứ hai là về các quy định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp quy định 5 loại hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên, công TNHH hai thành viên, CTCP, CTHD và DNTN). Giả sử, có thể chuyển đổi tự do qua lại giữa các loại hình doanh nghiệp (từ một doanh nghiệp chuyển đổi sang 4 loại hình còn lại), thì sẽ có tổng cộng 20 cách chuyển đổi.
Tuy nhiên, luật hiện hành chỉ cho phép thực hiện 8/20 cách chuyển đổi. Cụ thể là chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên hoặc CTCP và ngược lại; công ty TNHH hai thành viên thành Công ty TNHH một thành viên hoặc CTCP và ngược lại; chuyển đổi DNTN thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH hai thành viên.
Trong các loại hình doanh nghiệp, CTHD hiện chưa thể chuyển đổi được thành loại hình công ty nào khác. Sự hạn chế này không đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp và nhiều giao dịch mua bán doanh nghiệp không thể thực hiện do thiếu sơ cở pháp lý. Hơn nữa, điều này còn khiến các doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn (DNTN, CTHD) và các loại hình doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn (công ty TNHH, CTCP…) trở nên cách biệt với nhau và không thể chuyển đổi qua lại.
Vì thế, trên thực tế, cách duy nhất và khá là tốn kém để chuyển hoạt động của CTHD sang công ty TNHH là đóng cửa CTHD đang hoạt động để thành lập công ty TNHH mới, thay vì chỉ cần thực hiện thủ tục chuyển đổi và vẫn tiếp tục kế thừa tên gọi, thương hiệu, tài sản, nhân công… của công ty bị chuyển đổi.
Suy cho cùng, loại hình chịu trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn chỉ có ý nghĩa một khi doanh nghiệp bị phá sản. Trong khi đó, không doanh nghiệp nào quá quan tâm đến việc đối tác của mình chịu trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn vì lợi ích mong muốn khi giao dịch làm ăn là lợi nhuận thu được, chứ không phải tranh nhau phần tài sản còn lại khi đối tác bị phá sản. Vì vậy, sẽ không hợp lý khi luật không cho phép chuyển đổi qua lại giữa các loại hình doanh nghiệp.
Có thể nói, Luật Doanh nghiệp hiện hành nhìn nhận doanh nghiệp với tư cách là các thực thể pháp lý đơn lẻ, mà chưa đặt doanh nghiệp trong hoàn cảnh thực với tư cách là các chủ thể của cộng đồng kinh doanh với vô vàn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhau. Với biến động không ngừng của kinh tế thế giới và trong nước năm 2008 và 2009, nhiều doanh nghiệp đã nghiêm túc xem xét khả năng tái cấu trúc để tồn tại và phát triển. Đây là lúc để Luật Doanh nghiệp thể hiện trọn vẹn vai trò người làm vườn của mình. Hơn nữa, cần có sự rà soát và thống nhất các quy định trong Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
SOURCE: TẠP CHÍ NHỊP CẦU ĐẦU TƯ – THS. TRẦN THANH TÙNG – Công ty Luật Phước & Partners
Trích dẫn từ: http://www.nhipcaudautu.vn